Cẩu thả, tắc trách
Vụ việc cuốn sách Món ngon Vũ Bằng sai sót dẫn đến phải thu hồi sách, đơn vị xuất bản bị phạt, đơn vị liên kết thậm chí còn bị đình chỉ hoạt động tạm thời, có thể xem là vụ việc tiêu biểu cho tình trạng sách sai sót thời gian qua. Nói là tiêu biểu vì vụ việc này phản ánh nhiều vấn đề, Món ngon Hà Nội là tác phẩm rất quen thuộc, đã được tái bản nhiều lần. Lỗi sai là do tắc trách của người làm sách mà tiêu biểu là khâu biên tập. Điều đáng nói là sai sót này vô tình dẫn đến sự hiểu lầm ở một bộ phận bạn đọc về tác giả - một nhà văn nổi tiếng.
Trước đó, hai cuốn sách Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX của học giả Đào Duy Anh (1904 - 1988) và Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim được tái bản bị bạn đọc phát hiện có quá nhiều lỗi sai cơ bản như sai chính tả, viết sai tên nhân vật, niên hiệu…; và cả những lỗi sai nghiêm trọng như nhầm lẫn vai trò của nhân vật lịch sử, biến nhân vật vốn là cô, chú trở thành em trai, em gái… Dĩ nhiên, những lỗi sai này do sự cẩu thả của người làm sách tái bản.
Trên đây chỉ là một vài đại diện trong tổng số hàng trăm cuốn sách bị phát hiện có lỗi sai thời gian qua. Các lỗi sai nằm ở mọi dạng sách từ nhi đồng, thiếu nhi đến văn học, nghiên cứu. Tuy nhiên, sách lịch sử vẫn là dòng sách mà lỗi sai gây dư luận mạnh mẽ nhất. Sai sót ở sách lịch sử gây ra những hệ lụy lớn về giáo dục, chính trị… như trường hợp nhầm lẫn thứ tự gia đình trong cuốn Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực bà Rồng hay việc viết sử theo kiểu suy diễn trong cuốn Thái sư Lê Văn Thịnh. Cả hai cuốn sách trên đều phải thu hồi để chỉnh sửa mới được xuất bản lại.
Ràng buộc trách nhiệm
Ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho rằng, một cuốn sách mà có đến cả trăm lỗi sai, đọc một trang thấy có đến cả chục lỗi thì không thể chấp nhận. Các lỗi sai trong công tác biên tập hiện nay chủ yếu do sai kiến thức và sai nghiệp vụ biên tập.
Tuy nhiên, cũng theo ông Chu Hòa, vấn đề là lương tâm người làm công tác biên tập và trách nhiệm của người quản lý. Không thể nào nói lỗi nghiệp vụ, bởi một bạn đọc thông thường còn có thể nhìn ra được các lỗi, chẳng lẽ các biên tập viên chuyên nghiệp lại không thể nhìn ra. Còn về lỗi kiến thức, đây là một thực tế mà như ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục, nhận xét, nhiều biên tập viên có kiến thức xã hội và kiến thức chuyên ngành mỏng. Điều này phản ánh rất rõ ở một số cuốn sách gặp sai sót như cuốn Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực bà Rồng, dịch giả không nắm rõ vai vế trong gia đình nhà họ Ngô nên viết sai thứ tự anh em, lẽ ra biên tập viên phải nhanh chóng phát hiện điều này, nhưng cuối cùng vẫn bỏ qua để lỗi sai thuộc dạng kiến thức lịch sử cơ bản này đến tay bạn đọc. Ngoài ra, một loạt sách lịch sử vấp phải chỉ trích khi dùng nhầm hình ảnh minh họa lấy từ mạng, gắn ảnh nhân vật này vào nhân vật khác một cách tùy tiện.
Thế nhưng, đại diện biên tập một NXB lại cho rằng, lỗi sai do trình độ biên tập viên chỉ là một phần, phần lớn nhất nằm ở chính công tác xuất bản. Hiện công tác biên tập trong liên kết xuất bản chia làm hai, đối tác liên kết sẽ biên tập trước (được gọi là biên tập sơ bộ), sau đó mới đưa về NXB để biên tập lần cuối. Tuy nhiên, rất nhiều NXB hiện nay sống nhờ việc cấp phép xuất bản, nguồn vốn tự thân rất thấp, không đủ tài chính để giữ chân các biên tập viên, nhất là biên tập viên giỏi. Kết quả, một số NXB bỏ mặc việc biên tập cho đối tác. Ông Chu Hòa cho biết, có trường hợp một biên tập viên kể, lãnh đạo NXB tự ý đề tên biên tập viên lên sách chứ bản thân người biên tập không hề biết tác phẩm đó.
Trong 3 năm qua, cục đã tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ hành nghề biên tập cho 1.230 biên tập viên cơ hữu của 60 NXB. Trước dư luận cho rằng việc cấp chứng chỉ này là một dạng “giấy phép con”, ông Chu Hòa cho biết, các NXB là tấm lọc do Nhà nước giao để lọc những tác phẩm tốt, có ích cho xã hội, loại bỏ những sản phẩm xấu, phản cảm, trong đó người biên tập chính là tấm lưới lọc quan trọng nhất. Việc cấp chứng chỉ một phần nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng biên tập viên của các NXB theo hướng chuẩn hóa; một phần quan trọng khác chính là ràng buộc trách nhiệm của biên tập viên các NXB.
Trước đây, nhiều biên tập viên buông lỏng, tùy ý để đơn vị sử dụng tên mình in lên sách với vai trò người biên tập. Nay với việc chỉ có người có chứng chỉ mới được đứng tên biên tập cuối cùng, người biên tập sẽ phải có trách nhiệm với chính tên tuổi của mình.