Nông dân không được lợi từ giá trứng “nóng”

Nông dân không được lợi từ giá trứng “nóng”

Điều bất hợp lý là mặc dù đã thừa nhận sai, không đưa ra được chứng cứ thuyết phục cho việc đẩy giá, làm giá thời gian qua, rút cuộc các công ty chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể là Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, đang chi phối thị trường thực phẩm, phải hạ giá bán các sản phẩm trứng gia cầm tại thị trường TPHCM và Nam bộ, nhưng riêng đối với khu vực miền Bắc thì cho tới nay, các doanh nghiệp chăn nuôi này vẫn chưa hề có động thái giảm giá trứng. 

Theo khảo sát tại thị trường Hà Nội ngày 19-1, giá trứng vịt vẫn đang được tư thương bán với giá 35.000-38.000 đồng/chục, còn trứng gà công nghiệp 28.000 đồng/chục. Như vậy, giá trứng gia cầm vẫn không giảm được chút nào. Các tư thương trả lời rằng, do giá mua vào vẫn cao nên chưa thể giảm giá bán ra được.

Các bà nội trợ chọn mua trứng gà Ba Huân tại Coopmart Cống Quỳnh. Ảnh: Cao Thăng

Các bà nội trợ chọn mua trứng gà Ba Huân tại Coopmart Cống Quỳnh. Ảnh: Cao Thăng

Điều đáng nói, mặc dù giá trứng tăng cao “khó coi” như vậy nhưng tại các trại chăn nuôi gia cầm, nông dân khẳng định họ không hề được lợi qua việc tăng giá này.

Theo PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, mặc dù giá bán ra của Công ty CP Việt Nam là 2.700 đồng/quả trứng nhưng giá họ mua của nông dân chỉ có 1.500 đồng/quả. Tại miền Bắc, từ nhiều năm nay Công ty CP đã hoạt động theo kiểu hợp đồng chăn nuôi gia công, vệ tinh với các hộ nông dân. Nhờ vậy, mức đầu tư về mặt bằng, vốn, công lao động… cũng đỡ rất nhiều. Vì thế, nếu họ bán với giá 2.100-2.300 đồng cũng đã có lãi tới 600-800 đồng/quả và có thể nói đó là mức “siêu lợi nhuận”, có thể bán với giá thấp hơn vẫn còn có lãi. 

Tuy nhiên, về tranh cãi việc Công ty CP Việt Nam đang chiếm 16% hay 30% thị phần trứng gà tại Việt Nam, ông Vang cho rằng, thực tế thị trường trứng của chúng ta không phụ thuộc vào công ty nào cả. Bởi theo thống kê trong năm 2012, Công ty CP Việt Nam sản xuất được 8 triệu con gà, còn Công ty cổ phần Japfa và Công ty cổ phần Evimest là 7 triệu con. Ngoài ra, các công ty, hộ gia đình trong nước cũng sản xuất được 2 triệu con. Từ tổng số 8 triệu con, trừ hao hụt và bán gà thịt thì Công ty CP Việt Nam sẽ có khoảng 7,2 triệu con gà đẻ. Theo đó, số trứng thực tế CP tung ra thị trường chỉ đạt khoảng 1,2 tỷ quả trên tổng số 7,3 tỷ quả do cả nước sản xuất được trong năm 2012, theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, như vậy chỉ chiếm thị phần khoảng 16%. Song ông cũng thừa nhận, nếu xét trong các siêu thị, thị phần trứng của 3 công nước ngoài là CP, Evimest và Japha phải chiếm tới 60%, nhưng người dân đâu chỉ mua ở siêu thị mà chủ yếu mua ở chợ.

Để làm rõ thị phần trứng gà, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết sẽ có quyết định thanh tra đối với Công ty CP Việt Nam và sẽ xác định được thị phần là 16% hay 30%.

Điều đáng lo là trên thực tế hiện nay, số lượng nông hộ chăn nuôi gia cầm (mô hình nhỏ lẻ) đang bị giảm mạnh, các trang trại của tư nhân cũng gặp khó khăn do không có đủ vốn liếng, dịch bệnh liên miên tác động… nên thị phần đang dần nhường lại cho các công ty lớn của nước ngoài. Hội Chăn nuôi Việt Nam thừa nhận, số hộ nuôi gia cầm “treo” chuồng trại hiện đã chiếm 35- 40%, kéo theo lượng trứng gia cầm giảm 30%.

Từ thực tế đó, người tiêu dùng đang đòi hỏi là các cơ quan chức năng như Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT phải xem xét việc có thể cho nhập trứng gia cầm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, không hiểu vì sao mới đây, đại diện Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, vẫn cho rằng, không cần nhập khẩu bởi trứng gà chỉ thiếu mang tính thời điểm. Hiện nay, sản xuất trong nước đạt hơn 20 triệu quả/ngày nên hoàn toàn đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu. Đồng thời, ở Hà Nội, các cơ quan chức năng vẫn đang “án binh bất động”, chưa vào cuộc để bắt buộc các công ty chăn nuôi cung ứng trứng ra thị trường phải kéo giá trứng trở lại đúng giá trị thực.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho rằng, việc tăng giá của một số nhà sản xuất trứng gia cầm như Công ty CP là tăng từ trong nhà máy chứ không phải tăng “bất thường” trên thị trường, nên trách nhiệm thuộc Sở Tài chính Hà Nội quản lý, chỉ khi nào họ tăng giá bán bất thường trên thị trường thì lực lượng quản lý thị trường mới vào cuộc được.

Nhưng bà Lê Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, lại cho rằng, do Công ty CP không tham gia vào bình ổn giá nên việc quản lý tăng giá trứng trên thị trường Hà Nội là khó. Vì khi các doanh nghiệp nằm trong danh sách bình ổn giá mà tăng giá bất kỳ mặt hàng nào thuộc diện bình ổn thì phải báo cáo và được sự cho phép. Còn với doanh nghiệp không tham gia bình ổn như CP thì phải phối hợp với Sở Công thương mới xử lý được. Vì việc chậm chạp phối hợp nên đến thời điểm này, giá trứng ở miền Bắc vẫn chưa kéo trở lại được.


PHÚC VĂN

Thông tin liên quan:

>> Điều tra nguồn cung, xem xét nhập trứng gia cầm

>> Trứng gia cầm có dấu hiệu bị làm giá 

Tin cùng chuyên mục