Nỗ lực củng cố niềm tin

Gần 2 tuần sau sự cố kẻ xấu lợi dụng các cuộc tuần hành thể hiện lòng yêu nước của công nhân để kích động, hủy hoại tài sản một số doanh nghiệp (DN) nước ngoài tại Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh… các hoạt động kinh tế ở đây đã trở lại bình thường. Với những nỗ lực lập lại trật tự, ổn định tình hình và cam kết mạnh mẽ từ phía các cơ quan chức năng của Việt Nam, sau sự cố đa số các chủ DN đều khẳng định sự gắn bó với Việt Nam và muốn tiếp tục làm ăn lâu dài ở đây.

Khi các sự cố trên xảy ra, đã có nhiều người lo ngại rằng có thể sẽ xảy ra làn sóng “tháo chạy” ra khỏi Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng với phản ứng nhanh nhạy, có trách nhiệm từ phía Chính phủ và các bộ ngành; sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, những hiệu ứng tiêu cực đã được ngăn chặn kịp thời. Không chỉ đưa ra các cam kết ổn định tình hình, Chính phủ đã thực hiện ngay một số giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư khắc phục khó khăn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND các địa phương có DN bị thiệt hại đã cử ngay cán bộ làm việc trực tiếp với từng DN để nắm chắc thực tế tình hình, đồng thời công bố ngay bộ phận đầu mối tiếp nhận, giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Các DN cũng được cơ quan thuế, hải quan căn cứ thiệt hại thực tế, thực hiện việc gia hạn thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế; gia hạn thời hạn nộp thuế. Bên cạnh đó, các DN bị thiệt hại còn được xem xét khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ bị thiệt hại; giảm tối đa 30% số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp trong năm 2014; miễn, giảm tiền thuê đất... Đặc biệt, sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong sự việc này đã góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.

Chiều 17-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đích thân tới Bình Dương thăm một số nhà máy bị đập phá và khẳng định chủ trương của Nhà nước Việt Nam là hết sức nỗ lực để tạo ra môi trường đầu tư tốt, bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài, không chấp nhận những hành vi vi phạm pháp luật. Ngày 23-5, khi đang tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết “Việt Nam - Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư” đăng trên trang mạng chính thức của WEF như một thông điệp mạnh mẽ gửi tới các nhà đầu tư.

Trong những năm qua, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) được xem là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Không chỉ có nhiều lợi thế và môi trường đầu tư hấp dẫn, Việt Nam còn đang nỗ lực viết tiếp câu chuyện thành công trong thu hút FDI bằng cam kết mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng cấu thành của nền kinh tế, đồng thời xem FDI là một nhân tố quyết định để tái cơ cấu nền kinh tế và tăng sức cạnh tranh quốc gia.

Tính đến tháng 4-2014, tổng số dự án FDI còn hiệu lực ở Việt Nam là trên 16.300 dự án, với tổng vốn đầu tư thực tế khoảng 238 tỷ USD. Đã có khoảng 100 nước và vùng lãnh thổ có các dự án đầu tư và trên 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới có mặt tại Việt Nam. Năm 2013, vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 22 tỷ USD, tăng trên 35% so với năm 2012.

Những con số trên đã minh chứng Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Sự cố vừa qua chỉ là những “hạt sạn” không mong muốn với cả phía Việt Nam và các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư chắc chắn sẽ có sự cân nhắc, lựa chọn chính xác bởi những lợi thế cơ bản của môi trường đầu tư ở Việt Nam vẫn lớn hơn nhiều so với sự cố vừa qua. Tất nhiên, để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư, chúng ta sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Các hành động cải cách về thủ tục để hỗ trợ DN khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất vừa qua ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh... chính là những kinh nghiệm quý báu cần được xem xét, đúc kết để áp dụng trong thời gian tới.

Xét trên tổng thể, cần không ngừng cải thiện khuôn khổ luật pháp và thể chế phục vụ cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việc Quốc hội đang xem xét sửa đổi một số đạo luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư... chính là bước đi cần thiết cho quá trình này.

Trong bài viết của mình trên trang mạng chính thức của WEF, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quan điểm của Chính phủ Việt Nam là “coi thành công của các DN FDI cũng chính là thành công của mình”; đồng thời cam kết bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN FDI hoạt động tại Việt Nam. Đây không chỉ là thông điệp để tạo lập lòng tin với các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn là kim chỉ nam cho các hành động cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam trong thời gian tới.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục