Những khoảnh khắc dung dị

Nhiếp ảnh là câu chuyện của khoảnh khắc, tay máy dù chuyên hay không chuyên đều cố gắng bắt thời gian ngừng lại… Và đâu đó, giữa những cung bậc sáng tác của nghệ sĩ, nhịp sống dung dị lại hiện lên qua từng khung hình, câu chuyện đời cứ thế lan tỏa từ những góc máy, màu sắc chân phương mà đẹp đẽ đến lạ.
Bác Bảy Tân - nhân vật trong bộ ảnh “Người thầm lặng 30 năm vớt rác trên dòng kênh đen”. Ảnh: NSNA AN DUNG
Bác Bảy Tân - nhân vật trong bộ ảnh “Người thầm lặng 30 năm vớt rác trên dòng kênh đen”. Ảnh: NSNA AN DUNG

1. Thoáng nhìn qua ít ai biết, ông cụ ngoài 70 tuổi lặng thầm với công việc vớt rác bên dòng kênh Cầu Mé (giáp Công viên Văn hóa Đầm Sen) là chủ nhân của nhiều danh hiệu vì cộng đồng như: “Trái tim Sài Gòn”, “Hiệp sĩ đường phố”… Đó là bác Bảy Tân (tên thật Phạm Văn Tân, ngụ quận 11, TPHCM). Qua ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) An Dung, hình ảnh bác Bảy Tân lặng thầm với công việc vớt rác suốt mấy mươi năm hiện lên chân phương, gần gũi; và từ dòng kênh đen ngòm, những mầm xanh được bác Bảy vun vén cũng bắt đầu vươn mình.

Nói về bộ ảnh “Người thầm lặng 30 năm vớt rác trên dòng kênh đen” chụp bác Bảy Tân, NSNA An Dung kể: “Chứng kiến một ngày bác vớt rác ở kênh, ghé nhà bác trò chuyện, tôi thích và nhớ nhất là tính cách chân thật, giản dị, một người vì cộng đồng thầm lặng cải tạo bảo vệ môi trường sống quanh mình, từng chút mỗi ngày”.

Mỗi khoảnh khắc đi qua, những câu chuyện kể lại bằng hình ảnh không chỉ là “gia tài” của nghệ sĩ, mà mỗi con người đã gặp ít nhiều để lại những câu chuyện hay trong đời. NSNA An Dung chia sẻ: “Khi chụp những câu chuyện đời thường như bác Bảy Tân, điều tôi suy nghĩ là kể câu chuyện bằng hình ảnh phù hợp, chân thật và dung dị nhất như chính con người bác Bảy. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng bác vẫn cần mẫn, hết lòng vì công việc chung với lối xóm. Chính tính cách, lối sống ấy của bác đã cho tôi cảm xúc đẹp khi thực hiện bộ ảnh này”.

2. Cảnh sắc TPHCM và hình ảnh chú bộ đội là những đề tài thân thuộc của NSNA Nguyễn Trung Trực, bởi anh cũng là một người lính. Đặt ống kính của mình hướng về lực lượng vũ trang, anh ghi trọn từng giọt mồ hôi người chiến sĩ nơi thao trường, tăng gia sản xuất hay xây nhà, xây cầu giúp dân… 4 năm theo dõi quá trình tập huấn và chuẩn bị của cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đến số 3 lên đường sang Cộng hòa Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc, NSNA Nguyễn Trung Trực ghi lại nhiều khoảnh khắc xúc động của người chiến sĩ quân y Việt Nam qua các bộ ảnh “Lực lượng gìn giữ hòa bình làm theo lời Bác”, “Chào Tổ quốc! Chúng tôi lên đường”, “Nữ sứ giả hoà bình”...

Với NSNA Nguyễn Trung Trực, cảm hứng của anh là người lính. “Đợt chống dịch vừa rồi, mọi người thấy bộ đội là lực lượng tuyến đầu, nhưng không chỉ trong chống dịch mà ngày thường cũng thế. Người lính có mặt giúp dân trong khó khăn hay thiên tai bão lũ, họ cứ âm thầm làm hết mình. Những hình ảnh đẹp đó, tôi nghĩ cần được lan tỏa nhiều hơn. Mỗi lực lượng, đơn vị mà tôi có dịp đến, họ có những sắc thái riêng, đem đến cho mình những cảm xúc sáng tạo khác nhau”, NSNA Nguyễn Trung Trực tâm sự.

3. Phong cảnh hay những khoảnh khắc đời thường cùng nhiều lĩnh vực khác đều là những chủ đề cho người nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tác, sáng tạo. Thay vì đi tìm những chân trời sáng tạo mới, với NSNA Trần Thế Phong, nhịp sống ở TPHCM và câu chuyện đời của những hoàn cảnh không may mắn luôn là đề tài để anh rung động.

Đi bộ đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam, trà đá miễn phí, cơm từ thiện… ở TPHCM được anh ghi lại qua bộ ảnh “Thành phố nghĩa tình”. Không phải lần đầu tiên chụp người khuyết tật, nhưng khi hướng ống kính về các em nhỏ khiếm thị ở Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10), NSNA Trần Thế Phong trăn trở: “Tôi cố gắng tìm góc chụp, để các em có những khoảnh khắc đẹp. Qua bộ ảnh này, tôi cũng mong muốn được lan tỏa thông điệp yêu thương đến những mảnh đời kém may mắn và mọi người xung quanh”.

Nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, trước câu hỏi liên tục chụp nhiều bộ ảnh ở thành phố dễ rơi vào lối mòn, NSNA Trần Thế Phong tâm sự: “Những câu chuyện, hình ảnh về con người hào sảng, nhân ái, bao dung ở TPHCM luôn mang đến cho tôi nhiều cảm xúc và nhiều năng lượng khi săn tìm những khoảnh khắc đẹp ý nghĩa, nhân văn trong cuộc sống thường nhật. Tôi cảm nhận được những góc phố, các ngõ hẻm tại TPHCM thay đổi dần theo thời gian, mỗi thời khắc đều có cái hay và đẹp riêng theo cảm xúc riêng của mỗi người”.

Bộ ảnh “Người thầm lặng 30 năm vớt rác trên dòng kênh đen” của NSNA An Dung, “Lực lượng gìn giữ hòa bình làm theo lời Bác” của NSNA Nguyễn Trung Trực và “Thành phố nghĩa tình” của NSNA Trần Thế Phong đoạt giải A, Giải thưởng sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2010-2020. NSNA An Dung bày tỏ: “Sống và làm việc tại TPHCM, tôi luôn mang cảm xúc tự hào và trong lĩnh vực nhiếp ảnh, tôi mong muốn góp phần để tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân rộng và lan tỏa”.

Tin cùng chuyên mục