Nỗi buồn của một nữ thuyền trưởng

Nỗi buồn của một nữ thuyền trưởng

Thông tin Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Hồng, nữ thuyền trưởng trên biển đầu tiên ở Việt Nam quyết định bán tàu - bỏ nghề đi biển đã gây chấn động dư luận Tiền Giang và vùng duyên hải ĐBSCL những ngày gần đây. Dân chuyên nghề đánh cá ở Mỹ Tho, Gò Công… xầm xì: “bà Hồng là tay lái tàu cự phách và mê biển dữ lắm, giờ sao không ra biển, thật khó hiểu…!”.

  • Dành trọn tuổi xuân cho biển!

Đến thành phố Mỹ Tho, hỏi nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Hồng, ai cũng biết. Dân chạy đò bến Tân Long bảo: “ Chỉ cần qua cù lao, ghé nhà có cây dừa cao cạnh mé sông là tới ngay - dễ tìm lắm! Bả nổi tiếng xứ này, ai mà hổng biết…”.

Trong căn nhà cấp 4 chật chội ở khu phố Tân Hà, trước mặt tôi là Anh hùng Lao động - nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Hồng. Vóc người gầy cao, nước da ngăm đen, đôi mắt sáng toát lên vẻ cương nghị của một phụ nữ đi biển không lẫn vào đâu được.

Nỗi buồn của một nữ thuyền trưởng ảnh 1

Chị Hồng lúc nhận bằng nữ thuyền trưởng.

Xung quanh phòng khách là vô số bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương tặng chị. Danh hiệu “Anh hùng Lao động” được Nhà nước phong tặng vào năm 2000; “Huân chương Lao động hạng 3”; giấy xác lập kỷ lục “Nữ thuyền trưởng đầu tiên của Việt Nam”; nhiều bằng khen của các bộ ngành Trung ương; TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang… cùng nhiều ảnh lưu niệm chụp với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước… tất cả đều là thành tích trên biển mà chị có được.

“Đời tui kỳ lắm, hổng giống ai. Cả nhà không người nào đi biển chỉ mình ên tui làm nghề này. Nhưng nó đến thật tình cờ, rồi yêu biển hồi nào chẳng hay, tính ra gần 20 năm gắn bó với biển. Hết tuổi xuân rồi còn gì!”. Vốn là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang, năm 1979, khi ra trường, chị được giữ lại làm cán bộ.

Cứ tưởng môi trường sư phạm gắn chặt đời chị như bao đồng nghiệp khác thì một chiều cuối năm 1982, cô Đặng Thị Tám (người quen của gia đình, chuyên nghề đi biển), ghé nhà chơi và thuyết phục Hồng “bỏ trường - ra biển”. Cảm nhận ban đầu về biển thông qua lời cô Tám là khi mặt trời mọc và lặn rất đẹp, nhìn hào quang trên biển, ngắm mây ngũ sắc, xem san hô, nhiều cá - tôm… khiến Hồng say đắm và quyết định ra khơi.

Ban đầu, Hồng cùng cô Tám xuôi ngược vùng biển Kiên Giang thu mua cá cơm và tham gia nghề phụ máy. Sau đó, Hồng lên thành phố học cùng lúc 2 bằng máy trưởng hạng nhì và hạng ba. Chưa chịu dừng lại, chị tiếp tục gởi đơn sang Trường Trung học nghiệp vụ Thủy sản 3 xin học lớp thuyền trưởng trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Bởi từ trước đến nay chưa có phụ nữ nào học thuyền trưởng và cô gái Nguyễn Thị Hồng, với trình độ cao đẳng, không quá khó lấy bằng loại giỏi để trở thành nữ thuyền trưởng đầu tiên ở Việt Nam.

Bằng cấp hẳn hoi, kinh nghiệm ngày càng dày lên sau mỗi chuyến đi kéo dài từ 2 tuần đến cả tháng… Bình quân mỗi năm, khoảng 10 cơn bão lớn nhỏ ập tới mũi tàu và Hồng vượt qua tất cả với lòng yêu biển mãnh liệt… Đặc biệt, khi đối mặt với cơn bão lịch sử số 5 năm 1997, chị quyết định đổ bỏ 50 tấn cá cơm xuống biển Kiên Giang, tự mình cầm lái con tàu chống chọi với sức gió giật cấp 12. Và trong đêm kinh hoàng ấy, chị đã bất chấp hiểm nguy cứu sống 36 mạng người thoát chết.

  • Đau lòng rời biển!

Con tàu TG 2032 TS của chị trở về Mỹ Tho sau bão số 5 bị hư trầm trọng. Cảm động trước nghĩa cử cứu người, Ngân hàng Công thương Tiền Giang cho chị vay 70 triệu đồng sửa tàu, nhưng chẳng thấm vào đâu. Thế là, chị đối phó bằng cách vừa đi, vừa sửa.

Mỗi chuyến tu bổ 50 - 60 triệu đồng, thậm chí 100 triệu đồng… Tuy nhiên, trớ trêu thay, nhiều chuyến, tàu ngược xuôi trên biển 15 ngày, rồi 30 ngày, lên 47 ngày… chỉ được vài tấn cá. Cứ chuyến sau chi phí cao hơn chuyến trước nhưng sản lượng cá giảm mạnh.

Thông thường, nếu mua cá cơm về nhanh thì tỷ lệ hao hụt ít, còn ở lâu tỷ lệ hao hụt tăng cao dẫn đến lỗ nặng. Hàng loạt chuyến ra khơi đều như thế, anh em ngư phủ dù rất quý chị nhưng cuối cùng đành chia tay do không có nguồn thu, không tiền nuôi vợ con…

Riêng chị, vẫn lặn lội khắp nơi tìm kinh phí để tiếp tục ra biển. Nhưng rồi “lực bất tòng tâm”, cuối năm 2001 chị đành buông neo đưa tàu về quê nhà ở Tân Long tạm nghỉ trong sự nhớ biển vô hạn. Dù vậy, chị vẫn thường xuyên liên lạc người quen sống ở các đảo báo khi nào có cá cơm chị sẽ trở lại biển. Thỉnh thoảng, nhận được thông tin từ biển nhưng không còn vốn nên tàu không thể ra khơi?

  • Long đong tìm việc

Nỗi buồn của một nữ thuyền trưởng ảnh 2

Con tàu cứu 36 người trong bão số 5 đang được rao bán.

Đưa mắt nhìn xa xăm nơi tàu neo đậu, chị Hồng chua chát nói: “Gần 4 năm rồi, tàu nằm bất động chưa ra biển chuyến nào. Nhiều lúc nhìn con tàu kỷ niệm tui ngồi khóc một mình, lòng đau như cắt. Có hôm, mấy ông khách đến trả 700 triệu đồng đòi mua tàu. Họ nói, nào là tàu lịch sử, tàu hên gặp bão vẫn vững vàng… nhưng tui nhất quyết không bán!

Sau đó, thấy nghề đánh bắt cá ngừ đại dương kiếm ăn được, tui vội sang ngân hàng xin vay vốn nhưng họ bảo… hết tiền. Đành lủi thủi trở về”. Không chịu ngồi yên. Nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Hồng bắt đầu bôn ba tìm việc. Đầu tiên, chị tìm đến lãnh đạo Sở Thủy sản Tiền Giang trình bày nghề biển khó khăn và nguyện vọng xin một công việc bình thường trong ngành thủy sản, với mong muốn được tiếp tục lái tàu và ra biển.

Sở Thủy sản “đẩy” chị xuống cảng cá Mỹ Tho. Tìm qua cảng cá thì được những vị “chức sắc” nơi đây trả lời thẳng thừng: “Tất cả các khâu từ A đến Z đều đủ người làm, không còn biên chế và không có gì để chị làm…?”. Không bằng lòng số phận, năm 2001 và 2002, chị lên TP Hồ Chí Minh “gõ cửa” lãnh đạo Tổng Công ty Hải sản Biển Đông (thuộc Bộ Thủy sản) là chỗ quen biết cũ.

Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Hòe lắc đầu và giới thiệu chị ra cảng cá Cát Lở (Bà Rịa - Vũng Tàu) tìm việc. Gạt nước mắt và cả tự ái, tủi thân… chị bao xe đò ra Vũng Tàu. Tại đây, Ban giám đốc cảng cá nói vui: “Chị là Anh hùng Lao động nếu nhận vào làm “nhỏ” thì khó coi lắm, còn làm lãnh đạo thì…”.

Thế là, chị đành lặng lẽ ra về trong tuyệt vọng. Khi hàng loạt xí nghiệp thủy sản đến các công ty đánh bắt ở thành phố và các tỉnh đều bảo nhau “chị nói vui, chớ ai đời Anh hùng lại đi xin… việc!”.

Buồn bã trở về quê hương, mãi đến năm 2003, nhân chuyến ra Hà Nội dự Đại hội chiến sĩ thi đua; chị tìm gặp lãnh đạo Bộ Thủy sản với hy vọng tìm một việc làm đơn giản trong ngành. Lãnh đạo bộ hứa sẽ giúp chị, nhưng ngày tháng trôi qua mọi chuyện đâu vào đấy, và chị vẫn… thất nghiệp.

Gần giữa năm 2004, ông Ernet Stefan, người Áo, chủ chiếc tàu Bonsai kinh doanh nhà hàng nổi trên sông Sài Gòn cho người xuống Tiền Giang tìm nữ thuyền trưởng của Việt Nam về lái tàu, mặc dù ông có nhiều thuyền trưởng nam. Nhưng rồi “vận rủi” không chịu buông tha.

Khi đăng ký thủ tục thuyền viên, Chi cục Đường sông phía Nam (Bộ GT-VT) đòi phải có bằng thuyền trưởng đường sông hạng 1; chớ bằng thuyền trưởng trên biển của chị không ăn thua gì? Vậy là, chị phải chạy tìm trường học thuyền trưởng đường sông; đến khi nhận bằng ra thì ông chủ tàu Bonsai đã thuê người khác, bởi không thể chờ lâu được.

  • Thay lời kết

Hôm chúng tôi đến nhà chị, cũng là lúc cơn bão số 6 đổ bộ vào đất liền. Người phụ nữ từng một thời tung hoành giữa những cơn bão biển lặng người nhìn con tàu nằm một chỗ mà rưng rưng nước mắt. Có lẽ chị nhớ đến những người quen đã nằm xuống trong cơn bão kinh hoàng 8 năm về trước và chạnh lòng chứng kiến nghề biển đi vào ngõ cụt.

Chị lầm bầm: “Hồi tui nhận danh hiệu Anh hùng, rồi huân chương… Bộ Thủy sản và tỉnh đều nói là vinh dự cho tỉnh - cho ngành… Đến khi gặp khó và chỉ cần một việc nhỏ thì ai cũng quay lưng. Sao họ lại đối xử với tui như thế! Nói thật, tui rất khổ sở với những danh hiệu và sự tâng bốc nửa thật - nửa đùa…”.

Mấy năm gần đây, chị thỉnh thoảng được Đại sứ quán, Tổng lãnh sự các nước, những tàu quốc tế đến TPHCM… mời dự dịp lễ, hay kỷ niệm… Nhiều vị khách các nước rất khâm phục tài đi biển của chị và tỏ ra bất ngờ khi biết nữ thuyền trưởng đầu tiên Việt Nam – Anh hùng Lao động xả thân cứu người trên biển. Một người có kinh nghiệm, trình độ thật sự, lại… thất nghiệp và đang sống âm thầm bằng nghề bán nước mắm.

Lần này, chị quyết định bán tàu và chính thức nói lời chia tay với biển…  

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục