Những ngày này, học sinh cả nước đã nô nức đến trường để bắt đầu cho một năm học mới. Chắc hẳn phụ huynh sẽ yên tâm gửi gắm con em mình ở những ngôi trường khang trang “trường ra trường, lớp ra lớp”. Và đối với học sinh, ước mơ tuổi học trò sẽ bay cao, bay xa hơn khi mỗi ngày đến trường được kết nối bằng niềm vui, được học chữ, làm người trong môi trường thân thiện, với điều kiện tối thiểu. Thế nhưng để tạo dựng được môi trường học đường khang trang với cơ sở vật chất tương đối tốt và trang thiết bị hiện đại… ngoài nguồn kinh phí đầu tư của ngân sách, nhiều ngôi trường ở TPHCM đã được tiếp sức từ nguồn lực xã hội hóa. Khoản này được gọi là thu thêm từ sự đóng góp tự nguyện của phụ huynh, mạnh thường quân.
Một lãnh đạo quận trung tâm ở TPHCM thừa nhận, nếu không có nguồn lực đóng góp tự nguyện thì nhiều ngôi trường trong quận không thể có được diện mạo khang trang, hiện đại như hôm nay. Không chỉ trang bị máy móc hiện đại phục vụ công tác dạy và học như phòng vi tính, phòng Lab, bảng tương tác, 3D… nhiều trường còn đầu tư cho các câu lạc bộ năng khiếu, kỹ năng nhằm phát triển học sinh toàn diện hơn. Như tâm sự của những hiệu trưởng “dám làm” và làm tốt việc huy động sức dân này, “khi việc thu thêm công khai, minh bạch” - mang lại hiệu quả thiết thực, tạo môi trường học và rèn luyện cho học sinh tốt hơn thì phụ huynh sẽ đồng tình, ủng hộ.
Sự thuyết phục càng lan tỏa khi phụ huynh chứng kiến con em mình được hưởng lợi từ những gì họ đóng góp, chắt chiu. Để tạo bước đột phá, đổi mới trang thiết bị dạy và học tiên tiến, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cũng vận động hội phụ huynh góp sức. Bà Hồ Cam Thanh, nguyên Hiệu trưởng trường này, chia sẻ rằng nhờ mức đóng góp của mỗi học sinh với mức 1,7 - 2 triệu đồng/3 năm học, trường đã có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học, phát triển năng lực cá nhân học sinh thông qua các câu lạc bộ năng khiếu, thẩm mỹ, dạy kỹ năng mềm… Chính môi trường học chữ và rèn luyện kỹ năng sống đầy đủ này, học sinh Trường Nguyễn Thượng Hiền tự tin bước vào đời.
Như vậy việc thu đúng và thu thêm được hiểu như thế nào để nó không trở thành câu chuyện “nhạy cảm” đầu năm học? Chuẩn bị cho công tác khai giảng đầu năm học 2013 - 2014, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo chấm dứt tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm trái quy định tại địa phương. Tinh thần này được tất cả các sở GD-ĐT địa phương lĩnh hội và chỉ đạo các trường chỉ được thu đúng, không được thu thêm bất cứ khoản nào khi chưa được chấp thuận. Việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu không đúng mục đích yêu cầu hoặc sử dụng khoản tiền thu thêm không hợp lý cần phải kịp thời lên án. Tuy nhiên, trong tình hình ngân sách TP và cấp quận, huyện cho giáo dục chưa đủ theo yêu cầu thì việc không cho phép thu thêm sẽ khiến nhiều trường “bó tay” trước yêu cầu đổi mới hoạt động giáo dục, cải thiện trang thiết bị, đầu tư phòng chức năng, câu lạc bộ năng khiếu, thẩm mỹ… Đó là nỗi niềm của nhiều hiệu trưởng - những người đứng mũi chịu sào cảm thấy bất lực khi nhìn thấy học trò không có điều kiện tiếp cận với môi trường giáo dục tiên tiến, thiếu phòng học ngoại khóa, năng khiếu…
Thực tế cho thấy nếu hiệu trưởng nào chấp hành theo quy định, chỉ thu đúng những khoản được phép thu và không dám thu thêm khoản nào, kể cả vận động phụ huynh góp sức thì ngôi trường đó khó tạo được sự đổi mới. Để cái khó không bị đẩy về phía ban giám hiệu các trường thì mong muốn được đầu tư đúng và đủ cho hoạt động giáo dục cần được TP và các quận, huyện quan tâm nhiều hơn.
KHÁNH HÀ