Nỗi nhớ Việt Nam

Nỗi nhớ Việt Nam

Tháng 8-2006, Matxcơva đang trong những ngày hè thật đẹp với nắng vàng “treo mãi” trên ngọn cây bạch dương trắng. Giữa lòng Matxcơva ấy, không chỉ có những người Việt nhớ nhà mà còn có rất nhiều người Nga đang nhớ và yêu mến Việt Nam.

Tôi biết, có một người Nga luôn nhớ đến Việt Nam với những kỷ niệm sâu nặng của gần 40 năm trước, từ sau chuyến đi đáng nhớ vào năm 1973-1974. Ông là Lev Víchtorovích Tririkin, chuyên gia Xô Viết đã từng tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Việt Nam trong trái tim tôi

Nỗi nhớ Việt Nam ảnh 1

Ông và bà Tririkin với tấm ảnh sơn mài được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng năm 1969.

Tôi trở lại nước Nga đầu tháng 8-2006 theo đoàn của chị Hòa Bình – Giám đốc khu nghỉ mát nổi tiếng Palmira Resort tại Mũi Né (Phan Thiết), đi quảng bá du lịch Việt Nam tại Nga.

Matxcơva đang vào những ngày hè rực nắng. Thật hạnh phúc, khi được gặp lại những du khách Nga đã sang Việt Nam, để được nghe họ kể về những kỷ niệm đẹp và những khám phá thú vị bất ngờ mà không phải người Việt Nam nào cũng nhận thấy!

Tôi cũng được mời dự lễ “thượng thọ 70” của ông Chủ tịch Tập đoàn OAO – Drobmash – nhà cung cấp tới 90% máy nghiền đá cho thị trường Việt Nam. Tên ông là Golotvin, một doanh nhân rất nổi tiếng ở nước Nga. Tại đây tôi đã gặp ông Phêđotov – đại diện xuất khẩu Hãng OAO Drobmash, ông cho biết, ông có một người hàng xóm tên Tririkin tại Matxcơva rất yêu mến Việt Nam, tròn 65 tuổi. Đây là một con người “rất đặc biệt”. Ông khuyên tôi nên thu xếp gặp gỡ ông ấy, sẽ rất thú vị...

Đúng là “món quà” bất ngờ mà ông Phêđotov đã tặng cho chúng tôi trong ngày cuối của chuyến đi. Chúng tôi đã gặp một chuyên gia Liên Xô từng sang giúp đỡ Việt Nam thời đánh Mỹ và được vinh dự tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội.

Như đã hẹn trước, vào chiều thứ bảy chúng tôi tìm gặp ông tại một ngôi nhà ngoại ô. Hôm ấy, gia đình ông Tririkin đều có mặt đầy đủ. Ông bà có 2 người con: một trai, một gái đều đã trưởng thành và có gia đình. Khi chúng tôi đến, cả gia đình chờ sẵn và đồng loạt chào một câu tiếng Việt rất chuẩn “Chào đồng chí” làm chúng tôi hết sức bất ngờ. Vui quá, tôi cũng “Chào đồng chí Tririkin”. Vẻ mặt ông đăm chiêu, vì hình như đã lâu lắm rồi, ông không được ai gọi bằng “đồng chí” thì phải!?

Căn nhà ngoại ô của ông bà được xây dựng trên thửa đất rộng, có sân vườn ngập cỏ và hoa được tỉa tót rất công phu. Ông bà mời mọi người ngồi vào bàn. Hôm đó, chúng tôi là khách quý của gia đình ông. Bà vợ ông còn rất nhanh nhẹn, thật chu đáo tiếp đồ ăn cho khách. Mọi người cùng mở rượu và chúng tôi chúc ông sức khỏe nhân ngày sinh nhật 65 của ông cách đây ít hôm.

Ông uống một hơi cạn ly vốtca và bắt đầu kể chuyện Việt Nam. Với ông, Việt Nam luôn ở trong trái tim và cứ mỗi lần nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông để tay lên trái tim mình. Hồi đó ông chưa được gặp Bác khi Bác còn sống. Ông nói trong nước mắt là ông rất quý Việt Nam, yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã kể cho chúng tôi nghe những năm tháng gian khổ đánh Mỹ của người Việt Nam mà ông được chứng kiến.

Ngày ấy ác liệt lắm. Giặc Mỹ ném bom tàn phá và hủy diệt miền Bắc. Ông đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1968, để giúp khôi phục thủy điện Thác Bà. Ông là kỹ sư điện, lúc ấy chỉ mới 27 tuổi. Những người Việt Nam cùng làm việc với ông ngày đó, ông vẫn nhớ và rất cảm phục họ.

Ông là chuyên gia, tiêu chuẩn sinh hoạt của ông dù sao cũng đầy đủ. Với đồng nghiệp Việt Nam, ông chia sẻ cho họ chút ít để bớt đi sự thiếu thốn trăm bề mà mỗi người Việt Nam phải nếm trải thời đó. Lúc ấy, ông cũng phải xa vợ con. Cậu con đầu lòng của ông giờ đây đã 43 tuổi, là một doanh nghiệp thành đạt trong ngành xây dựng, khi đó mới 5 tuổi – luôn là nỗi nhớ hàng đêm của ông.

Ông kể về vịnh Hạ Long với niềm tự hào và những lần được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên thăm tại thủy điện Thác Bà. Kỷ niệm về Việt Nam cứ dài mãi và ấn tượng mãi với chuyến đi công tác đặc biệt năm 1973 – 1974, khi ông tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội.

Công việc của ông thuộc loại “đặc biệt”, ông phụ trách khâu điện chiếu sáng trong Lăng và thiết kế hàng chục ngọn đèn chiếu vào linh cữu của Bác để mọi người cảm thấy Bác vẫn hồng hào và khỏe mạnh như Bác đang ngủ. Ông rất khiêm tốn khi nói về những công việc “bình thường” đó. Ông nói, “Sự hy sinh to lớn của Bác Hồ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, không ai được quên. Phải tôn trọng lịch sử, ở Việt Nam đừng để những sự kiện đau buồn diễn ra như với Lênin tại nước Nga!”.

  • Nỗi nhớ Việt Nam và niềm vui trở lại

Nỗi nhớ Việt Nam ảnh 2
Ông Tririkin (x) và các đồng nghiệp tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1974.

Bà vợ ông Tririkin hôm ấy rất vui khi thấy chồng mình hát bài “Qua cầu gió bay”. Đã lâu lắm rồi, bà mới thấy một ngày như hôm nay, ông rất vui, vừa đàn vừa hát. Tôi nhận rõ những tấm lòng thiết tha của người cựu chuyên gia Liên Xô đối với đất nước của mình.

Khi nghe tin ngày 30-4-1975 Việt Nam thắng Mỹ, ông bà đã ôm nhau khóc vì Việt Nam! Ông bà mơ ước được đến Việt Nam, thăm thành phố Hồ Chí Minh như bao chuyên gia Liên Xô đã từng gắn bó với Việt Nam, được trở về Hà Nội để vào Lăng viếng Bác, trở lại thủy điện Thác Bà và... được uống nước rau muống luộc dầm quả sấu chua Hà Nội! Nhưng 30 năm rồi ông vẫn chưa đi được...

Ông tâm sự: “Sau Việt Nam, năm 1979, tôi có đi sang Afghanistan làm chuyên gia mấy năm. Nhớ Việt Nam quá và rất muốn quay lại. Nhưng không có dịp nào. Thời đổi mới, cải tổ của Goorbachev, tôi cũng cảm thấy hụt hẫng”.

Buổi chiều thứ bảy cuối tuần được vui cùng gia đình ông bà Tririkin thật ấm cúng. Chị Hòa Bình là dân học ở Liên Xô, về nước năm 1978. Chị đã góp vui bằng những ca khúc vượt thời gian của Nga như: Hàng thùy dương, Đôi bờ, Hy vọng, Thời thanh niên sôi nổi, Chiều ngoại ô Matxcơva, Chiều hải cảng v.v... Vợ chồng ông bà Tririkin như được sống lại những năm tháng “Xô Viết” hào hùng.

Chị Hòa Bình và tôi đã kể cho ông bà nghe những thay đổi và phát triển ở Việt Nam. Khách du lịch đến từ nước Nga hiện nay rất đông. Chúng tôi mời ông bà đi Việt Nam để “trở về nhà”. Tiền vé máy bay thì cậu con trai lo, tất cả chi phí ăn, ở, đi lại tại Việt Nam sẽ do khu du lịch Palmira Resort đài thọ.

Đích thân chị Hòa Bình sẽ dẫn ông bà đi xuyên Việt. Ông bà đã vui vẻ nhận lời và hứa tháng 12-2006 sẽ sang. Ông bảo, “nỗi nhớ Việt Nam chôn chặt hàng chục năm nay trong tâm hồn ông đã được giãi bày, nay con tim ông đã vui trở lại!”.

Trước lúc chia tay, ông bảo chị Hòa Bình thích gì, để ông đem sang. Nghĩ một lát, chị Hòa Bình có hai đề nghị: Nhờ ông đem qua 3 cây bạch dương nhỏ từ khu đất ngoại ô của ông để trồng ở khu du lịch; và ông đem hết tài liệu về Việt Nam mà ông đang lưu giữ để Khu du lịch Palmira Resort làm phòng truyền thống, giữ gìn và trân trọng tình cảm sắt son thủy chung Việt-Xô.

Ông không nói gì, đôi mắt ngấn lệ, nhìn về phía khu rừng bạch dương xa xa như tìm lại tuổi thanh xuân 20 của mình đã từng gắn bó máu thịt với Việt Nam. Vâng, tôi hiểu ông – một tấm lòng Nga đôn hậu đáng quý!  

Tháng 8-2006
NGUYỄN QUANG CHÁNH

Kính gửi bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng

Xin chúc các bạn hạnh phúc và sức khỏe, những người bạn Việt Nam kính mến!

Tôi có thời gian không thể quên ở Việt Nam. Ở đó, tôi đã tham gia xây dựng thủy điện “Thác Bà” và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1968 và 1973 – 1974.

Tôi yêu mến Việt Nam và nhân dân Việt Nam.

Kính trọng.

Lev Vichtorovich Tririkin
20-8-2006

Tin cùng chuyên mục