Nỗi lo nguồn nhân lực

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông sản và an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, do kinh tế - xã hội phát triển thấp, mặc dù đã chuyển dịch dần sang công nghiệp và thương mại nhưng tốc độ chậm, chất lượng lao động rất thấp so với các vùng khác của cả nước.

Theo Tổng cục Thống kê (năm 2014), dân số ĐBSCL khoảng 18 triệu người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 10,4 triệu, chiếm 55% dân số và chiếm 19,5% lực lượng lao động cả nước. Lực lượng này đã tạo ra gần 1/5 GDP, hơn 40% trong nông nghiệp và 10% sản lượng công nghiệp cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL có tỷ lệ bình quân 85 sinh viên/10.000 dân, chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ chung của cả nước. Nguồn nhân lực vùng ĐBSCL không chỉ thấp nhất cả nước về trình độ học vấn mà còn cả trong trình độ chuyên môn kỹ thuật. Lực lượng lao động ĐBSCL chiếm 19% lực lượng lao động cả nước nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 10,4% (trung bình cả nước là 19,9%); lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn chỉ chiếm khoảng 6%, trong đó, trình độ từ cao đẳng trở lên chỉ chiếm khoảng 3%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo chỉ khoảng 2%. Đồng thời, tiền lương của lao động ở ĐBSCL cũng thấp nhất so với cả nước. Điều này đang là một nút thắt cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ĐBSCL.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực có trình độ thấp là do hạn chế về môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ, yếu kém về công tác đào tạo. Tại ĐBSCL, hệ thống các trường thiếu, phân bổ chưa hợp lý, cơ sở vật chất nghèo nàn, phương tiện dạy học vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Dù mạng lưới trung học chuyên nghiệp và đại học phát triển nhanh trong những năm gần đây, nhưng so với quy mô dân số và mục tiêu khai thác các tiềm năng của vùng thì còn quá thấp so với bình quân cả nước. Hiện toàn vùng có 62 cơ sở đào tạo trung học chuyên nghiệp, 13 trường đại học, 26 trường cao đẳng. Đã có 10/13 tỉnh, thành trong vùng có trường đại học; tất cả các tỉnh, thành đều có trường cao đẳng. Tuy nhiên, hầu hết trong số các cơ sở đào tạo này vừa được nâng cấp hoặc thành lập mới nên hầu hết quy mô nhỏ, trang thiết bị, phương tiện dạy và học đều thiếu và lạc hậu, nhất là đối với các trường nghề. Đó là chưa kể các yếu tố tâm lý của phụ huynh về “thiên nhiên ưu đãi”, thu nhập của người dân còn thấp nên khó đầu tư cho con em đi học cao hơn sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Thời gian qua, để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ đã kết hợp với các tỉnh, thành triển khai đề án “Đào tạo 1.000 cán bộ khoa học kỹ thuật sau đại học ở nước ngoài cho 13 tỉnh, thành ĐBSCL”. Sau 10 năm thực hiện đề án, các địa phương trong vùng đã đưa được 600 lượt ứng viên đi học nước ngoài. Các ứng viên tham gia chương trình này đã được gửi đi học tại 160 viện, trường thuộc 23 quốc gia trên thế giới và hầu hết đã trở về phục vụ quê hương. Tuy nhiên, nhìn chung, lực lượng này còn quá mỏng, nhất là đội ngũ về tham gia giảng dạy ở các trường cao đẳng, trường nghề còn khá hạn chế, cho nên chưa đủ để làm thay đổi đáng kể chất lượng nguồn nhân lực của ĐBSCL.

Định hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL đến 2015 và phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn vùng lên 45% và năm 2020 là 60%. Để đạt được mục tiêu này, các tỉnh, thành trong khu vực cần nắm chắc cung cầu lao động làm căn cứ để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề; gắn cung cầu lao động của vùng với vùng kinh tế trọng điểm và xuất khẩu lao động. Chú trọng tạo việc làm, nâng cao chất lượng việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Tăng đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Theo các chuyên gia, để phát triển nguồn nhân lực cho vùng, ngoài chính sách, chiến lược của Đảng và Nhà nước, ĐBSCL cần phải quy hoạch mạng lưới trường, ngành nghề đào tạo; phát triển đội ngũ giảng viên, đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, đa dạng hóa các loại hình đào tạo và đẩy mạnh hợp tác trong nước, quốc tế trong lĩnh vực này.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục