
LTS: 34 năm lính, gần nửa đời người khoác áo biên phòng, Đại tá Nguyễn Việt Hà, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An sau khi đi thăm bộ đội ở Trường Sa trở về, đã đưa ra nhận xét về mức độ khó khăn gian khổ của bộ đội Trường Sa so với bộ đội biên phòng là “3 hơn, 3 kém”... Chúng tôi cũng đã đến Trường Sa, đã tận mắt chứng kiến những khó khăn gian khổ của bộ đội Trường Sa, nhất là các phân đội đóng quân trên các nhà giàn DK1 và các đảo san hô. Thế nhưng, khi được tận mắt thấy cuộc sống sinh hoạt và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội biên phòng trấn giữ biên giới phía Bắc Trung bộ (các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị), chúng tôi… không thể không công nhận: Có những đồn, trạm biên phòng nằm heo hút, chênh vênh giữa núi cao rừng thẳm, như những “nhà giàn” chốn biên cương!
Đại tá Hoàng Anh Thắng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An vạch ra lịch trình: Từ Đồn biên phòng Môn Sơn (đồn 555, đóng trên địa bàn xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) đi vào bản Cò Phạt, nơi cư trú của tộc người Đan Lai, đi thuyền chỉ mất khoảng hơn 1 giờ. Trước khi hành quân, Trung tá Nguyễn Ngọc Minh, Đồn phó Đồn 555 ra lệnh: “Để lại tất cả giày dép, nón, tư trang, túi xách, điện thoại di động. Mặc áo tay dài, đi dép rọ, đội nón cối... mới được xuống thuyền!”. Dòng sông trong xanh và lặng ngắt như cất giấu bao điều bí mật. Tất cả chúng tôi đều chưa biết gì về con sông có cái tên lãng mạn như giăng mắc, như vấn vương này - sông Giăng, cũng như chưa hiểu gì về những người lính biên phòng đang bám trụ nơi thượng nguồn con sông.
17km, 74 lần đẩy thuyền vượt sông
Bên mạn chiếc thuyền máy đuôi én đưa chúng tôi đi là dòng chữ: “Kiểm lâm Việt Nam” - Thuyền của Vườn quốc gia Phù Mát. Lái đò: La Văn Tạo - nhân viên vườn quốc gia. Hộ tống thuyền còn có 4 cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Vậy là từ “cơ sở vật chất” đến “nguồn nhân lực” cho hành trình này đều theo chế độ ưu tiên. Vật dụng trên thuyền không có gì ngoài một cây sào, 2 can xăng độ 40 lít và vô số… chân vịt! Hỏi sao không mang theo vài cây sào nữa mà chèo chống cho dễ, lái thuyền trả lời: “Phải tiết giảm tối đa trọng lượng. Cái gì đáng mới đem theo, để cho thuyển nổi, đi nhanh!

Đẩy thuyền vượt thác sông Giăng. Ảnh: Mai Hương
Chúng tôi không phải thắc mắc lâu. Sau hơn trăm mét dạo đầu tương đối êm ả, ghềnh thác bắt đầu xuất hiện. Thuyền đang phăm phăm giữa sông, bỗng đâu có mỏm đá trồi lên chặn lối. Rất nhanh, 3 chiến sĩ nhảy xuống nước, tay bám vào mạn thuyền ra sức bẻ lái cho mũi thuyền tránh khỏi ghềnh đá. 3 người vừa trèo lên thuyền, chưa kịp vắt nước hai ống quần thì đáy thuyền lại va sàn sạt vào đá ngầm.
Lần này, cả Trưởng ban Vận động quần chúng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An Ninh Công Chức cũng phải nhảy xuống nước. Càng ngược sông, mực nước càng xuống thấp, nhiều đoạn chỉ ngang mắt cá chân. Càng vào sâu, tiếng động cơ thuyền càng lọt thỏm giữa đại ngàn hoang lạnh. Đá tảng lổn nhổn xếp đầy đáy sông, lừng lững trồi sụt giữa lòng sông không theo bất cứ quy luật nào, nắn lệch dòng chảy, tạo thành những xoáy, hốc nước hiểm hóc sẵn sàng vồ túm, lật úp con thuyền. Lái đò Tạo phải ghì chặt, đè mạnh tay lái, để chân vịt chỉ là đà mặt nước, vừa đủ đẩy thuyền đi mà không va vào đá. Ngồi trên thuyền, chúng tôi cảm nhận rõ tiếng chà xát của đáy thuyền lên mặt đá. Con thuyền đi với tốc độ cực chậm.
Chỉ sau quãng đường, tất cả những người ngồi trên thuyền đều phải phóng xuống nước để đẩy và… khênh thuyền. Đá ngầm trơn như bôi mỡ. Đến lúc này, khi lội dưới lòng sông để tham gia đẩy thuyền, tôi mới thấy rõ công dụng của đôi dép rọ bộ đội. Cả 4 chiến sĩ biên phòng đã cởi bỏ quân phục, chỉ vận mỗi áo lót và quần cộc. Lái đò, biên phòng, phóng viên, người chèo, người chống đều ướt sũng nước. Nước tràn vào lòng thuyền lênh láng. Trên đầu, nắng tháng sáu của miền Trung hắt xuống như đổ lửa. Quần áo của chúng tôi hết ướt rồi khô, hết khô lại ướt không biết bao nhiêu lần.
Đang cật lực ngồi tát nước bằng chiếc mũ cối gần sau lái, tôi bị xô ngã chúi, suýt bắn ra đằng mũi thuyền. Chiếc máy Koler bật khỏi chân đế, lao thẳng về phía trước. May mà Tạo kịp dùng hết sức ghìm lại. Chân vịt đụng đá ngầm gãy mất 2 cánh. Vừa lúi húi thay chân vịt, Tạo vừa cười, nói: “Lúc nãy em mà không tránh kịp là gãy lưng rồi đó”. Một phóng viên hỏi: Còn phải đẩy thuyền bao nhiêu lần nữa? Tạo đáp: “Từ ngoài vào đến bản Cò Phạt, có lần chúng tôi phải đẩy thuyền 74 lần”. Trung tá Ninh Công Chức kể thêm: “Từ đồn vào đấy chỉ chừng 17km. Thế mà có chuyến vì đẩy thuyền, khênh thuyền mà có anh bị ốm hơn nửa tháng. Anh nào khỏe cũng bải hoải 2-3 ngày…”.
Khi thuyền vào tới Bản Búng - bản xa nhất thuộc địa bàn quản lý của Đồn 555, tổng cộng chúng tôi đã vật lộn với sóng nước hơn 4 giờ đồng hồ. Ai cũng rã rời. Tôi hỏi: Tại nước cạn nên chuyến này đi lâu hơn phải không? Lái đò Tạo bảo: Thế này là nhanh lắm rồi. Nước cạn thì đẩy nhiều hơn, nước lớn thì dòng chảy mạnh hơn, đều khó khăn và mất nhiều thời gian hơn… Thì ra, thời gian mà Đại tá Hoàng Anh Thắng thông báo với chúng tôi, đơn thuần chỉ là một lời… động viên!
Đệ nhất lạc hậu và... đắt đỏ!
Tộc người Đan Lai chỉ còn hơn 3.000 người sinh sống ở huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Để vào tận nơi người Đan Lai sinh sống, nếu đi đường bộ, leo núi phải mất hơn 1 ngày. Đi đường thủy theo sông Giăng vượt thác, lên độ cao 1.356m so với mặt nước biển, rổi theo Khe Khặng vào Bản Búng và Cò Phạt, gặp thời tiết thuận như chúng tôi cũng đã mất hơn 4 tiếng. Thế nhưng, cung đường này là nơi bộ đội biên phòng Đồn 555 xuôi ngược thường xuyên. Năm 2007, trên sông Giăng, 2 chiến sĩ biên phòng của Đồn 555 đã hy sinh khi vượt lũ cứu dân. Trước đó, năm 1996, chiến sĩ biên phòng Nguyễn Đình Thanh đã mãi mãi nằm lại với sóng thác sông Giăng trong lúc dẫn đường cho đoàn phóng viên thâm nhập vùng đất này. Năm đó anh vừa tròn 23 tuổi.

Người dân Bản Búng đi lấy nước. Ảnh: Mai Hương
Trạm biên phòng ở bản Cò Phạt trông tuềnh toàng như một trại cưa dã chiến. Ngay trước trạm là 2 cái máy cưa án ngữ. Trạm có 5 người thì 3 người đã đi tuần tra, còn lại 2 chiến sĩ đang hì hục cưa gỗ để làm nhà đại đoàn kết cho đồng bào. Không hổ danh là nơi sơn cùng thủy tận, Cò Phạt và Bản Búng đáp ứng đủ tiêu chí 7 không: Không điện, không đường, không trường, không trạm, không thông tin liên lạc, không chợ búa giao thương và không quan hệ với người bên ngoài. Giữa đất liền mà như hoang đảo. Trời nóng như đổ lửa nhưng trong trạm chỉ vè vè một cái quạt máy con con chạy bằng thủy điện nhỏ từ dòng chảy sông Giăng. Nó nhỏ đến mức muốn bật quạt thì phải cúp đèn, còn xem tivi thì phải tắt cả đèn lẫn quạt. Tivi màu không xài được, chỉ dùng được tivi 14 inch đen trắng. Điện đóm phập phù, sóng hình chập choạng, thời lượng phát sóng tối đa chỉ khoảng 1 giờ/ngày.
Do đường sá đi lại khó khăn nên hàng hóa ở đây đã thiếu lại đắt kinh khủng vì cước phí vận chuyển. La Văn Long, một thanh niên người Đan Lai cho biết: Bình thường, tiền công để thuê một chiếc thuyền từ trung tâm xã Môn Sơn vào Cò Phạt, Khe Khặng, Bản Búng có giá từ 700.000 - 1,5 triệu đồng, tùy thời tiết và mực nước. Mỗi thuyền chỉ chở khoảng 6 người kèm theo một ít đồ dùng. Trung bình, mỗi kilômét phải mất gần trăm ngàn đồng tiền vận chuyển. Công vận chuyển 1 tạ gạo vào bản có giá 100.000 - 300.000 đồng. Một bao ximăng ngoài trung tâm xã có giá 60.000 đồng, chuyển được vào đây, phí vận chuyển đội giá lên 120.000 đồng…
Tộc người Đan Lai được bộ đội biên phòng phát hiện trong khi đi tuần tra và khảo sát biên giới. Từ chỗ sống biệt lập, lạc hậu trong rừng sâu, kinh tế hoàn toàn dựa vào đánh bắt, hái lượm, đến nay, nhờ sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, bà con đã biết trồng lúa, chăn nuôi, trẻ con được đến trường, người bệnh được đến trạm xá. Bản Cò Phạt giờ có được 81 hộ, 345 khẩu, 5ha lúa, 3ha ngô, 2ha lạc, 0,5ha vừng. Bản Búng có 87 hộ, 405 khẩu, 13,5ha lúa, 2ha lạc, 5ha ngô, 0,5ha vừng. Tuy nhiên, theo đại úy Trịnh Văn Quế, Chính trị viên phó Đồn 555, năm nào bà con trúng mùa cũng mới chỉ đủ gạo ăn trong 4 tháng, những tháng còn lại phải ăn độn sắn với măng rừng. Cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng đã trích tiền lương lập quỹ để mua quần áo, chăn màn cho bà con nghèo trong bản… |
ĐOÀN MAI HƯƠNG
Mây mù sau dốc cao
Trong suốt hành trình đến những đồn biên phòng heo hút ở miền Tây xứ Nghệ, chúng tôi có hỏi thăm về nét đặc trưng của vùng đất này, một chiến sĩ biên phòng đáp gọn: “Bốn bề là núi cao vực thẳm!”. Cứ tưởng đó là câu nói… hù. Nhưng đi rồi mới thấy...
Khúc khuỷu và thăm thẳm
Chiếc xe 2 cầu rẽ vào địa phận Đồn biên phòng 549 thuộc xã Tam Quan huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Con đường đèo dốc, toàn cua tay áo, cua chữ chi, người ngồi trong xe có cảm giác cứ như bị kéo rướn lên trên, cứ khúc khuỷu, thăm thẳm mãi, rồi lắc, rồi quăng lên chúi xuống…, ăn đứt mấy trò chơi cảm giác mạnh ở những công viên chốn thị thành. Còn vài cây số nữa vào đến đồn nhưng xe phải dừng lại bởi con dốc dựng đứng trước mặt. Trừ tài xế ở lại giữ xe, còn chúng tôi phải xuống leo dốc!

Cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng 549 họp giao ban trong dãy nhà tạm
Gió Lào thổi ràn rạt. Giữa rừng mà nóng như đổ lửa! Chúng tôi gập người leo dốc, cẩn thận tìm chỗ đặt chân vào giữa những khe đá và bấu chặt mũi giày vào đất để khỏi trượt chân. Tới trạm kiểm lâm của Vườn quốc gia Pù Mát, chúng tôi kiệt sức.
Từ trạm kiểm lâm tới đồn còn khoảng hơn cây số nữa. Trung tá Ninh Công Chức phải nhờ anh em kiểm lâm làm… xe ôm đưa chúng tôi vào đồn. Xe ở đây đúng nghĩa là xe ôm, vì không ôm đố mà đi được. Lúc lên dốc, người ngồi sau phải một tay ôm bác tài, tay bấu chặt đuôi xe, hai chân kẹp cứng yên xe để không tuột khỏi xe. Khi xuống dốc, lại gồng mình bám đuôi xe rồi kìm chặt để khỏi theo quán tính mà nhào tới dính chặt vào bác tài (!). Trong quá trình vượt dốc, người ngồi sau còn phải căng tai, căng mắt và sẵn sàng… nhảy ra khỏi xe khi cần.
Vào tới đồn an toàn, ai cũng thở phào. Thế nhưng bận trở ra lại gặp sự cố. Anh lính biên phòng chở tôi chuẩn bị vượt dốc. Nhìn con dốc dựng đứng, tôi lo lắng: “Lên được không anh?”. “Yên tâm, mình đi quen rồi!”- Anh chiến sĩ trả lời rồi nổ máy, vào số 1 rồ ga rướn lên. Leo được nửa dốc, bất thần, bánh xe cán nhầm một hòn đá rồi… tuột. Tôi hốt hoảng nhảy ra một bên, lấy hết sức ghì lại. May sao một đồng đội đi sau kịp nhảy xuống tiếp sức. Chiếc xe đứng yên. Tôi không dám nhìn xuống vực thẳm bên dưới. Bác tài thì đỏ mặt, nói chữa: “Đường hôm nay còn đẹp đấy (?!). Mấy hôm nữa, chỉ cần một trận mưa nhỏ thì đến đi bộ cũng không nổi chứ đừng nói là xe máy”.
“Ở trọ” giữa rừng
Đêm núi rừng thường đến sớm, nhất là những ngày có mưa. Đang nắng cháy, đột ngột mây kéo cơn rồi mưa rả rích đêm ngày, mưa tối tăm mặt mũi. Trời mưa mà căn nhà tạm lợp tôn cũ, nơi ở của các chiến sĩ biên phòng đồn Pha - Lin (Đồn 625, đóng tại xã Avao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) vẫn hầm hập. Mấy anh em đang cởi trần xúm xít quanh một bàn cờ tướng đặt tại chiếc giường sát cửa để lấy chút ánh sáng hiếm hoi còn sót lại của chiều tàn.
Sau giờ công tác, thú vui của chiến sĩ ở đây là đánh cờ, đá cầu. Hết! Muốn chơi môn thể thao khác cũng không có chỗ. Đồn biên phòng nằm lọt thỏm ở giữa, bao chung quanh là đồi núi dốc. “Ở đây đá nhiều hơn đất, đến nỗi trồng rau, anh em cũng phải chuyển đất từ nơi khác về rồi đựng vào từng xô để trồng rau dền, mồng tơi, rau muống... Sống trên đất liền mà không khác gì ở đảo Trường Sa hay nhà giàn DK1.
Đồn 265 đang “ở nhờ” một doanh trại của trạm biên phòng nên cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn. Căn phòng dành cho 8 chiến sĩ, rộng chừng 25m2, được thắp sáng bằng một bóng đèn bàn lờ mờ. Nắng thì nóng, mưa thì dột. Những ngày gió Lào hay mưa dầm, anh em thường phải ôm mền gối sang hội trường nằm tạm. Trong phòng, tài sản duy nhất có giá trị là chiếc ti vi 16 inch. Anh Hồ Văn Bình, Đội trưởng đội vũ trang khoe: “Của các thầy cô bên Trường THCS A Vao nghỉ hè gửi đấy! Mà điện yếu quá nên cũng không dám xài”.
Cùng chịu cảnh “ở trọ” giữa rừng là các chiến sĩ Đồn biên phòng 549 (xã Tam Quan huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Đồn đứng chân trên một quả đồi cao, địa hình lồi lõm. Những dãy nhà trồi sụt lợp tôn cũ đan xen với nhà tranh, như dãy lán trại dã chiến của… công nhân làm đường! Hội trường chính của đồn chỉ là một gian phòng rộng chừng 20m². Đó vừa là phòng họp giao ban hàng ngày, là “hội trường” của đơn vị, vừa là phòng khách, nhà văn hóa… Phó chính trị viên Trần Đăng Khoa cho biết: “Ở đây, chỉ duy nhất khu “trung tâm văn hóa” này được ưu tiên lợp tôn. Ở ngọn đồi thấp hơn phía dưới, khu nhà ở của cán bộ chiến sĩ chỉ lợp tranh tre”.
Xe ôm: 1 triệu đồng/chuyến!
Hôm chúng tôi ghé thăm Đồn biên phòng Làng Mô (Đồn 597), tỉnh Quảng Bình, ra đón khách là một đàn chó mình mẩy loang đầy máu. Ai cũng tưởng chúng cắn nhau. Hỏi ra mới biết là chúng bị vắt cắn. Anh Nguyễn Văn Hiền - chiến sĩ lái xe Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Bình giải thích: “Có đủ loại, từ vắt xanh, vắt vàng, vắt đỏ, sợ nhất là vắt chửa (vắt đang… có mang- PV). Vắt chửa mà cắn thì vết thương rộng, khó cầm máu. Những ngày mưa rừng lất phất, núi đồi âm ẩm, vắt mò vào tận giường ngủ. Anh em đi tuần tra mùa này càng khổ. Vắt bám trên cành cây, cỏ lau ven đường, chi chít như rễ tre. Hễ có hơi người là chúng búng ra tanh tách như rang bắp”.
Công việc tuần tra là một chuyện dài. Như những người lính thời chiến, mỗi lần đi tuần đường biên, mỗi chiến sĩ biên phòng phải mang vác vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men, võng, bạt, chăn màn tối thiểu 30kg trên lưng. Địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, lam sơn chướng khí, côn trùng thú dữ, thổ phỉ, buôn lậu… đủ loại rình rập.
Thời chiến, bộ đội hành quân lên Trường Sơn còn có cả một hệ thống hậu cần yểm trợ. Ngày nay, cán bộ chiến sĩ biên phòng đi tuần biên hoàn toàn tự lực đối phó với mọi tình huống. “Khi đau bệnh, bị thương, bị thú dữ, rắn độc cắn, anh em phải tự sơ cấp cứu rồi cắt rừng đưa về trạm…” - Đồn trưởng Trần Văn Quyền cho biết!
Chúng tôi đã đến các đồn biên phòng Nam bộ và Tây Nguyên, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ở đó, chí ít cũng có con đường giao thông thuận tiện cho xe cộ đi về các thị trấn, thị xã. Ở biên giới miền Trung này, có những nơi, đường sá chỉ dành cho… đi bộ. Xe máy, nếu đi được thì chi phí xăng cộ và phụ tùng sửa chữa rất tốn kém. Trung tá Trần Đình Bính - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết: “Lính đồn Kà- Roòng, Cha Lo mỗi lần được về phép, riêng tiền xe ôm đã hết 1 triệu đồng/chuyến. Ai đăng ký đi khứ hồi thì được giảm giá còn 1,4-1,5 triệu đồng nhưng phải trả tiền trước. Chưa về đến nhà đã thấy nửa tháng lương bay mất”…
Có một bí mật mà hỏi mãi, các chiến sĩ ở Đồn Pha-Lin mới đỏ mặt tiết lộ: Hầu hết lính trong đồn hiện đang là “con nợ” của Ngân hàng huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vì vay mỗi người 20-30 triệu đồng mua xe gắn máy. Anh Hồ Sĩ Bình khoe: “Mình vừa mua chiếc xe máy giá 18 triệu đồng để đi địa bàn. Địa bàn rộng, địa hình phức tạp mà phương tiện di chuyển của đồn không có. Mỗi lần muốn về nhà hay đi công tác gấp, địa bàn xa, tiền xe ôm lên tới cả triệu đồng. Thấy vậy anh em ai cũng tính cách kiếm cho mình cái xe đi, dù tiền xăng ở đây có khi bị nâng giá lên 25.000 - 30.000 đồng/lít. Anh nhẩm tính: Tiền lương tháng được gần 4 triệu đồng, đóng tiền ăn cho nhà bếp hết 1 triệu đồng, chừa một ít để chi xài, còn lại trả góp dần cho ngân hàng trong vòng 2 năm. |
Những bước chân mòn lối
Dịp Tết Canh Dần vừa rồi, Đồn biên phòng 551 (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) tặng bà con các bản thuộc địa bàn đồn quản lý mỗi nhà một bộ bình trà. Quà mang tới gia đình nào, mở ra thì y như rằng nhà có bao nhiêu người là bộ bình có bấy nhiêu cái ly. Trăm nhà như một, không thừa, không thiếu. Có thể nói, ở nơi rừng cao núi thẳm này, không một tổ chức, đoàn thể nào gần dân, hiểu dân và giúp dân được như bộ đội biên phòng. Vượt lên mọi khó khăn gian khổ, họ thực sự là chỗ dựa, là điểm tựa, là lá chắn để đồng bào sinh sống dọc đường biên Tổ quốc bình yên.
Cột mốc biên cương
Tổ tiên đã để lại cho chúng ta một đường biên giới thật dài. Đó là một tài sản lớn, nhưng cũng đầy thách thức. Nói theo sách vở, văn bản thì trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ chủ quyền biên giới “đặt lên vai” bộ đội biên phòng. Thế nhưng, đi thực tế, chúng tôi hiểu trách nhiệm ấy được thực hiện bởi chính những bàn chân… đi bộ. Địa hình biên giới không đồng nhất, có nơi bằng phẳng như biên giới Tây Nam, có nơi nửa năm nước ngập như miền Tây Nam bộ.

Xưởng mộc ở trạm biên phòng Cò Phạt (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) cưa gỗ làm nhà cho dân.
Nhưng hiểm trở, khắc nghiệt nhất phải kể đến biên giới phía Bắc và các tỉnh Bắc Trung bộ. Đứng ở các thành phố, thị xã Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Đông Hà, nhìn về hướng Tây đều thấy một điểm giống nhau: Những dãy núi xanh rì trùng điệp, chen dày, chạy dài như thành như lũy. Đứng ở xa nhìn lên núi rừng thật đẹp. Nhưng đi rồi mới biết…
Hôm chúng tôi đến Đồn 553 (huyện Tương Dương – Nghệ An) thấy các cán bộ, chiến sĩ đang chuẩn bị ba lô, tăng võng, súng đạn, thuốc men, hành trang của mỗi người là một đống to sụ. Tôi hỏi đồn trưởng, họ chuẩn bị đi đâu? Anh cho biết, anh em chuẩn bị để sáng mai đi tuần biên giới. Đi bằng phương tiện gì? - Đi bộ! Tôi nhìn lên dãy núi sừng sững trước mắt mà… ngẩn người! Núi rừng ở đây chỉ toàn là dốc cao vực thẳm và những vách đá tai mèo dựng đứng. Biên giới không có đường. Chính bàn chân của những người lính biên phòng ngày này sang ngày khác khác, năm này sang năm khác, đạp lên đá tai mèo, đạp lên núi cao vực thẳm tạo thành những lối mòn. Đó là cương giới!
Chúng tôi đã từng rưng rưng xúc động khi được đặt chân đến cột mốc biên giới. Bởi đó là ranh giới quốc gia, là đất đai thiêng liêng của Tổ quốc. Trên suốt chiều dài hơn 4.600km biên giới nước ta có hàng ngàn cột mốc. Tuy nhiên, khi cùng đi tuần với bộ đội biên phòng một quãng biên giới, tôi mới “ngộ” ra: Dù có cả ngàn cột mốc được đóng xuống, cũng sẽ là vô nghĩa nếu không hiện diện dấu chân của những người lính biên phòng. Chính họ, chính những bàn chân bộ của những người lính mang quân hàm xanh mới thực sự là “cột mốc” xác lập chủ quyền quốc gia trên những vùng biên viễn hiểm trở này!
Tổng phụ trách
Trong đồn biên phòng, người ta gọi những cán bộ ở đội vận động quần chúng là “tổng phụ trách” bởi họ là những cán bộ “ăn cơm lính làm việc dân” - cái gì cũng biết làm. Chẳng những biết làm mà còn phải thật rành rẽ, sành sỏi để chỉ vẽ hướng dẫn cho người khác cùng biết làm như mình.
Ở bản Búng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An - địa bàn nằm giữa vùng lõi của vườn quốc gia Pù mát - sáng nào, thiếu tá Võ Văn Quỳnh, tổ trưởng tổ cơ sở của Đồn biên phòng 555 cũng “điểm tâm” bằng 5km đi bộ lội suối rồi leo dốc để tới tất cả các hộ dân trong bản. Gặp ai, anh cũng chào hỏi:
– Nay bác có đi làm không?
– Hôm nay tao mệt, không đi làm đâu!
Nghe vậy là thiếu tá Quỳnh xắn tay áo vào “khám sức khỏe”. Ai cảm cúm, đau bụng sẵn túi thuốc bên mình, anh “điều trị” ngay. Ai ốm nặng, anh tìm thuyền đưa ra xã. Còn với người giả ốm anh động viên ngồi dậy đi làm! Anh giải thích: “Đồng bào người Mông rất siêng, sáng dậy đi rẫy từ sớm, tối mới về. Người nào ở nhà là có chuyện. Còn bà con người Đan Lai chỉ… thích uống rượu! Cấp tiền cho họ, nếu không kiểm tra, không cầm tay chỉ việc là họ mua rượu uống ngay! Cấp lạc (đậu phộng) giống, dạy cách trồng mà không giám sát là họ sẵn sàng đem rang lên nhắm rượu”. Quỳnh rành chuyện nông nghiệp như một cán bộ khuyến nông thứ thiệt.
Anh hướng dẫn bà con cách thức và thời điểm bón lót, bón thúc, tháo nước, làm cỏ... đối với từng mảnh ruộng. Dọc các bản làng ở vùng núi cao này, một hàng giậu, một đoạn đường làng, một giếng nước trong, thậm chí… một hố rác có được cũng nhờ công bộ đội biên phòng. Đưa chúng tôi đi thăm bản, chỉ tay vào những rọ tre đặt ngay ngắn trước cửa mỗi nhà, thiếu tá Quỳnh khoe: “Để có được những rọ chứa phân, rác trước mỗi gia đình như thế này thực sự là một cuộc “cách mạng”. Đồng bào ở đây có tập quán ở nhà sàn, bên dưới nuôi trâu bò, heo gà nên phân trâu bò và rác rến cứ vô tư xả ra sân, ra vườn, ra đường. Chúng tôi phải vận động, thuyết phục, rồi xắn tay áo khơi rãnh làm đường, hốt phân, quét rác… mấy năm, bây giờ mới được thế đấy”…

Đồng bào Mông ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An thu hoạch lúa.
Được phân công bám bản Tùng Hương, Liên Hương, Tân Hương - 3 bản xa xôi, nghèo nhất của xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, anh Nguyễn Văn Thành, cán bộ tổ vận động quần chúng thuộc Đồn 549 từ lâu đã trở thành kiện tướng đi bộ. 10 năm làm lính biên phòng, bàn chân anh đã đi mòn lối vào của hơn 260 nóc nhà trong bản.
Để đồng bào chịu công nhận cây lúa nước là giống có thể làm “no cái bụng”, Thành phải tốn công lui tới nhiều lần thuyết phục gia đình ông Lô Văn Trường cho mượn đất làm ruộng mẫu. Mượn được 1.000m2 đất, Thành và tổ vận động quần chúng cặm cụi cuốc, bừa, dẫn nước vào ruộng rồi gieo mạ, bón phân. Thành còn lên xã nhận phân bón, lên huyện xin tài liệu khuyến nông để đêm về mày mò nghiên cứu. Thấy bộ đội làm, bà con cũng tò mò đến…ngắm bởi “từ trước tới giờ, cái cây mình trồng xuống thì tự lớn chứ có phải tưới tắm gì đâu?”.
Vụ rồi, khi khu ruộng mẫu của bộ đội Thành đạt năng suất 5 tạ/sào, gấp đôi năng suất của những hộ canh tác theo lối cũ thì đích thân ông trưởng bản đã đi bộ tới đồn đề nghị bộ đội dạy dân trồng lúa. Hết trồng lúa, Thành lại tìm tài liệu về nuôi cá trắm, mè, chép, rô phi và mô hình vườn rừng để hướng dẫn bà con nuôi cá, làm kinh tế trang trại…
Thùng “quỹ ân tình”
Cuộc họp giao ban sáng hôm ấy của các chiến sĩ Đồn biên phòng 553, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An kết thúc sớm hơn thường lệ. Thời gian còn lại là để cho các chiến sĩ khui thùng quỹ tiết kiệm chuẩn bị tổ chức ngày 1-6 cho trẻ con vùng biên. Anh Hoàng Thanh Quyền, chính trị viên của đồn nói vui: “Ngày này, trẻ em toàn quốc đều có quà, tại sao trẻ con vùng biên lại không được hưởng niềm vui ấy”. Trích một phần tiền tiết kiệm, lãnh đạo đồn chỉ đạo 2 chiến sĩ đi xe máy ra chợ xã mua kẹo bánh, đồ chơi đủ cho 165 trẻ trong 3 bản khó khăn nhất. Tết Trung thu, hơn 400 chiếc đèn ông sao được “khai sinh” nhờ thùng quỹ tiết kiệm.
Dịp Tết Nguyên đán, đồn mở thùng tiết kiệm ra mua gạo cho bà con nghèo của bản Khe Bu ăn tết. Phần thưởng cho học sinh giỏi, đường sữa cho người ốm… cũng từ thùng quỹ này mà có. Nghe chúng tôi hỏi về nguồn “nuôi” thùng quỹ ân tình này, anh Đặng Xuân Thành, đồn trưởng tiết lộ: Hoàn toàn từ đóng góp của anh em, ít thì 500 - 1.000 đồng, nhiều thì 4.000 - 5.000 đồng. Mỗi lần đơn vị được thưởng, tiền thưởng cũng được trích ra để góp quỹ. Anh em cũng ý thức được ý nghĩa của việc đóng góp “năng nhặt chặt bị”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” để giúp đỡ đồng bào, xem đó là nhiệm vụ chính trị mà cũng là nhiệm vụ của… tình người.
Trong câu chuyện miên man về những ngày tháng bám dân cắm bản của thiếu tá tổ trưởng tổ cơ sở Đồn biên phòng 555 Võ Văn Quỳnh còn có chuyện chiến sĩ Trần Văn Đông, vợ ở nhà phải mổ ruột thừa nhưng người nhà không cách gì báo tin được. Lá thư gửi theo thuyền thì cả tuần sau mới tới. Rồi chuyện đứa em trai của Quỳnh gặp tai nạn, gia đình viết thư gửi nhờ thuyền của dân, người ta cầm về nhà rồi… quên! Mãi khi Quỳnh đi địa bàn, vào tận nhà, chủ nhà mới nhớ. Chừng đó mọi sự đã muộn. Nghe Quỳnh kể mà nao nao nhớ mấy vần thơ: “…Chân đi nát đá dạ còn ngẩn ngơ/Phong thư xa, nét mực mờ/Em mong phía Bắc anh chờ phía Nam…”!
“Thần thoại!” |
Bằng giọng vừa chân thật vừa hóm hỉnh, trung tá Phan Tiến Quý, Đồn trưởng Đồn biên phòng 551 (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) kể: Đồng bào ở đây “ngộ” lắm, làm nhà cho họ bộ đội phải vừa làm, vừa pha nước mời chủ nhà uống, để “trông chừng” họ, nếu không họ… bỏ vào rừng. Có gia đình, bộ đội làm nhà cho ông bố, đến vận động anh con trai tham gia đắp nền, anh ta “ra giá”: “Thế thì bộ đội phải trả công cho tao đấy nhé!”. Có gia đình, mình chở gỗ, vật liệu tới làm nhà cho họ rồi vận động họ cùng làm, mục đích là để dạy họ cách làm, vừa để họ có ý thức gắn bó và quý trọng ngôi nhà. Ấy vậy mà khi có người đến hỏi họ đang làm gì, họ trả lời tỉnh bơ: “Tao đang giúp bộ đội biên phòng làm nhà!”… Các anh xem, như thế có “thần thoại” không? Đồn trưởng Quý hay dùng từ “thần thoại”. Cái gì lạ lẫm, ngộ nghĩnh, bất bình thường, với anh đều là “thần thoại”. Mà hình như tất cả những gì các chiến sĩ biên phòng hết lượt này đến lượt khác, hết đời này đến đời khác đã làm cho bà con miền biên viễn xa xôi này đều đáng được gọi bằng hai từ rất chi là cổ tích ấy! |
ĐOÀN MAI HƯƠNG
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng...
Chính ủy Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh Từ Ngọc Thanh nói với chúng tôi bằng giọng chắc nịch: “Nhà nước ta làm được đường Hồ Chí Minh là một kỳ tích, mang đến sự đổi thay mạnh mẽ cho đời sống của đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới. Đối với chúng tôi, khó khăn vất vả có thể vẫn còn đó, nhưng thuận lợi đã nhiều hơn. Ở đâu có biên phòng, ở đó chủ quyền quốc gia được gìn giữ, bảo vệ nghiêm cẩn…”.
Lá chắn bình yên
Già làng Vừ Giống Pó, dân tộc Mông ở bản Huổi Sơn, hôm ấy không đi rẫy. Ông bị đau chân. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi mới được gặp ông. Cả bản có 47 nóc nhà thì cả 47 đều là nhà đại đoàn kết do đồn biên phòng xây dựng từ nguồn quỹ tái định cư và sự đóng góp của các mạnh thường quân trong tỉnh. Bản Huổi Sơn mấy năm trước ở trên núi cao, cách bản hiện tại đến cả ngày đường, là “khu vực tranh chấp” giữa thổ phỉ, dân buôn lậu ma túy và tội phạm trốn lệnh truy nã.

Đại diện Báo SGGP (phải) và Bộ đội biên phòng đến thăm ông Vừ Giống Pó (giữa) - già làng của bản Huồi Sơn.
Chính quyền thì xa, có khi cả 3 tháng, chủ tịch xã mới đến bản được một lần. Không thể để tình trạng “vô chính phủ” kéo dài, Đồn biên phòng 551 được giao nhiệm vụ tìm đất xây dựng bản mới, vận động bà con chuyển đến chỗ ở ổn định. Tìm đất lập bản đã khó bởi phải được “giàng” chấp nhận. Xây dựng càng khó bởi ít tiền (mỗi căn nhà đầu tư khoảng 10 - 15 triệu đồng). Vật liệu xây dựng thì đắt. Nhưng khó nhất là vận động đồng bào bỏ bản cũ về bản mới. Tất cả công việc “dời sông lấp bể” ấy được các cán bộ chiến sĩ đồn thực hiện bằng ý chí người lính và tình cảm quân dân “như cá với nước”. Hôm chúng tôi đến, bản đã định cư được 3 - 4 năm. Đời sống dân bản đã ổn định hơn nơi ở cũ.
Ngoài nương rẫy, bà con còn được giao thêm ruộng nước do bộ đội khai hoang, trồng cấy đạt kết quả rồi hướng dẫn cho bà con làm thành thạo trước khi chuyển giao. Tất cả những thông tin ấy, chúng tôi đều được nghe từ miệng già làng Vừ Giống Pó. Ông nói thêm: “Ở bản này, bây giờ, việc nhỏ thì già làng, trưởng bản giải quyết, việc lớn phải nhờ đến đồn (biên phòng) thôi”. Tôi hỏi “việc lớn” là việc gì? Ông bảo: “Dạy chữ này, chữa bệnh này, làm vệ sinh ngoài đường, trong nhà này, rồi không được uống rượu say đánh nhau, không hút thuốc phiện, làm nhà cho đồng bào…”. Ông khoát tay một vòng ra phía trước: Nhà đại đoàn kết cho đồng bào là do “đồn” làm cả đấy.
Bản Tân Ly của đồng bào Vân Kiều thuộc xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là bản rất nghèo, có nhiều nhà tranh xiêu vẹo thủng vách, dột mái. Nhưng bên cạnh đó cũng xuất hiện một số nhà gỗ khá đẹp. Hỏi ra mới biết là nhà đại đoàn kết do Đồn biên phòng 597 tỉnh Quảng Bình xây dựng. Đường vào bản có chiếc cầu bê tông bắc qua suối nhưng đã bị trận lũ năm ngoái cuốn trôi.
Chưa vận động ra tiền làm cầu mới, Đồn biên phòng 597 phải huy động cán bộ chiến sĩ làm một con đường trên sườn đồi để đồng bào, nhất là trẻ em đi lại tránh lũ. Đặc biệt hơn, cán bộ chiến sĩ đã khai hoang gần 8 ha ruộng nước, canh tác được 2 vụ lúa/năm và đang trong quá trình hướng dẫn chuyển giao cho dân bản. Trong thời buổi tấc đất tấc vàng, chỉ có bộ đội biên phòng mới làm được cái việc “khai hoang, canh tác, hướng dẫn, chuyển giao… vô điều kiện” như vậy. Chỉ một thời gian ngắn nữa, mỗi gia đình trong bản sẽ có 2 – 3 sào ruộng nước. Đó là “cần câu” đắc dụng xóa đói giảm nghèo.
Trên suốt dãy biên giới miền Trung mà chúng tôi có dịp thâm nhập, tìm hiểu, những việc làm như vậy cho đồng bào các dân tộc ít người của bộ đội biên phòng rất phổ biến, trở thành công việc thường ngày. Mỗi đồn biên phòng thực sự là một lá chắn bình yên cho đồng bào các thôn bản trên vùng biên giới xa xôi hẻo lánh.
Khó khăn... khắc phục
Đến bất cứ đồn biên phòng nào, khi đề cập đến những băn khoăn, trăn trở, những vấn đề đang bức xúc, cấp bách nhất mà các đồn đang cần giúp đỡ thì 100% chỉ huy đồn đều đưa ra một mẫu số chung: Cần tiền để làm nhà cho dân, cần trạm xá, trường học, công trình nước sạch, dự án thủy điện, nhà trẻ cho thôn bản…
Đại tá Ngô Xuân Hoàn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Năm ngoái, thực hiện chương trình Mái ấm biên cương, Bộ Tư lệnh giao chỉ tiêu 20 căn nhà, chúng tôi phấn đấu làm được 40 căn. Vậy là năm nay, trên lại giao làm 40 căn. Chúng tôi vừa giao cho mỗi đơn vị tự lo 1 căn. Nếu không vận động được mạnh thường quân thì cán bộ chiến sĩ phải đóng góp.
Thật sự, nhiều anh em vẫn còn khó khăn nhưng chúng tôi động viên: “Dù gì mỗi tháng các đồng chí còn được trên dưới 3 triệu đồng, trong khi đồng bào mình thu nhập mỗi tháng chưa được 100.000 đồng. Trích mỗi người vài ngày lương để giúp dân là việc làm tình nghĩa”. Không chỉ bộ đội biên phòng Quảng Trị mà hầu hết cán bộ chiến sĩ các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới đều làm như vậy. Trong khi đó, đời sống, sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ các đơn vị còn thiếu thốn thì họ chỉ biết động viên nhau: Khó khăn… khắc phục!
Đồn trưởng Đồn 555 Nghệ An, trung tá Nguyễn Văn Vượng chỉ “mơ” có thêm mấy cái xuồng máy để anh em đi cơ sở (theo sông Giăng) thuận tiện hơn. Đồn trưởng Phan Tiến Quý, Đồn biên phòng 551 (Nghệ An) – đơn vị Anh hùng LLVT - thì ao ước có vài cái xe máy địa hình để leo dốc, đổ đèo vì “Đồn có một cái ô tô cũ uống xăng như nước, đi đâu hỏng đấy. Chúng tôi đã làm thủ tục trả lại rồi…”. Còn ở Đồn 549, cán bộ chiến sĩ chỉ mơ ước có điện và… điện thoại. Cán bộ trong đồn ai cũng có điện thoại di động. Nhưng muốn nói chuyện, phải đi bộ hoặc chạy xe 3km, ra một điểm cao nhất khu vực, may ra mới bắt được sóng.
Nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trên những nóc nhà tranh chênh vênh giữa đại ngàn như những “nhà giàn” trên biên giới – chúng tôi thấy ấm lòng. Thế nhưng, trước khi rời biên giới, lại chạnh nhớ đến câu thơ: “Người về thành thị xa xôi/Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng?/Phố vui còn nhớ bản làng?/Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng…”. Nhà giàn DK1 và quần đảo Trường Sa đã và đang được cả nước chung tay thắp sáng. Những “nhà giàn” trên biên giới cũng đang cần lắm những bàn tay, những tấm lòng tiếp sức để “mảnh trăng giữa rừng” sẽ sáng rực như ánh đèn trên phố…
ĐOÀN MAI HƯƠNG