
“Xuân đã về, xuân đã về…” những câu hát mừng xuân đang rộn ràng khắp nơi. Người người đang chuẩn bị đón Tết. Giữa không khí rộn ràng đó, còn không ít mảnh đời không dám nghĩ đến ngày xuân.
- Mơ một cái Tết

Phút thư giản, trầm tư sau một cuốc chở khách của ông Ảnh, 74 tuổi (Q.5).
Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về huyện Nhà Bè - nơi có nhiều gia đình được liệt vào danh sách nghèo khó của TP Hồ Chí Minh. Trong căn nhà tình thương ở ấp 1 xã Phú Xuân huyện Nhà Bè, bà Trần Thị Lai đang ngồi đút từng muỗng cơm cho người chồng bị bệnh.
Đã hơn một năm nay, căn bệnh không rõ nguyên nhân của chồng bà - ông Trần Đức Đen - đã khiến cho gia đình bà vốn khốn khó càng khốn khó hơn. Mang nỗi tủi thân bệnh tật cộng với cái khổ nghèo khó vây quanh, ông Đen bật khóc khi nghe chúng tôi hỏi về chuyện chuẩn bị đón Tết như thế nào.
“Gia đình tui nào dám nghĩ đến ngày Tết. Hiện tại, lo hai bữa mỗi ngày đã mệt lắm rồi. Cả nhà tui chỉ trông chờ vào thằng út đi làm phụ hồ mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đồng. Tui bệnh nặng nhưng không dám đi bệnh viện vì sợ làm khổ con” - ông Đen tâm sự. Tiếp lời chồng, bà Lai bộc bạch: “Tết năm nay chỉ mong ông Đen nhà tui hết bệnh và trong nhà có một ít gạo, ký thịt đón ông bà là hên lắm rồi”. Khi nói điều ấy ánh mắt bà Lai cứ nhìn chúng tôi như gởi gắm và hy vọng một điều gì đó.
Cách đó không xa, cụ Nguyễn Thị Chín (83 tuổi) cũng không mong Tết đến. Trong căn nhà tình thương, cụ Chín cùng 2 đứa cháu nội xúm xít bên nhau. Thanh Minh – đứa cháu lớn mới 17 tuổi đã phải đi làm phụ hồ nuôi bà và em gái. “Tết có dĩa trái cây, đòn bánh tét cúng ông bà là đã vui. Mình có làm ra tiền đâu mà mong Tết” - cụ Chín nói với giọng buồn buồn. Đi dọc theo những con kênh ở quận 8, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều mảnh đời nghèo khó đang sống lênh đênh trên những chiếc ghe nhỏ bé.
Sau một năm dài mưu sinh, kiếm sống ở TP, em Nguyễn Tấn Đạt, 14 tuổi, quê Bến Tre nói với giọng buồn buồn: “Tết đến em thèm được mua bộ quần áo mới nhưng sợ cha mẹ không có tiền nên chỉ dám mơ ước thôi…”. Và càng thấm thía nỗi buồn khi ghé thăm khu dưỡng lão nghệ sĩ (quận 8), các cơ sở xã hội đang nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, tàn tật, người già neo đơn. Nghệ sĩ Tuyết Nga (64 tuổi) ngậm ngùi: “Con cái đứa nào cũng nghèo phải ở nhờ, ở đậu nhà người ta thì làm sao có thể đón tôi về ăn Tết. Đã từ lâu tôi không có cái Tết gia đình, cứ đến mùa xuân nước mắt lại chảy ra”.
- Tết xa quê
Rời khỏi nhà bà Lai chúng tôi gặp một người phụ nữ gầy nhom đang gò lưng đạp chiếc xe đạp tồi tàn, phía trước treo một chiếc cân cũ kỹ và sau lưng là một chiếc bao đựng đầy phế liệu. Chị tên Nguyễn Thị Châu (quê Thanh Hóa) vào TPHCM mưu sinh bằng nghề ve chai hơn một năm nay. Gạt những giọt mồ hôi lăn dài trên mặt khi dừng xe lại trò chuyện với chúng tôi, chị nói: “Tôi phải cố làm việc và kiếm tiền để nuôi 3 đứa con đang học phổ thông ngoài quê. Tết này tôi không về, tranh thủ ở lại TP kiếm thêm chút tiền gởi về lo cho tụi nhỏ có bộ quần áo mới và đầu năm đi học”.
Có cùng hoàn cảnh với chị Châu, tại khu nhà trọ nghèo nàn thuộc tổ 24 phường 15 quận Tân Bình, chúng tôi gặp những người quê Hà Tây vào TPHCM với nghề bán bắp luộc, bắp xào, khoai lang, khoai mì luộc. Anh Mạnh, một trong số những người này nói như tâm sự: “Đêm giao thừa đi bán đến gần 4 giờ sáng, nhìn người ta đi chơi nhớ con ghê lắm. Lúc về đến nhà trọ thì chỉ muốn lăn ra ngủ một giấc cho quên hết nhọc nhằn và cũng để quên đi… ngày Tết”.
Xa quê gần 10 năm nay, anh nhớ là chỉ về quê được 2 cái Tết, anh nói ngày Tết ai chẳng nhớ quê hương nhưng biết làm sao bởi cái nghèo cứ đeo mãi. Anh cũng như nhiều người dân xa quê mưu sinh bằng nghề này chấp nhận với cuộc sống thiếu trước hụt sau, làm được đồng nào thì gởi về quê lo cho cho gia đình, con cái ăn học. Còn chị Nhung thì nói với chúng tôi về cái Tết xa quê của mình: Ở đây không có không khí đầm ấm như Tết quê nhà, ngày 30 tranh thủ mua một ít bánh chưng, hoa quả để chung vui với anh em vào ngày mùng một. Chỉ một ngày thôi rồi hôm sau chúng tôi lại tiếp tục cuộc mưu sinh.
Có mặt tại khu công nghiệp Tân Bình vào lúc công nhân đang tan ca, chúng tôi cảm nhận được nỗi niềm ngày Tết của những công nhân không có điều kiện về quê. Ngôn (quê Nghệ An) làm tại Công ty dệt may Thắng Lợi, vào TPHCM làm công nhân 4 năm nhưng chỉ về quê ăn Tết có một lần.
Ngôn tâm sự: “Tết ở đây rất buồn. Em chỉ đi chùa vào mùng một rồi nằm nhà chờ đến ngày đi làm. Còn ở quê em thì ngay từ 20 tháng chạp không khí Tết đã tràn về. Năm rồi, đêm giao thừa nhớ gia đình em khóc đến sưng cả mắt”. Khi chúng tôi hỏi Oanh (quê Thanh Hóa, làm cùng với Ngôn) sao không tranh thủ Tết về với gia đình, Oanh bảo: “Lương công nhân không có bao nhiêu, quê thì xa, về ăn một cái Tết thì đầu năm không có tiền gởi về cho bố mẹ”.
Ngày Tết, với người Việt Nam, là dịp để đoàn tụ gia đình. Vậy mà có những người sau cả năm vất vả nhọc nhằn mưu sinh chỉ lo Tết cho gia đình, người thân mà không dám nghĩ đến Tết cho riêng mình.
THÁI PHƯƠNG