Những “Đôi chân vạn dặm”

Những “Đôi chân vạn dặm”

“Mỗi ca tuần tra phải đi bộ gần 40km, cứ hai ngày một ca, đường tuần tra chỉ có một chiến sĩ...”. Khi tôi hỏi về nhiệm vụ của những chiến sĩ tuần tra bảo vệ đường dây cáp quang, đại úy Lê Thanh Sơn, cán bộ Tuyên huấn Đoàn Thông tin N.96 chỉ nói gọn như vậy. Tôi đã thử cảm giác của mình bằng một ca tuần tra với chiến sĩ Đại đội 15, Phân đội 12 và thấy rằng, chuyện của những người lính tuần tra không chỉ có thế...

Khoác túi đồ nghề, đeo một bi đông nước, đội chiếc mũ cối lên đầu, tôi hăm hở định lao lên phía đường ray, thì trung sĩ Nguyễn Vĩnh Quyết gọi giật lại: “Phải thêm cái này nữa anh ơi”. Quyết trao cho tôi cây gậy tầm vông đã nhẵn bóng. Giọng cậu ta hóm hỉnh:

- Đi bộ trên đường ray mà không có “đồng chí gậy” này là không ổn đâu. Chúng em học tập bộ đội Trường Sơn ngày xưa đấy...

Những “Đôi chân vạn dặm” ảnh 1

Chiến sĩ Đoàn Thông tin N.96 trên đường tuần tra qua địa bàn huyện Xuân Lộc (Đồng Nai). Ảnh: XUÂN CƯỜNG

Chúng tôi chia tay những đồng đội đưa tiễn tại ga Gia Ray, nhắm hướng Bắc thẳng tiến. Ga tàu, làng mạc và những cánh đồng hoa màu mơn mởn... lùi dần phía sau. Trước mặt chúng tôi là đường tàu như hai sợi chỉ song song, chạy dài hút tầm mắt giữa những cánh rừng bạt ngàn.

Mới đi được vài cây số, tôi đã cảm thấy... “oải”. Đi bộ đường rừng, trèo đèo, lội suối cũng không khó khăn bằng việc cứ loi choi bước thấp, bước cao giữa hai thanh đường ray xe lửa. Nhưng Quyết thì khác. Cậu đi trước tôi, đôi bàn chân như lướt trên đường ray nhỏ bé và nhẵn bóng. “Tụi em đi thường xuyên nên phải tập đi trên đường ray, đi ở giữa như vậy chân đau ê ẩm, chịu không nổi đâu” – Quyết nói.

Vừa đi Quyết vừa quan sát vị trí đường dây cáp quang đi qua. Phần lớn nó nằm chìm dưới đất, cách mé đường ray độ 2m-3m, nhưng cũng có đoạn qua khe, suối... thì nó nổi trên mặt đất. Chỗ nào có giấu đất mới giống như có ai vừa đào hay thú rừng dũi, Quyết dừng lại kiểm tra rất tỉ mỉ xem đường dây cáp quang có bị ảnh hưởng gì không. Những vị trí có người dân đang làm nương rẫy, canh tác gần đường dây cáp quang đi qua, Quyết dừng lại, ôn tồn nhắc nhở bà con cô bác hãy chú ý kẻo đào phải đường dây.

Quyết nhắc tôi phải tuyệt đối chấp hành nguyên tắc đảm bảo an toàn khi đi trên đường ray, đó là phải thường xuyên quan sát, nhất là từ phía sau để tránh tàu từ xa. Quyết nắm rất chắc khoảng thời gian nào thì sẽ có tàu chạy qua. Đường tuần tra ngan ngát hương trái điều chín rộ. Quyết bảo “Đi tuần tra dọc những cánh rừng ngan ngát hương điều, mọi vất vả như tan biến, em cảm thấy yêu và say mê với công việc của mình”. Vậy là đã tròn 3 năm Quyết trở thành chiến sĩ thông tin và cũng ngần ấy thời gian Quyết thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Mỗi ca tuần tra đi bộ 36km, cứ hai ngày lại thực hiện một ca, đều đặn suốt 3 năm trời...

Đại đội 15 đóng quân dưới chân núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Gọi là đại đội nhưng quân số chỉ tương đương một trung đội. Vậy nhưng nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ thì không hề nhỏ. Các anh đảm nhiệm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ tuyến cáp quang dài 308km, dọc theo đường ray xe lửa từ ga Sài Gòn đến ga Cà Ná (Bình Thuận), chia thành 4 điểm trạm, bố trí tại các ga tàu: Bắc Bình (Bình Thuận), thành phố Phan Thiết, ga Gia Ray (Đồng Nai) và thành phố Biên Hòa.

Khoảng cách giữa hai điểm trạm gần nhất là 36km, xa nhất là 110km. Mỗi lần tuần tra có hai chiến sĩ, đi hai hướng ngược chiều nhau. Thực hiện nhiệm vụ này đều là những chiến sĩ trẻ. Anh em được các thủ trưởng gọi vui là những người lính có “đôi chân vạn dặm”. Trung tá Lương Sĩ Vinh cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ đặc thù này đòi hỏi rất cao về ý thức tự giác và trách nhiệm cá nhân. Nếu không có bản lĩnh, không có lòng say mê công việc, những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Để có được niềm say mê công việc, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát bằng phương tiện chuyên môn, điều quan trọng hàng đầu là phải làm thật tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội”.

Dọc đường tuần tra có biết bao kỷ niệm đã khắc sâu vào tâm khảm người chiến sĩ và qua đó, hình ảnh người chiến sĩ thông tin trở nên đẹp đẽ, gần gũi hơn trong lòng dân. Cách đây 3 năm, trung úy Vương Thành Tấn, Trạm S.20 (lúc đó đang là chiến sĩ), trong quá trình đi tuần tra đã phát hiện một đoạn đường ray có nguy cơ bị trật ra ngoài. Quan sát kỹ, Tấn phát hiện có 7 thanh ngang giữa hai đường ray đã bị kẻ xấu tháo mất bù loong. Với sự cố này, nếu có đoàn tàu chạy qua, nguy cơ xảy ra tai nạn rất lớn. Tình thế nguy cấp, Tấn tìm cách báo gấp cho lực lượng cầu đường ở gần đó ra xử lý kịp thời.

Trung úy Trần Quang Thành thì có những kỷ niệm dở mếu dở cười. Có lần trên đường tuần tra, anh phát hiện có người say rượu nằm vắt vẻo ngang qua đường ray ngủ ngon lành. Khá vất vả anh mới đưa được người “chán sống” này ra khỏi đường ray, trước khi đoàn tàu rầm rập lao tới. Những chuyện tương tự như thế không hiếm trên những chặng đường tuần tra của lính cáp quang. Cũng có khi, chàng chiến sĩ trẻ đã phải làm một nhà tư vấn tâm lý bất đắc dĩ khi phát hiện một cô gái, vì bế tắc trong chuyện tình cảm nên ra ngồi ở đường ray chờ tàu chạy qua để quyên sinh. Chàng đã động viên, thuyết phục để thôn nữ trở về nhà.

Còn kỷ niệm đáng nhớ nhất của trung sĩ Nguyễn Vĩnh Quyết là lần tuần tra độc lập đầu tiên. Độ ấy, cách đây hơn 2 năm. Sau một thời gian được các cán bộ và chiến sĩ đi trước kèm cặp, Quyết bước vào ca tuần tra độc lập. Một cảm giác lo lắng, hồi hộp dâng lên trong lòng chàng lính trẻ. Quyết dậy thật sớm, khoác ba lô, chống gậy lần theo đường ray. Được khoảng chục cây số thì trời nổi dông. Sấm chớp đùng đùng, mưa gió quất ràn rạt. Quyết run lên bần bật vì lạnh. Quyết tạt vào một cánh rừng điều để tránh mưa và lả đi lúc nào không hay. Anh được một người dân tốt bụng đi hái điều đưa về nhà nghỉ ngơi. Sau khi được xoa dầu, cạo gió, uống nước gừng và ăn tô cháo hành nóng hổi, Quyết khỏe hẳn lại, tiếp tục quy trình tuần tra.

Người dân tốt bụng ấy là anh Hai Nam, bộ đội xuất ngũ ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Từ đó đến nay, gia đình anh Nam trở thành điểm dừng chân của những chiến sĩ tuần tra cáp quang. Họ được anh Hai Nam đón tiếp, phục vụ chu đáo như những người thân trong gia đình. “Cáp quang là mạch máu của đất nước. Các chú làm nhiệm vụ vất vả, anh cũng có trách nhiệm tiếp sức vì nhiệm vụ chung. Chúng ta là đồng đội mà”- Anh Nam nói thế.

Hầu hết các ca tuần tra, nếu phát hiện có sự cố xảy ra đều được thông báo xử lý kịp thời. Tuy nhiên cũng có những trường hợp sự cố nằm ngoài khả năng quan sát của người tuần tra. Mới đây, các chiến sĩ sau khi thực hiện xong quy trình tuần tra nhưng không phát hiện điều gì bất thường, thì thông tin từ máy điện tử của trạm báo cảnh, phát tín hiệu báo động, đường dây cáp quang đã bị đứt ở đoạn chạy qua địa phận quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.

Cái khó là máy móc chỉ phát hiện sự cố theo khu vực, trong vòng bán kính 2-3km. Còn vị trí cụ thể thì phải đi kiểm tra thực tế mới xác định được. Nửa đêm, tổ công tác xử lý sự cố gồm đại úy Tống Hồng Lam, thiếu úy Nguyễn Xuân Hiếu và hai chiến sĩ Trương Công Sang, Nguyễn Văn Nguyên, chia thành hai mũi cấp tốc lên đường. Sau 2 giờ đồng hồ lần theo sơ đồ bố trí đường dây, anh em phát hiện đoạn cáp quang chạy qua cầu Rạch Lăng đã bị kẻ gian cắt trộm. Sự cố được khắc phục ngay trong đêm để bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt. Khi tôi nói lời chúc mừng thành tích của đơn vị, đại úy Tống Hồng Lam nắm tay tôi nói:

- Nhiều trường hợp kẻ gian tưởng trong đường dây cáp quang có lõi đồng, nên cắt trộm để bán phế liệu. Tuy nhiên, dây cáp quang được làm bằng thủy tinh, có cắt trộm thì cũng chẳng bán được cho ai, nhưng nó lại gây thiệt hại rất lớn đến tài sản Nhà nước. Mỗi đường dây cáp quang có 12 sợi, một sợi truyền được 1.920 kênh thông tin cùng lúc. Chính vì vậy, việc đứt đường dây cáp quang sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mạng lưới thông tin. Các bác nhà báo tiếp sức cho tụi em tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ điều đó, để cùng có ý thức bảo vệ tài sản Nhà nước.

Tôi phải chia tay Quyết ở nửa chặng đường tuần tra, nhưng ngần ấy thời gian và quãng đường - cũng đủ cho tôi thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn nhưng cũng rất vinh quang và lãng mạn của người lính thông tin tuần tra...

Tôi nhìn theo bóng Quyết xa dần, hun hút phía cuối đường ray. Gió về rừng điều xào xạc. Hẳn ca tuần tra mới của chàng trung sĩ này sẽ có thêm kỷ niệm đẹp như một bài thơ...  

Phan Tùng Sơn

Tin cùng chuyên mục