Những chiếc xe lăn kỳ diệu

Những chiếc xe lăn kỳ diệu

“ Đời tôi chịu nhiều thiệt thòi, mất mát nên mong muốn làm cái gì đó có ích cho đời. Chiếc xe lăn chạy bằng điện bình ắc-quy dành cho người khuyết tật là tâm huyết cả đời mới làm được. Bây giờ, tôi dự định mở cơ sở để tạo việc làm cho nhiều người tật nguyền - bất hạnh có chỗ để sống…” - Thương binh ¼ Lê Anh Tài, người chế tạo ra chiếc xe lăn kỳ diệu nói với tôi như vậy.

  • Tàn nhưng…không phế!

Chúng tôi không khó lắm để tìm cơ sở sản xuất xe lăn của anh Tài ở thị trấn Châu Thành (tỉnh Trà Vinh). Đó là dãy nhà rộng với hàng chục công nhân khuyết tật lao động khẩn trương cho dù mới mấy ngày sau Tết. Rót tách trà mời khách, anh mở đầu câu chuyện bằng tính cách chân chất của một nông dân.

Những chiếc xe lăn kỳ diệu ảnh 1

Lê Anh Tài giới thiệu quy trình thiết kế xe điện. Ảnh: Đ.C.

“Tôi sinh ra trong gia đình nghèo, cha mất sớm - người anh lớn bị tật nguyền. Nhà 7 miệng ăn, chỉ vài ba công ruộng làm đâu đủ sống. Cố lắm, tôi chỉ học đến lớp 3 trường làng rồi nghỉ. Giữ trâu, chăn vịt, cắt lúa… kiếm tiền phụ giúp gia đình, nhưng không thoát được cảnh nghèo…”.

 Bước ngoặt đầu tiên trong đời là năm 18 tuổi, Tài đăng ký đi bộ đội tình nguyện ở Campuchia, ngay thời điểm chiến trường Tây Nam ác liệt. Tháng 1-1985, Tài bị thương mất cả 2 chân. “Vết thương quá nặng, tôi được đơn vị đưa về quê điều trị tại Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ. Gần 6 tháng nằm bất động do vết thương bị nhiễm trùng , bà già phải bán đất gia sản để chạy thuốc thang mới qua khỏi…”. - Tài kể mà rơm rớm nước mắt.

Ra viện về nhà trong điều kiện đất sản xuất không còn, 2 chân đã mất, khó khăn tăng lên gấp bội. Không bằng lòng với định mệnh, Tài quyết đứng lên làm lại từ hai bàn tay trắng. Anh chọn nghề sửa xe đạp làm kế sinh nhai. Ban đầu sửa ở quê, sau lân la ra chợ Trà Vinh sửa ở vỉa hè.

Từ việc tận tình phục vụ khách hàng, chẳng bao lâu tiệm sửa xe vỉa hè của anh đông khách. Công việc ổn định, cuộc sống gia đình bớt khó khăn, thế nhưng đêm đêm Tài vẫn trằn trọc bất an. Phải làm việc gì đó lớn hơn và căn cơ hơn chuyện ngồi vá xe đạp hàng ngày?

  • Sản xuất xe lăn kiểu “liều mạng”!

“ Có lần chiếc xe lăn của tôi bị hư, mang ra thợ giỏi họ không thèm sửa hoặc có sửa cũng làm qua loa, lấy về lăn chậm và nặng nề. Tại sao không chế tạo chiếc xe lăn chạy bằng điện để tự mình đi lại cho dễ dàng?”. Ý nghĩ bâng quơ ấy thoáng qua trong đầu. Sáng ra, anh mang chuyện làm xe lăn chạy điện kể cho bạn bè nghe, ai cũng cười ồ bảo anh là “thằng điên” - đúng là “ăn cơm dưới đất mà nói chuyện trên trời”! Tài “quê” nhưng trong lòng vẫn quyết tâm làm kỳ được chiếc xe mơ ước.

Không kinh nghiệm, chẳng đồng vốn lận lưng… biết bắt đầu từ đâu? Tài chọn phương án vừa sửa xe đạp vừa tích cóp dành dụm mua phụ tùng thiết bị. Song song đó, anh tranh thủ học thêm phương pháp sửa Honda để nắm sự vận hành của máy nổ. Chưa hết, nghe tin Sở LĐ-TB&XH Trà Vinh có hàng chục xe lăn không sử dụng được, Tài năn nỉ xin về chế tạo lại thành xe 3 bánh lắc tay cấp cho người tàn tật.

Những chiếc xe lăn kỳ diệu ảnh 2

Anh Tài trên chiếc xe lăn tự chế và vợ con.

Có được xe thử nghiệm, Tài tháo toàn bộ rồi tự mình chế tạo sườn mới và cách vận hành mới thành xe 3 bánh. Mất gần 2 tháng, hàng chục xe lắc tay được chế xong và sử dụng êm ru. Tích lũy thêm chút kinh nghiệm, Tài bắt đầu “thử sức” làm xe lăn chạy điện. Nghiền ngẫm toàn bộ qui trình chế tạo của nhiều chiếc xe lăn, mặt khác xem bộ máy xe gắn máy họ thiết kế và cách vận hành, Tài định hình ra chiếc xe lăn cho mình.

Công đoạn đầu tiên là bẻ sắt chế tạo sườn xe sao cho ăn khớp với bộ phận gắn bình đề. Hàng chục kiểu sườn khác nhau được hàn xong, khi lắp vào đều trật chìa không đâu ăn đâu, phải bỏ hết. Cứ như vậy, mất cả trăm ngày và tốn cả đống sắt, bộ sườn mới làm xong.

Công đoạn thứ hai còn gian nan gấp bội là lắp mô tơ vào để chạy. Ban đầu, Tài thử bằng cách dùng mô tơ xe Honda nhưng khi đề một cái thì… bất động! Không xong, anh đi tìm mô tơ xe hơi, rồi mô tơ quạt nước… đưa vào cũng đứng yên một chỗ. Có cái chưa quay được vòng nào thì chết rụi.

Tìm ở địa phương không được, anh nhờ người quen lên các cơ sở điện cơ lớn ở Sài Gòn mua mô tơ bình. Nhưng vẫn vô vọng. Dù vậy, trong thiết kế của anh thì bắt buộc xe lăn phải chạy mô tơ bình, còn mô tơ điện là không dùng được bởi xe không chạy bằng xăng dầu hay bằng điện! Thời gian trôi dần, việc chế tạo xe không thành, nợ nần ắp lẳm, công việc bỏ bê… Nhưng anh nhất quyết “thua keo này, bày keo khác”.

Tiền sửa xe giấu vợ, tiện tặn mua thêm đồ nghề. Thế rồi trong lần tình cờ anh chợt nghĩ “mô tơ bị cháy là do nóng”, sao không làm cái quạt bên cạnh để giảm nóng. Quả đúng vậy, có quạt thổi vào, mô tơ bình lập tức hoạt động. Tài ôm chầm lấy vợ reo lên trong sung sướng. Chỉ cần bình 12 vol lắp vào là chạy êm ru.

Sở Khoa học – Công nghệ Trà Vinh tìm đến xem và hỗ trợ 5 triệu đồng để anh hoàn chỉnh xe lăn. Đến tháng 7–2005, Tài cho ra mắt 1 chiếc xe lăn lái bằng chân; 1 xe lái bằng tay và 1 xe cho người mất 1 chân – 1 tay. Xe đạt độ an toàn cao và có ưu điểm là không dùng sức như xe lăn khác, người không đủ 2 tay hoặc 2 chân vẫn điều khiển được; chạy tới – chạy lui đều dễ dàng. Một bình 12 vol chạy đến 10 giờ liền mới hết. Thành công trên làm nức lòng nhiều người và được Bộ KH-CN cấp bằng sáng tạo.

  • Và tấm lòng rộng mở của người thương binh

Chỉ chúng tôi những tấm ảnh lưu niệm chụp chung với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại đại hội thi đua yêu nước năm 2005, Tài luôn miệng bảo đó là vinh dự cả đời đối với người thương binh nghèo như anh. Anh khiêm nhường không dám nhận mình là người tạo ra chiếc xe điện chạy bình “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam hiện nay, mặc dù xe của anh đang được nhiều nơi đặt hàng.

Hiện tại, Bộ KH-CN đặt 5 chiếc; tỉnh Bình Dương, Huế, Đắc Lắc, Vĩnh Long, Bình Thuận đặt 5 chiếc. Và hàng chục đơn đặt hàng từ các nơi xa khác. Trước nhu cầu trên, anh quyết định thuê mặt bằng ở thị trấn Châu Thành mở cơ sở sản xuất xe điện. “Thứ nhất, làm ra nhiều xe điện giá rẻ (chỉ 3,5 triệu đồng/chiếc) giúp người tật nguyền đi lại dễ dàng.

Thứ hai, tạo việc làm cho người bất hạnh. Hiện tại cơ sở có 19 người như vậy, trong số này 15 người khuyết tật. Họ bị tật nguyền đáng thương lắm, đừng xa lánh, hãy tạo niềm tin thắp lên hy vọng để họ sống hòa mình với cộng đồng…” - Tài tâm sự thật lòng mình.

Khi chúng tôi ra về, Tài còn tiết lộ: sẽ chế tạo thêm xe điện cho người “không tay và không chân chạy”; thật đấy - hổng đùa đâu. “Hãy đợi đấy”, một điều kỳ diệu mới... Tôi tin Tài sẽ làm được. 

PHƯỚC HUỲNH – NGUYỄN TÁM 

Tin cùng chuyên mục