Kỷ niệm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng 3-3

Những đồn biên phòng ở lưng chừng núi

Những đồn biên phòng ở lưng chừng núi

Trên biên cương ở những chốt tiền tiêu, mùa này rét buốt nhưng các chiến sĩ biên phòng vẫn bám dân bám bản gìn giữ từng tấc đất của tổ quốc. Họ còn giúp đồng bào phát triển lúa nước, cưu mang cho cả tộc người có nguy cơ tuyệt chủng, rồi gieo chữ cho từng bà con cả đời chưa biết đọc biết viết. Hình ảnh những đồn biên phòng ở lưng chừng núi, trong mắt của đồng bào dân bản tươi đẹp như mận tam hoa trong thung lũng những cánh rừng già.

Hoa vẫn nở trên đá

Những đồn biên phòng ở lưng chừng núi ảnh 1

Các chiến sĩ Đồn biên phòng Cà Roòng dạy người Ma Coong làm lúa nước.

Từ lâu, 18 bản của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch và người A Rem ở xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) luôn hàm ơn các chiến sĩ biên phòng ở Đồn biên phòng Cà Roòng đóng trên đường 20 Quyết Thắng, giáp nước bạn Lào.

Già làng Đinh Hợp kể rằng: “Trước đây người Ma Coong ở các bản Cờ Đỏ, A Ki, Cu Tồn, Cồn Roàng… sống một cuộc sống khổ sở. Suốt ngày đầu tắt mặt tối đốt rừng, du canh du cư.

Nhưng từ khi biên phòng lên đây, cắm chốt ở Cà Ròong thì bà con đỡ khổ. Biên phòng vận động mình đừng du canh du cư nữa, lúc đầu cái tai nghe không lọt. Sau đó thấy có lý mà định cư ở vùng biên giới. Khi trước, những người đau ốm phải nhờ đến thầy mo nhưng bệnh tình vẫn không khỏi, cái chết vẫn đưa mọi người đi bất ngờ. Nhưng từ ngày bộ đội biên phòng ăn cùng cái bát, ngủ cùng tấm chăn với dân bản thì cũng chữa được bệnh tật cho dân bản. Hơn 2.000 đồng bào Ma Coong dân mình luôn tin yêu cái đồn biên phòng lắm.

Biên phòng tốt đến mức làm được hoa nở trên đá để bà con no cái bụng đấy. Ngày xưa, dân bản chẳng ai biết lúa nước cả. Biên phòng suốt đêm thao thức làm sao đưa được lúa nước vào chốn đá vôi nhiều hơn đất này, nghĩ mãi, bộ đội cũng khai hoang được hơn 20 sào lúa nước trên núi La La. Ngày trọng đại gieo lúa cả ngàn dân bản đi coi bộ đội làm. Vụ mùa đầu tiên thu hoạch, bộ đội biên phòng mời mọi người đến ăn mừng gạo mới. Bữa ăn đó ai cũng nhớ mãi những hạt gạo thơm trắng.

Sau vụ đó, cái biên phòng cho dân bản hết ruộng đất, bày cách làm lúa nước. Bây chừ đã tới vụ mùa thứ năm bội thu rồi, bà con cũng khai hoang được thêm nhiều ruộng nước nữa. Dân bản mình có được ngày hôm nay là nhớ mãi ơn nghĩa biên phòng thôi”.

Cưu mang một tộc người

Những đồn biên phòng ở lưng chừng núi ảnh 2

Các chiến sĩ Đồn biên phòng Ra Mai trong một chuyến tuần biên.

Trong cái rét cắt da cắt thịt, chúng tôi lên với Đồn biên phòng 585, nơi kiên gan cưu mang tộc người Rục từ ăn lông ở lổ trong hang bước ra cuộc sống, biết cuốc đất trồng cây, nuôi heo, biết làm nhà vệ sinh xa nơi ở.

Câu chuyện với Đồn trưởng 585 Đinh Tiến Khâm về tộc người Rục cứ hiện về rõ nét. Năm 1959, trong một chuyến đi tuần qua hang Cà Rưng, bộ đội biên phòng phát hiện trong hang có rất nhiều người sống như thời nguyên thủy. Thấy người lạ, đám người đó chạy tán loạn, nhóm trèo lên vách hang, nhóm đu dây lên cây rừng để lại những đứa trẻ con khóc ré lên vì sợ.

Câu chuyện được già làng Cao Trực kể thêm: “Lúc bộ đội biên phòng gặp bà con trong hang, họ đã nhẫn nại đi theo dân bản vào rừng sâu núi thẳm. Mình còn nhớ trưởng đoàn là Lê Bá Cương dẫn đầu, tìm và phát hiện đồng bào mình ở hang Cà Rưng. Lúc đó ai cũng sợ, may có một già làng người Sách đi cùng nên không lo nhiều. Già làng người Sách cùng bộ đội thuyết phục, dân mình tròn một cái nắng (một ngày) mới rón rén đi theo bộ đội biên phòng ra thung lũng dựng lều làm rẫy.

Thiếu muối bộ đội cho, thiếu gạo bộ đội cũng cho, bộ đội còn may áo quần cho mặc. Lúc đầu uống không được cái nước nấu sôi, thấy nóng là mọi người lũ lượt bỏ vào rừng. Bộ đội lại đi tìm, lại trốn chạy. Nhưng chui lủi mãi trong rừng thì củ mài cũng hết, cái đói, cái rét hành hạ mà bộ đội thì gọi về cho ăn nên mọi người mon men về lại.

Có một giai đoạn dài, nghèo đói cứ vồ lấy mọi người, mới ra khỏi hang, không biết chăn nuôi, trồng cây, chỉ biết bộ đội cho gì ăn nấy, dựng nhà cho thì ở. Ba năm nhà dột thì họ hàng cùng nhau xô ngã rồi ù chạy lên hang. Bộ đội lại tất tưởi đi tìm. Đồng bào mình chẳng biết làm công cụ lao động, chỉ có cây ná, ngọn lao. Bộ đội cho cái cuốc, cái rựa… nhưng không biết sửa, hư là vất nên đói vẫn hoàn đói”.

Trước tình hình đó, bộ đội biên phòng 585 đã không ngại khó khăn, Đồn trưởng Khâm nói: “Đã đưa bà con ra khỏi hang thì nhất quyết bày được cách sống của mọi người cho đồng bào Rục”. Nói là làm. Các chiến sĩ Đồn 585 xuống tận từng hộ dân, dạy cách sống hợp lý, phải xây dựng nhà vệ sinh xa nơi ở, phải ăn chín uống sôi, và quan trọng nhất là phải biết lao động.

Hơn 20 năm hướng dẫn đồng bào Rục lao động, đến nay ở Rục đã có nhiều người trồng được ngô, sắn, nuôi được con trâu, con bò. Tuy những phong tục lạc hậu vẫn còn nhưng người Rục đã có chi bộ Đảng, đã có Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ. Tất thảy những gì người Rục có được hôm nay, họ đều ghi lòng tạc dạ ơn cưu mang của Đồn biên phòng 585.

Gieo chữ ở chốt tiền tiêu

Dưới chân dãy núi Giăng Màn quanh năm mây phủ ở vùng biên cương heo hút của huyện rẻo cao Minh Hóa, Tuyên Hóa có 27 bản làng của các tộc người Mày, Khùa, Mã Liềng, Trì, Thổ, Ca Rai… đang sinh sống dưới sự dẫn dắt của chốt tiền tiêu Đồn biên phòng 589 Ra Mai.

Ở chốt tiền tiêu, khi chưa có trường, các chiến sĩ biên phòng đã trở thành thầy giáo dạy cho đồng bào biết cái chữ Bác Hồ. Bộ đội biên phòng đã dựng lều mời bà con đến cho chữ, cái chữ lúc đầu cứ loi choi nhảy múa, nhưng học mãi, học kỹ thì cái chữ gieo được trong đầu, cái tâm biết được chữ thì bừng sáng. Già Hồ Xót nói: “Dân bản ở vùng Tây Minh Hóa, Tuyên Hóa ai cũng nhớ tấm lòng của bộ đội Bằng, bộ đội Ngói, bộ đội Đạt khi ngày đầu nói với bà con rằng, phải học chữ để biết cái lạc hậu của bản mình mà khắc phục.

Khi có cái chữ, dân mình biết tính toán đầu tiên, sống tiến bộ hơn vùng Tà Vờng, Cà Chăm, A Ki… Thấy vậy, các già làng ở đó đề nghị biên phòng dạy chữ cho họ. Bây chừ 27 bản làng này, chỗ mô cũng có chữ Bác Hồ in đậm công sức các chiến sĩ biên phòng”. Chúng tôi tìm gặp Thượng úy Bằng mới hiểu, ngày đầu từ xuôi lên dạy chữ cho bà con, cả thầy lẫn trò chẳng hiểu nhau. Đồn Ra Mai đã tiếp sức thêm hai chiến sĩ Hồ Ngói, Hồ Đại là người dân tộc cùng dạy chữ.

Tiếp nữa bộ đội Bằng cũng cật lực học tiếng dân tộc. Lâu ngày, máu thịt các chiến sĩ đã keo sơn với cuộc sống bà con dưới chân núi Giăng Màn. Bây giờ, theo lời bộ đội Bằng: “Cả dân bản và biên phòng ai cũng hiểu được tiếng nói của nhau, quý hơn nữa là ai cũng hiểu được cái bụng của nhau ưng gì”.

Đồn biên phòng Ra Mai có nhiệm vụ quản lý gần 25km đường biên, với 27 bản làng của đồng bào dân tộc ít người. Khi chúng tôi có mặt ở những bản làng xa ngái này, già làng Hồ Xót lên tiếng: “Có bộ đội biên phòng, dân bản mình ai cũng yên tâm, cũng vui mừng sinh sống. Bản làng mình chưa có điện nhưng chữ Bác Hồ được chiến sĩ biên phòng cho thì dân bản mình thấy sáng cả cuộc đời của mình và của con cháu mình đấy”. 

MINH PHONG – NGUYỄN BẢO

Tin cùng chuyên mục