Nhu cầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng tăng 50%

Ngày 15-2, Tập đoàn Năng lượng Shell của Anh dự báo, nhu cầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của thế giới sẽ tăng hơn 50% vào năm 2040; đồng thời nhu cầu khí đốt tự nhiên của các nước ASEAN cũng tăng 50% vào năm 2050, chủ yếu do giảm sử dụng than đá.

Shell đánh giá nhu cầu khí đốt tự nhiên ở một số khu vực đã đạt đỉnh dù trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu vẫn tăng. Trong đó, đến năm 2040, nhu cầu LNG dự báo đạt khoảng 625-685 triệu tấn/năm và tiếp tục tăng sau năm 2040, chủ yếu do nhu cầu năng lượng phục vụ công nghiệp ở Trung Quốc và phát triển kinh tế ở Nam Á, Đông Nam Á. Ông Steve Hill, Phó Chủ tịch Điều hành Shell Energy, cho biết, Trung Quốc có thể là thị trường tăng trưởng nhu cầu LNG mạnh nhất trong thập niên này do ngành công nghiệp của nước này tìm cách chuyển đổi từ than đá sang khí đốt để giảm khí thải carbon.

p8c-2187.jpg
Một chuyến tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở khu vực ASEAN. Ảnh: ERIA

Shell cho biết thương mại LNG toàn cầu đạt 404 triệu tấn năm 2023, tăng từ mức 397 triệu tấn năm 2022. Dù giá tăng nhẹ do nguồn cung ngặt nghèo nhưng LNG vẫn đóng vai trò thiết yếu trong đảm bảo an ninh năng lượng cho Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2023, sau khi Nga giảm xuất khẩu cho khối này từ năm 2022. Giá khí đốt năm 2023 tại EU cũng đã giảm sau nhiều lần lập kỷ lục do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine. Dù vậy, Shell cho biết trong năm 2023, giá khí đốt và mức độ dao động vẫn cao hơn so với giai đoạn 2017-2020.

Trước đó, Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) cũng dự báo, nhu cầu khí đốt tự nhiên của ASEAN sẽ tăng hơn 50% tới năm 2050 trong bối cảnh khu vực này đang hướng tới việc giảm bớt sử dụng điện than. Tổng thư ký GECF, ông Mohammed Hammel cho biết: “Nhu cầu khí đốt tự nhiên của các nước Đông Nam Á dự kiến tăng lên 350 tỷ m3 trong 3 thập niên tới. Ở khu vực ASEAN, việc chuyển từ sử dụng than đá sang sử dụng khí đốt là giải pháp dễ dàng để cải thiện chất lượng không khí và giảm phát thải khí nhà kính. Khí đốt tự nhiên là đối tác của năng lượng tái tạo, cung cấp giải pháp dự phòng và sự ổn định cho lưới điện”.

Tỷ trọng khí đốt tự nhiên trong hỗn hợp năng lượng của khu vực được dự báo tăng liên tục lên mức 24% vào năm 2050. Dữ liệu của GECF cho thấy nhu cầu khí đốt tự nhiên của ASEAN ở mức 160 tỷ m3 vào năm 2021, trong đó 80 tỷ m3 được dùng để sản xuất điện, tiếp đó là lĩnh vực công nghiệp với 50 tỷ m3.

Hai lĩnh vực trên sẽ tiếp tục chiếm phần lớn nhất trong nhu cầu khí đốt tự nhiên của ASEAN vào năm 2050. Theo GECF, ASEAN hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá. Sản phẩm khai khoáng này chiếm tới 24% hỗn hợp năng lượng của khu vực vào năm 2021, song có khả năng giảm còn 13% vào năm 2050 trong bối cảnh tỷ trọng năng lượng sạch ngày càng gia tăng.

Đến nay, vẫn tồn tại tranh cãi về việc LNG có phải là thứ nhiên liệu cầu nối giữa than đá và năng lượng tái tạo như gió và mặt trời không. Theo ông Steve Hill, khi mà lượng khí thải từ riêng ngành sản xuất thép của Trung Quốc đã nhiều hơn tổng lượng khí thải hàng năm của Anh, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ cộng lại thì khí đốt tự nhiên lại càng có vai trò quan trọng để góp phần hạn chế một trong những nguồn khí thải carbon lớn nhất và gây ô nhiễm không khí đáng kể nhất trên thế giới này.

Tin cùng chuyên mục