Làm cán bộ văn xã của xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được nửa năm nay nhưng anh Nguyễn Quốc Thiện vẫn chưa quên được nhịp sống Trường Sa. Trở về đất liền sau 5 năm ở Trường Sa, anh Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa ngày nào vẫn giữ phong thái gần gũi như những ngày sát cánh cùng người dân nơi đầu sóng.
Gác lại tình riêng
Đang là thành viên Đội Thanh niên tình nguyện xây dựng miền núi tỉnh Khánh Hòa, nghe tin Sở Nội vụ và Tỉnh Đoàn Khánh Hòa có đợt vận động đoàn viên thanh niên ra Trường Sa công tác, chẳng ngại ngần, Nguyễn Quốc Thiện liền đăng ký. Trước đó, sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành công nghiệp thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Thiện về công tác tại bộ phận KCS Công ty Cổ phần Hải sản Nha Trang. Lương khá cao, cộng với nhiều chính sách ưu đãi khác nhưng Thiện vẫn thấy thiếu thiếu cái gì đó. Rồi khi Tỉnh đoàn Khánh Hòa vận động trí thức trẻ lên các huyện miền núi công tác, hỗ trợ đồng bào, Thiện chợt nhận ra cái thiếu thiếu bấy lâu nay, đó là nơi để sức trẻ được đóng góp và cống hiến. Vậy là đủ, anh bỏ nhà, lên núi…
Thiện nhớ lại: “5 năm công tác miền núi, 5 năm liền tôi sống xa gia đình, tuổi còn quá trẻ, lại thêm công việc ở những xã miền núi huyện Khánh Vĩnh bộn bề cứ kéo tôi ra khỏi những nỗi nhớ người thân, bạn bè. Khi nghe tin có chủ trương đưa thanh niên trí thức ra Trường Sa xây dựng biển đảo, tôi đăng ký ngay. Phần muốn làm mới bản thân, phần vì tôi đã nghe nói nhiều về Trường Sa, về những bậc cha chú đã hy sinh để giữ từng tấc đất nơi đây. Nên nếu được tiếp bước, còn gì vinh dự hơn”. Chuyện từ núi ra biển của Nguyễn Quốc Thiện thật nhẹ nhàng.
Lúc lên tàu rời Khánh Hòa, Thiện mới cưới vợ được đúng 10 ngày. Cô dâu trẻ Phan Thị Hiếu Thảo, đôi mắt buồn rười rượi nhưng vẫn cố động viên chồng: “Anh cứ yên tâm làm nhiệm vụ, có dịp về phép là vợ chồng mình lại đoàn tụ rồi. Không lo anh ạ, việc nhà để em lo…”. Lênh đênh trên biển 2 ngày 2 đêm, Nguyễn Quốc Thiện cũng không thể ngờ được, Hiếu Thảo đã có thai và những ngày khó khăn sắp tới sẽ chỉ có cô vợ nhỏ bé một mình gánh vác.
Những tháng ngày đầu tiên khi đến với đảo Trường Sa Lớn, mọi điều đều bỡ ngỡ. Thiện tập thích nghi với cuộc sống nơi đảo xa, làm quen dần với công việc, cùng mọi người tăng gia nuôi trồng để có thêm thực phẩm tươi sống. Quen sống có kỷ luật nên cuộc sống như “nhà binh” mà Thiện cùng các đồng chí của mình xây dựng nơi đảo xa không gây chút khó khăn nào cho anh. Chỉ có điều, mỗi khi đêm xuống, đứng trước biển, nỗi nhớ gia đình, nhớ cô vợ trẻ lại da diết, thương vợ mới bén hơi chồng đã vội chia xa. Ít ai biết, 2 lần vợ Thiện vượt cạn đều không có anh ở bên, bởi nhiệm vụ ở đảo xa… Công việc cuốn anh cán bộ trẻ vào guồng. Cán bộ chiến sĩ và dân đảo đã quen với hình ảnh anh Phó Chủ tịch UBND năng động và gần gũi, luôn dành thời gian quan tâm thăm hỏi, cùng sinh hoạt, thân thiết như người nhà. Anh em công binh có khúc mắc cần hỏi, bà con trên đảo có chuyện nhà không giải quyết được, cũng tìm đến anh Phó Chủ tịch có đôi mắt sáng, vầng trán thông minh nhờ vả.
Khi còn ở đảo, Thiện ấp ủ nhiều dự định với Trường Sa. Từ những tháng ngày sống thực tế cùng người dân, anh đã đề xuất tỉnh Khánh Hòa thời gian tới phát triển ngành nghề mỹ nghệ qua những sản phẩm từ vỏ sò, vỏ ốc, vỏ san hô. Đề xuất này không chỉ giúp người dân ở đảo tăng thu nhập mà còn tạo thương hiệu cho đảo Trường Sa Lớn. Ấp ủ nhiều dự định là thế, nhưng “nhiệm kỳ 5 năm” ở đảo đã hết, trước khi rời đảo, Thiện còn bày tỏ: “Trở về đất liền nhưng chỉ cần cấp trên yêu cầu, tôi sẵn sàng ra đảo lần nữa”.
Trải nghiệm
Dịp Tết Giáp Ngọ, gọi điện thoại tâm sự, thiếu úy Hoàng Quân Vũ kể rằng đang bị bạn gái giận. Ngày 8-3, Vũ lại gọi điện cho chúng tôi, lần này là câu chuyện vui: “Chị, cô ấy chỉ giận chút thôi, tụi em làm lành rồi. Kế hoạch giữa năm nay cưới vẫn không thay đổi, chị nhớ ra dự đó nha…”.
Biết Vũ từ lúc anh còn là y sĩ trên đảo An Bang, chúng tôi từng ngồi tâm sự với nhau cả giờ đồng hồ về lý tưởng sống, công việc ở đảo, về chuyện gia đình. Vũ từng tâm sự, những lúc mệt mỏi, Vũ lại nhớ về gia đình, về cô người yêu ở Huế mà cả hai đã cùng hẹn ước. Đang là y sĩ làm việc tại Bệnh viện Quân y 268 - TP Huế, Vũ tình nguyện ra Trường Sa công tác từ tháng 1-2012. Lý do, nhẹ nhàng thế này: “Tôi đã nghe kể về nhiều ca cấp cứu trên biển chỉ vì thiếu người có kiến thức y học mà người gặp nạn không may qua đời. Được công tác ở Trường Sa, không chỉ chăm lo sức khỏe cho đồng đội mình mà còn lo được cho bà con ngư dân đang đánh bắt hải sản quanh đó. Ở đâu cũng làm công việc cứu người, ở Trường Sa là một trải nghiệm quý giá của cuộc đời. Vậy tại sao không đi?”. Nói là làm, khi có đợt vận động cán bộ nhân viên bệnh viện ra đảo công tác, Vũ làm đơn xung phong…
Còn nhớ, trong suốt chuyến công tác Trường Sa hồi giữa năm 2013, sau khi gặp và mến tính của cậu bạn trẻ này là Vũ “đeo” luôn chúng tôi. Có lẽ, ở đảo xa, được quen và thân với những người bạn từ đất liền là mong ước giản dị nhất. Vũ cũng vậy. Vậy là trong suốt hành trình và cả những ngày trở về đất liền, chúng tôi luôn nhận được những tin nhắn hỏi thăm từ Vũ: “Chị ơi, tàu đi đến đâu rồi? Chị có bị say sóng không?”, “Được đón tiếp đoàn là bọn em thấy vui và hạnh phúc rồi. Vì đoàn ra mang theo hơi ấm đất liền mà”, “Từ nay về sau tàu ra Trường Sa, chị có thể đăng ký ra theo đoàn, ở lại ăn cùng ở cùng với bộ đội cho biết và hiểu bộ đội hơn”, “Chị ơi, đã ăn cơm chưa? Chị vẫn khỏe chứ? ”...
Giữa cái nắng và gió Trường Sa, chúng tôi đã được gặp những người trẻ như Thiện, Vũ. Bằng niềm tin, nhiệt huyết tuổi trẻ, bằng ý chí kiên cường vượt khó, một thế hệ tuổi trẻ đất Việt đã đến với Trường Sa, nơi tiền tiêu của tổ quốc.
| |
ÁI CHÂN - LAN NGỌC