Nhớ mùa trâm của ba

Hôm rồi gặp lại bác, bác hỏi ba con có khỏe không, công tác thế nào. Con trả lời, ba con ốm lắm, tóc bạc hết rồi, ba đen hơn ngày xưa, làn da đó mỗi khi con chạm tay vào thấy đau thấu trong lòng, mà ba hay uống rượu, mỗi khi say ba lại hát “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây...”. Vầng trán ba nhăn lại vài lớp, nhưng đôi mắt của ba con trong veo, trong như hạt nhãn khi ăn hết phần cơm rồi mà vẫn sóng sánh dưới nắng mặt trời.
Nhớ mùa trâm của ba

Hôm rồi gặp lại bác, bác hỏi ba con có khỏe không, công tác thế nào. Con trả lời, ba con ốm lắm, tóc bạc hết rồi, ba đen hơn ngày xưa, làn da đó mỗi khi con chạm tay vào thấy đau thấu trong lòng, mà ba hay uống rượu, mỗi khi say ba lại hát “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây...”. Vầng trán ba nhăn lại vài lớp, nhưng đôi mắt của ba con trong veo, trong như hạt nhãn khi ăn hết phần cơm rồi mà vẫn sóng sánh dưới nắng mặt trời.

Mỗi tháng ba con về nhà một lần, mỗi lần về được hai hay ba ngày rồi phải lên lại cơ quan. Con chưa lên chỗ ba đóng quân xem nó thế nào, nhưng ba con kể ở rừng không là rừng. Muốn ra quốc lộ phải đi qua con đường khô cằn sỏi đá, đá lởm chởm, đá ngổn ngang, từng thớ đất cứng ngơ cứng ngắc, toàn cảnh ngặt nghèo một miền xa xôi nhưng đầy thương yêu. Ở đó tuy xa nhà nhưng ba con không thiếu tình thương, người dân quý ba con lắm, có tiệc tùng gì cũng gọi ba con chung vui, có trái cây ngon đem biếu, ba con nói sống như vầy mà cái tình người nó thấm sâu vào tâm can, không dễ gì dứt ra được.

Con đoán bác sẽ giật mình khi nghe con kể có một thời ba con đi bán trâm. Nhà của con ngày xưa ở sát ngọn đồi có nhiều cây trâm rừng. Mỗi mùa trâm chín, sớm tinh mơ khi đoàn thuyền ồ ạt ra khơi, ba con lại đem bao tải loại to lên đồi hái trâm đem đến mấy trường học bán, một lon 500 đồng. Mẹ con ngồi bệt xuống đất lựa trâm, lựa những trái nào chín đen căng mọng đem về cho con, con thích ăn trâm lắm, vị chát chát cay xè nơi đầu lưỡi như vị mồ hôi của ba con, mằn mặn mà sao con xót quá chừng bác ơi. Trâm thương ba con nên năm nào cũng ra trái xum xuê, trái níu vào nhau từng chùm trĩu nặng mấp mé dưới bờ cát nóng bỏng, lá trên cây xanh rì, thoang thoảng hương rừng, mùi biển thốc vào đám xương rồng xù gai lì lợm, bước chân ba con vùi vào trong cát.

Ngộ ghê đó, con tin rằng, nếu bác gặp lại ba con bác sẽ giật mình y như con mấy tháng không gặp, cái lo âu in dấu trên khuôn mặt, nụ cười tươi tắn đến lạ lùng toát ra ở người bộ đội cần mẫn, cái già đeo bám từng ngày, cái già tranh đua với thời gian, miệt mài trên từng khoảnh khắc của cuộc đời dài đằng đẵng. Con nói thiệt, ba mẹ con có bao giờ quên được những mùa trâm đó đâu, đơn giản chỉ là màu đen bóng của trâm, hơi sương của đất trời, màu bình minh buổi sáng, vầy mà cứ nhớ hoài nhớ mãi. Mẹ con rưng rưng mỗi khi kể lại, cái hồi đó sao mà hy vọng ngập tràn. Con vẫn luôn tin rằng, đời con chứa đầy ký ức khát khao vươn lên gian khó của gia đình. Ba mẹ con an ủi nhau, kéo tụi con vào lòng, tự nhiên con thấy trách nhiệm của mình thật lớn bác à, sống để cho đi tình yêu thương và sống có trách nhiệm là tâm nguyện của con.

Bác có biết vì sao ba con mãi vẫn không bỏ được thuốc lá không, con đoán tại ba con hoài niệm miết về mùa trâm, cái mùa trâm nó ăn sâu vào đầu óc con người, hôm bữa con lại thấy ba con nằm võng hút thuốc, ông nhìn về phía con đường dẫn ra biển gật gật đầu. Đó, bác thấy chưa, con nói có sai đâu. Ba con nặng tình nặng nghĩa lắm.

Đôi lúc con thèm sống một cuộc sống như ngày xưa. Thèm sống với những lo âu, vất vả đời thường. Thèm bữa cơm có đầy đủ bốn thành viên bên nồi canh rau đắng nóng hổi, cá nục biển kho khô chấm rau lang của ba con trồng. Thèm ngồi trên thúng ngó ra chân trời xa mịt mùng, miệng mút nước cốt của trâm chảy nhễ nhãi xuống bàn chân chim bé tẹo... Ba và con tin rằng, dù cuộc sống có thay đổi thế nào đi chăng nữa, cuộc đời mỗi người, hạnh phúc tương lai, nhọc nhằn hay sung sướng, dù những mùa trâm đã là dĩ vãng, dĩ vãng đối với nhiều người nhưng đó mãi mãi là kỷ niệm của ba con, của mẹ con và của chúng con.

Hoa Xuyến Chi

Tin cùng chuyên mục