Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sang Mỹ

Những chuyện bây giờ mới kể

Những chuyện bây giờ mới kể

Từ 12-11 đến 12-12-2005 là thời gian mà đoàn đại biểu đại diện nạn nhân chất độc da cam Việt Nam có mặt ở đất Mỹ. Chuyến đi của đoàn đã tạo được dấu ấn sâu đậm trong công luận Mỹ khi trực tiếp nói cho nhân dân Mỹ hiểu về vụ kiện các tập đoàn sản xuất hóa chất độc của Mỹ.

Khi có dịp ngồi trò chuyện lâu với các thành viên trong đoàn, tôi đã thực sự bị cuốn hút bởi những chuyện kể của họ, dẫu đôi khi những câu chuyện đó, người kể không nhớ tên nhân vật, không nhớ cả địa danh nơi đoàn dừng chân…

  • Những lời thành thực

Chuyến đi của đoàn đại diện nạn nhân chất độc da cam sang Mỹ được thực hiện với sự tài trợ của 2 tổ chức Mỹ: Tổ chức Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và Hội cựu chiến binh (CCB) Mỹ vì hòa bình. Dẫn đầu là Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cùng 2 nạn nhân đại diện cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là ông Hồ Sĩ Hải quê ở Thái Bình và bà Đặng Thị Hồng Nhựt ở TP Hồ Chí Minh.

Những chuyện bây giờ mới kể ảnh 1

Nhiều người dân Mỹ cùng CCB Mỹ đã tham gia biểu tình ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ảnh: CTV

Ngày đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, đoàn dừng chân ở New York. Ấn tượng đầu tiên, và cũng là ấn tượng theo suốt hành trình của đoàn là những tình cảm chân thật của các CCB Mỹ. “Tại nhà của ông David Cline, Chủ tịch hội CCB Mỹ vì hòa bình, chúng tôi đã được nghe ông và các bạn bè hát bài Giải phóng miền Nam bằng tiếng Anh”, bà Đặng Thị Hồng Nhựt kể lại.

Chủ tịch Hội CCB Mỹ là người đã 3 lần bị thương tại Việt Nam trong thời gian tham chiến, nhưng chính ông giờ đây lại là người khởi xướng thành lập Hội. Và chỉ sau 2 tháng thành lập Hội, ông đã tổ chức quyên góp để mời đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sang Mỹ tuyên truyền về hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.

Trong suốt những ngày đoàn Việt Nam ở Mỹ, ông cùng bạn bè thân thiết của mình thiết kế các cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa đoàn với người dân Mỹ, kể cả những buổi nói chuyện trong các nhà thờ, điều rất hiếm đối với người nước ngoài. Đó cũng là điều dễ hiểu khi có những CCB Mỹ đã tự tay viết hai từ “Mỹ kiều” lên danh thiếp của mình trước khi trao cho đoàn.

Tại bang NewMexico, đoàn cũng đã được chứng kiến một cảnh tượng ngoài sức tưởng tượng. Khi đến nhà một tù trưởng người da đỏ, ông này đã chắp tay xá lạy và nói lời xin lỗi các thành viên trong đoàn rất nhiều lần. Vị tù trưởng người da đỏ này cho biết, đây là một dịp may mắn hiếm có để ông có thể nói lời xin lỗi với người dân Việt Nam, vì ông chính là một trong những người lính Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam.

Sau khi thể hiện lòng hối hận đến tột cùng của mình, ông đã tự tay vẩy những giọt nước “thành tâm” lên tóc những người đến từ Việt Nam. Được biết, ông đã cất công và nhờ bạn bè lấy nước từ các đại dương trên thế giới, chắt lọc thành loại nước đó để có dịp được vẩy tặng cho người Việt Nam, và coi đây cơ hội để ông gột rửa những mặc cảm tội lỗi của mình.

G.S Nguyễn Trọng Nhân nói: “Tôi từng này tuổi rồi, đã trải qua bao thăng trầm ở đời, vậy mà lúc đó tôi cũng đã không thể cầm được nước mắt. Có một điều này nữa, sau khi tham chiến ở Việt Nam về, vị tù trưởng da đỏ này đã cố giấu không để cho bộ tộc của mình biết. Thế nhưng, khi có đoàn nạn nhân chất độc da cam đến nhà, ông đã công khai xin lỗi, công khai gột rửa quá khứ của mình. Thật lạ lùng!”.

Cũng trong ngày diễn ra sự kiện “vị tù trưởng da đỏ”, buổi tối, tại trung tâm đa văn hóa của người da đỏ, đoàn đã gặp một cảnh tượng mà như lời ông Hồ Sĩ Hải nói, nếu không có chuyến đi này, ông sẽ chẳng bao giờ biết người Mỹ có những kiểu sám hối thật khác người.

“Tại đây, chúng tôi gặp một người Mỹ da đen. Ngay lúc gặp, ông đưa cho chúng tôi một tấm hình lớn. Tấm hình chụp một nhóm lính Mỹ đang chuẩn bị bước lên chiếc máy bay trực thăng, xung quanh đó rải rác có vài xác chết. Ông ta nói, đó là tấm hình ông ta chụp vào năm 19 tuổi, khi bắt đầu bước vào đời lính. Và từ đó, ông ta biết mình đã trở thành công cụ phục vụ cho ý đồ độc ác của Chính phủ Mỹ”, ông Hải kể lại.

Sau khi đưa tấm hình cho đoàn, người CCB da đen này tiếp tục lôi ra những dải khăn trắng và tự tay quàng lên cổ các thành viên trong đoàn. Xong, ông ta cúi đầu xá lạy từng người một và nói “xin hãy tha tội cho tôi, bấy giờ tôi đã bị lừa gạt”. Nói xong, ông đốt tấm hình. Và khóc.

  • Mở ra một nhịp cầu

Những chuyện bây giờ mới kể ảnh 2

Đoàn đại diện nạn nhân chất độc da cam sang Mỹ, từ trái qua phải: ông Hồ Sĩ Hải, GS Nguyễn Trọng Nhân, bà Đặng Thị Hồng Nhựt.

Tại trường đại học Portland State ở Chicago, khi đoàn đang nói chuyện với sinh viên, một ông già đã lặng lẽ vào hội trường trên một chiếc xe lăn. Khi bà Hồng Nhựt kể xong câu chuyện của mình, ông đã tiến đến nắm chặt lấy hai bàn tay người phụ nữ Việt Nam này.

Ông già tên là Jack Dalton, từng là phi công lái máy bay Mỹ rải chất độc da cam dọc đường mòn Hồ Chí Minh, khu vực từ vĩ tuyến 17 trở ra.

Bao nhiêu năm sau chiến tranh, ông đã sống trong nỗi mặc cảm không thể tha thứ cho mình. Nghe tin có đại diện nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tới đây, ông đã đến, đã lặng lẽ nghe câu chuyện của bà Hồng Nhựt và đã khóc trong một trạng thái tinh thần không thể kiềm chế.

“Ông cứ nắm chặt tay tôi hàng chục phút và cả cơ thể run lên bần bật. Ông run đến nỗi tôi sợ ông già cả thế, dễ bị sự cố nghiêm trọng đến sức khỏe nên vội vàng khuyên can ông và nhờ người đưa cho ông một chai nước. Vậy mà khi cố mở nắp chai nước, ông vẫn run bắn hết người đến nỗi làm nước trong chai bắn tung tóe khắp phòng”, bà Hồng Nhựt kể lại.

Một tháng ở Mỹ, đoàn đã gặp gỡ đông đảo CCB Mỹ, sinh viên, người dân Mỹ. Suốt cả chặng hành trình đi hết 10 thành phố lớn của Mỹ từ New York, Washington đến Boston, Chicago... và dừng chân ở San Francisco, đi đến đâu đoàn cũng nhận được tình cảm xẻ chia và thiện chí giúp đỡ của nhân dân tiến bộ Mỹ, nhất là các CCB.

Những CCB Mỹ ấy, từng là những người ở bên kia chiến tuyến, giờ đây đang tập hợp nhau trong hội CCB vì hòa bình để có thể làm một chút gì đó cho Việt Nam, như là một cách chuộc tội. “Đa số người dân Mỹ đều hỏi một câu: chúng tôi có thể làm được gì để giúp cho các nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam” - GS Nguyễn Trọng Nhân kể - “Tôi đã trả lời rằng, vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã bị Tòa án sơ thẩm Mỹ bác bỏ. Chúng tôi đã kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Mỹ, chưa biết đến bao giờ vụ kiện mới kết thúc.

Trong khi chờ đợi vụ kiện, từng ngày đi qua, lại có thêm những nạn nhân chất độc da cam chết đi. Họ chết vì bệnh tật.Vì vậy, chúng tôi cần sự giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân Mỹ cho vụ kiện, cho các nạn nhân chất độc da cam”. Câu trả lời này đã được các đài phát thanh địa phương Mỹ phát đi kèm theo lời bình luận: các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã kêu gọi sự giúp đỡ của nhân dân Mỹ đối với vụ kiện trong một tư thế đáng tự hào! Vì họ là người chiến thắng!

Chuyến đi khép lại. Nhưng một nhịp cầu đã mở ra. Nó giống như lời hứa trở lại Việt Nam của một nữ CCB Mỹ cùng bà Nhựt. “Trong tay tôi đang có một đôi bông tai-quà tặng từ nước Mỹ. Một nữ CCB Mỹ-từng tham gia phục vụ quân đội Mỹ ở vịnh Cam Ranh khi đi phiên chợ của người da đỏ đã mua 2 đôi bông tai, một cho tôi, một cho bà ấy.

Bà ấy cứ dặn đi dặn lại tôi phải giữ kỷ vật này, để khi bà trở lại Việt Nam, nhất định cả hai người đều phải đeo đôi bông tai này. Thật dễ thương!”, bà Nhựt vừa cười kể lại câu chuyện ấm áp này.

Những câu chuyện này đã minh chứng một điều: chiến tranh hoàn toàn có thể khép lại, những hậu quả của chiến tranh hoàn toàn có thể hàn gắn, miễn là còn tình cảm giữa con người với nhau! 

PHAN PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục