Tại hội nghị kết nối đầu tư do Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Nhật Bản (Jetro) tổ chức vừa qua, hơn 130 doanh nghiệp (DN) Việt Nam và 80 DN Nhật Bản đã trao đổi, kết nối hợp tác đầu tư sản xuất. Nhiều DN Nhật Bản nhận định, hoạt động sản xuất của DN Việt đã có những cải thiện, nhất là trong lĩnh vực chế tạo. Tuy nhiên, do thiếu thương hiệu quốc gia nên nhiều DN Việt Nam vẫn gặp khó khăn trên thị trường thế giới.
Bị ép vì thiếu thương hiệu
Hai lĩnh vực mà DN Nhật Bản tìm kiếm đối tác hợp tác là chế tạo khuôn mẫu và linh kiện điện tử. Thực tế khảo sát 130 DN Việt đăng ký kết nối cho thấy, phần lớn DN Việt chưa thể cung ứng ngay sản phẩm là linh kiện điện tử, do 90% công nghệ của các DN sản xuất linh kiện điện tử Việt Nam đã khá lạc hậu, không đồng bộ nên xét về mặt năng lực sẽ không được chọn. Số ít DN có đủ năng lực sản xuất bản mạch điện tử nhưng do không thể cạnh tranh về giá nên cũng chưa được chọn để đưa vào chuỗi cung ứng. Theo đại diện Công ty TNHH 4P, để sản xuất chi tiết nhựa cho bản mạch điện thoại di động, công ty phải nhập một số vật tư, linh kiện, theo quy định đối với nhóm mặt hàng thuộc công nghiệp hỗ trợ thì phải được hưởng mức ưu đãi thuế nhập khẩu 0%. Thế nhưng, khi hải quan kiểm tra lại khẳng định chi tiết nhập về cũng chỉ là… nhựa nên không thể giảm thuế (!?). Tương tự, trường hợp Công ty Nhựa Hà Nội - đơn vị chuyên sản xuất linh kiện hỗ trợ cho các tập đoàn lớn như Honda, Piaggio, Toyota… cũng chưa nhận được những ưu đãi, khuyến khích gì, dù đã bắt đầu tham gia ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ từ năm 1996, dù nhà nước đã ban hành nhiều chính sách được xem là để hỗ trợ cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này.
Với DN hoạt động sản xuất khuôn mẫu thì khả quan hơn. Dây chuyền sản xuất của các công ty đã được thay mới theo hướng đồng bộ, hiện đại hơn nên có thể đáp ứng nhanh những đơn đặt hàng của DN Nhật Bản. Ông Hồ Minh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Amura Precesion, cho biết công ty đã đầu tư mới máy móc thiết bị của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ và các nước G7. Cụ thể như máy trung tâm gia công đứng phay, máy tiện, máy bắn điện, máy cắt dây CNC… Những thiết bị đo kiểm hiện đại như máy đo quang với thước quang có độ chính xác 3 - 5/1000, cùng với phần mềm thiết kế hiện đại NX (Unigraphics) - phần mềm cung cấp giải pháp hoàn chỉnh trong lĩnh vực thiết kế và lập trình gia công cơ khí. Ngoài ra, với kỹ thuật sản xuất khuôn mẫu được chuyển giao từ Singapore, công ty đã nhanh chóng đuổi kịp các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài vốn dày dạn kinh nghiệm và mạnh về tài chính.
Sản xuất tại một doanh nghiệp mang thương hiệu tầm quốc gia
Tuy nhiên, một bất lợi cho các DN sản xuất khuôn đúc nói chung là tình trạng thiếu thương hiệu quốc gia. Thực tế sản xuất cho thấy, do chưa gầy dựng và được bảo trợ thương hiệu quốc gia đủ uy tín trên thị trường thế giới nên nhiều DN Việt Nam sản xuất nhưng phải cam kết với đối tác đánh tráo xuất xứ là “made in Japan”. Điều này gây thiệt thòi cho DN Việt và làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cải thiện chính sách vốn vay
Cải thiện môi trường đầu tư là quyết sách mà Chính phủ đang ra sức thực hiện. Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế hiện nay cho thấy, những chính sách ưu tiên hỗ trợ chỉ khả thi với những DN có vốn đầu tư nước ngoài. Còn với DN nội, chính sách hỗ trợ chỉ mới nằm trên bàn giấy. Để có thể đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn hợp tác sản xuất, chưa tính đến tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, DN nội phải đổi mới đồng bộ dây chuyền công nghệ sản xuất. Đây là yếu tố then chốt, sống còn của mỗi DN.
Vì thế, việc hỗ trợ đổi mới từ phía Nhà nước không thể giới hạn trong mức vốn nhất định mà phải phụ thuộc vào dự án đầu tư và tính khả thi của dự án. Dây chuyền công nghệ phải được trang bị đồng bộ, tập trung và chuyên sâu, tránh tình trạng hỗ trợ theo kiểu dàn ngang cho mỗi DN một ít. Kết quả là hình thành những dây chuyền sản xuất không đồng bộ, tạo ra những sản phẩm có tỷ lệ lỗi quá cao hoặc không đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, đầu tư công nghệ còn phải phù hợp với từng ngành nghề qua từng thời kỳ, tùy theo tình hình thị trường, để không bị khập khiễng, lãng phí tài nguyên. Đầu tư cũng phải kết hợp song song với đầu tư nguồn nhân lực phù hợp để đảm bảo vận hành tốt các hệ thống thiết bị, công nghệ đó.
Không chỉ vậy, mà cần thiết hình thành trung tâm công nghệ có hệ thống các chuyên gia tư vấn đủ kinh nghiệm và chuyên môn, để tư vấn cho DN Việt lựa chọn công nghệ đầu tư phù hợp; hỗ trợ các chương trình tư vấn áp dụng công nghệ quản lý tiên tiến; tạo dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin cho DN liên quan đến nhu cầu thị trường, thông tin về chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Đặc biệt, phát triển DN thương hiệu quốc gia đủ tầm để khẳng định trên thị trường thế giới, nhằm gia tăng nội lực cũng như cạnh tranh thương hiệu với DN FDI. Có như vậy, mới hy vọng giảm sức ép gia công cho DN nội.
ÁI VÂN