Nóng bỏng chuyện thiếc...

Nóng bỏng chuyện thiếc...

Nạn khai thác quặng thiếc trái phép ở Quỳ Hợp (Nghệ An) rộ lên từ năm 1990. Sau nhiều đợt truy quét, có lúc, trật tự đã được khôi phục. Gần đây, nạn khai thác quặng thiếc lại rộ lên, thậm chí có phần rầm rộ và quy mô hơn.

  • Như một bãi bom B52

Khắp một vùng rộng lớn núi rừng huyện Quỳ Hợp bị cày nát bởi nạn khai thác quặng thiếc trái phép nhưng điểm nóng nhất vẫn ở các xã Châu Cường, Châu Tiến, Châu Hồng...Trong vai những người làm công tác địa chất, chúng tôi lọt được vào trọng điểm khai thác thiếc ở thung 41, 42, 43 xã Châu Cường.

Nóng bỏng chuyện thiếc... ảnh 1

Núi rừng Quỳ Hợp tan hoang vì nạn khai thác thiếc trái phép.

Anh H., người dẫn đường nói: “Nếu ai từng một lần đến thung Pen, thung Kho, thung Cả...(Châu Hồng, Châu Tiến) đã phải thấy kinh khủng vì cả một vùng rộng lớn như bị bom vằm nát. Nhưng vào đến thung 41,42... (Châu Cường) còn khiếp đảm hơn nhiều”.

Lần mò theo đường mòn trong rừng rậm, vượt những dốc ngực chấm gối, bở hơi tai, phải gần 4 tiếng đồng hồ tắm mồ hôi, chúng tôi mới vào đến cổng thung 41. Mấy kẻ “bảo kê” mặt mày bặm trợn, xăm trổ xanh đen tay, chân đang ngồi xới bạc, án ngữ ngay cổng vào thung, nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét.

Anh H. nói nhỏ: “Nhờ có cải trang, tụi này không dám làm gì, chứ người lạ, lại bụng béo, da trắng như mấy bác thì đừng có hòng mà bén mảng đến gần. Phu mỏ mới, phải có chủ hầm dẫn đến báo cáo tử tế, làm luật, mới vô được thung...”.

Trước mắt chúng tôi thung 41 rộng cỡ chục héc-ta lở loét như vừa bị trận bom B52 hủy diệt, hầm hố chi chít, đỏ quạch, cây cối bật gốc rễ ngổn ngang...Hàng chục chiếc lán được dựng tạm quanh miệng hầm lò. Những cồn đất ùn lên chênh vênh, chỉ chực chờ trận mưa là đổ ụp xuống.

Chúng tôi đến hầm lò của một ông chủ người Quỳ Châu, mấy “phu thiếc” trông không khác gì những con dế nhũi đang ì ạch chuyển từng bì đất từ hầm sâu lên. Tôi mới thử khom mình vài bước qua miệng hầm đã thấy...ớn lạnh khi thấy những hầm xuyên núi, ngoài nhỏ, trong to, ngột ngạt, tối om, sâu hun hút mà chỉ có vài cột chống èo uột. Một “ phu thiếc” tên Nguyễn Văn Minh, quê Quỳ Hợp nói: “Hầm ni sâu gần 35 mét, bọn em có 15 người làm, cứ 10 tiếng đồng hồ thay nhau vào, 5 người đào, 10 người vác đất, đãi quặng”.

Như hiểu ý sợ hãi của bọn tôi, Minh kể: “...ngán nhất là sập hầm, ở sâu rứa khó cứu được nhau lắm. Mà năm mô cũng bị sập hầm. Năm trước ở thung Pen hầm sập, mọi người xúm lại moi đất, cứu được một, còn 2 người nữa, đào cả ngày mới moi được xác lên. Còn ở thung Chuối (Châu Hồng) sập hầm chết 5-6 người liền, chủ thuê máy đào moi xác và chở về quê cả đêm. Nghe đâu đền bù chu đáo nên các gia đình nạn nhân không kiện cáo gì...”.

Kinh khủng nhất là kiểu khai thác bằng mìn của các đại gia. Cứ đánh hơi thấy vỉa thiếc là họ cho “phu” khoét sườn núi kiểu hang chuột, rồi cho nổ mìn. Khai thác kiểu này tiếng nổ của mìn thường gây xung chấn, rất dễ gây sập các hầm trong khu vực phụ cận. Để phục vụ cho việc đánh lớn này, chủ mỏ phải có máu mặt, đầu tư dây chuyền đến cả trăm triệu đồng để mua máy nghiền, máy sàng... Nếu “trúng” mỏ, chỉ một ngày, nhà chủ có khi thu về mươi triệu đồng...

Từ thung 41 đi sâu vào nữa là thung 42, 43 rồi qua các thung khác của Châu Hồng, Châu Tiến, đâu đâu cũng thấy lều bạt ken dày hai bên vách núi; tiếng máy, tiếng mìn nổ vang rền cả đại ngàn. Chằng chịt những ống nước bằng nhựa to như cổ tay, cổ chân vắt ngang lưng trời, xuyên từ vách núi này sang núi khác, đưa nước từ đầu nguồn con suối đổ về các hồ chứa treo trên vách núi để đãi thiếc. Rồi người ta kéo cả điện hạ thế xuyên qua dãy Phù Lôm, Bù Khẳng tới đây. Cả khu rừng thâm sơn này đang ngày đêm bị “ thiếc tặc” đục khoét ầm ào như một công trường.

  • Dòng Nậm Tôn “nổi giận”

Hàng trăm điểm khai thác quặng thiếc ở các xã Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Cường, suối Bắc, Suối Mai... đều nằm đầu nguồn dòng sông Nậm Tôn. Dòng nước từ các đập nước do các chủ hầm ngăn lại đãi thiếc vô cùng độc hại đều đổ về dòng sông này gây nên ô nhiễm nghiêm trọng. Trong số bản trên, làng dưới của nhiều xã có nguồn nước bị ô nhiễm kim loại nặng độc hại thì hai bản Còn và Quang Hưng (Châu Quang) hứng chịu nặng nhất.

Ông Hoàng Văn Na, Bí thư chi bộ bản Còn, bức xúc cho biết: Suốt nhiều năm qua, 180 hộ dân 2 bản sống trong tình trạng ô nhiễm nặng. Từ khi làm thiếc, dòng Nậm Tôn đang trong xanh bỗng dưng trở lên đỏ quạch, bốc mùi hôi thối thẩm thấu vào cả giếng nước, ao hồ rồi tràn ra ruộng lúa, vườn rau.

Đặc biệt mấy năm nay, 70/70 ha ruộng lúa nước của bà con dân tộc bị giảm năng suất đến 50% cũng vì nạn ô nhiễm. Nhiều gia đình tính chuyện bỏ ruộng vào rừng làm rẫy trở lại. Hiện hơn 100 ao cá của 2 bản phải bỏ không vì thả cá lứa nào là chết hết lứa đó.

Ngoài ra do năm nay hạn nặng, trâu bò phải uống nước Nậm Tôn nên bị mắc chứng bệnh đầy hơi; chỉ 8 tháng đầu năm đã có đến vài chục con lăn ra chết. Do phải dùng nước dòng Nậm Tôn để sinh hoạt nên ở đây đã gia tăng người bị chứng bệnh ngoài da, toét mắt, thương hàn, ngộ độc...

Ông Nam còn cho biết thêm: nguồn nước ở đây dù đã được lọc kỹ nhưng chỉ cần qua đêm là đóng váng vàng ệch, mùi khăm khẳm. Đây có thể là thủ phạm của các bệnh nan y phát sinh ở bản trong thời gian gần đây...Tính từ năm 1992, hai bản trên đã có 5 người mù mắt, 15 trường hợp bị thần kinh ngớ ngẩn.

Không chỉ riêng ở các bản làng này, sức khỏe, cuộc sống, sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân cùng đàn gia súc cả một vùng rộng lớn, thuộc 2 huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề.

  • Cơ quan công quyền bó tay?

Hiện trên địa bàn huyện có 61 tổ hợp khai thác thiếc lớn nhỏ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, về danh nghĩa, đa phần các tổ hợp này đều do các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân được cấp phép khai thác nhưng họ lại bán mỏ cho các cai thầu khai thác và vì thế, việc khai thác này trở thành trái phép. Đấy là chưa kể việc quặng thiếc lên giá nên hàng trăm người dân trong vùng, tự tổ chức thành tổ, nhóm vào đào, đãi thiếc trái phép.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng phòng Quản lý Khoáng sản của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cho biết: “ Mặc dù bộ, tỉnh đã lập nhiều đoàn kiểm tra, xử lý nhiều lần (mới đây lại tiếp tục đình chỉ 10 mỏ khai thác thiếc) nhưng tình hình chẳng có gì thay đổi.

Hiện có đến 51 tổ hợp cùng hàng chục điểm khai thác trái phép hoạt động ở các xã nêu trên”. Không chỉ ngành chủ quản mà huyện Quỳ Hợp cũng lúng túng, bất lực trong việc quản lý và xử lý các mỏ khai thác trái phép, như lời ông Cao Văn Chính, Chủ tịch UBND huyện thừa nhận.

Việc các ngành chức năng và chính quyền địa phương bó tay là do công tác quản lý trước đây (UBND xã được phép cấp giấy phép khai thác mỏ), lại thêm việc triển khai thực hiện Luật Khoáng sản còn lỏng lẻo, chưa triệt để. Nhưng đáng tiếc hơn cả là chính quyền cấp xã và một số ngành của huyện hầu như đứng ngoài cuộc. Nhân dân bàn tán: lãnh đạo xã cùng một số cán bộ huyện có “cổ phần” trong các mỏ thiếc.

Họ làm nội gián, mỗi khi đoàn kiểm tra hoặc lực lượng truy quét triển khai là đội quân khai thác trái phép biến mất dạng, kể cả máy móc nặng hàng tấn, nhưng ngay sau khi đoàn kiểm tra đi thì tất cả lại rầm rộ trở lại. Vì thế, việc đẩy đuổi cũng chỉ là lấy lệ...

Đã đến lúc các ngành chức năng của Nghệ An và Bộ Tài nguyên - Môi trường cần có các biện pháp hữu hiệu, đồng bộ ngăn chặn tình trạng trên. Tỉnh Nghệ An cũng cần nhanh chóng chấn chỉnh lại công tác quản lý, khai thác mỏ trên địa bàn toàn tỉnh theo đúng quy định Luật Khoáng sản. 

Trường Thanh

Tin cùng chuyên mục