Cá dở thì hấp hành tươi/ Cá ngứa thêm nấm, cá buôi thêm ngò (ca dao). Cá dở đang được người dân Quảng Bình và một số tỉnh lân cận săn lùng ráo riết bởi nó được truyền tụng là đem lại may mắn cho người mua. Con cá này cũng được dân gian làng biển cho rằng nếu bắt được vào mùa cuối năm sẽ hanh thông vạn ngày. Chính vì thế cá dở được săn đón như vật quý, ngay ở những bến cá lớn, chợ búa sầm uất không dễ gì mua được, phần vì giá đắt phần vì cá dở ngày càng vắng bóng đến kỳ lạ.
Hiếm như gỗ sưa
Lão ngư Nguyễn Văn Ty ở làng Sa Động, xã Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình) từng được mệnh danh là “vua cá dở”, mỗi năm thường đưa từ biển Đông về hàng ngàn con, thu lợi hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng, nhưng mấy năm gần đây, theo ông: “Cá dở vắng xa tàu biển ngư dân, tìm con cá dở biển Đông nhọc nhằn, khó khăn chẳng khác gì phu rừng đạp cội tìm sưa”.
10 năm trước, người làng chài ra biển tìm cá dở êm như trở bàn tay, cứ tìm những rạn san hô cách bờ chừng chục hải lý, buông câu là có từng mớ cá dở nhiều khi ăn không hết, có những lúc bán rẻ như cho. Lão ngư Trương Phương Xa nói: “Chúng tôi lớn lên đều rành những loài cá ở biển, rành cả mùi tanh của mỗi loài, chỉ nhìn cái vảy là biết loài nào theo tiếng địa phương, riêng con cá dở, chẳng những biết nó từ vảy mà còn biết nó sinh nở thế nào và dòng giống của nó được người dân kẻ ruộng và kẻ biển trân trọng ra sao”.
Theo cụ Xa, cá dở là loài có khí khái ở vùng rạn san hô, đời sống vợ chồng chung thủy, cá cái và cá đực kết duyên suốt đời. Cá đực lôi kéo rong biển về dưới rạn làm tổ cho cá cái đẻ trứng. Tổ của chúng thường kín đáo, tránh những dòng hải lưu. Trong quá trình ấp trứng chờ đợi cá con ra đời, cá dở bố mẹ thay nhau giữ tổ và kiếm mồi. Cá con nở ra được chăm bẵm chu đáo, gặp nguy hiểm, cả cá bố mẹ há mồm ra cho đàn con chui vào, đến lúc an toàn mới thả con ra.
Những ngư dân kinh nghiệm như cụ Ty cho biết: “Mồi nhử cá dở tùy con nước hải triều, khi nước lên phải dùng cá hố làm mồi, khi nước xuống lại dùng cá bạc má. Cá dở sống ở tầng đáy, người câu phải thật rành rẽ mới kiếm được nó. Có ngày câu được rất nhiều, nhưng có ngày lênh đênh nắng gió chẳng gặp con nào, bởi nó ráy mồi rất khôn, người cầm câu phải rẽ nước thật nhanh mới bắt được”.
Con cá huyền thoại
Cá dở là tên địa phương, tên khoa học là Lutjanus. Hương vị cá dở là trứ danh, đến mức huyền thoại. Người không rành nấu ăn, kho con cá dở này cũng thành món ngon. Theo các ngư dân, cá dở kho nước hay nấu khô đều cho hương vị ấm áp, đậm đà, cá biển nhưng vị không tanh, lại hấp dẫn bởi thớ thịt béo lừng không ngấy, ai có dịp ăn một lần, sẽ da diết mãi không quên.
Cá dở là món ăn rất ngon, nhưng lại mang cái tên “dở” có nguồn gốc từ xưa, khi có lệnh ngư dân đánh bắt được cá này phải cống nộp cho vua chúa, bởi ngon nức tiếng. Người ở cung đình ăn vào khen ngon, muốn biết danh cá.
Quan tuần phủ về làng biển xứ Quảng theo lệnh để tìm hiểu về đặc sản này. Người xứ biển, vốn phải cống nộp vất vả bởi việc phải giữ cho cá tươi trong suốt chặng đường từ Quảng Bình vào Huế, nên đã thông minh nghĩ ra cách gọi tên loài cá ngon này là “cá dở” để bẩm báo với quan triều đình. Từ đó, người của cung đình không sử dụng “cá dở” trong bữa ăn cho vua chúa, bởi loài cá huyền thoại bị biến thành “dở” nghĩa là đồ bỏ đi. Ngư dân cũng nhẹ gánh bao lao tâm cống nộp cầu kỳ vất vả.
Cá dở là đặc sản vượt cả cá loi, cá chình, thậm chí còn ngon hơn cả cá hồi xứ lạnh. Dữ liệu gia phả của một số làng biển ở xã Bảo Ninh còn tôn vinh cá dở là “đệ nhất may mắn”. Lão ngư Xa giải thích: “Ngày xưa cha ông chúng tôi xem trúng cá dở là may mắn đến vạn ngày. Cứ cuối năm, thuyền nào câu được cá dở trong ngày đầu tiên ra biển, chắc chắn chuyến đó cá luôn đầy khoang. Đến bây giờ cũng có nhiều thuyền may mắn như thế, nhưng trúng nhiều thứ cá khác vì cá dở ngày nay quá hiếm, không thể bắt được hàng tạ, hàng tấn như xưa”.
Về chợ cá bên sông Nhật Lệ, ai cũng hỏi cá dở, nhưng nay quả là nó quá hiếm. Mỗi ký cá dở từ 250.000 đồng đã tăng lên 400.000 đồng, thậm chí nhiều bữa chợ vọt đến 500.000 đồng nhưng không có đủ bán. Chị Lê Thị Mận, một người thường xuyên có mối cá dở trực tiếp từ biển, cho biết: “Ăn cá dở là may mắn, bữa cơm mà có khúc cá dở trong nhà là vui lắm nhưng đặt hàng rất khó, chủ tàu có cá dở thường hét giá cao, nhưng cao vẫn không có đủ bán”.
Bữa chợ cá bây giờ, con cá dở khoảng 4kg có giá đến 2 triệu đồng, ngư dân thấy cá dở được giá nhìn vào khoang thuyền mà chạnh lòng. Cá dở trên biển ngày càng hiếm và đã có mặt trong Sách đỏ cần bảo tồn. Bao lão ngư từng một thời lừng lẫy với loài cá quý hiếm như gỗ sưa này giải thích, chắc do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường mà con cá trứ danh này dần vắng bóng.
May mắn, bưng bát cơm có món cá dở, lại nhớ một huyền thoại vang bóng, nhớ một sản vật của biển Đông, cũng thương vô cùng những ngư dân ngày đêm kiếm cá về bờ giữa bao chìm nổi sóng gió...
MINH PHONG