Những nhịp cầu Hà Nội

Những nhịp cầu Hà Nội

Con sông Hồng bao đời chảy chênh chênh theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, chia Hà Nội ra hai phần không đều nhau. Con sông “ngang tời sóng đỏ” này là một bộ phận của Hà Nội, mang lại nét đặc trưng của thủ đô, nhưng đồng thời là trở ngại xẻ chia ngăn cách trong suốt chiều dài lịch sử.

Qua sông không chỉ là nguyện vọng của người thành phố, mà là nhu cầu thiết yếu của cư dân cả nước khi muốn ngược Bắc, vào Nam. Nhưng sông Hồng là sông Cả, ngàn đời nay, người dân chỉ qua sông bằng những con đò ngang, chứ mấy ai dám mơ ước một nhịp cầu.

  • Long Biên - “cầu mẹ”

Suốt ngót ngàn năm tuổi Thăng Long - Hà Nội, nhịp cầu sắt nối hai bờ sông Hồng mới chỉ tồn tại xấp xỉ một trăm năm. Nghĩa là chín trăm năm còn lại phải phó thác cho những chuyến đò ngang. Nghĩa là nhu cầu ngàn đời của người dân chỉ mới thành hiện thực vào đầu thế kỷ 20, cụ thể là vào năm 1902, năm khánh thành nhịp cầu Long Biên huyền thoại, một tháp Ep-phen – nằm - ngang của Hà Nội! Có lẽ trong một trăm năm đô hộ nước ta, cầu Long Biên là công trình sắt thép đồ sộ nhất mà thực dân Pháp để lại trên bán đảo Đông Dương này.

Những nhịp cầu Hà Nội ảnh 1

Cầu Long Biên (gần) và cầu Chương Dương bắc ngang qua sông Hồng.

Quê tôi tít tận miền Trung, một làng quê hẻo lánh, trước Cách mạng Tháng Tám và trong chín năm kháng chiến chống Pháp, chẳng có mấy ai được đặt chân tới Hà Nội, nhưng trong tri thức mọi người, từ cụ già đến em nhỏ, ai cũng biết “Hà Nội có cầu Long Biên/Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng”.

Năm 1962, tôi rời quê hương ra Hà Nội học đại học. Khi đi bộ về ký túc xá Phúc Xá, vừa leo lên dốc đê, tôi sửng sốt đứng nhìn cầu Long Biên như bắt gặp một niềm kinh dị. Dài quá! Cao quá! Lớn quá! Và nhiều sắt thép quá! Điều đó cũng dễ hiểu, bởi vì trước đó tôi chưa từng trông thấy một nhịp cầu sắt nào.

Buổi chiều, tôi thường ra bờ đê nhìn hoàng hôn thành phố buông xuống trên cầu Long Biên. Khi những thanh sắt trên nhịp cầu xa mờ sẫm dần là đèn điện trên cầu được bật sáng. Không phải là ánh đèn cao áp mà là những bóng đèn tròn, loại 40 oát và 60 oát đỏ quạch, trông xa giống như những quả ruối chín rời rạc trên một cành ngang dài vô tận.

Học lịch sử kháng chiến của Hà Nội, tôi dừng lại rất lâu ở chi tiết nói rằng, mùa xuân năm 1947, khi trung đoàn thủ đô rời Hà Nội để lên Việt Bắc, có một vị chỉ huy đã ra lệnh cho bộ đội áp bộc phá vào trụ cầu Long Biên, nhưng rồi ông hủy bỏ lệnh đó, vì ông ngửng nhìn thấy cây cầu vĩ đại quá, không biết ông suy nghĩ rằng vóc dáng của chiếc cầu quá to lớn kia nằm ra ngoài cuộc chiến, hay lo rằng phá đi rồi thì ai xây lại cho mình sau ngày giải phóng thủ đô?

Những năm giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, cầu Long Biên từng in dấu bao vết thương và nặng nhất là một nhịp phía Gia Lâm bị tên lửa của Mỹ bắn chìm xuống lòng sông Hồng.

  • Đến Thăng Long, Chương Dương...

Trước ngày nước nhà thống nhất năm 1975, chúng ta đã có kế hoạch xây cầu Thăng Long. Nhiều năm người Hà Nội vẫn tự hào đó là chiếc cầu lớn nhất vùng Đông Nam Á, không biết điều ấy có chính xác không, nhưng lớn nhất Đông Dương thì rõ rồi. Nhưng nhịp cầu mang tên kinh đô từ đời nhà Lý cách đây ngót ngàn năm đó đã ra đời trong hoàn cảnh đất nước thật nhiều khó khăn.

Nếu như Cầu Long Biên hồi đầu thế kỷ chỉ xây dựng trong ba năm (1899 - 1902), thì cầu Thăng Long từ khi dự định đến khi hoàn thành thời gian gấp bốn, năm lần như thế. Có một thực tế là khi có cầu Thăng Long rồi, nhu cầu xe cộ qua cầu Long Biên vẫn còn quá tải, trong khi đó Long Biên còn mang nặng vết thương chiến tranh, “sức khỏe” giống như một thương binh nặng, lại thêm tuổi tác già nua, khó lòng hồi phục.

Bởi vậy mà giai đoạn cuối của việc xây cầu Thăng Long, cầu Chương Dương bắt đầu được xây dựng. Lúc đầu, ta dự định làm cầu treo, sau chuyển sang cầu trụ, thời gian thi công khá nhanh, và hiệu quả sử dụng rất cao. Mặc dù chi phí cho cầu Chương Dương không đáng kể so với cầu Thăng Long, nhưng lưu lượng xe qua đây lại lớn hơn nhiều so với cầu Thăng Long.

Dù sao thì cầu Thăng Long với đường cao tốc bắc Thăng Long vài chục năm nay là bộ mặt của Hà Nội, là cửa ngõ đón bạn bè quốc tế từ sân bay Nội Bài, như một lời chào đầu tiên của chủ nhà và ấn tượng đầu tiên của khách khi qua cầu Thăng Long để đến với Thăng Long- Hà Nội.

  • Và những nhịp cầu bắc tới ... tương lai

Những nhịp cầu Hà Nội ảnh 2

Lưu lượng xe qua cầu Chương Dương luôn cao hơn cầu Thăng Long.

Ngoài Long Biên, Thăng Long, Chương Dương… Hà Nội còn cần nhiều nhịp cầu nữa. Gần đây, qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta còn biết đến cầu Thanh Trì. Cầu Thanh Trì bắc qua sông Hồng ở huyện ngoại thành Thanh Trì. Nếu bạn đi ô tô từ phía Nam ra Hà Nội, khi đi hết đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ - Pháp Vân, cuối đường sẽ gặp một ngã ba, nếu rẽ trái thì về bến xe Nước Ngầm; nếu rẽ phải đi thêm ba cây số là chạm cầu Thanh Trì.

Cầu Thanh Trì có vị trí gần như đối xứng với cầu Thăng Long qua cầu Long Biên. Nhìn bản đồ quy hoạch Hà Nội hiện nay, ta mới hiểu ý tưởng của người chủ trương xây dựng cầu Thăng Long trước đây và cầu Thanh Trì ngày nay: hai cầu đó đều nằm trên đường vành đai 3 của thành phố.

Khi cầu Thanh Trì hoàn thành, cũng là khi hoàn thiện vành đai 3, mở đường cho xe cộ từ Trung ra Bắc hoặc ngược lại, trước và sau khi vượt sông Hồng khỏi đi qua thủ đô, vừa giảm lưu lượng giao thông cho thành phố, vừa giảm chiều dài lộ trình của đoàn xe.

So với cầu Thăng Long, chi phí cho cầu Thanh Trì chỉ xấp xỉ một phần hai, nhưng tổng số tiền cũng đã lên tới 6.700 tỷ đồng.
Ông Vũ Xuân Hòa, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long giở bản đồ cầu Thanh Trì giới thiệu với chúng tôi. Bản thân ông hai chục năm trước đây đã trực tiếp tham gia xây dựng cầu Thăng Long với vai trò một tổ trưởng theo dõi kỹ thuật ở bờ Bắc, giờ đây ông đóng vai trò chủ chốt trong Ban dự án cầu Thanh Trì.

Chụp lên đầu chiếc mũ bảo hiểm màu sữa, tôi theo kỹ sư Nguyễn Quang Nhung đi thăm cầu Thanh Trì. Trên bãi sông Hồng bộn bề bê tông cát sỏi, tôi nhìn lên trụ cầu cao ngất có cắm hai lá cờ Việt Nam và Nhật Bản tung bay trong ngọn gió mùa thu. Nước sông Hồng đang khi xuống thấp làm cho trụ cầu như cao lên khác thường.

Cầu Thanh Trì có tất cả 52 trụ và hai mố, tháng chín năm nay ta đã hoàn thành 48 trụ và một mố, nhiều dầm cầu trên đầu trụ đang vươn về hai phía theo hình chữ T, từ bãi sông nhìn lên thấy thật hoành tráng. Hơn một năm nữa, tức là đến cuối tháng 11-2006, công trình này sẽ được khánh thành, khi đó ta có cây cầu dài 3.084m, rộng 33,1m, đủ cho sáu làn xe chạy.

Đó là chuyện tương lai sau hơn một năm nữa, còn bây giờ công việc mới hoàn thành 75%. Chiếc xuồng máy cặp bến đón chúng tôi đi sang bờ Bắc. Kỹ sư Nhung nói rằng, với cương vị giám sát thi công, trong một ngày không biết bao lần anh đi thuyền qua sông. Đoạn sông Hồng ở đây có hẹp hơn nơi khác một ít, nhưng chưa từng là bến đò, nghĩa là dân đôi bờ từ trước đến nay không đi đò qua khúc này, mà đi đò lại là những người thợ cầu!

Theo kỹ sư Nhung, ít có cái cầu nào mà trụ và dầm đúc đẹp như ở đây. Chữ đẹp ở đây không phải chỉ hình thức bề ngoài mịn màng, phẳng lì như đã được đánh bóng, mà nói chất lượng bên trong. Sở dĩ trụ và dầm đẹp như vậy là do ở cầu này lần đầu ta áp dụng công nghệ mới của Nhật Bản và Na Uy, đó là công nghệ khoan tuần hoàn ngược khi làm móng trụ và công nghệ đúc hẫng cân bằng khi đúc dầm…

Một điều nữa làm cho chất lượng trụ và dầm tuyệt hảo là do cách thức quản lý thi công của nhà thầu Nhật Bản. Họ vừa có kỹ thuật cao, đồng thời hết sức coi trọng thực tế. Ví như trước khi đúc dầm cầu, mặc dù đã thuộc lòng tỷ lệ xi măng, đá xay và phụ gia… nhưng họ vẫn đúc thí nghiệm một đoạn dầm dài vài chục thước, nặng mấy chục tấn, theo dõi thời gian đông kết để rút kinh nghiệm áp dụng đúc dầm thật. Kỹ sư Nhung nói rằng, việc đúc thử hết sức cẩn thận này, lần đầu tiên anh mới thấy ở cầu Thanh Trì.

Chỉ một năm nữa thôi, thủ đô có thêm nhịp cầu thứ tư bắc qua sông Hồng. Và chưa dừng tại đó. Gần đây chúng ta biết được Hà Nội đang triển khai xây dựng cầu Vĩnh Tuy, nhịp cầu nằm giữa cầu Chương Dương và cầu Thanh Trì. Nghĩa là trong dịp kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, chắc chắn Hà Nội có năm nhịp cầu bắc qua sông Hồng.

Lại nghe tin Chính phủ Pháp sắp tài trợ để sửa chữa và nâng cấp cầu Long Biên… Khi đó, tôi sẽ dành ra một ngày qua đủ năm nhịp cầu trên sóng đỏ sông Hồng để “truy lĩnh” lại một thời đôi bờ cách trở, lòng ngân nga theo âm hưởng khúc nhạc “Người Hà Nội”, cho lời ca gọi dậy những tên cầu: Đây Long Biên, đây Thăng Long, đây Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy…  

VƯƠNG TRỌNG

Tin cùng chuyên mục