Nhà thơ - đại tá Tạ Hữu Yên (ảnh) đã qua đời ngày 30-5-2013, tại thủ đô Hà Nội, thọ 87 tuổi. Hơn nửa thế kỷ sáng tác, ông để lại nhiều tập thơ nổi tiếng: “Bài thơ chính nghĩa” (1951), “Tiếng ca xanh” (1978), “Bức chân dung” (1985), “Nỗi nhớ ngày thường” (1987), “Bốn cánh hoa hồng” (1996), “Ngọn súng biên phòng”(1983), “Sấm dậy trưa hè” (1984), “Thung lũng lửa và hoa” (1988)… Tạ Hữu Yến là nhà thơ Việt Nam có nhiều thơ phổ nhạc nhất.
Người ta nói rằng chỉ nguyên bài hát Cảm xúc tháng Mười, lời thơ Tạ Hữu Yên, nhạc Nguyễn Thành, đã xứng đáng có tên trong ngày lịch sử giải phóng thủ đô Hà Nội. “Không thể nói trời không trong hơn/Và mắt em xanh khác ngày thường/Khi đoàn quân kéo vào mùa thu ấy/Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”… “Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt/Xốn xang mẹ thầm gọi các con/Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ/Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn”…
Rồi bài thơ Đất nước, do nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc, cũng rất tuyệt vời. “Đất nước tôi, thon thả giọt đàn bầu/Nghe dịu nỗi đau của mẹ/Ba lần tiễn con đi/Hai lần khóc thầm lặng lẽ/Các anh không về, lòng mẹ lặng im”…
Trong cuộc đời sáng tác của mình, trải qua chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, và hơn ba mươi năm hòa bình dựng xây, Tạ Hữu Yên có tới gần 200, chính xác là 162 bài thơ được các nhạc sĩ mọi miền đất nước phổ nhạc. Ông là nhà thơ Việt Nam có nhiều thơ phổ nhạc nhất. Có người ví ông với Henrich Hainơ, nhà thơ Đức (nhà thơ có nhiều thơ phổ nhạc nhất thế giới, với 10.000 lần, có bài một nhạc sĩ phổ nhạc nhiều lần, nhiều nhạc sĩ cùng phổ nhạc một bài thơ). Chúng ta chưa có thống kê chính xác tỉ mỉ của người Đức. Nhưng chuyện một nhà thơ Việt Nam có nhiều thơ được phổ nhạc là hiện tượng lạ, đáng trân trọng, tự hào!
Chúng tôi được gặp nhà thơ Tạ Hữu Yên khi còn làm việc ở Đài Phát thanh Giải Phóng. Nhà thơ Vũ Quần Phương, Trần Nhật Lam, Trần Nguyên Vấn, Lê Xuân Đố giới thiệu Tạ Hữu Yên với chúng tôi. Một lão nông chất phác, cởi mở, có phần hồ hởi. Nói chung là một người lao động. Khi gặp, ông nói ngay “Có mấy bài thơ mới, đài có thể dựng cho vui”. Đối với ông, viết thơ là sống và làm việc. Tự nhiên! Bình thường! Hàng ngày! Sau 30-4-1975, Đài Phát thanh Giải phóng (Đài Tiếng nói Việt Nam, cơ sở II) là điểm tập hợp anh chị em văn nghệ sĩ đông đảo nhất. Về Báo SGGP, chúng tôi có dịp gặp nhau nhiều, trò chuyện lúc nào cũng vui vẻ, cởi mở. Lúc nào ông cũng có thơ. Ông là bậc cha chú của chúng tôi, về tuổi nghề cũng như tuổi đời. Ấy vậy mà không hề có một khoảng cách nào. Ông chất phác, hồn nhiên và giản dị cả trong cuộc sống và trong thơ. Ông tâm sự: “Đây là nghề cực nhọc, đòi hỏi sự toàn tâm toàn ý suốt đời. Mang quân hàm đại tá nhưng tôi vẫn cảm thấy như một binh nhì, luôn gần gũi với chiến sĩ, cựu chiến binh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi muốn được đi đến những vùng đất của quê hương Việt Nam thân yêu…”.
Nhà thơ Tạ Hữu Yên sinh tại Hoa Lư, Ninh Bình nhưng đời ông gắn với Hà Nội. Nghĩ về thơ Tạ Hữu Yên, chúng tôi muốn tìm hiểu và tôn vinh cho việc tại sao thơ Tạ Hữu Yên có nhiều bài được phổ nhạc như thế. Sinh thời, Tạ Hữu Yên chưa được xem là nhà thơ lớn, đến khi ông qua đời nghĩ và nhớ lại, chúng tôi thấy tầm vóc thơ Tạ Hữu Yên. Thơ ông là tiếng hát mộc mạc, chân thành của mọi người, trước hết là người lính trước thời cuộc của con người, quê hương, đất nước. Tính thời sự của thơ Tạ Hữu Yên thể hiện ở những tứ thơ khái quát, xuyên suốt, thủy chung và thống nhất. Chúng tôi muốn nhắc lại 3 bài thơ phổ nhạc của Tạ Hữu Yên. Đó là bài: Đất nước, Đôi dép Bác Hồ và Cảm xúc tháng Mười. Những câu thơ đẹp lung linh “Đất nước tôi thon thản giọt đàn bầu”…Những câu thơ duyên dáng “Không thể nói trời không trong hơn/Và mắt em xanh khác ngày thường”… Những câu thơ giản dị chân thành “Đôi dép đơn sơ/Đôi dép Bác Hồ/Bác đi từ ở chiến khu Bác về”… (nhạc sĩ Văn An phổ nhạc).
Nhà thơ Tạ Hữu Yên có Cảm xúc tháng Mười! Chúng tôi nhớ nhà thơ Tạ Hữu Yên, ngày ông mất cuối tháng 5.
Cảm xúc nhân đôi!
VŨ ÂN THY