
Vở hát bội thử nghiệm “Sanh vi tướng tử vi thần” (đạo diễn – NSƯT Trần Ngọc Giàu, tác giả: NSƯT Hữu Danh) vừa diễn hai suất tại Nhà hát TPHCM. Sắp tới, vở sẽ được biểu diễn thường xuyên vào ngày 20 hàng tháng tại Nhà hát TPHCM. Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ những người thực hiện vở diễn hát bội thử nghiệm không lời này.

Cảnh trong vở “Sanh vi tướng tử vi thần”.
Đạo diễn – NSƯT Trần Ngọc Giàu cho biết: “Khi nhận kịch bản tôi đã cảm thấy nhiều khó khăn vì đây là lần đầu tiên tôi làm quen với nghệ thuật hát bội, đặc biệt là dàn dựng một vở hát bội thử nghiệm không lời”. Suốt cả tuần chạy vở diễn tại rạp Kim Châu, anh chỉ ngồi im xem các diễn viên tự diễn rồi suy gẫm. Và khi dàn dựng, anh chỉ sử dụng những thiết bị ánh sáng có sẵn của nhà hát, chú trọng nhiều hơn về âm nhạc – âm nhạc trước đây vốn chỉ làm nền cho diễn viên.
- Theo anh, sự thành công của vở diễn có đánh dấu hướng đi mới cho nghệ thuật hát bội không?
Đạo diễn TRẦN NGỌC GIÀU: Tôi từng áp dụng những hiểu biết của mình về không gian, thời gian hát bội rồi đưa vào thể loại sân khấu kịch và cải lương, khi dàn dựng vở “Sanh vi tướng tử vi thần” tôi lại phát huy thêm tính kịch để vở diễn hiện đại nhưng vẫn giữ được bản chất riêng. Và hát bội là phải hát, diễn. Trước đây, các vở hát bội thường được dàn dựng theo cách cổ điển, sử dụng nhiều lời cổ.
- Giữa muôn trùng các loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại thì nghệ thuật hát bội có vẻ khó xem, khó cảm, vậy hát bội có thể sống, thu hút khán giả không?
Nghệ thuật hát bội là di sản, là viên ngọc quý, và còn mang tính chất tâm linh nên hát bội luôn có sự sống, được gìn giữ, có một lượng khán giả nhất định. Tuy nhiên để hát bội tiếp cận với công chúng thì cần có thêm những sự thay đổi phù hợp, ví dụ như việc dung hòa trong cách giới thiệu nghệ thuật hát bội nguyên bản nhưng không nguyên sơ.
Sân khấu hát bội cũng không thể tham vọng có đời sống phổ biến như sân khấu kịch hay sân khấu cải lương – thực tế sân khấu cải lương tiếp cận sân khấu hiện đại nhiều nhất nhưng vẫn bị hạn chế về khán giả, nhưng tôi tin Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM – một đơn vị hoạt động nghệ thuật năng động sẽ tạo được sức sống mới cho hát bội trong tương lai. Đặc biệt lớp kế thừa nghệ thuật truyền thống đang có những biến chuyển tốt đẹp.
- Khi dàn dựng vở “Sanh vi tướng tử vi thần” anh có cảm nhận gì về cách làm việc của diễn viên Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM?
Có thể nói đây là đơn vị duy nhất của toàn thành phố có dàn diễn viên yêu nghề, nhiệt tình, có tính kỷ luật cao, luôn đến trước giờ tập và làm việc hết mình, nghiêm túc. Về khán giả, nhiều khách mời người nước ngoài đã hồi đáp vở diễn bằng sự vui mừng, nhận xét vở diễn thật hay, dễ cảm, dễ hiểu, và lần đầu tiên có thể cảm nhận hết nội dung và nghệ thuật một vở hát bội truyền thống dân tộc Việt Nam.
* Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Dung – người đảm nhận vai nữ tướng: “45 năm theo nghề, ngoài lần “lấn sân” sân khấu cải lương ở thập niên 90 thì đây là lần thứ hai tôi nhận vai diễn trong tâm trạng hồi hộp, lo lắng, ăn ngủ không yên, đặt nhiều tâm huyết, tâm tư cho vai diễn. Tôi thấy mình không thể chủ quan, nhận một vai diễn hát bội chính thống đã khó, diễn một vai không có lời ca, không lời thoại, chỉ có thể sử dụng các trình thức vũ đạo, diễn xuất bằng gương mặt… để thể hiện tính cách nhân vật lại càng khó gấp bội. Tôi đã suy nghĩ nhiều cách diễn xuất để nhân vật bước ra sân khấu sao cho có nét, có hồn và đầu tư thêm về trang phục để phục vụ vai diễn.
THÚY BÌNH