Nỗi lo bảo quản, phục chế tác phẩm nghệ thuật

Hàng ngàn tác phẩm, hiện vật quý đang đối mặt với nguy cơ xuống cấp, hủy hoại khi nằm trong các kho chứa chật chội, thiếu trang thiết bị kỹ thuật.

Đã 5 năm trôi qua, song câu chuyện về việc bảo tồn tác phẩm nghệ thuật Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí vẫn như một vết sẹo khó lành đối với những người trong giới bảo tàng, mỹ thuật. Nhưng vẫn còn đó hàng ngàn tác phẩm, hiện vật quý đang đối mặt với nguy cơ xuống cấp, hủy hoại khi nằm trong các kho chứa chật chội, thiếu trang thiết bị kỹ thuật.

Thiếu số lượng, yếu chất lượng

Tại tọa đàm về bảo quản phục chế tác phẩm mỹ thuật, TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhận định, hệ thống cơ sở kho và trang thiết bị phục vụ công tác lưu giữ, bảo quản các tác phẩm nghệ thuật theo quy định hiện đang thiếu cả số lượng lẫn chất lượng. Ngay tại bảo tàng đầu ngành về mỹ thuật, các kho lưu trữ mở (vừa là kho vừa mang tính chất trưng bày) cũng mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của việc bảo quản.

Tu sửa tác phẩm Rượu cần của họa sĩ Kà Kha Sam
Tu sửa tác phẩm Rượu cần của họa sĩ Kà Kha Sam

Cùng chung lo lắng này, bà Trần Thị Khánh Hồng, Trưởng Phòng Kiểm kê, bảo quản Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, nơi lưu giữ hơn 22.000 hiện vật, nhiều nhất trong số các bảo tàng, cũng thừa nhận việc sở hữu những bộ sưu tập và hiện vật đa dạng vừa là một lợi thế lớn nhưng đồng thời cũng tạo ra thách thức nặng nề trong công tác bảo quản.

Theo bà Khánh Hồng, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn ngừa rủi ro có thể tổn hại đến hiện vật như: lắp đặt, theo dõi hoạt động qua hệ thống camera để giám sát, nhắc nhở, đặt các bảng cấm tại không gian trưng bày nhằm ngăn chặn khách tham quan tiếp xúc trực tiếp vào hiện vật; tác động vào tranh; giảm thiểu ánh sáng từ đèn flash… Song, do kiến trúc ban đầu của tòa nhà nên diện tích các phòng trưng bày đa số nhỏ hẹp, khoảng cách giữa hiện vật với người xem quá gần, khó xây dựng hành lang an toàn để bảo vệ hiện vật và ngừa các yếu tố gây hại từ khách tham quan như sờ, chạm, tác động lên hiện vật gây nên tình trạng hư hại không đáng có.

Với Bảo tàng Mỹ thuật Huế, tình trạng bảo quản, lưu giữ hiện vật còn khó khăn hơn nhiều. ThS Đinh Thị Hoài Trai, giám đốc bảo tàng, cho biết, khí hậu Huế mưa nhiều, nóng ẩm, thích hợp với sự phát triển nấm mốc, song các không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật lại chưa được đầu tư hệ thống điều hòa, máy hút ẩm. Thêm nữa, tổng diện tích kho của bảo tàng chỉ có hơn 100m2 mà phải lưu trữ hơn 1.500 tư liệu, tác phẩm/hiện vật, trong đó nhiều hiện vật mang đặc thù văn hóa địa phương làm từ chất liệu không bền vững (giấy, vải…), nguy cơ hư hỏng rất cao.

Nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Công tác bảo quản phòng ngừa được xác định là hoạt động quan trọng nhất trong công tác bảo quản, kéo dài tuổi thọ hiện vật bảo tàng. “Chúng ta không thể ngăn chặn được hoàn toàn các tác nhân gây hư hại có thể xảy ra đối với hiện vật, nhưng tỷ lệ hư hại có thể được hạn chế và kéo giảm nếu kiểm soát tốt các yếu tố về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng”, bà Trần Thị Khánh Hồng nhấn mạnh.

Hiện quy trình lưu giữ, bảo tồn hiện vật, các bảo tàng mỹ thuật đều nắm được, nhưng để có thể triển khai thực hiện lại gặp nhiều vướng mắc, mà đầu tiên chính là kinh phí.

TS Nguyễn Anh Minh cho biết, quy chuẩn di chuyển tác phẩm mỹ thuật tại các bảo tàng ở Singapore bắt buộc phải dùng xe chuyên dụng đáp ứng các tiêu chuẩn về nhiệt độ, độ ẩm, rung lắc…, còn tại Việt Nam hiện mới dừng ở mức là xe có điều hòa nhiệt độ.

Cũng theo lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, không phải trong nước không có công ty đáp ứng quy trình vận chuyển các tác phẩm nghệ thuật, nhưng do kinh phí rất lớn nên dù biết cũng không thực hiện được.

Lo lắng hơn, TS Trương Quốc Bình, người gắn bó nhiều năm trên cương vị Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cũng cho rằng kiểm kê, bảo quản hiện vật là công việc cực kỳ quan trọng đòi hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật cao nhưng vô cùng thầm lặng. Bởi vậy, khó khăn không chỉ là kinh phí, nguồn nhân lực mà còn ở nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác bảo quản. Thực tế cho thấy, cả nước chỉ có 2 trung tâm tu bổ, phục chế thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trong khi đó, các trường mỹ thuật hiện cũng chưa đào tạo chuyên ngành về phục chế.

Nhắc lại nhiều bài học đau đớn từ việc bảo quản, vệ sinh tác phẩm không đúng cách, ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, nhấn mạnh yêu cầu đào tạo chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm giữa các bảo tàng. Cơ quan quản lý nhà nước cũng bày tỏ mong muốn các bảo tàng công lập và ngoài công lập, các nhà sưu tập tư nhân cần tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, hình thành mạng lưới chuyên sâu về công tác bảo quản hiện vật mỹ thuật.

Chỉ khi triển khai đồng bộ các biện pháp thì mới có thể giảm thiểu các tác nhân gây hư hại có thể xảy ra đối với hiện vật để có thể bảo quản, lưu giữ những tài sản văn hóa quý giá do thế hệ tiền nhân để lại, phục vụ công chúng lâu dài.

Tin cùng chuyên mục