Những bí mật cuối cùng của Cục Tình báo chiến lược OSS - Bài 1 : Nguồn tin tình báo “có giá” thời chiến

Những bí mật cuối cùng của Cục Tình báo chiến lược OSS - Bài 1 : Nguồn tin tình báo “có giá” thời chiến

Cục Tàng thư Mỹ vừa giải mật một hồ sơ, cho biết Mỹ từng có 24.000 điệp viên thời Thế chiến 2, gồm những quân nhân, các nhà sử học, luật sư, vận động viên thể thao, các giáo sư, nhà báo, nhân viên ngoại giao… Việc giải mật hồ sơ này làm sáng tỏ những bí mật cuối cùng của Cục Tình báo chiến lược OSS, tiền thân của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Suốt một thời gian dài, số nhân viên này chỉ được gọi chung là OSS và thực hiện một cuộc sống hai mặt: Vẫn hoạt động ở ngành nghề của họ trong lúc bí mật làm việc hưởng lương cho OSS.

Bà nội trợ cũng là điệp viên

Những bí mật cuối cùng của Cục Tình báo chiến lược OSS - Bài 1 : Nguồn tin tình báo “có giá” thời chiến ảnh 1
Tay gangster Charles Lucky Luciano cũng là điệp viên OSS

Số điệp viên OSS này trong thời bình là đầu bếp, luật sư, hoạt động trong ngành ngân hàng và thậm chí chỉ là những bà nội trợ. Đến thời chiến, họ là những điệp viên trong các điệp vụ chống phát xít Đức.

Vì giữ lời thề giữ bí mật, rất ít người hé răng những vai trò cốt tử giúp Mỹ và đồng minh giành phần thắng ở Thế chiến 2. Đa số đều giấu bí mật cả với người thân cận nhất.

Walter Mess, 93 tuổi, từng phục vụ OSS ở Ba Lan và Bắc Phi, nói gần đây ông mới kể cho người vợ 62 năm chung sống về “nghề tay trái” của mình: “Tôi được khuyên nên khóa kín miệng mà”.

Cựu nữ điệp viên OSS Elizabeth McIntosh, nay 93 tuổi, nói: “Cuối cùng, chúng tôi đã được công khai. Tất cả chúng tôi đã được lệnh không bao giờ tiết lộ đang làm việc cho OSS”.

Theo hồ sơ dày 750 trang, một số OSS từng được xác minh là hoạt động tình báo nhưng hồ sơ nhân thân của họ chưa bao giờ được công bố cho đến ngày nay. Các hồ sơ được giải mật cho biết tại sao họ được tuyển dụng, công việc được giao và nhiệm vụ họ theo đuổi trong thời gian phục vụ OSS.

Các điệp viên “nghiệp dư” này được huấn luyện kỹ càng về kỹ thuật chiến tranh bí mật, sử dụng giỏi các máy chụp ảnh mini, thiết bị nghe lén cùng nhiều “đồ chơi” khác của nghề điệp viên. “Chính sử” OSS ghi nhận: “Mỗi điệp viên đều có kính mát, hồ sơ răng, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, cặp xách, túi hành lý, giày cùng nhiều quần áo đạt độ chính xác chi ly”.

Trong hơn 35.000 hồ sơ cá nhân OSS là những nhân vật nổi tiếng ở các lĩnh vực như Julia Child, một nữ đầu bếp nổi tiếng khi trổ tài nấu ăn trên truyền hình. Bà được xem là người có công giới thiệu ẩm thực Pháp cho người Mỹ và giúp OSS phát triển một loại chất nhờn khiến cá mập tránh xa những quả thủy lôi được nhắm tiêu diệt những tàu ngầm U-boat của Đức.

Hoặc Arthur Goldberg, người sau này trở thành Chánh án Tòa án tối cao Liên bang Mỹ. Hoặc Moe Berg, một cầu thủ bóng chày chơi 15 mùa ở giải Major League và được đánh giá là một cầu thủ có đầu óc…

Còn phải kể đến nhà sử học Arthur Schlesinger Jr, tài tử Sterling Hayden và Miles Copeland (bố của  Stewart Copeland, tay trống của ban nhạc The Police), nhà triết học Đức Herbert Marcuse, nhà ngoại giao Mỹ da màu Ralph Bunche.

Các nhân vật đáng chú ý khác của OSS là John Hemingway, con trai nhà văn lừng danh Ernest Hemingway hoặc Quentin và Kermit Roosevelt, hai con trai của Tổng thống Theodore Roosevelt hoặc trùm gangster Charles Lucky Luciano.

Nhà ngoại giao “phản quốc”

Vụ tuyển dụng thành công nhất của OSS là nhà ngoại giao Đức Fritz Kolbe. OSS xem Kolbe là điệp viên quan trọng nhất thời Thế chiến 2. Kolbe có mật danh George Wood, đã lấy được 2.600 tài liệu mật của phát xít Đức để chuyển cho OSS ở Thụy Sĩ từ năm 1943, gồm những kỳ vọng về hai quả tên lửa V1 và V2, chiến đấu cơ Messerschmitt Me 262. Ông cũng lột mặt nạ điệp viên Đức Elyesa Bazna mật danh Cicero vốn giả làm quản gia và chui vào được Sứ quán Anh ở Thổ Nhĩ Kỳ.   

Nguồn thông tin của ông còn là dự báo của Đức về việc quân Đồng minh sẽ đổ bộ ở đâu ở vùng Normandy (Pháp) để giải phóng châu Âu hoặc các kế hoạch quân sự của quân phiệt Nhật tại Đông Nam Á. Kolbe giấu kín được lốt điệp viên cho đến khi Thế chiến 2 chấm dứt, gây tổn thất đáng kể cho chế độ của trùm phát xít Adolf Hitler.

Những bí mật cuối cùng của Cục Tình báo chiến lược OSS - Bài 1 : Nguồn tin tình báo “có giá” thời chiến ảnh 2

Nhà ngoại giao Đức Fritz Kolbe

Kolbe vào ngành ngoại giao khi mới 25 tuổi, làm việc tại Tây Ban Nha và Nam Phi trước khi bị gọi trở về Berlin năm 1939. Anh không chịu cùng các nhà ngoại giao khác trở thành người của đảng Quốc xã (có trả thù lao cho ai gia nhập) nên không được công tác nước ngoài nữa. Kolbe chỉ được giao nhiệm vụ đóng dấu mộc vào các hộ chiếu dù được làm việc ở trụ sở BNG của Bộ trưởng Von Ribbentrop.

Trong 4 năm đầu Thế chiến 2, Kolbe thường cùng bạn bè có đầu óc tiến bộ họp phê phán phát xít tại một hộp đêm ở Berlin. Đôi lúc anh cũng rải truyền đơn vào các buồng điện thoại công cộng. Nhưng Kolbe cảm thấy bất lực khi sự bạo tàn của phát xít ngày càng tăng.

Từ đó Kolbe quyết chống phát xít. Anh đau khổ nhận ra các thông tin chuyển qua bàn làm việc của anh có tầm quan trọng khổng lổ cho Đồng minh. Cái khó duy nhất là làm sao chuyển cho họ.

Phải 3 năm sau anh mới có cơ hội, khi một nhân viên cấp cao cũng chán ghét chế độ đã đồng ý xếp Kolbe vào danh sách những nhân viên chuyển giao các thông tin ngoại giao.

Vào sáng 15-8-1943, Kolbe khóa cửa văn phòng, tụt quần để giấu 2 phong bì lớn chứa hàng trăm tài liệu mật giữa hai đùi. Rồi sử dụng hành lý ngoại giao đầy những công hàm chính thức, anh tới ga xe lửa Anhalter ở Berlin đáp chuyến đến Berne. Ở đây, anh đến Sứ quán Anh nhưng không được tin tưởng nhưng người Mỹ lập tức nhận ra Kolbe có thể làm gì cho Đồng minh.

Sau những cuộc gặp khác, Kolbe có mật danh “George Wood” và chỉ có 11 người, gồm Tổng thống Mỹ Roosevelt có quyền xem các tài liệu của anh. Sau Thế chiến, tình báo Anh MI6 phải thừa nhận họ nhận định sai và nêu Kolbe là “nguồn tin tình báo thời chiến có giá”.


Phúc Hy (tổng hợp)

(SGGP 12G).-


Bài 2: Tiểu thuyết và hiện thực

Tin cùng chuyên mục