Ngày thứ ba trong phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Tín và 4 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, các bị cáo, luật sư và đại diện VKS tiếp tục tranh luận. Tới quá trưa, phần tranh luận mới kết thúc.
Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, bị cáo Nguyễn Hữu Tín – nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM gửi lời cảm ơn cán bộ điều tra, cán bộ VKS và đặc biệt là với luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang trong quá trình điều tra, truy tố, thẩm vấn đã giúp ông nhận thức sâu sắc hơn về sai phạm của mình cũng như bản chất của vụ án.
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín không nói về hành vi sai phạm mà chỉ “xin bày tỏ những trăn trở và tâm tư của một người cán bộ”.
Ông nói: “Tôi là một người lính khoác balo cùng đồng đội về xây dựng TP, cùng lãnh đạo tiền nhiệm thừa hưởng thành quả của đảng bộ chính quyền nhân dân TP, cố gắng góp phần xây dựng TP, và cũng phần nào xây dựng được niềm tin trong lòng nhân dân TP. Nhưng cũng chỉ vì suy nghĩ chủ quan nôn nóng, mặc dù không phải vì động cơ vụ lợi mà vì mục đích chung, vì lợi ích an ninh quốc gia, cũng không phải bất chấp pháp luật nhưng vì nhận thức chưa đúng mà dẫn tới vi phạm và hôm nay phải đứng đây với tư cách là một bị cáo. Tài sản quý giá nhất của tôi chính là niềm tin của nhân dân TP. Tôi đã đánh mất nó, tôi xin lỗi nhân dân thành phố”.
Ông Nguyễn Hữu Tín mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bản thân và các bị cáo trong vụ án.
Bị cáo Đào Anh Kiệt – nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nói lời sau cùng, khẳng định vai trò của mình rất ngắn trong vụ án, bày tỏ tin tưởng vào sự công minh của HĐXX để có bản án khách quan cho ông.
Trong khi đó, các bị cáo Trương Văn Út – nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; Lê Văn Thanh – nguyên Phó Chánh văn phòng UBND TP; Nguyễn Thanh Chương – nguyên Trưởng phòng đô thị thuộc Văn phòng UBND TP đều thừa nhận hành vi nhưng khẳng định mình không vụ lợi trong vụ án này, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Dự kiến tòa tuyên án vào 9 giờ sáng mai, 31-12.
Trước đó, trong phần tranh luận, bị cáo Nguyễn Hữu Tín tự bào chữa bổ sung cho mình. Ông trình bày, do đề nghị của các bộ phù hợp với pháp lệnh tình báo và nghị định của Chính phủ về công tác này. Trong các quy định này có nêu "chính quyền các cấp tạo điều kiện, đáp ứng yêu cầu cho lực lượng tình báo, cơ sở bình phong để được cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đất đai phục vụ công tác tình báo".
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín nói khi nhận thấy đề nghị này phù hợp chủ trương, các sở ngành cũng đồng tình ủng hộ, hơn nữa lại là sự chuyển quyền sử dụng từ cơ quan nhà nước này sang cơ quan khác, chỉ thay đổi về mục tiêu quản lý từ sản xuất kinh doanh qua vấn đề an ninh. Nhận thức như trên nên bị cáo chấp thuận chủ trương, không có động cơ, mục đích riêng tư gì trong việc này.
Ông Tín cũng nói thêm, sau này khi phát hiện việc làm này sai quy định, bị cáo rất thấm thía: Cho dù thực hiện cho an ninh quốc phòng cũng không thể trái quy định của pháp luật đất đai. Trong suốt thời gian trong trại giam, lúc nào bị cáo cũng trăn trở, tâm tư rằng mình chỉ vì lợi ích chung nhưng cũng đã gây thiệt hại cho nhà nước. “Đây là điều bị cáo không bao giờ ngờ đến, không ngờ việc làm của mình lại bị kẻ khác trục lợi”, ông Tín trình bày.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Hữu Tín cũng cho rằng các văn bản quy định có những độ chênh, khoảng trống có thể tạo điều kiện cho những kẻ lợi dụng để thâu tóm tài sản, gây thiệt hại cho nhà nước. Từ đó, ông Nguyễn Hữu Tín đề nghị HĐXX có ý kiến chính thức với các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành các quy chế quy trình, văn bản hướng dẫn chi tiết để những người sau này có thực hiện công vụ tạo điều kiện cho ngành công an thì cũng không bị vướng như bị cáo.
Các bị cáo Đào Anh Kiệt, Trương Văn Út, Lê Văn Thanh, Nguyễn Thanh Chương cũng tự bào chữa bổ sung.
Thiệt hại tương đối
Một trong những luận điểm luật sư bào chữa đưa ra là trong vụ án này 802 tỷ đồng (tiền sử dụng đất nhà nước chưa thu) không phải là thiệt hại, đại diện VKS tranh luận, cho rằng do thời hạn tố tụng nên thiệt hại chưa được xác định chính xác, nhưng chắc chắn sẽ phát sinh thiệt hại (dù là con số tương đối) ngoài số tiền 6,7 tỷ đồng mà Công ty Bắc Nam 79 đã được khấu trừ.
Trong khi nhà nước chưa thu hồi được số tiền này thì Công ty Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ và các đối tác đã bán, cho thuê hàng trăm khách hàng với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng suốt mấy năm nay mà chưa được nhận nhà, thuê nhà.
Theo quy định của Bộ luật hình sự về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại khoản 3 Điều 219, nếu thiệt hại xảy ra trên 1 tỷ đồng thì khung hình phạt đã là 10-20 năm tù. Chỉ riêng thiệt hại 6,7 tỷ đồng các bị cáo đã bị xử lý theo khoản này.
“Rõ ràng đây là vụ án điển hình trong việc cảnh tỉnh những cán bộ công chức phải thượng tôn pháp luật”, đại diện VKS nhấn mạnh.
Về đề xuất của bị cáo Nguyễn Hữu Tín, VKS cho rằng không cần thiết, vì ở đây không có sự xung đột pháp luật. VKS đề nghị rà soát lại tất cả nhà đất công sản trên địa bàn TPHCM, nâng cao ý thức chấp hành, thượng tôn pháp luật trong công tác quản lý công sản.