
Đêm 10-8, đêm sinh hoạt tại KCX Linh Trung (Thủ Đức) là đêm cuối cùng của chương trình tình nguyện Mùa hè xanh (MHX) 2008 do Đội chuyên thực hiện việc tuyên truyền pháp luật miễn phí của Đại học Luật TPHCM (từ đây gọi là Đội Chuyên) dành cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất trong thành phố. Ngoài trời mưa tầm tã, trong lều tư vấn nước mắt những công nhân “lỡ dại” cũng đang rơi lả tả khi nghe luật sư tư vấn việc được – thua trong hoàn cảnh mình…
Sống thử, đình công... ai đúng ai sai
Đội Chuyên của ĐH Luật gồm các “chiến sĩ” từng tham gia nhiều mặt trận của chiến dịch MHX các năm trước, năm nay họ chọn con đường khó đi hơn, đó là tham gia “tháo ngòi nổ” tại một số khu chế xuất, công nghiệp từng xảy ra đình công thời gian qua bằng hình thức tuyên truyền pháp luật một cách cụ thể, thiết thực. Bởi thế Đội Chuyên được lập ra với 15 giảng viên (các khoa Dân sự, Hình sự và Hành chính) của ĐH Luật và các luật sư (Đoàn Luật sư TPHCM), còn lại là sinh viên năm 3 và năm 4 của các khoa trong ĐH Luật.

Thạc sĩ Tất Dũng (thứ 2 từ trái qua), Đội trưởng Đội Chuyên ĐH Luật TPHCM đang tư vấn pháp luật cho các bạn công nhân.
Hơn 18 giờ, công nhân ở các khu dân cư gần đó lục tục kéo đến, khá đông. Sân khấu đã dựng xong. Các chiến sĩ MHX có giọng hát tốt “cố tình thử giọng” nhiều lần trên các micro để gây chú ý. Bất ngờ trời mưa như trút nước. Và, “nhờ vậy” mà người lao động trở nên gần gũi hơn với các chiến sĩ MHX, giảng viên, luật sư tham gia đêm sinh hoạt.
Hơn 19 giờ, trời đã tạnh và đêm sinh hoạt bắt đầu. Tuy đã được “hâm nóng” bằng các tiết mục văn nghệ sôi động nhưng các bạn công nhân vẫn e dè khi xuất hiện trước “công chúng thân thiết”. Không dễ gì họ dám bộc lộ tâm tư, chuyện riêng, nguyện vọng thầm kín của mình chỗ đông người như… một diễn viên. Nhưng khi đã “nhập vai” họ sẽ diễn rất hay, đến nỗi họ rượt đánh cô sinh viên đóng vai “giậït chồng”chạy chí chết mới thoát.
Có người xung phong lên sân khấu, nhưng khi xử lý tình huống lại lọng cọng. Đó là trường hợp anh Hà, quê ở Thanh Hóa, công nhân Công ty Vũ Kiều đóng vai công nhân vệ sinh. Khi bắt gặp cảnh mấy anh thanh niên tổ chức nhậu nhẹt và xả rác, phóng uế bừa bãi ở công viên, thay vì phải nhắc nhở kiên quyết thì Hà cứ xuống nước năn nỉ mấy “ông bợm”. Năn nỉ không được, “nổi cọc”, anh Hà hăm “tui về méc ban quản lý bây giờ đó”?!. Khán giả cười ồ. Thật ra, anh định “hăm” sẽ gọi Cảnh sát 113, nhưng “hoảng quá” nên quên mất số điện thoại 113. Nhưng “MC” đã dẫn tình huống khó xử của “diễn viên” Hà thành đề tài thảo luận tại chỗ khá hấp dẫn.
Đề tài “sống thử” là đề tài nhạy cảm được Đội Chuyên đưa vào các vở kịch tình huống và phiên tòa giả định. Ở Bình Chánh, một nữ công nhân đang mang thai (do nữ công nhân đóng) sau sống thử bị người yêu ruồng bỏ đã cầm cái ghế nhựa “dí” cô SV - người yêu mới của bồ cũ - chạy bán mạng xuống sân khấu. Nhưng mọi người chỉ tập trung vào 2 nhân vật “lớn”mà quên mất số phận của “nhân vật ảo thứ ba”, đó là em bé sắp chào đời.
Một “cán bộ tư pháp phường” do một giảng viên đóng vai xuất hiện đúng lúc để phân tích những thiệt thòi của các nữ công nhân sau sống thử và nói cho họ biết những quyền họ được hưởng theo pháp luật quy định như: nam công nhân kia phải chu cấp cho đứa con của họ đến tuổi trưởng thành... Phía dưới sân khấu có tiếng thút thít của ai đó và có nhiều tiếng chửi rủa lầm bầm “thằng khốn” vừa diễn.
Vở kịch tình huống về tổ chức đình công đã gây nhiều ấn tượng cho người lao động. Không ấn tượng sao được khi người tham gia vở diễn là một trong những người đã tham gia đình công cách đây không lâu, anh Thái Bình Kha, 22 tuổi, quê ở Phú Yên, là công nhân cơ khí. Sau khi đưa ra hàng loạt câu hỏi rất thiết thân mà những người khích động biểu tình đến lôi kéo anh tham gia không trả lời được, anh đã thẳng thắn: “Thôi, nếu mấy ông không làm đúng thủ tục đình công thì tôi không tham gia đâu. “Đình” mà trái pháp luật thì mất… “công” lắm. Tôi còn cuộc sống và gia đình phải chăm lo nữa!”.
Loại hình mới của Mùa hè xanh

Luật sư Trịnh Đức Duy đang tư vấn pháp luật cho một công nhân nữ. Ảnh: H.P.
Đêm vẫn còn mưa lắc rắc, nhưng hàng trăm công nhân vẫn nán lại để được gặp luật sư trực tiếp tư vấn. Đây là thời điểm mà thanh niên công nhân có dịp giải bày chuyện ưu tư của chính mình và nghe giải đáp thắc mắc.
Cách đây hơn mười ngày tại buổi giao lưu tư vấn pháp luật cho công nhân ở khu chế xuất Linh Trung 1, một nữ công nhân đã nức nở khóc mà không nói gì với luật sư tư vấn. Phải mất 10 phút để giúp chị ổn định tinh thần, luật sư Trịnh Đức Duy mới bắt đầu tư vấn tình huống khó khăn của chị là chuyện sống thử và các hệ lụy đi kèm.
Anh Lê Đình Hải, 27 tuổi, quê ở tỉnh An Giang, công tác tại Công ty Samsung Vina lặng lẽ ngồi ở hàng ghế cuối viết phiếu khảo sát và chờ đợi đến lượt của mình được tư vấn. Anh Hải tâm sự: “Tôi rất cảm ơn Đội chuyên pháp luật đã giúp tôi có cái nhìn thấu đáo, cặn kẽ hơn về pháp luật trong những tình huống cuộc sống. Phải chi chương trình pháp luật như vậy diễn ra đều đặn hơn hay khi cần thì chúng tôi có một nơi nào đó để được tư vấn kịp thời”. Yêu cầu này được giải tỏa khi thạc sĩ Tất Dũng, PGĐ Trung tâm ứng dụng và phổ biến pháp luật của Trường ĐH Luật, Đội trưởng Đội Chuyên công bố: địa chỉ và số điện thoại: Trung tâm ứng dụng và phổ biến pháp luật (Trường ĐH Luật TPHCM), số 2 Nguyễn Tất Thành, quận 4. Điện thoại: 9434764 sẽ thực hiện tư vấn miễn phí cho các công nhân và người nghèo.
Các điều mà công nhân xin tư vấn nhiều đó là: Giá cả tăng quá chúng em đòi chủ tăng lương có được không, làm sao mới đúng pháp luật? Sao công ty kế bên tăng lương mà bên em không tăng lương, vậy tụi em có được phép kiện ông chủ mình không? Em sinh con không có hôn thú có được trợ cấp không? Thủ tục đình công thế nào là đúng? Đình công đúng thủ tục công nhân có bị đuổi việc không? Một nhóm công nhân đình công, tụi em không tham gia nhưng vẫn bị trừ lương là đúng hay sai? Làm sao biết chủ doanh nghiệp có đóng bảo hiểm cho mình hay không v.v...
Luật sư Trịnh Đức Duy và Nguyễn Đình Thịnh (Đoàn Luật sư TPHCM) tham gia tư vấn miễn phí 6/7 đêm sinh hoạt của đợt Mùa hè xanh lần này đã nói: “Mới đầu vì nể “thày” Dũng tôi đi thử một đêm, nhưng sau đó tôi thấy chương trình này thật có ý nghĩa, công sức mình bỏ ra không uổng phí chút nào”. Nhiều nữ công nhân đã khóc với chúng tôi và nói “Giá như chúng em được hiểu biết pháp luật sớm hơn, đời em đâu khổ quá như vầy”. Các giảng viên Bùi Thị Khuyên và Đinh Thị Chiến của Đại học Luật là những người được các công nhân nữ yêu mến nhất bởi chính họ không chỉ nói rõ sự thiệt thòi khi sống thử mà các cô còn giúp cho các công nhân “lỡ dại” đòi quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho con cái họ.
***
Theo chân nhiều Đội Mùa hè xanh đi nhiều mặt trận, với chúng tôi, mặt trận tư tưởng mà Đội hình tình nguyện chuyên Tuyên truyền pháp luật của Đại học Luật TPHCM thực hiện lần này có nhiều ý nghĩa. Có những đêm trời mưa như trút nước, cả đội “lóp ngóp” về đến nhà, đồng hồ trên tay đã chuyển sang một ngày mới. Các chiến sĩ MHX của Đội tuyên truyền pháp luật lần này không chỉ “đến rồi đi” mà đã để lại trong lòng những công nhân một ý thức mới trong ứng dụng pháp luật vào cuộc sống thực tế và hơn thế, còn để lại “những cây cầu” nối giữa những người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho những công nhân nghèo bơ vơ giữa đất khách bằng địa chỉ và điện thoại cụ thể.
Lại thêm một nét mới của Chiến dịch Mùa hè xanh!
ĐOÀN HIỆP
Trong thời gian 4 tuần (từ ngày 15-7 đến ngày 11-8-2008) Đội hình chuyên tuyên truyền pháp luật thuộc Đại học Luật TPHCM đã phối hợp cùng Ban chỉ huy Mùa hè xanh của Hội LHTN TPHCM và Hội LHTN các quận, huyện 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh… tiến hành phát 16.000 tờ rơi và tư vấn trực tiếp cho thanh niên, công nhân hơn 1.000 vấn đề về các lĩnh vực: lao động, bảo hiểm xã hội, hôn nhân gia đình, đất đai, hộ tịch, hộ khẩu, hợp đồng lao động, tiền lương, tranh chấp và giải quyết tranh chấp lao động trong doanh nghiệp, đình công và các lĩnh vực về an toàn giao thông. Kết quả thu về từ 1.500 phiếu khảo sát phát đến công nhân đã phản ánh: Về nhà ở có 49,09% phải thuê nhà trọ ngoài và 38,64% được ở trong khu lưu trú của CN. 41,14% trả lời nơi họ làm từng xảy ra đình công và 43,4% chưa hề xảy ra đình công. Công nhân thường tìm hiểu thông tin về pháp luật qua truyền hình là 52,73%, qua radio -24,09%, qua báo chí là 47,06% và 3,86% không tìm hiểu. Có 33,86% trả lời họ đình công do tự phát, do ảnh hưởng cuộc đình công nơi khác : 11,14% và đặc biệt có 9,54% do công đoàn lãnh đạo khi đặc biệt cần thiết. Và số công nhân từng tham gia đình công là 25% và không tham gia là 53,18%. Vấn đề dân sự được công nhân quan tâm nhiều nhất liên quan đến luật lao động (53,4%), khiếu tố khiếu nại (36,14%) vấn đề hôn nhân gia đình (21,59%), hình sự (22,27%)…Và hấu hết đề trả lời : Khi có thắc mắc về pháp luật thường không biết nhờ ai và tự xử lý là chính ?! Đ.H. (theo CLAP) |