Những người giữ lá phổi của thành phố

Rủ nhau... vào rừng
Những người giữ lá phổi của thành phố

Rừng phòng hộ Cần Giờ được xem là một trong những khu rừng ngập mặn được bảo vệ tốt nhất Đông Nam Á. Đây cũng là nơi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam (nằm trong hệ thống Khu dự trữ sinh quyển thế giới).

Rủ nhau... vào rừng

Xuyên qua những cánh rừng đước bạt ngàn, chúng tôi thật sự bỏ lại sau lưng mọi ồn ào khói bụi khi đặt chân lên con đường Rừng Sác - từng được ví là “con đường đánh thức Cần Giờ”. Cách đây hơn 30 năm, trong chiến tranh chống Mỹ, Cần Giờ được nhắc tới như một địa danh của “vùng đất chết” vì bị hoang hóa bởi bom, chất độc hóa học. Nhưng, nhờ bàn tay của con người, rừng hồi sinh trở lại với dáng vẻ uy nghiêm, rộng lớn vốn có. Trước mắt chúng tôi giờ đây là một màu xanh mướt của đước, bần… và một màu bình an của mênh mang sông nước.

Những người giữ lá phổi của thành phố ảnh 1

Một bàn tay bị mất trong chiến tranh không là trở ngại đối với ông Hưng.

Rừng phòng hộ Cần Giờ, nằm cách trung tâm TPHCM hơn 50km về hướng Đông-Nam, là khu rừng ngập mặn có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại động thực vật đặc trưng. Đây vừa là “lá phổi” vừa là “quả thận” làm sạch không khí và nước thải từ thượng nguồn hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đổ ra biển Đông. Hơn 30 năm qua, hàng vạn hécta rừng bị hủy diệt đã được phủ xanh trên 37.162 ha đất ngập mặn Cần Giờ, trong đó có gần 19.000 ha rừng trồng, 11.500 ha rừng tái sinh tự nhiên và các loại rừng khác.

Tổng diện tích này được Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Cần Giờ giao khoán cho 12 đơn vị nhà nước và 132 hộ dân làm nhiệm vụ giữ rừng và bảo vệ rừng. Trong 132 hộ dân bảo vệ rừng, chiếm phần lớn là dân ở xã Tam Thôn Hiệp huyện Cần Giờ, TPHCM.

Từ năm 1976, những hộ dân ở xã Tam Thôn Hiệp đã hăng hái hưởng ứng chủ trương trồng rừng của Nhà nước, phục hồi lại màu xanh trên vùng đất khô cằn, hoang hóa do ảnh hưởng của hàng vạn tấn bom đạn và chất độc hóa học trong chiến tranh. Những người nông dân đầu tiên như cô Đinh Thị Hồng, chú Phạm Văn Hưng, chú Nguyễn Văn Nở, cô Nguyễn Thị Kim Hoàn… đã làm gương cho bọn trẻ khi đi trồng rừng bằng đôi bàn tay mà ngày xưa đã cầm súng bảo vệ đất nước. Trồng rừng xong thì phải có người bảo vệ. Vậy là những con người này lại xung phong đi bảo vệ rừng.

Ông Phan Văn Hưng (ấp An Lộc xã Tam Thôn Hiệp huyện Cần Giờ) là 1 trong số 10 người đầu tiên đi vô rừng, cắm chốt để bảo vệ rừng từ năm 1990 ở Tam Thôn Hiệp. 59 tuổi, gần 20 năm gắn bó với rừng, ông Hưng giờ đang băn khoăn: “Tuổi lao động sắp hết, không biết họ còn cho chú đi giữ rừng nữa không?”. Gia đình ông Hưng có 3 nhân lực nhận giữ 116 ha rừng (tiêu chuẩn 40 ha/nhân lực). Buổi sáng thì rảo bộ vòng quanh, buổi chiều tối là thời điểm quan trọng nên dùng ghe để đi, cứ thế, 3 thành viên trong gia đình ông thay nhau đi tuần, đi kiểm soát.

Gia đình ông Nguyễn Văn Nở (ấp An Phước xã Tam Thôn Hiệp huyện Cần Giờ) cũng nhận giữ 130 ha rừng với 3 nhân lực. Ông Nở tâm sự: “Đi giữ rừng như bọn tui tuy không khá giả nhưng ổn định, được địa phương cũng như BQL quan tâm nên cuộc sống cũng đỡ vất vả, nhờ đó bọn tui có thể yên tâm mà giữ rừng, bảo vệ rừng tốt”. Ông Nở cũng cho biết thêm, bây giờ người dân ý thức hơn nên nạn phá rừng đã giảm đi rất nhiều, không như hồi mới vô, người ta phá nhiều, có ngày có đến 5 - 10 vụ chặt phá rừng…

Từ 10 hộ đầu tiên thí điểm giữ rừng, hiện xã Tam Thôn Hiệp đã có 73 hộ giữ rừng, và trên khắp các thôn xã của huyện Cần Giờ, người dân rủ nhau đi nhận rừng để bảo vệ.

Người phụ nữ gan lì

Những người giữ lá phổi của thành phố ảnh 2

Cô Hồng kể lại những năm đầu mới đi trồng và giữ rừng.

Trong số 10 người xung phong đi giữ rừng đầu tiên của huyện Cần Giờ, cô Đinh Thị Hồng (ấp An Hòa xã Tam Thôn Hiệp huyện Cần Giờ) được tiếng gan lì vì tuy là phụ nữ nhưng dám “xông” vào chốn rừng sâu nước độc đối diện với lâm tặc. Năm 1976, cô là một trong mấy người tham gia tích cực trong việc trồng rừng trong xã. Sau khi trồng rừng xong, thấy bà con không có việc gì làm, cái nghèo cái khổ lại đeo bám nên cô Hồng mạnh dạn đề xuất ý kiến với những người đứng đầu Huyện ủy Cần Giờ xin được giao rừng để vừa giữ rừng vừa tìm kế sinh nhai trên những mảnh rừng đó.

Năm 1990, được sự đồng ý của lãnh đạo, cô mừng rơi nước mắt, về rủ thêm 9 người nữa lập nên một đội 10 người để thí điểm giữ rừng. Gia đình cô có 6 người, dắt díu cả vào rừng. Cô tâm sự: “Hồi đó mà có công việc làm để có cái ăn cho 6 người là mừng lắm! Sau này, thấy bọn tui làm tốt nên từ khi rừng được giao về cho huyện Cần Giờ quản lý, mô hình giao rừng cho dân giữ đã được nhân rộng ra và mang lại những hiệu quả thiết thực”. Những năm đầu, lâm tặc hoành hành ở rừng Cần Giờ ai cũng sợ, thế mà cô Hồng đã đối phó được với chúng.

Cô nói: “Đã đi ăn trộm thì có gan lì mấy họ cũng sợ chủ nhà. Với lại hồi đó những người đi ăn trộm cũng vì nghèo mà đâm liều! Mình bắt họ giao cho cơ quan chức năng thì họ bị xử phạt, nhưng rồi họ lại tái phạm vì sự túng quẫn đeo đuổi họ…”. Vì thế trong vô số những lần đối mặt với những người chặt phá rừng, cô đều dùng tình cảm để nói chuyện với họ: “Tui nghèo, các anh cũng nghèo như tui. Bây giờ các anh phá, tui là người giữ thì tui phải đền cho Nhà nước, mà mấy anh cũng bị xử phạt. Các anh thương mẹ con tui, thương bản thân mình thì đừng làm chuyện này nữa, bà con mình nên dựa lưng nhau mà sống”. Những lời nói chân tình của một người phụ nữ chịu thương chịu khó đã dần cảm hóa được những người phá rừng, có người sau này còn theo cô Hồng đi giữ rừng.

Hiện gia đình cô Hồng có 4 người giữ 190 ha rừng, trong số đó có 53 ha rừng mà cô cùng các con đã trồng thêm sau này. Cô đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, Huân chương Vì giai cấp nông dân.

Rừng là cuộc sống

Những người giữ lá phổi của thành phố ảnh 3

Rừng phòng hộ Cần Giờ

Ban đầu đi giữ rừng điều kiện rất khó khăn, muốn đi rừng chỉ có cách duy nhất là đi bằng ghe. Hồi trước không có ghe máy, chỉ có chèo tay, xuống rừng cắm chốt phải chịu sống chung với cảnh “muỗi kêu như sáo thổi”. Ban đêm, chỉ có đèn dầu thắp sáng, nước uống thì phải mang từ nhà vô từng thùng, ăn uống vô cùng kham khổ vì tiền lương chỉ có 50.000 đồng/người/ha/năm. Bên cạnh đó còn phải đối phó với nạn phá rừng. Lâm tặc khi liều thì có thể vác búa “bửa” lại người giữ rừng.

Bây giờ cuộc sống của bà con giữ rừng đã được cải thiện hơn rất nhiều. BQL rừng phòng hộ Cần Giờ hỗ trợ cho mỗi hộ giữ rừng một nhà chốt trị giá 6 triệu đồng, một số vật dụng sinh hoạt, một ghe máy để đi bảo vệ rừng, tiền lương cũng có cải thiện hơn. Đặc biệt, năm 2002, mỗi hộ được hỗ trợ một tấm kiếng năng lượng mặt trời để phát điện sinh hoạt trong chốt, và dùng được điện thoại cố định để liên lạc khi cần. BQL còn có các phân khu đặt ở khắp các khu rừng, nên khi cần hỗ trợ ứng phó, bà con chỉ cần điện thoại là 3 - 5 phút sau nhân viên BQL sẽ có mặt.

Hơn 1 năm nay, đời sống của người giữ rừng bắt đầu gặp khó khăn vì vật giá lên vùn vụt. Giá xăng dầu tăng khiến cho bà con ít dám dùng ghe để chạy đi thăm rừng mà cố gắng đi bộ để giảm chi phí. Với số tiền lương là 495.000 đồng/người/ha/năm, bà con phải nỗ lực lắm mới đủ ăn. Về Cần Giờ hôm nay, đến thăm chốt giữ rừng nào cũng thấy dân giữ rừng tăng gia sản xuất, như trồng các loại rau, “đóng đáy” nuôi cá tôm… để có đồng ra đồng vào. Họ nói: “Bao nhiêu năm sống chết với rừng, rừng như miếng ruộng, miếng vườn của mình, là cuộc sống của mình, bỏ nó đi đâu có được!”.

Diễm Lệ

Tin cùng chuyên mục