Nơi lưu giữ “báu vật” của những người làm báo

Sáng ngày 19-6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam. 

Đến dự buổi khai trương có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam – Nhà báo Thuận Hữu, cùng các thế hệ nhà báo lão thành qua các thời kỳ và đông đảo giới báo chí trong nước.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại đây, Nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, việc chính thức khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam có ý nghĩa quan trọng. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, ngay từ khi xuất hiện, báo chí Việt Nam đã sớm có vị thế đặc biệt trong đời sống người dân, đã tỏ rõ vai trò quan trọng của mình trong lịch sử dân tộc.

Trong các cuộc kháng chiến cứu quốc, nhiều nhà báo đã để lại tuổi thanh xuân của mình trên khắp các vùng miền đất nước; mồ hôi và máu của các nhà báo đã tô thắm trên từng trang báo, từng thước phim tư liệu. Nhiều nhà báo hôm nay là những tấm gương xuất sắc, cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần to lớn vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Để những di sản báo chí quý báu đó đến với công chúng, ngày 28-7-2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Từ đó đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã có hơn 1.000 ngày thực thi nhiệm vụ được giao với nỗ lực không ngừng nghỉ.

Nơi lưu giữ “báu vật” của những người làm báo ảnh 2 Nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ thông tin về Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Nhà báo Thuận Hữu cho biết, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tới đây tiếp tục sưu tầm, chỉnh lý các nội dung trưng bày với nhiều hiện vật, tư liệu báo chí tiêu biểu, đại diện cho nền báo chí anh hùng, để chuyển tải các tư liệu hấp dẫn kêu gọi các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh xây đắp truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà.
Nơi lưu giữ “báu vật” của những người làm báo ảnh 3 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chúc mừng tại buổi Lễ. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ niềm vui và gửi lời chúc mừng tới Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo qua các thế hệ. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã chuyển lời thăm hỏi và lời chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới Hội Nhà báo Việt nam và những người làm báo.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, mặc dù nền báo chí Việt Nam ra đời muộn hơn so với trên thế giới, nhưng ngay từ thuở khai sinh, báo chí cách mạng Việt Nam đã mang tính chất tiến bộ, là tiếng nói của nhân dân, của dân tộc, với khát vọng độc lập, quyết hy sinh tất cả để giành quyền độc lập và vươn tới dân chủ, văn minh.

Nơi lưu giữ “báu vật” của những người làm báo ảnh 4 Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày trong Bảo tàng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ôn lại lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, cách đây đúng 95 năm, từ ngày Báo Thanh niên ra số đầu tiên, từ đây hoạt động báo chí luôn gắn liền với cuộc vận động cách mạng của nhân dân. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà cách mạng kiệt xuất, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Người đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng trong và ngoài nước. Chính Người đã thấy rõ tầm quan trọng của báo chí và đã dành nhiều tâm huyết và thời gian cho hoạt động báo chí. Với những tác phẩm báo chí của mình, Người đã đặt nền móng vững chắc cho báo chí cách mạng, làm cho báo chí thời nay luôn là dòng chủ lưu, đồng hành cùng dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước; kết tinh, hội tụ được truyền thống văn hóa của Việt Nam và thế giới, làm nên bản chất tiến bộ, nhân văn.

Nơi lưu giữ “báu vật” của những người làm báo ảnh 5 Các thế hệ làm báo tham quan khu trưng bày. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, luôn ở tuyến đầu của cuộc sống, những người làm báo Việt Nam hôm nay đang tự tin viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, của các thế hệ làm báo lớp trước; tiếp tục đảm đương sứ mệnh người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, quả cảm đấu tranh cho công lý và lẽ phải.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tin rằng, 95 năm qua báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, cả nội dung và hình thức, cũng như sự lớn mạnh chưa từng có của đội ngũ những người làm báo. Nhân dân, Đảng, Nhà nước luôn biết ơn, trân trọng những đóng góp to lớn của các nhà báo và nghề báo.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá, sự ra đời của Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với báo chí, đáp ứng sự mong mỏi của đội ngũ nhà báo.

Nơi lưu giữ “báu vật” của những người làm báo ảnh 6 Nhà báo Trần Đình Vân và các đồng nghiệp tham quan tại Bảo tàng. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Các không gian trưng bày của bảo tàng không chỉ nhằm tái hiện lại lịch sử báo chí gắn liền với lịch sử lập quốc, kiến quốc của dân tộc, tôn vinh những đóng góp của các thế hệ làm báo, lưu giữ và phát huy giá trị di sản báo chí mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử văn hóa – những giá trị tốt đẹp của dân tộc, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho các sinh viên báo chí và các nhà báo trẻ, giúp công chúng hiểu hơn về sự nỗ lực của các thế hệ nhà báo.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả của các nhà báo, các gia đình nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí trong nước đã sưu tầm, quy tụ hàng vạn tư liệu, hiện vật quý báu về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam để trưng bày tại đây.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tin tưởng và hy vọng rằng, với những giá trị lưu giữ nơi đây, bảo tàng sẽ là thực thể sống phong phú và sinh động, một trung tâm giáo dục truyền thống báo chí về tinh thần yêu nước cách mạng, chứ không đơn giản chỉ là những tủ kính trưng bày.

Nơi lưu giữ “báu vật” của những người làm báo ảnh 7 Sau Lễ khai trương, đông đảo các thế hệ làm báo tới tham quan. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm trên 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản tại kho cơ sở của bảo tàng. Trong số đó, đã có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày.

Tin cùng chuyên mục