Những người đốt lửa dẫn đường

30 thầy cô giáo đoạt giải thưởng Võ Trường Toản – giải thưởng “tôn sư – trọng đạo” của Báo Sài Gòn Giải Phóng và Sở GD – ĐT TPHCM - đang nỗ lực mang đến cho học sinh của mình những giờ học vui tươi, nhẹ nhàng nhưng hiệu quả.
Những người đốt lửa dẫn đường

30 thầy cô giáo đoạt giải thưởng Võ Trường Toản – giải thưởng “tôn sư – trọng đạo” của Báo Sài Gòn Giải Phóng và Sở GD – ĐT TPHCM - đang nỗ lực mang đến cho học sinh của mình những giờ học vui tươi, nhẹ nhàng nhưng hiệu quả.

Nguyễn Thị Phương Anh, giảng dạy môn Địa lý Trường THCS Đức Trí, quận 1:
Đi tiên phong trong thiết kế giáo án điện tử

Những người đốt lửa dẫn đường ảnh 1

Cô Nguyễn Thị Phương Anh trong một giờ dạy địa lý.

Trong quá trình dạy, cô thường chăm chú quan sát nét mặt của các HS, nếu ánh mắt các em thể hiện sự ngơ ngác thì cô tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời xem lại cách dạy của mình. Làm thế nào để học sinh tiếp thu thật nhanh nhưng vẫn khắc sâu kiến thức? Những câu hỏi đó cứ xoay trong đầu, thôi thúc cô. Lời đáp đã có sau khi cô đi dự một tiết giảng về giáo án điện tử (GAĐT) của đồng nghiệp cách đây 4 năm.

Với những hình ảnh, âm thanh sống động, bài giảng điện tử có khả năng sử dụng tối đa lợi thế của phương pháp trực quan sinh động, đem đến hiệu quả thiết thực, thu hút sự chú ý và tạo hứng thú cho học sinh. Những bài đầu tiên soạn trên GAĐT, cô Phương Anh phải mất 2 tuần tìm kiếm tư liệu, lê la đến các tiệm sách báo cũ, các cửa hàng CD đến nỗi người bán quen mặt, sẵn sàng tìm giúp cô những tư liệu cần thiết.

Chưa hết, cô còn tự mày mò học cách sử dụng power point, cách chèn nhạc, hình ảnh vào bài giảng. Nhận xét về đồng nghiệp của mình, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí, cô Nguyễn Thị Phi cho biết: “Không chỉ là giáo viên giỏi nhiều năm liền, cô Phương Anh còn là người đi tiên phong trong thiết kế sử dụng GAĐT ở trường”.

Đinh Thị Kiều, giảng dạy môn Giáo dục công dân Trường THCS Chánh Hưng, quận 8:
Lên bục giảng cũng cần một phong cách nghệ sĩ

Dạy Giáo dục công dân nghĩa là dạy làm người. Mỗi đầu năm học, cô Kiều đều dành thời gian để tâm sự với các em HS về mục tiêu của môn học. Nếu các em muốn giỏi các môn khoa học khác thì trước hết phải học tốt môn công dân, học làm người. Cô quan niệm người thầy lên bục giảng phải có phong cách như một nghệ sĩ, phải thổi không khí sinh động, sôi nổi trong các tiết học. GDCD là bộ môn khô khan cần phải có phương pháp làm “ướt” bằng các câu chuyện kể, dẫn dắt các em từ chuyện đời xưa đến chuyện ngày nay.

“Để có những câu chuyện này, mình phải chịu khó đọc từ sách vở, báo chí và chịu khó … sưu tầm”- cô Kiều cười. Ngoài ra, bài học thuộc lòng đừng quá dài dòng mà cần tóm gọn lại để HS có thể thuộc ngay tại lớp. Mỗi tuần chỉ có 1 tiết GDCD, do vậy cô mong muốn HS của mình chủ động tiếp nhận kiến thức. Sau mỗi tiết học, cô thông báo nội dung của bài học tuần sau và gợi ý các em tự tìm tư liệu. HS nào chuẩn bị tốt sẽ có điểm thưởng. Giờ học của cô luôn có nhiều yếu tố bất ngờ, hôm thì các em được sắm vai diễn kịch, kể chuyện, lúc lại được chia thành tổ thảo luận.

Theo cô, đổi mới phương pháp dạy học không có gì là khó khăn, người thầy đừng ôm đồm nhiều, nói nhiều, mà hãy để các em chủ động, tự do tranh luận, GV chỉ là người quan sát và kết luận. Mỗi cuối năm học, HS đều yêu thích môn học GDCD hơn. Qua những bài phát biểu cảm tưởng về môn học và phương pháp giảng dạy của cô, nhiều HS viết: “Những bài học dạy làm người sống động của cô sẽ theo em đi suốt cuộc đời”.

Huỳnh Thị Kim Tuyết, giảng dạy môn Sử Trường THPT Trung Phú, huyện Củ Chi:
Hấp dẫn, sôi động với từng sự kiện

“Chắc là do thương mình nên HS chịu khó chăm chú nghe cô giảng bài” - cô Kim Tuyết khiêm tốn. Môn lịch sử là môn học nhân văn, nếu HS vận dụng trí nhớ quá nhiều, nhưng kiến thức không thấy ứng dụng thì các em không thấy hứng thú. Lịch sử là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai, dạy sử không chỉ để HS biết sự kiện, thời gian, những con người ở quá khứ đã sống như thế nào mà còn để hiểu tại sao lịch sử diễn ra và ta có thể rút ra ý nghĩa trong thời đại chúng ta đang sống.

“Quá nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi phương pháp kiểm tra đánh giá để chấm dứt sự hờ hững của HS với các môn khoa học xã hội – nhân văn. Riêng tôi, trách nhiệm của người đứng trên bục giảng thì phải không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy”. Nghe cô tự hào nói về môn học của mình, chúng tôi hiểu vì sao HS luôn tròn xoe mắt nghe cô giảng. Cô không ngừng đặt nhiều câu hỏi, tình huống gợi mở sự liên tưởng, phân tích, đánh giá của các em. Chính vì thế, giờ học không ở trạng thái tĩnh mà luôn sôi động, hấp dẫn.

HOÀNG THẢO – DOANH DOANH

 

Tin cùng chuyên mục