Những bí mật cuối cùng của Cục Tình báo chiến lược OSS - Bài 2: Tiểu thuyết và hiện thực

Những bí mật cuối cùng của Cục Tình báo chiến lược OSS - Bài 2: Tiểu thuyết và hiện thực

(SGGP 12G).- Năm 1949, Kolbe muốn qua Mỹ định cư nhưng không được ai bảo lãnh. Năm 1951, anh làm đơn xin tái gia nhập ngành ngoại giao nhiều lần cũng không được chấp nhận. Kolbe còn không được nêu danh trong các sách lịch sử Đức, phải làm chân bán hàng cho một công ty kinh doanh cưa máy Mỹ cho đến khi qua đời vì bệnh ung thư ở Thụy Sĩ ngày 16-2-1971.

Kolbe sinh ngày 25-9-1900 không bao giờ lãnh lương điệp viên. Năm 1965, Kolbe viết: “Mục tiêu hành động của tôi chỉ là thu ngắn chiến tranh cho các đồng bào bất hạnh và giúp những tù nhân trại tập trung không phải chết oan nữa”.

“Lịch sự thì không xem thư người khác”

Những bí mật cuối cùng của Cục Tình báo chiến lược OSS - Bài 2: Tiểu thuyết và hiện thực ảnh 1

Nữ đầu bếp OSS Julia Child

Mãi đến năm 2004, Kolbe mới được chính phủ truy tặng thành tích bằng cách đặt tên ông cho một phòng hội nghị của trụ sở Bộ Ngoại giao Đức: Một tấm bảng đồng ghi tên Fritz Kolbe, cùng một chân dung trắng đen chụp một người đàn ông đầu hói, đôi tai dài. Ngoại trưởng Đức lúc ấy là ông  Joschka Fischer nói: “Quá muộn nhưng cũng không quá muộn để tưởng nhớ Fritz Kolbe. Sự tôn vinh lẽ ra phải thực hiện sớm hơn. Đó là một trang sử không huy hoàng trong lịch sử ngoại giao nước ta”.

Sự tôn vinh muộn màng này nhờ việc công bố nhiều lá thư riêng của Kolbe, cùng một số ít tài liệu CIA được giải mật năm 2000. Các thông tin này làm nền cho một cuốn sách có tựa Fritz Kolbe, Điệp viên quan trọng nhất Thế chiến 2, của nhà sử học Pháp Lucas Delattre. Cuốn sách cũng gây dư luận, như tạp chí Stern bình luận: “Câu chuyện về Kolbe cho thấy thường dân Đức cũng muốn chống lại những trò điên của Hitler”.

OSS do Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt lập thời Thế chiến 2. Trước khi lập OSS, Mỹ không có cơ quan tình báo. Cánh tình báo quân sự miễn cưỡng chia sẻ thông tin và việc bẻ mật mã bị Bộ Ngoại giao Mỹ cấm năm 1929, do Ngoại trưởng Henry Stimson nhận định “người lịch sự thì không xem thư người khác”.

Sau khi Nhật Bản tấn công căn cứ Trân Châu Cảng và Mỹ nhảy vào Thế chiến 2, Tổng thống Roosevelt cho rằng Mỹ cần có một hệ thống tình báo như MI6 của Anh. Trên danh nghĩa chính thức OSS có 12.000 nhân viên, 1/4 số điệp viên này là dân thường và hơn 4.500 OSS là nữ giới.

Nhiệm vụ chủ yếu của họ là thu thập thông tin về các kế hoạch quân sự, xâm nhập hàng ngũ địch, chiến tranh du kích, hỗ trợ và huấn luyện các lực lượng vũ trang kháng chiến, bẻ khóa mật mã và tiến hành chiến tranh lật đổ. Các chiến dịch tâm lý của họ gồm rải truyền đơn, “xào nấu thông tin” và tạo tin giả để đánh lừa và làm suy yếu ý chí chiến đấu như “tung tin đồn nhảm” về sức khỏe, chứng điên của Hitler.

OSS có tài khoản riêng, từ quỹ khẩn cấp của Roosevelt nên không phải báo cáo tài chính với Quốc hội Mỹ. Trong thời chiến OSS xài khoảng 135 triệu USD, tức hơn 1 tỷ USD vào thời buổi hiện tại. Một trong những thành tựu lớn của họ trong Thế chiến 2 là xâm nhập vào Đức, huấn luyện khoảng 200 điệp viên - hầu hết là  tù nhân chống phát xít - hoạt động tình báo. Các điệp viên khác hỗ trợ quân kháng chiến Pháp, du kích Italia, Hy Lạp, Nam Tư… sau khi được đào tạo ở Trung tâm Huấn luyện Catoctin Mountain Park (nay là Trại David tức nhà nghỉ cuối tuần của tổng thống Mỹ).

“Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”

OSS chào đời hồi tháng 6-1942, với lãnh đạo đầu tiên được tổng thống chỉ định là luật sư - cựu binh Thế chiến 1, Thiếu tướng William J. Donovan,người New York. Ông tướng này có biệt danh “Bill hoang dã”, được xem là nhân vật lý tưởng để chỉ huy một tổ chức “phức tạp” do các điệp viên thuộc đủ mọi thành phần này. “Bill hoang dã” là do ông được nhiều huy chương do chiến đấu can đảm, năng nổ, giàu trí tưởng tượng và cứng rắn.

Donovan từng bắt đầu hoạt động tình báo từ năm 1919 ở Siberia, nơi ông đi hưởng tuần trăng mật với vợ. Trợ lý tin cậy hàng đầu của ông chính là nữ đầu bếp Julia Child. Do OSS nhấn mạnh việc cần tuyển dụng các nhà trí thức và những người giỏi nhất thuộc các lĩnh vực nên OSS bị đọc trại từ “Office Strategies Service” thành “ “Oh So Social”, hiểu nôm na là “xã hội hóa” cơ quan tình báo này.

Tuy nhiên, OSS bị Tổng thống Harry Truman giải tán ngày 20-9-1945. Nhà lãnh đạo này chẳng ưa tính khí nóng như lửa của “Bill hoang dã”. CIA quản lý các hồ sơ và hàng chục năm qua từ chối giải mật. Nhưng Cục trưởng William Casey cho chuyển hàng triệu tài liệu qua Cục Tàng thư khi nhậm chức hồi năm 1981.

Bản thân Donovan cũng không ảo tưởng về OSS: “Làm tình báo không là một việc hay, cũng chẳng có phương pháp điển hình nào, không có bom hủy diệt hoặc khí độc. Chúng ta đối diện một địch thủ tin rằng một trong những vũ khí chủ đạo là khủng bố. Nhưng chúng ta cũng dung khủng bố để chống lại địch thủ ấy”.

“Hai bố đẻ” OSS?

Những bí mật cuối cùng của Cục Tình báo chiến lược OSS - Bài 2: Tiểu thuyết và hiện thực ảnh 2

Ian Fleming, đồng cha đẻ OSS

Lúc lập OSS, “Bill hoang dã” cũng tư vấn các bậc thầy chiến tranh tình báo Anh như Ian Fleming (cha đẻ nhân vật tiểu thuyết James Bond 007) lúc đó là sĩ quan ngành tình báo hải quân Hoàng gia Anh. Vì lẽ đó, có thể nói nhà văn này cũng là cha đẻ OSS cùng Donovan. Trong Thế chiến 2, Fleming là trợ lý của John Godfrey, chỉ huy Cục Tình báo hải quân và cũng là mẫu hình cho nhân vật M chỉ huy của 007. Một phần nhiệm vụ của Fleming là quan hệ chuyên môn với “Bill hoang dã”.

Fleming đã viết “đề cương” 72 trang để giúp Donovan lập OSS, trong đó định nghĩa “một điệp viên bí mật phải được huấn luyện kỹ năng quan sát, phân tích và đánh giá, tuyệt đối kín miệng, tỉnh táo, xem nhiệm vụ là trên hết, giỏi ngoại ngữ và dày dạn kinh nghiệm sống, tuổi từ 40 đến 50”. Hiện “đề cương” này được triển lãm ở Bảo tàng chiến tranh ở London.

Ngoài ra, Fleming cũng giúp OSS huấn luyện điệp viên ở  Canada, theo lời William Stephenson, một chuyên gia tình báo Canada và có mật danh Intrepid. Một thông tin khác kể “Bill hoang dã” trả ơn Fleming bằng món quà tặng là khẩu súng colt. “Bánh ít đi bánh quy lại”, người ta cũng bảo nhân vật Felix Leiter, điệp viên CIA là bạn thân của James Bond trong các tập truyện 007 chính là dựa theo “Bill hoang dã”…

Phúc Hy (tổng hợp)

Thông tin liên quan

- Bài 1 : Nguồn tin tình báo “có giá” thời chiến

Tin cùng chuyên mục