Nóng bỏng buôn lậu vùng biên cuối năm

Bài 2: Chống buôn lậu - dã tràng xe cát?
Nóng bỏng buôn lậu vùng biên cuối năm

Bài 1: Chắp mối tìm hàng

Dịp cuối năm, buôn lậu hàng hóa qua biên giới tại nhiều cửa khẩu phía Bắc ở 2 tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn càng thêm nóng bỏng. Từ những mặt hàng tiêu dùng bình thường cho tới hàng nguy hiểm, quốc cấm như ma túy, tiền giả, pháo… có dịp tung hoành. Phóng viên Báo SGGP đã thâm nhập khu vực biên giới cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và cả phía Trung Quốc để ghi nhận tình hình.

Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) trời chạng vạng tối. Hai cửa khẩu Ka Long và Bắc Luân chuẩn bị đóng cửa thì hàng loạt xe máy từ khắp các khu vực đường biên chất đầy hàng lao vun vút.

Đáp ứng từ A đến Z

Trong vai người có nhu cầu mở tổng đại lý phân phối hàng Trung Quốc cho các tỉnh lẻ, qua nhiều mối giới thiệu, chúng tôi tìm gặp được một người môi giới tên Thái.

Cầm trên tay tập catalogue dày cộp, Thái dẫn chúng tôi tới địa chỉ “tin cậy” giới thiệu tất cả các loại mặt hàng từ quần áo, vải vóc, chăn màn, đồ gia dụng, thiết bị vệ sinh... rồi thuyết minh nếu chúng tôi có nhu cầu, Thái có thể đáp ứng tất cả.

“Đẳng cấp hơn”, nếu chúng tôi muốn làm hàng giả, hàng nhái thì chỉ cần đem mẫu sang, khoảng nửa tháng sau sẽ có hàng y chang kể cả các nhãn mác hàng nổi tiếng của châu Âu, Nhật Bản... Chúng tôi thắc mắc, liệu những hàng giả hàng nhái có bị cơ quan chức năng và người dân phát hiện? Thái tự tin: Toàn bộ các cơ quan chức năng ở Quảng Ninh cũng không thể phát hiện mà phải nhờ tận trung ương giám định mới biết được.

Chỉ vào đống hàng thiết bị vệ sinh ngổn ngang, Thái gợi ý: “Nếu các anh muốn tiêu thụ hàng này tôi có mối “xịn”, các anh bán có lãi nhiều mà bọn tôi cũng kiếm ăn được. Một bộ vòi sen nếu các anh bán ở Hà Nội hoặc các địa phương có giá trên dưới 1 triệu đồng thì bọn tôi có nguồn chỉ trên dưới 200.000 đồng”.

Tương tự, một bộ vệ sinh bệt bán ở thị trường Việt Nam trên dưới 2 triệu đồng thì Thái có nguồn chỉ dưới 500.000 đồng.

Chở chúng tôi đi vòng vèo mất 90 phút quanh các đường biên ở bến Nho, bến Cam thuộc khu vực cửa khẩu Bắc Luân, vòng lên khu vực núi Tổ Chim, phường Trà Cổ về đường sông biên giới km02 thuộc phường Hải Yên (TP Móng Cái), Thái cho biết mấy hôm nay bên Trung Quốc cấm biên nên phải “nhập hàng” về đêm. Muốn đưa được hàng qua Việt Nam, các chủ hàng thường phải thông thạo cả tiếng Việt và tiếng Trung để “làm luật” hai đầu được nhanh gọn và thông suốt.

Cửu vạn chuyển hàng qua khu vực cửa khẩu Bắc Luân, Móng cái. Ảnh: QUỐC KHÁNH

Cửu vạn chuyển hàng qua khu vực cửa khẩu Bắc Luân, Móng cái. Ảnh: QUỐC KHÁNH

Toàn bộ chi phí cho các khoản thuê mướn cửu vạn đưa hàng qua sông, kho bãi, giao dịch... Thái sẽ lo từ A đến Z. Trong trường hợp nếu cần hàng gấp vào đúng ngày bên Trung Quốc siết chặt cấm biên thì chủ hàng sẽ tìm phương án gửi ké hàng vào các container và các chủ hàng sẽ khai bớt lượng hàng hóa cần thông quan bằng cách làm luật với các cơ quan chức năng để hàng hóa dễ dàng được đưa qua Việt Nam.

Cửu vạn đang vận chuyển hàng lậu xuống thuyền ở Móng Cái. Ảnh: Q.KHÁNH

Cửu vạn đang vận chuyển hàng lậu xuống thuyền ở Móng Cái.
Ảnh: Q.KHÁNH

Thâm nhập tổng kho tập kết hàng

Để chứng minh cho tiềm năng cung ứng hàng của mình, Thái giới thiệu hẳn cho chúng tôi một chủ đầu nậu người Trung Quốc bên Đông Hưng. Sau nhiều cú điện thoại liên lạc của Thái, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được một chủ tổng kho ở Đông Hưng (Trung Quốc).

Xuất hiện trước mặt chúng tôi là người đàn ông giới thiệu tên Triệu Hưng, nói rất sõi tiếng Việt. Hưng đưa chúng tôi về nhà để bàn bạc phương thức làm ăn. Quanh co một hồi lâu chúng tôi tới khu phố sầm uất với những dãy nhà 5 tầng cửa đóng im ỉm.

Mở đầu câu chuyện, Hưng hỏi: “Các anh định kinh doanh mặt hàng gì?”. Chúng tôi nói muốn kinh danh tổng hợp các mặt hàng và định mở đại lý để phân phối hàng cho Hà Nội và các tỉnh khác. Hưng nói, nếu các anh có ý định làm ăn lớn, muốn kinh doanh tất cả các mặt hàng thì phải ở lại Quảng Châu ít nhất 1 tháng mới biết được một phần các mặt hàng, nếu tìm hiểu được nhiều mặt hàng để làm ăn phải mất 3 tháng.

Hưng cho biết, nếu đi sâu vào Quảng Châu cách Đông Hưng chừng 800km thì chỉ riêng khu chợ để kinh doanh một mặt hàng đã lớn bằng cả thành phố Đông Hưng. Mà ở Quảng Châu có cơ man các loại hàng, không chỉ xuất riêng cho Việt Nam mà còn cả ASEAN và đưa đi tiêu thụ khắp thế giới.

Hưng cho biết, anh ta có khoảng 19 tổng đại lý ruột ở Việt Nam và bao toàn bộ “đồ chơi” ô tô và các đồ chơi nhựa khác cho hầu như toàn bộ các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội. Không chỉ vậy, Hưng còn chịu trách nhiệm cung cấp tất cả các thiết bị phục vụ cho những sàn nhảy có tiếng ở phía Bắc.

Hưng đưa ra hai phương thức kinh doanh, nếu chúng tôi lo lót được “cửa” đưa hàng về Việt Nam, Hưng sẽ nhận làm tổng kho cho chúng tôi sau khi lấy hàng từ Quảng Châu về.Nếu chúng tôi chưa có “cửa” đưa hàng về, Hưng sẽ lo vận chuyển toàn bộ hàng từ tận gốc về ít nhất là qua Móng Cái. Khi đó, chúng tôi sẽ lo tiếp việc đưa hàng đi tiêu thụ từ Móng Cái ra các tỉnh. Chỉ lên tầng 2, 3, 4 của ngôi nhà mình, Hưng cho biết đây là những kho tập kết hàng.

Chúng tôi thắc mắc: “Nếu lấy nhiều hàng anh có đủ chỗ để không?”. Hưng nói: “Bất cứ hàng hóa gì, bao nhiêu, tôi cũng lo được, vì không chỉ tại đây, tôi còn rất nhiều cơ sở vệ tinh khác”.

Hưng cho biết thêm, ở thành phố Đông Hưng này, ngoài công chức, hầu hết những người làm kinh doanh đều mở các đại lý tập kết hàng hóa sẵn sàng tuồn về Việt Nam.

VĂN NGHĨA – QUỐC KHÁNH


Bài 2: Chống buôn lậu - dã tràng xe cát?

Trong khi lực lượng chức năng căng sức làm nhiệm vụ ở những khu vực trọng yếu thì từ mọi ngóc ngách, các trùm buôn lậu rình rập chờ thời cơ, tuồn hàng về Việt Nam. Lực lượng chức năng còn mỏng, trong khi thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, dân cửu vạn sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện…

Hàng lậu ẩn mình

Mặc dù vào ngày cấm biên, cửa khẩu èo uột chẳng có hàng về, nhưng dọc bờ sông Ka Long những con tàu trọng tải trên dưới 10 tấn nổ máy ran tai, nối đuôi nhau chạy ngược xuôi. Một toán người gồm quản lý thị trường, cảnh sát, hải quan Trung Quốc xuất hiện dưới bờ sông. Những con thuyền lại lần lượt tấp vào phía bên bờ Việt Nam.

Một người buôn bán tên Ninh cho chúng tôi hay: “Mấy ngày nay bị cấm biên, những con tàu không hàng hóa ban ngày đậu dạt hai bên bờ sông, nhưng hàng hóa đã được đưa từ tổng kho phía Trung Quốc ra nằm sẵn trong bãi tập kết, chỉ chờ khi màn đêm buông xuống, các cửu vạn từ hai bên đường biên sẽ ra bốc hàng lên tàu tuồn về Việt Nam”.

Một điểm tập kết hàng lậu trên núi, gần cửa khẩu Cốc Nam, Lạng Sơn

Một điểm tập kết hàng lậu trên núi, gần cửa khẩu Cốc Nam, Lạng Sơn

Đêm tối mùa đông lạnh dưới 10°C nhưng tay chủ đội quân cửu vạn tên Quân cởi trần, người nhễ nhại mồ hôi bước lên từ bờ sông ven cửa khẩu Bắc Luân hò hét hối thúc khoảng trên 30 cửu vạn mau chóng bốc hàng từ các thuyền con lên xe máy và ô tô con đang chờ sẵn để nhanh chóng phóng vào nội địa. Quân cho biết, trong danh sách của mình có khoảng hơn 100 cửu vạn, khi cần thiết có thể huy động đông hơn để tranh thủ bốc hàng. “Các cửu vạn ở đây được trả công rất cao, nhiều khi chỉ bốc hàng khoảng 1 giờ được trả từ 200.000 - 300.000 đồng. Vừa rồi tôi tuyển thêm được 10 cửu vạn ở Bắc Ninh và Bắc Giang, làm được 2 ngày thì 6 đứa không chịu được nên tự ý nghỉ, còn 4 đứa có sức khỏe, nhưng tôi chỉ chọn được 2 đứa chịu khó. Trả công cửu vạn cao nhưng cũng khó kiếm người lắm”, Quân giãi bày.

Rình rập thời cơ

Rời Quảng Ninh, chúng tôi tìm đến xứ Lạng, đầu mối cung ứng nguồn hàng bất tận khác về Việt Nam. Nghe chúng tôi đề cập muốn qua khu vực xung quanh hang Dơi, Gốc Nhãn tìm hiểu về tình hình buôn lậu cuối năm ở các điểm “đen” nổi tiếng, ông Lương Văn Thơ, Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn) lắc đầu nói ngay: “Nguy hiểm lắm, các anh muốn đi phải nhờ lực lượng chức năng mặc thường phục dẫn qua mới an toàn”.

Nóng bỏng buôn lậu vùng biên cuối năm ảnh 4

Xe chở gia cầm Trung Quốc nhập lậu ở Đồng Đăng, Lạng Sơn

Biết khó có thể thực hiện phương án này, chúng tôi nhờ một người chạy xe ôm chở đi đường mòn sang khu vực hang Dơi (nơi cánh gà của cửa khẩu Cốc Nam), trên đường đi anh xe ôm dặn, nếu ai có hỏi anh cứ nói sang tìm chủ hàng và không được chụp ảnh. Hang Dơi, mưa đã tạnh được 1 ngày, đường nhão nhoẹt. Đi được chừng 10m qua ngõ một nhà dân, một người phụ nữ đứng ra thu phí đường 3.000 đồng. Đi sâu lên núi cứ cách khoảng vài mét lại có người mắc võng nằm quanh các nẻo đường, nhiều người tay cầm vài chiếc điện thoại và cả máy bộ đàm. Dò hỏi chúng tôi được biết họ là chủ hàng và sắm cả vai “chim lợn” sẵn sàng ứng trực, chớp thời cơ đón hàng về Việt Nam. Khi có thời cơ, chỉ cần một cú điện thoại, cả hệ thống sẽ được kết nối và “hành động”.

Đi tới giữa quả núi bên phía Việt Nam, 3 người thuộc các lực lượng: công an, biên phòng, hải quan chốt tại 3 đường mòn về Việt Nam. Trước mặt chúng tôi, các loại hàng hóa được bày la liệt trên khắp quả núi bên kia biên giới. Các chủ hàng người Việt mỗi người canh một đống hàng hóa tại những lều được dựng tạm bằng những chiếc bạt hoặc vỏ chăn.

Chứng kiến hàng lậu tập kết ngay trước mặt các cơ quan chức năng tại các đường mòn, ông Phùng Quang Hội, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) phân trần, hàng bên phía Trung Quốc rẻ, họ khuyến khích việc xuất khẩu hàng hóa qua nước mình và họ chỉ làm quyết liệt hoặc cấm biên khi có cơ quan bên trên xuống kiểm tra, nhưng cũng chỉ hình thức thôi. Hàng tập kết tại khu vực đường biên giáp ranh, không thuộc địa phận Việt Nam nên chúng tôi không thể tự ý bắt được.

Trong khi đó, ông Trần Bằng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) cho biết, việc bắt giữ dân buôn lậu ngày càng khó khăn. “Bây giờ những người muốn làm cửu vạn phải đặt cọc một số tiền lớn cho chủ hàng, nếu để mất hàng, chủ hàng sẽ khấu trừ vào tiền đặt cọc nên khi bị phát hiện, cửu vạn quyết liệt tìm mọi cách bảo vệ hàng hóa. Việc tấn công lại lực lượng chức năng ở đường biên xảy ra thường xuyên lắm” – ông Toàn cho biết.

Tràn ngập thực phẩm nguy hại

Cuối năm các mặt hàng từ gia cầm, nội tạng động vật cho tới thực phẩm ăn liền hút hàng nên được buôn lậu tràn lan ở biên giới phía Bắc. Nguy hiểm hơn các mặt hàng thực phẩm này đều không rõ nguồn gốc…

Chiều xuống, thị trấn Đồng Đăng trở nên ồn ào hẳn. Tiếng gầm rú phát ra từ hàng trăm chiếc xe phân khối lớn làm náo động cả vùng biên yên tĩnh. Hàng trăm xe máy, xe ô tô ban ngày ẩn náu đâu đó, bỗng cùng lúc lao ra đường. Trên xe nào cũng chất đầy hàng lậu, chạy với tốc độ kinh hoàng. Gần 1 giờ ngồi tại ngã ba Hữu Nghị – Tam Thanh, chúng tôi quan sát trong số đoàn xe chở hàng lậu có không ít xe chở từng lồng gà lớn chạy từ con đường mòn tại khu vực cột mốc 05, 06 lao thẳng về phía Lạng Sơn. Còn phía đường mòn khu vực gần xóm Kéo Kham thuộc địa phận cửa khẩu Cốc Nam, từng tốp cửu vạn vẫn cần mẫn “địu” hàng vượt biên, xen lẫn trong đám cửu vạn có 3 - 4 người gánh theo lồng gà ước chừng một hai chục con. Xuống tới chân núi, một tốp xe ôm đợi sẵn và hàng nhanh chóng được chất lên và lao vụt về xuôi. 

Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn khẳng định, tất cả các loại thực phẩm như tim, nầm heo, tràng trứng gà non hay thịt gà vịt làm sẵn đều có tẩm ướp hóa chất khác để bảo quản được lâu. Ngoài ra, củ cải muối, bánh kẹo, hoa quả… cũng chắc chắn có hóa chất bảo quản, nhưng hóa chất gì và có gây độc hại cho người sử dụng không thì phải qua kiểm nghiệm mới biết.

Trong vai người đi mua “hàng chết”, khi chúng tôi tiếp xúc với một số chủ hàng bán thịt heo tại thị trấn Đồng Đăng đều nhận được câu trả lời chắc nịch: “Có tim, cật heo và trứng gà non của Trung Quốc. Mua bao nhiêu cũng được, song phải đặt hàng trước một ngày và cho biết rõ thời gian, địa điểm nhận hàng...”.

Bấy lâu nay, Lạng Sơn được dân buôn lậu đặt cho biệt danh “thủ phủ” thực phẩm nhập lậu. Ở Lạng Sơn, từ chợ to đến chợ nhỏ, từ Đông Kinh, Kỳ Lừa tới Đồng Đăng, Tân Thanh... rất nhiều cửa hàng bày bán tràn ngập hàng hóa đủ loại, từ nước khoáng đóng chai, nước quả đóng hộp, trà Bát bảo, lương khô cho tới thịt xiên nướng ăn liền (dù còn hạn lại mốc xanh)... Nhiều chủ hàng khi nghe chúng tôi nói cần tìm “hàng thực phẩm tươi” với số lượng lớn đã không ngần ngại đưa cả số điện thoại, địa chỉ nhà riêng để tiện liên hệ. Tất cả các chủ hàng đều nhận vận chuyển, giao hàng tận nơi tại Hà Nội nếu khách mua có nhu cầu.

Hiện tượng nhập lậu nội tạng động vật và gà Trung Quốc về Việt Nam qua đường biên giới Lạng Sơn hay Móng Cái, Quảng Ninh, hay Lào Cai không chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây mà đã tồn tại nhiều năm qua. Cuối năm, mặt hàng này có nhu cầu tiêu dùng cao nên lượng hàng đổ qua biên giới rất nhiều. Bên kia biên giới, một cân gà giá chỉ từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, nhưng về tới Lạng Sơn đã lên tới 50.000 đồng/kg, nếu về xuôi giá sẽ còn cao hơn. Với nội tạng heo cũng vậy, bên kia biên giới chỉ khoảng 8 tệ một cân tim, song về tới Lạng Sơn giá đã lên gấp đôi.

VĂN NGHĨA – QUỐC KHÁNH


Bài 3: Cấm không được bán

Nếu đọc ngược lại tựa bài trên “bán được không cấm”, bạn đọc sẽ hình dung được tình trạng buôn bán hàng cấm mà dân buôn lậu thường khẳng định qua cửa miệng như thế để thách thức lực lượng chống buôn lậu. Thuốc lá, rượu, pháo nổ, ma túy, tiền giả, vũ khí thô sơ… là những mặt hàng cấm buôn bán. Thế nhưng ở Quảng Ninh và Lạng Sơn, dân buôn lậu vì lợi nhuận cực cao, không từ bỏ mọi thủ đoạn để vận chuyển, buôn lậu những mặt hàng trên.

Dao kiếm buôn lậu bị lực lượng chức năng ở Lạng Sơn thu giữ

Dao kiếm buôn lậu bị lực lượng chức năng ở Lạng Sơn thu giữ

Làm giả tinh vi

Cửa khẩu Ka Long, Móng Cái, những ngày cuối năm, tấp nập những chuyến xe vận tải lớn. Dưới bến sông Ka Long, khu gần chợ trung tâm Móng Cái, hàng trăm chiếc thuyền chất ngất hàng hóa, ngược xuôi giữa hai bờ Việt Nam, Trung Quốc. Đang dạo quanh những cửa hàng quần áo, chúng tôi giật mình bởi tiếng mời mua thuốc lá ngay phía sau lưng. Quay lại gặp 2 phụ nữ đang bê những khay thuốc lá đầy ắp, với hơn chục nhãn hiệu khác nhau mời chào chúng tôi mua.

Cầm bao thuốc 555 dẹt, người phụ nữ mời: “Hàng Tàu xịn đó, anh lấy loại này hút cho ngon, chỉ 15.000 đồng/bao, còn mua cả cây em lấy tròn 120.000 đồng. Nếu không hút thuốc ngoại, anh lấy Vinataba hút cho đậm, em để rẻ cho 6.000 đồng/bao”. Không biết mức độ xịn của những loại thuốc này tới đâu nhưng thực sự cầm bao thuốc 555 hay Vinataba lên xem, chúng tôi khó có thể phân biệt được thuốc thật hay giả, chỉ biết giá của những loại thuốc này quá rẻ. Còn đang lưỡng lự trước chất lượng của những loại thuốc lá trên, chúng tôi lại tiếp tục nhận được sự “tiếp thị” của thêm 3 phụ nữ khác cũng bán thuốc lá vây quanh: “Các anh mua ít thuốc về làm quà, còn nếu có ý định cất hàng buôn bán lớn, chúng em đảm bảo chuyển hàng về tới tận Hà Nội cho. Giá tốt, chất lượng khỏi phải lo…”.

Quả thực lâu nay, nói tới buôn lậu thuốc lá nhiều người nghĩ ngay tới khu vực biên giới phía Tây Nam, ở những cửa khẩu với Campuchia. Thế nhưng, thực tế tại khu vực biên giới phía Bắc cũng xô bồ, nhộn nhịp không kém. Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan số 1, Móng Cái thẳng thắn cho biết: “Gần đây dân buôn thuốc lá Trung Quốc qua khu vực biên giới đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, khác với biên giới Tây Nam, hàng lậu toàn thuốc xịn, còn thuốc lá Trung Quốc được tuồn qua biên giới phần lớn đều là hàng giả, làm nhái nhiều loại thuốc nổi tiếng, bán chạy của nước ngoài và Việt Nam như: 555, Mild seven, Esse, Vinataba, Vinagold… rất độc hại. Nguyên liệu sản xuất các loại thuốc chất lượng rất kém, nên giá thành mới quá rẻ như vậy”.

Ông Quân cho biết thêm, bên đó họ làm hàng giả rất tinh vi, nếu lấy 2 bao thuốc thật và giả ra so sánh, rất khó phát hiện được điểm khác nhau, nhưng quen mắt sẽ thấy thuốc lá giả do Trung Quốc sản xuất tất cả các bao đều có chung một số seri. Được biết, trong tháng qua, chỉ riêng Đội kiểm soát Hải quan số 1 Móng Cái đã thu giữ hơn 97.000 bao thuốc lá các loại. Nhưng theo ông Quân, đây chỉ là một phần nhỏ so với số lượng buôn lậu thuốc lá giả ở đây. Thuốc lá giả nhập lậu ngoài việc được vận chuyển bằng tuyến đường thủy trên sông Ka Long còn được các đầu nậu lén lút đưa về Việt Nam qua những đường mòn dọc biên giới tại các khu vực gần Vàng Lầy, Lục Lầm hay thậm chí vận chuyển bằng đường biển tại bến Vạn Gia, Trà Cổ.

Ở Móng Cái, không chỉ buôn lậu thuốc lá giả, gần đây mặt hàng rượu ngoại giả cũng tuồn về rất nhiều để bán dịp tết. Phía bên cửa khẩu ở Đông Hưng, Trung Quốc có những khu phố chuyên bán rượu ngoại, nhưng thực chất đây là những “lò” chuyên phân phối rượu ngoại giả để nhập lậu vào Việt Nam. Một cán bộ quản lý thị trường ở Móng Cái cho biết, rượu Trung Quốc được dân buôn lậu đưa vào nội địa phần lớn làm giả nhiều nhãn hiệu rượu nổi tiếng thế giới như Henessy, Chivas, Cognhas XO. Mới đây, Đội kiểm soát Hải quan số 1 Móng Cái đã bắt giữ một container chứa tới 960 chai rượu ngoại mang nhãn hiệu Ballantine S21, giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Nhưng qua kiểm nghiệm lô rượu Ballantine S21 sang trọng đắt tiền này đều là hàng giả, trong rượu có nhiều độc tố cao như ethanol, chì vượt ngưỡng cho phép, gây hại cho sức khỏe. Không chỉ chế biến rượu ngoại giả, ngay cả rượu Vodka Hà Nội bán chạy cũng bị Trung Quốc làm giả và bán chỉ 4.000 – 5.000 đồng/chai ở Móng Cái.

Nóng mặt với “hàng nóng”

Nếu như cuối năm ở biên giới Móng Cái “nóng” với rượu và thuốc lá giả thì ở Lạng Sơn, mặt hàng pháo nổ, vũ khí thô sơ, tiền giả lại phức tạp không kém. Tại Lũng Vài (Trung Quốc), ngoài hàng điện tử, quần áo, vải vóc được tập kết thành những bãi khổng lồ, chúng tôi còn bắt gặp những dãy hàng bán pháo, với hàng chục loại pháo nổ, pháo hoa khác nhau. Xuân Thắng, một trong những cửu vạn ở Lũng Vài, chuyên vận chuyển pháo nổ cho biết, ở đây pháo được bày bán công khai vì Trung Quốc không cấm, giá chỉ 3 - 4 nhân dân tệ/hộp pháo nổ hay một ống pháo hoa. Sau khi vượt núi, theo đường mòn cánh gà, pháo được chuyển về Đồng Đăng, Lạng Sơn để ngụy trang, giấu kín trong những thùng hàng đưa về dưới xuôi bán với giá cao gấp 4 - 5 so với giá gốc. Theo ông Lương Văn Thơ, Phó Chi cục trưởng Hải quan Cốc Nam, nếu trước đây gần cửa khẩu Cốc Nam nổi tiếng với địa danh buôn lậu hang Dơi thì nay hình thành rất nhiều đường mòn được dân buôn lậu mở để vận chuyển pháo nổ, tiền giả, ma túy…

Trong khi đó, tại cửa khẩu Tân Thanh, một trong những địa điểm buôn bán sầm uất nhất ở khu vực biên giới Lạng Sơn, khi vừa tới đây, chúng tôi đã nhận được không ít lời mời chào, tiếp thị mua dùi cui điện, pháo, dao kiếm, thuốc kích dục… của những đối tượng bán hàng tạp hóa rong. Theo chân một đối tượng tên Minh chuyên môi giới hàng cấm, chúng tôi được dẫn vòng ra phía sau khu vực bãi xe ở Tân Thanh, sát với đường mòn giáp biên giới Trung Quốc, một bao tải hàng dao kiếm và dùi cui điện được đổ ra. Những thanh kiếm kiểu Nhật dài gần 1m sáng quắc, sắc lẹm được Minh ra giá 700.000 đồng/cây, còn dùi cui điện loại bỏ túi, dài chừng 30 cm, một đầu phóng điện, một đầu xịt ra hơi cay được bán với giá 300.000 đồng/chiếc… Trong thời gian gần đây, riêng Hải quan Tân Thanh đã bắt quả tang 19 vụ, thu hàng trăm dao, kiếm các loại, hàng trăm ký pháo nổ, pháo hoa và đặc biệt có hàng loạt pháo nổ giống như lựu đạn.

Buôn lậu phức tạp ở các tuyến biên giới

Theo nhận định của Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an): Tình hình buôn lậu trên các tuyến biên giới đang diễn biến phức tạp vào thời điểm những tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Noel và Tết Nguyên đán 2011.

Trên tuyến biên giới Tây Nam, các mặt hàng lậu như thuốc lá ngoại, rượu ngoại, đường cát, mỹ phẩm (hàng Thái Lan), phụ tùng xe ô tô, xe máy cũ và mới, vàng, đô la... được vận chuyển và tập kết ở biên giới Campuchia gần khu vực Mộc Bài, Trảng Bàng, Bến Cát (Tây Ninh), các huyện Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), thị xã Châu Đốc, gò Tà Mâu (An Giang) rồi vận chuyển bằng xe khách, xe du lịch, ghe xuồng... về TPHCM tiêu thụ. Trên tuyến biên giới Tây Nam vẫn tồn tại những tụ điểm, đường dây buôn lậu với thủ đoạn chia nhỏ cung đoạn để vận chuyển, thuê người canh đường, cảnh giới, sử dụng bộ chứng từ lưu thông hàng hóa trên đường để quay vòng nhiều lần. 

Tương tự, trên tuyến Quảng Ninh, Lạng Sơn – Hà Nội, nạn buôn lậu diễn ra khá phức tạp, dù quy mô và lượng hàng hóa nhập lậu không nhiều bằng các năm trước. Hàng nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua 2 tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn chủ yếu theo Quốc lộ 18A và Quốc lộ 1B, phần lớn là pháo, rượu, tiền giả, quần áo, vải, giày dép, hàng điện tử gia dụng và hàng bách hóa gia đình.

Trước tình hình trên, Cục Cảnh sát kinh tế đang tăng cường phối hợp lực lượng công an địa phương để nắm chắc tình hình buôn lậu tại các khu vực, tuyến trọng điểm ở khu vực biên giới, cửa khẩu, nơi tập kết hàng hóa cũng như những địa bàn trọng điểm tiêu thụ trong nội địa, xác minh các đường dây, tổ chức buôn lậu từ khâu vận chuyển đến khâu tiêu thụ... nhằm có biện pháp ngăn chặn, triệt phá hiệu quả.

D.L.

VĂN NGHĨA – QUỐC KHÁNH

Tin cùng chuyên mục