NSƯT Lê Tứ: Nặng lòng với sân khấu

26 năm miệt mài theo đuổi con đường nghệ thuật, đến nay, NSƯT Lê Tứ đã được đánh giá là  nghệ sĩ giỏi nghề và được khán giả yêu quý. Cùng với đam mê và nhiệt huyết, NSƯT Lê Tứ còn đau đáu nỗi niềm với sân khấu cải lương. Anh hiện đang công tác tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

- PHÓNG VIÊN: Trước những khó khăn, thách thức của sân khấu cải lương, anh tâm tư điều gì nhất?

- NSƯT LÊ TỨ: Sân khấu quá khó khăn, không có nhiều điều kiện hoạt động cho nghệ sĩ trẻ. Ngày nay, nhiều diễn viên trẻ thiếu người chỉ dạy, nhiều em lại không chịu học hỏi nên chất lượng biểu diễn yếu. Có một lớp nghệ sĩ trẻ có tay nghề, nhiệt huyết, nhưng sau khi được quy tụ, tập tuồng từ nửa tháng đến cả tháng trời, vở phúc khảo xong lại không được hát. Có vở hát một, hai suất là cất kho, mấy tháng sau lôi ra tập vài buổi để diễn, vậy thì nghệ sĩ làm sao nhập tâm được. Cách tổ chức này tồn tại nhiều năm rồi, phí sức anh em, không hiệu quả. 

NSƯT Lê Tứ: Nặng lòng với sân khấu ảnh 1 NSƯT Lê Tứ trong vai Lục Long Hội của vở Ngai vàng và tội ác
- Tham gia khá nhiều vở diễn của các sân khấu xã hội hóa, anh nghĩ như thế nào về vai trò, hiệu quả của sân khấu tư nhân trong đời sống văn hóa nghệ thuật của thành phố? 

- Với sân khấu xã hội hóa, người nào có tiền, yêu nghề, muốn giữ nghề mới làm. Việc đầu tư dàn dựng tác phẩm, bán vé, công diễn thường bị lỗ, may lắm mới huề vốn. Làm cải lương xã hội hóa cũng rất khó, cũng tập dợt chắp nối, anh em rảnh giờ nào tập giờ đó, không có kỷ cương như các đoàn hát xưa.

Sân khấu xã hội hóa tuy chọn được người có tài tham gia, nhưng chuyện tập tành kỹ lưỡng cũng chưa đạt. Tiếp nữa, có những người bỏ tiền ra để hát chính, mà đôi khi không nhận thấy mình có phù hợp vai diễn hay không, khiến tác phẩm không chất lượng. Dù sao vẫn cần khuyến khích, vì người ta có tâm làm nghề, muốn học nghề. 

Mặt khác, sân khấu xã hội hóa cũng tạo việc làm cho một số anh em nghệ sĩ. Gần đây, có những chương trình cải lương xã hội hóa quy tụ được nhiều nghệ sĩ tài danh biểu diễn, thu hút khán giả. Điều này cho thấy, nếu anh em đồng lòng thì sân khấu cải lương vẫn có thể bán vé, sáng đèn. Tuy nhiên, những đơn vị tư nhân làm chỉ mang tính thời điểm, không duy trì lâu dài. 

- Vậy theo anh, có giải pháp nào thiết thực để thay đổi bộ mặt sân khấu hiện nay?

- Lẽ ra thành phố phải có một sân khấu thật đẹp, đúng nghĩa là thánh đường, có người quản lý sâu sát, tổ chức được những vở tuồng hay. Nói gì thì nói, muốn nghệ sĩ có nghề thì phải có sân khấu. Cùng đó, thành phố hãy chọn đầu tư dựng một tác phẩm chất lượng, làm kỹ lưỡng, lựa người ca hay diễn giỏi, tập luyện trong kỷ luật, cho ra sản phẩm chất lượng. Sau đó, tác phẩm phải được diễn thường xuyên tại TPHCM và đến các tỉnh thành.

Việc phân vai nên tuyển chọn diễn viên phù hợp để nâng chất vở diễn. Trước buổi diễn có thể tổ chức thuyết trình, giúp khán giả hiểu hơn về cải lương. Ngoài ra, cũng cần phải tính đến chiến lược 10 năm tới, thông qua các hội thảo chuyên sâu, có lãnh đạo tham dự, lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của anh em nghệ sĩ đang làm nghề. Thực chất, mọi trở ngại đều có phương án giải quyết, vấn đề là sau hội thảo, các phương án có được bắt tay làm hay không. 

Việc tạo được một thánh đường sân khấu cải lương đúng nghĩa còn giúp các bạn trẻ thấy được sự quý giá của nghề, từ đó nỗ lực học, làm nghề, thi nghề, để có thể được đứng trên sàn diễn này. Rồi người đi trước truyền dạy nghề cho người sau, như thế nghề nghiệp mới phát huy bền vững. 

- Với công tác đào tạo hiện nay, anh có kỳ vọng gì ở thế hệ diễn viên trẻ sân khấu? 

- Mặc dù làm nghề không đúng thời điểm sân khấu cải lương thịnh vượng, nhưng tôi may mắn được học trúng thầy, được luyện rèn với các thầy cô tâm huyết, giỏi nghề, giúp tôi có được vốn kiến thức vững chắc. Đến tuổi này, tôi rất thích công việc giảng dạy, vì nghề dạy giúp nâng cao tay nghề lên nhanh lắm, nhưng công tác giảng dạy cũng làm tổn hao rất nhiều tâm, lực. Tôi từng phải nghỉ dạy vì bệnh nặng kéo dài 4 tháng ròng. Sân khấu hôm nay rất cần tìm kiếm tài năng để nuôi dưỡng các em học hành đến nơi đến chốn. Cách đây vài năm, tôi đã có ý tưởng: Đài Truyền hình

TPHCM nên liên kết với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM mở lớp đào tạo cho các em trong tốp 10 cuộc thi Chuông vàng vọng cổ hàng năm, các em có giọng ca, giờ đào tạo thêm diễn xuất cho giỏi là sân khấu cải lương sẽ có được một đội ngũ kế thừa chất lượng. Buộc các em phải chịu khó đi học thì mới có cơ hội lên sóng truyền hình, tôi nghĩ “quyền lực” của đài truyền hình sẽ làm được việc này. 

- Anh có dự định gì đặc biệt cho năm mới 2020?

- Tôi mong thành phố có thể xây dựng được sân khấu cải lương hội đủ yếu tố hay, đẹp, chất lượng, sang trọng, hấp dẫn. Riêng tôi, từ nay đến cuối năm cũng tất bật với nhiều show diễn, sự kiện, thu hình các vở diễn và hát giao thừa cho một số đài tỉnh... Bên cạnh đó, tôi cũng đang ấp ủ làm một kênh YouTube Kép móm Lê Tứ, để truyền dạy lại giáo trình đã học được từ thầy cô. Các clip sẽ trình bày cả lý thuyết và thực hành, có đờn, ca diễn thị phạm cho khán giả yêu thích tìm hiểu và học ca cải lương qua mạng. Tôi đang tìm một anh đờn thật tốt để cùng chung tay làm.

NSƯT Lê Tứ sinh năm 1975, tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Hai bên nội - ngoại của anh đều là những tài tử miệt vườn. Anh là một trong số nghệ sĩ cải lương thế hệ mới giỏi chuyên môn ca diễn và có thể sử dụng được đờn guitar phím lõm, đờn kìm.  NSƯT Lê Tứ khẳng định tài năng bằng rất nhiều giải thưởng: Huy chương vàng Giải Trần Hữu Trang 2001; huy chương vàng các năm 2005, 2012, 2018; huy chương bạc các năm 2003, 2009, 2015 tại các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, liên hoan tài năng trẻ sân khấu toàn quốc.

Tin cùng chuyên mục