“Nữ thần” miền Tây

Không phải ngẫu nhiên mà báo chí ở Sài Gòn năm 1958 lại mệnh danh người nữ sĩ quan Việt cộng ở Rạch Giá là: “Nữ thần miền Tây”. Bước vào tuổi 20, người con gái ấy đã giả trai đi bộ đội. Đánh đông, dẹp bắc, nếm mật, nằm gai và nhiều năm phải chịu tù đày, người phụ nữ ấy vẫn oai phong, lẫm liệt trước quân thù. Bà có chồng, con trai độc nhất và 3 anh, em ruột đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Đó là Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng LLVTND, thương binh Trần Thị Quang Mẫn.
“Nữ thần” miền Tây

Không phải ngẫu nhiên mà báo chí ở Sài Gòn năm 1958 lại mệnh danh người nữ sĩ quan Việt cộng ở Rạch Giá là: “Nữ thần miền Tây”. Bước vào tuổi 20, người con gái ấy đã giả trai đi bộ đội. Đánh đông, dẹp bắc, nếm mật, nằm gai và nhiều năm phải chịu tù đày, người phụ nữ ấy vẫn oai phong, lẫm liệt trước quân thù. Bà có chồng, con trai độc nhất và 3 anh, em ruột đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Đó là Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng LLVTND, thương binh Trần Thị Quang Mẫn.

        Giả trai đi bộ đội

Khi sinh ra người con gái thứ 6, ông bà Hai Phước ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá không nghĩ rằng sau này cô lại nghịch ngợm, ngang tàng hơn cả con trai.

Lớn lên, Sáu cao nghều. Việc bà con trong ấp nhìn thấy Sáu leo trèo trên ngọn cây hái dừa, đánh lộn ngoài bãi cỏ, hay thi dượt dưới nước với tụi con trai là chuyện thường. Một buổi chiều ra đồng, ông Hai Phước sững người, không thể tin vào mắt mình khi thấy đứa con gái 13 tuổi đang dẫn đầu đoàn đua trâu. Ông ôm đầu ngửa mặt kêu to: “Sao nó không là con trai? Chắc bà mụ đã nặn nhầm!”.

Thấy bác Năm Cọp - người bà con trong ấp chuyên đi săn cá sấu, săn cọp ở rừng U Minh mở lò dạy võ, Sáu đã trốn cha đến múa quyền, tập cước. Một hôm cao hứng lên, Sáu đã tung những cú đá và cú chém tay mạnh mẽ lên vườn chuối sau nhà. Ông Hai Phước đi làm đồng về, đã thấy những thân chuối gãy gục ngổn ngang. Ông bắt mấy bà chị quản Sáu trong buồng tối, không cho đi luyện võ nữa. Ngủ giữa các chị, Sáu mơ thấy đang được đi quyền, múa gậy trên bãi đất nhà thầy Năm Cọp. Đôi chân và đôi tay của Sáu múa lên, làm các chị “bay” hết xuống đất… Trong lòng Sáu lúc này đang nhen nhóm một ước mơ cháy bỏng: Được gia nhập Vệ quốc đoàn.

Năm 1946, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Khắp vùng sông nước miền Tây lại nhuốm màu tang tóc bởi gót giày xâm lược của kẻ thù. Sáu Mẫn năn nỉ xin cha mẹ cho gia nhập du kích. Biết không thể ngăn cản được con, ông bà Hai Phước gọi Sáu đến nói: “Đã quyết đi phải mần cho ngon, đừng để tiếng xấu ba má phải chịu nghe con”.

Sáu Mẫn muốn được trực tiếp cầm súng chiến đấu để giết được nhiều tên địch. Nhưng đơn vị chiến đấu chỉ nhận có con trai, biết làm sao đây? Cô quyết định tìm dây vải quấn chặt lấy ngực, tập dáng đi khệnh khạng, nghênh ngang như con trai. Sáu còn nhờ một ông thợ hớt cho mái tóc cua, trông rất ngộ. Ít ngày sau, giọng của Sáu đã khàn khàn.

Đến căn cứ của Trường quân sự tỉnh, Sáu được nhận ngay vào đơn vị.

Sau nhiều ngày tập luyện ở cứ, đội của Sáu được cấp trên cử đi đánh càn trên địa bàn xã Vĩnh Thạnh. Nghe tiếng súng nổ từ xa, người Đội trưởng hỏi chị:

- Sáu có sợ hông?

Người chiến sĩ trẻ quả quyết:

- Báo cáo, tôi hổng sợ!

Chiến công đầu tiên của chị được lập trong một trận đánh ác liệt cũng trên cánh đồng Vĩnh Thạnh. Hôm ấy quân địch về càn đông như kiến cỏ. Sáu khá bình tĩnh. Chị đưa nòng súng hướng về một thằng địch đi ngông nghênh giữa đường. Khi người chỉ huy hô: “bắn”, ngón tay của Sáu đã xiết cò. “Đoàng”. Một tiếng nổ đanh vang lên. Tên địch ôm ngực loạng choạng. Nó để rơi khẩu súng và lao đầu xuống vệ đường.

Năm 1947, Sáu Mẫn được cấp trên cử đi học tại Trường quân chính của Quân khu. Những ngày học tập tại trường của Sáu không bình yên. Có khi đang học bài, lớp của Sáu được huy động khẩn cấp đi chi viện cho quân ta. Bước chân của người con gái Vĩnh Thạnh không chỉ quanh quẩn với mảnh đất của quê hương nữa mà đã in dấu khắp các vùng đất ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng và rừng U Minh. Cô đã được đề bạt từ chiến sĩ lên tiểu đội trưởng, rồi trung đội trưởng…

        Thương đau chồng chất

Tuần trăng mật của Sáu Mẫn với anh Mười Bé chìm trong tiếng bom đạn. Sau đám cưới “độc nhất, vô nhị” trong căn cứ kháng chiến, Sáu Mẫn chỉ được gần chồng có 7 ngày. Tiếng thúc giục của chiến trường đã lôi tuột người chồng yêu quý của Sáu Mẫn trở về với đơn vị. Họ có biết đâu, một mầm sống trong lòng Mẫn đang hình thành.

Gần tới ngày sanh, Sáu xin phép đơn vị về nhà ba má ở Vĩnh Thạnh. Một buổi chiều, khi đang khấp khởi chuẩn bị cho ngày sinh con thì Sáu nghe tin dữ: “Mười Bé đã hy sinh khi đánh đồn Chàng Chẹt”. Tai Sáu Mẫn ù đặc. Đứa bé trong bụng càng quẫy mạnh hơn. Có lẽ nó cũng đang đớn đau như chị vậy. Bà Hai Phước ôm lấy con năn nỉ: “Sáu ơi, con phải sống để nuôi đứa con sắp sanh nữa chớ”.

Bốn ngày sau, Sáu Mẫn sinh được một bé trai bụ bẫm. Cậu bé tuổi Nhâm Thìn (1952) được ông ngoại đặt tên là Nguyễn Quốc Hưng với lòng mong mỏi Tổ quốc sẽ có ngày thanh bình, hưng thịnh. Sinh con được vài tháng, Sáu Mẫn gửi Quốc Hưng lại cho ông bà ngoại để trở về đơn vị chiến đấu cùng đồng đội.

Năm 10 tuổi, Quốc Hưng đã trốn ông bà ngoại và má lên tỉnh đội Rạch Giá xin được làm liên lạc. Không thể thuyết phục được cậu bé, cán bộ tỉnh đội đã phải bố trí cho Quốc Hưng công tác ở đội U Minh 10. Làm liên lạc rất ít có cơ hội đi chiến đấu, Quốc Hưng nằng nặc xin bác Bốn Tâm cho sang bộ phận trinh sát.

Tuy nhỏ tuổi, nhưng Quốc Hưng rất mưu trí, dũng cảm. Năm 15 tuổi, Quốc Hưng đã chững chạc, từng trải trận mạc. Anh có người bạn rất thân trong đơn vị là Nguyễn Tấn Dũng (tức Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ bây giờ). Theo lời kể của Má Mẫn, hồi đó đồng chí Nguyễn Tấn Dũng là chiến sĩ quân y trong đội U Minh 10 cùng với anh Quốc Hưng. “Quốc Hưng và Tấn Dũng thương nhau dữ lắm, thân nhau còn hơn anh em ruột thịt đó” – Má Mẫn nói.

Nhưng rồi, trong trận đánh nhau với bọn chi khu Chương Thiện năm 1967 ở Vĩnh Hòa Hưng, Quốc Hưng đã anh dũng hy sinh, khi vừa tròn 15 tuổi. Sau nỗi đau chồng chất, tưởng chừng Sáu Mẫn không thể gượng dậy nổi nữa. Chị lặng lẽ, âm thầm trong công việc và chiến đấu rất dũng cảm trên chiến trường…

        Cho sự sống hồi sinh

Năm 1974, Trần Thị Quang Mẫn được cấp trên bổ nhiệm chức vụ Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 20 trực thuộc Cục chính trị Quân khu 9. Trong một cuộc hành quân qua xã Vĩnh Viễn (khu vực thuộc Bạc Liêu – Cà Mau trước đây), địch đã dùng máy bay oanh kích dữ dội.

Đợt oanh tạc kết thúc, xung quanh chị cảnh vật hoang tàn, nhiều ngôi nhà vẫn còn bốc cháy ngùn ngụt, đâu đó bật ra những tiếng khóc xé lòng. Bỗng Sáu Mẫn nhìn thấy một phụ nữ quần áo rách tả tơi, bụng mang bầu rất to, bị bom giặc cắt đứt lìa một chân đang hấp hối. Dưới căn hầm sát đó, người chồng và 4 đứa con của chị đã bị bom địch giết chết. Trên vũng máu loang đỏ ấy, Sáu Mẫn phát hiện bụng của người phụ nữ xấu số hình như đang động đậy. Chị lại gần, ngồi xuống và đặt nhẹ bàn tay lên bụng người thiếu phụ. “Trời đất! Đứa nhỏ còn sống nè các đồng chí” - chị kêu lên, khi người phụ nữ sắp tắt thở.

Sáu Mẫn gọi chiến sĩ quân y đến bên cạnh nói: “Cứu đứa nhỏ lẹ đi”. Cậu y tá mặt măng tơ thảng thốt: “Con chưa mần việc này bao giờ cô Sáu ơi”. Sau một thoáng suy nghĩ, Sáu Mẫn rút nhanh con dao găm đang dắt ở bên sườn ra, rạch một đường nhỏ, dài chừng 10cm trên bụng người mẹ. Tiếng khóc “Oa..oa..oa” của bé gái ré lên. Sáu Mẫn lấy tấm vải bộ đội lau chùi cho đứa bé. Chị còn cẩn thận lấy dao cắt rốn, quấn đứa trẻ vào một miếng vải và ôm chặt vào trong lòng, tiếp tục chỉ huy cuộc hành quân của đơn vị.

Đứa bé được cứu sống trong bom đạn ấy được các chú bộ đội đặt tên là Ngọc Hân. Ngọc Hân đã lớn lên trong vòng tay và sự yêu thương, đùm bọc vô bờ bến của má Mẫn, của các cô, chú bộ đội, của đồng bào miền Tây Nam bộ trong những ngày miền Nam sắp được giải phóng. Sau này Ngọc Hân được má Mẫn chăm sóc, nuôi dạy nên người. Cô đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc ở TPHCM. Vì tương lai của Ngọc Hân, mẹ Mẫn đã bán căn nhà ở Kiên Giang, lên mua nhà thành phố để tiện lo cho con cháu.

Mẹ Trần Thị Quang Mẫn và cô con gái Ngọc Hân.

Mẹ Trần Thị Quang Mẫn và cô con gái Ngọc Hân.

***

Sau gần một tiếng len lỏi trên con đường bị kẹt xe, tôi mới tới được căn nhà số 481/5 Tân Kỳ - Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM của mẹ Trần Thị Quang Mẫn. Trước mặt tôi bây giờ, không còn một mẹ Sáu nhanh nhẹn, đon đả mời chào khách đến nhà nữa. Mẹ ốm nhom, hai gò má nhô cao, tròng mắt mờ đục, nước da xanh tái. Nhưng những câu chuyện huyền thoại thời chiến tranh của mẹ, cứ cuốn hút tôi nghĩ về một quá khứ hào hùng.

Nhìn hai dòng lệ lăn trên gò má đầy nếp nhăn của mẹ khi nhắc đến chồng con, tôi thấy mình có lỗi. Ký ức của mẹ là những giọt máu hòa vào non sông, vào đất nước và biến thành cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho hôm nay.

Đầu năm 1967, Trần Thị Quang Mẫn được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND cùng với chị Út Tịch. Niềm vui ấy được nhân lên gấp bội khi tháng Tư năm 1967, chị được ra thăm thủ đô Hà Nội cùng với đoàn dũng sĩ diệt Mỹ của miền Nam. Sáu Mẫn đã vinh dự được gặp Bác Hồ. Sau chuyến đi Hà Nội năm ấy, lời Bác Hồ dạy luôn theo Sáu Mẫn trong những trận diệt thù.

PHÚ HƯNG

Tin cùng chuyên mục