
“Chuyện lừa phỉnh trẻ em ở Quảng Ngãi đi bán mì gõ ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc làm thuê cho các chủ ở Tây Nguyên đang có xu hướng lan đến các em là con của đồng bào dân tộc thiểu số trên 6 huyện miền núi của tỉnh” – Phó Chủ nhiệm UBDS GĐ&TE Quảng Ngãi Nguyễn Duy Việt cho biết như vậy. Chúng tôi đã về các thôn bản gặp những đứa trẻ từng bị các chủ lao động xem chúng là đích ngắm để tính chuyện làm ăn của mình...
- Lỡ nghe theo lời đường mật

Em Phạm Văn Vít – em bé bị lạc ngay trên đất Quảng quê nhà.
Từ thị trấn Trà Xuân, chúng tôi vượt trên 20km đường rừng theo hướng Tây-Bắc về xóm Băng xã Trà Hiệp huyện miền núi Trà Bồng. Qua những con dốc cao ngoằn ngoèo, chúng tôi đến lớp nhô (thường dành cho vùng sâu, vùng xa bao gồm học sinh của một vài lớp ghép lại) của trường tiểu học thôn Băng nằm bên cạnh đường. Lớp có tổng số 21 học sinh gồm cả học sinh lớp 1 và lớp 2.
Chỉ cái bàn trống, cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc nói: “Đây là chỗ ngồi của em Hồ Văn Đăng. Cách đây hai tháng, cháu vắng học, tôi vào nhà hỏi chuyện, ba mẹ em nói: “Nó trốn nhà đi làm thuê mất rồi”. Bây giờ, ở lớp không có Đăng và ba mẹ cũng chẳng biết Đăng ở nơi nào mà tìm.
Nhìn đối diện điểm trường có ngôi nhà nhỏ và cách không xa là cái chuồng bò, có đứa trẻ đang lùa bò về chuồng, cô giáo Cúc cho biết đó là cháu Hồ Văn Dế, một trong 10 trẻ em bị lừa phỉnh vào thành phố Hồ Chí Minh bán mì gõ được các ngành chức năng phát hiện tạo điều kiện đưa về quê hồi tháng 3-2004. Vuốt mớ tóc đẫm mồ hôi, Dế kể: “Ông T. nói vào Sài Gòn làm có tiền mà cũng khỏi phải học hành. Đúng ngày hẹn, ổng đưa xe Honda đến chở cháu với chị Kiều xuống thị trấn Trà Bồng. Hôm sau ổng chở xuống huyện Đức Phổ giao cho các chủ bán hủ tiếu đưa xe vào thành phố”.
Từ hồi được về quê, Dế cùng với chị đi phát rẫy rồi đi chăn bò thuê kiếm tiền phụ ba mẹ. Hỏi chuyện học, Dế cúi đầu im lặng.
Chúng tôi theo Dế về nhà. Đang mùa phát rẫy nên cha mẹ em đã lên rừng từ sáng sớm. Ngó quanh trong ngôi nhà tranh vách đất, tài sản chẳng có gì quý giá. Bữa cơm trưa của 5 chị em trong ngôi nhà nhỏ chỉ có cơm và cua đồng nướng khô giã với muối.
Rời huyện Trà Bồng, chúng tôi về thôn Nước Xuyên xã Ba Vì huyện miền núi Ba Tơ, giáp ranh với tỉnh Kon Tum. Em Phạm Thị Gió - cũng là một trong 10 đứa trẻ bị lừa phỉnh vào thành phố Hồ Chí Minh được các ngành chức năng phát hiện đưa về quê hồi tháng 3-2005, kể: “Ông D. nói rằng vào trong đó phụ bán quán cơm, làm một năm sẽ được trả 3,5 triệu đồng. Cháu nghĩ mình đi làm sẽ có tiền mua dây chuyền đeo sướng quá nên nhận lời trốn mẹ bỏ đi”. Em cho hay, từ lúc trở về làng đến giờ em chỉ lo chăn trâu, làm ruộng. Nhà Gió thuộc diện có của trong làng với 6 con trâu.
Cha của Gió, ông Phạm Văn Nha, kể: “Nghe nó đi vợ chồng tui tức tốc đi tìm. Nhưng không biết nó đi đâu. Đến khi các chú ở Ủy ban dân số gia đình trẻ em huyện đưa cháu về, nó khóc, tui cũng khóc, vợ tui cũng khóc”.
Trong số những đứa trẻ bị dụ dỗ đi làm thuê trở về có lẽ trường hợp em Phạm Văn Vít ở xã Ba Tô huyện Ba Tơ là rất hi hữu. Em bị những người dụ dỗ đưa vào TP Hồ Chí Minh bán mì gõ. Chủ xe hủ tiếu quê ở xã Phổ Vinh huyện Đức Phổ thấy thằng nhỏ quá ngờ nghệch nên cắt làm công việc xắt hành. Nhớ mẹ nên Vít đòi về hoài. Quá chán thằng bé nên chủ xe hủ tiếu chuyển nó về nhà mình ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) để chăn bò. Thế là thằng bé ở cách quê nhà non một ngày đi bộ mà chẳng biết quê.
Vít kể: “Chủ nhà không cho đi chơi. Đi hớt tóc ổng cũng đưa đi rồi về”. Hơn một năm trời Vít chăn trâu cho gia đình cha của nhà chủ. Những người dân chòm xóm biết chuyện đã báo với chính quyền và Ủy ban Dân số gia đình và Trẻ em huyện Đức Phổ. Ủy ban thông báo với huyện Ba Tơ để xác minh. Sau đó, tìm cách đưa thằng bé về. Bây giờ Vít đang học lớp 4 trường tiểu học xã nhà.
Bà Phạm Thị Dân- mẹ của Vít kể: “Thấy nhà nghèo quá, những người đi buôn bán dạo bèn nói với tui cho cháu đi làm mỗi năm sẽ trả 3 triệu đồng. Lúc Vít đi họ hứa sẽ đưa trước cho 500 nghìn đồng. Thế nhưng họ có đưa đâu…”. Tức vì cảnh bất công, các anh công an và cán bộ chính quyền của xã nhà Vít đòi mãi họ mới đưa 1,5 triệu đồng.
- Làm gì để ngăn chặn?

Anh chị em của Dế (bìa phải) với bữa ăn trưa.
Theo thống kê của Ủy ban Dân số gia đình và Trẻ em tỉnh Quảng Ngãi, vào cuối năm 2004, toàn tỉnh có 605 trẻ em lang thang kiếm sống ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên với các nghề bán mì gõ, lượm ve chai, làm cỏ rẫy cà phê. Con số này dao động liên tục bởi có những em không đáp ứng được yêu cầu của chủ lao động hoặc cực khổ quá tìm cách trốn về.
Tuy vậy, hiện nay trẻ em lang thang kiếm sống đang có xu hướng gia tăng trên các huyện miền núi của tỉnh. Các đối tượng lừa phỉnh thường nhằm vào những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, lười học. Và một khi đã lừa phỉnh được các cháu rời khỏi nhà thì chuyện ép các cháu làm việc quá sức, ngược đãi hay quỵt tiền là điều dĩ nhiên của những kẻ vô lương.
Trao đổi với những đứa trẻ được các ngành chức năng phát hiện tạo điều kiện trở về quê hương, các em đều cho rằng mình may mắn. Còn ba mẹ của chúng thì mong ngành chức năng sớm điều tra, phát hiện và xử lý những đối tượng lừa phỉnh. Trưởng Công an huyện Trà Bồng, Trung tá Hồ Ngọc Đức cho biết: Năm 2003, huyện đã phát hiện xử lý 2 đối tượng lừa phỉnh kiểu này. Riêng vụ mới này, huyện đã điều tra và đã xác định 3 đối tượng liên quan đến việc dụ dỗ trẻ em này và đang lập hồ sơ xử lý.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số gia đình và Trẻ em tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Duy Việt cho biết: Những năm qua, Ủy ban cũng đã triển khai chương trình “Trẻ hồi gia” để giúp các em học nghề và tạo điều kiện cho một số gia đình diện này vay vốn phát triển sản xuất. Thế nhưng, đối với những đứa trẻ tuổi 16, 17 thì có thể học nghề, còn những đứa trẻ 13, 14 tuổi chưa thể học nghề mà không muốn học thì vẫn chưa có cách xử lý.
Ông Việt còn cho hay: Trong tháng hành động vì trẻ em (đã triển khai từ 15-5-2005 – 15-6-2005) Ủy ban mở đợt tuyên truyền đến các bản thôn về tình trạng lừa phỉnh trẻ em nghèo đi lao động sớm và tổ chức để những em trở về nói chuyện trực tiếp với các em ở khu dân cư của mình.
VÕ QUÝ CẦU