
Hoàn cảnh sống mỗi người mỗi khác, nhưng hầu hết những người sau thời gian cai nghiện và học nghề ở Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân (Trung tâm Nhị Xuân) hiện đang lao động tại Cụm Công nghiệp – Khu dân cư Nhị Xuân mà chúng tôi tiếp xúc đều không hoặc chưa có ý định trở về địa phương. Có nhiều người sau cai nghiện hoặc đang học nghề cũng muốn ở lại mảnh đất này, với cùng chung một lý do “Ở đây chúng tôi có được một cuộc sống bình yên, có việc làm, có thu nhập khá và đặc biệt là tránh xa được thứ “chết người” kia (ma túy - PV)…”.
Về hay ở?

Các học viên sau cai nghiện tại Trung tâm Nhị Xuân vui mừng gặt hái thành quả lao động của mình.
Anh Nguyễn Văn Thảng, nhà ở Bù Đăng, Bình Phước, người có thâm niên nghiện ma túy gần 10 năm, sau thời gian cai nghiện theo chương trình Nghị quyết 16 đã quyết định xin ở lại làm việc tại Công ty Cơ khí Đông Phương, nằm trong Cụm Công nghiệp – Khu dân cư Nhị Xuân.
“Về nhà ư? Rất nhớ nhà và vợ con nhưng tôi chưa có ý định sẽ về sống hẳn tại nhà…”, lý do anh Thảng đưa ra rất thật lòng: “Với một người có “thâm niên” 10 năm nghiện với gần 5 năm cai nghiện như tôi, thử hỏi ai sẽ nhận vào làm việc và nếu có thì mức lương họ “cho” được bao nhiêu? Còn ở đây, thu nhập của tôi mỗi tháng là 1,8 triệu đồng, lại được ở nhà miễn phí và điều quan trọng hơn cả là tôi tránh được ma lực của ma túy, bởi môi trường sống của chúng tôi ở đây rất an toàn”.
Đến thăm căn hộ mà anh Thảng đang ở, chúng tôi càng hiểu rõ những gì anh nói. 4 người sống trong căn hộ chung cư rộng trên 50m2 với giường, tủ quần áo, tivi và có cả bộ salon nệm… Sẽ không nói quá khi cho rằng, mức lương và nơi ở của anh Thảng hiện nay đang là giấc mơ của rất nhiều công nhân các tỉnh đang làm việc tại nhiều khu công nghiệp khác trong thành phố.
Theo số liệu từ Trung tâm Nhị Xuân, từ tháng 6-2003 đến tháng 12-2007, tổng số hồ sơ xin tái hòa nhập cộng đồng mà trung tâm trình lên thành phố là 2.113, trong đó có 1.436 trường hợp được tái hòa nhập tại địa phương và trên 300 trường hợp xin được ở lại làm việc tại Trung tâm Nhị Xuân và Cụm Công nghiệp Nhị Xuân.
Các bạn nữ sau cai nghiện được học nghề vẫn muốn trở về nhà nhiều hơn nam, nhưng số xin ở lại làm việc tại Nhị Xuân theo Nghị định 16 cũng không ít. Lâm Thị Nguyệt, 26 tuổi, nhà ở Củ Chi hay Nguyễn Thị Hoa, 23 tuổi, nhà ở quận 8, là hai cô gái nghiện ma túy từ khi còn rất trẻ. Nguyệt tâm sự: “Khi “bị” địa phương và gia đình đồng lòng đưa lên trường cai nghiện, tôi rất giận gia đình. Nghe nói “bị giam” 3 năm, tôi tưởng mình sẽ không thể chịu đựng nổi và không ít lần bất mãn, khi “nhớ thuốc” tôi đã muốn nổi loạn…
Bạn bè, thầy cô ở đây đã đến chia sẻ với tôi những lúc yếu lòng nhất. Thế rồi thời gian trôi qua, những ngày dài “không thuốc” ở trường, tôi tỉnh táo hẳn ra và tôi nhìn thấy tôi qua các bạn mới vào trường. Thật sợ hãi!”. Hết 3 năm, Nguyệt quyết định xin ở lại làm việc tại đây. “Cũng phải nói lời cảm ơn thành phố đã giúp tôi đổi đời”, Nguyệt cười nói giọng cảm động. Hoa chẳng nói gì chỉ nhìn ra sân rộng và mỉm cười, có lẽ cô đang nghĩ đến ngày về thăm gia đình cuối tuần này.
Khi được hỏi, nếu có một công ty gần nhà nhận vào làm việc với mức lương tương đương hoặc cao hơn một chút, hai bạn có đi không? Cả Nguyệt và Hoa đều lắc đầu cười: “Chúng tôi muốn tránh xa môi trường có nguy cơ tái nghiện, mà về nhà cũng chưa chắc gì được cảm thông và đối xử như ở đây …”. Với mức thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng, hàng tuần hai cô công nhân Hoa và Nguyệt rất tự tin khi về thăm gia đình bạn bè.
Mẹ “Mạnh Tử” thời nay
Những người từng nghiện đều nói như Nguyệt, Hoa, còn cơ quan chức năng sẽ nói gì về các nguy cơ diễn ra quanh những người từng nghiện ma túy .

Học viên sau cai nghiện tại Trung tâm Nhị Xuân làm việc cho cơ sở may của Công ty Mai Anh. Ảnh: HUỆ MINH
Theo đại tá Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM - hiện chưa có quy trình cai nghiện thống nhất trên cả nước, mà chất lượng, quy trình cai nghiện lại tùy khả năng, sáng kiến và điều kiện cơ sở vật chất của mỗi nơi, do vậy, chưa thể nói thời gian cai nghiện bao lâu là ổn.
Nhưng, 6% -12% là con số tái nghiện của những người được cai nghiện ma túy tại các trung tâm do thành phố quản lý theo NQ 16 (đề án sau cai nghiện) so với tỷ lệ hơn 80% tái nghiện của những người cai nghiện tại cộng đồng đã nói lên nhiều điều.
Hệ lụy đáng buồn đi sau con số 80% ấy, là 45% tỷ lệ phạm pháp hình sự mà đối tượng là những người nghiện ma túy. Xã hội cũng buộc phải đeo mang một gánh nặng khác, từ những người nghiện ma túy, đó là 60% trong số họ bị nhiễm HIV. Đại tá Phan Anh Minh, một người từng trăn trở với việc “nên hay không” tiếp tục thực hiện thời gian “giữ gìn” cho người sau cai nghiện ở các trung tâm đã nói: “Thường 6 tháng đầu sau khi cắt cơn, là thời gian không an toàn và rất dễ tái nghiện.
Do vậy, để giữ cho họ không tái nghiện, cần có một môi trường sạch để họ cách xa môi trường có ma túy sau cai, đó là thời gian rất cần thiết”. Đến đây, tôi nhớ lại câu chuyện cổ - để bảo vệ con mình không bị hư hỏng do môi trường xấu chung quanh, bà mẹ Mạnh Tử đã phải liên tục dời nhà. Có lẽ đó cũng là lý do mà cha mẹ Phạm Thanh Sơn, nhà tại quận 5 TPHCM chọn Nhị Xuân. 32 tuổi nhưng Sơn đã là người có “thâm niên” trong làng nghiện và từng cai nghiện nhiều lần. Sau 6 năm thực hiện cai nghiện tại Bình Triệu, năm 2006, cha mẹ Sơn đã chuyển Sơn lên Trung tâm Nhị Xuân để thực hiện giai đoạn sau cai nghiện với mong ước Sơn sẽ đủ sức từ bỏ ma túy.
Cuối năm 2007, gia đình xin cho Sơn được tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Niềm vui được về với gia đình chưa đầy 1 tháng, Sơn tái nghiện trở lại. Toàn bộ công sức 6 năm cai nghiện bị tan tành trong chớp mắt. Lần này, gia đình đã đưa Sơn lên cai nghiện theo diện tự nguyện tại Trung tâm Nhị Xuân để Sơn không “tái hòa nhập làng nghiện” như bao lần, Sơn đã tự nguyện xin ở lại và sẽ kiếm một việc làm nào đó ở Nhị Xuân sau khi học nghề thành công bởi: “Cha mẹ tôi đã già, chị gái hiện sống ngoài miền Bắc, cho về nhà là đám “bạn nghiện” lại tìm đến, rồi tôi lại sẽ ngã đổ. Môi trường sống ngoài gia đình quyết định rất nhiều đến việc tái nghiện của dân nghiện, như tôi. Bây giờ, tôi tin đây là nơi tốt nhất để tôi sống an toàn, không ma túy”.
Chúng tôi tin rằng các nhân vật ở trên đã nói thật. Bởi đường về với cuộc sống bình thường quá gian nan mà nguy cơ tái nghiện lại luôn rập rình bên cạnh. Ở Nhị Xuân, có đến 20% là những người từng cai nghiện hơn một lần.
***
Chị Phùng Kim Thanh, Phó Giám đốc điều hành sản xuất Công ty TNHH may công nghiệp Mai Anh – một doanh nghiệp đang sử dụng 120 lao động là những học viên sau cai nghiện - cho biết: “Hồi đầu, nghe nói đến việc quản lý 120 lao động là những người từng nghiện ma túy tôi cũng ớn, nhưng sau một thời gian tôi thấy họ làm việc cũng bình thường…” Chính vì sự “bình thường” của những người sau cai nghiện đó mà chị Thanh vừa làm đơn xin Trung tâm Nhị Xuân bổ sung thêm cho công ty của chị 300 lao động nữa. Theo chị Thanh, các học viên sau cai nghiện tuy sức khỏe đã hồi phục nhưng vẫn chưa thể đạt hiệu quả làm việc như mọi người, do vậy mức thu nhập bình quân của các lao động sau cai nghiện tại cơ sở này chỉ đạt bình quân 700.000đồng/tháng, nhưng để giúp những người lỡ lầm quay về cuộc sống bình thường, chị cảm thấy mình cũng có trách nhiệm.
Hiện nay Trung tâm Nhị Xuân đang quản lý 771 người sau cai nghiện trong đó khoảng 75% đang làm việc tại các doanh nghiệp nằm trong phạm vi trung tâm và các doanh nghiệp nằm trong Cụm Công nghiệp Nhị Xuân. Theo ông Vũ Minh Long, Phó Giám đốc Trung tâm Nhị Xuân, hiện có 5 doanh nghiệp đang sử dụng trên 1.500 lao động là người sau cai nghiện và có nhu cầu tuyển thêm 1.000 lao động nữa, từ những người sau cai nghiện ở trung tâm.
Sự đồng cảm và thái độ chia sẻ của những doanh nghiệp tuyển dụng cũng giúp cho họ vững vàng từ bỏ ma túy làm lại cuộc đời. Sự bình yên chỉ có thật khi chung quanh họ không phải là những hàng rào sắt thép xi măng, mà đó là những hàng rào tình thương và trách nhiệm của những người có tâm.
CHIẾN DŨNG - PHƯƠNG THỤC