
Cao nguyên vào mùa mưa. Tôi tìm về mảnh đất Dong Dor nổi tiếng một thời, nơi khởi nguồn của phong trào chống thực dân Pháp do nữ thủ lĩnh Ka Nhỗi hay còn gọi là Mọ Kọ người dân tộc Kơ Ho lãnh đạo. Cơn mưa giữa trưa cũng bất ngờ đổ xuống, rả rích những âm sắc nao buồn. Ngắm mưa, người ta dễ liên tưởng về một miền dĩ vãng...

Mùa này cà phê còn xanh. Những tán lá non tơ đọng những giọt nước trời phát ra một thứ ánh sáng long lanh và tinh khiết kỳ lạ. Thời của bà, cây cà phê ở vùng đất này chưa nhiều như bây giờ. Nhưng hôm nay, ngắm những mắt lá xanh non đọng nước bên những triền đồi trập trùng giữa cao nguyên Di Linh, tôi như còn nghe âm thanh những ngọn đuốc nổ lép bép và rực sáng trong đêm, dư âm của những tiếng hô vang vọng qua những ngọn núi, những cánh rừng gần bảy mươi năm trước của nghĩa quân Mọ Kọ làm lễ ăn trâu thề không đội trời chung với giặc Pháp xâm lược.
Như còn được chứng kiến ánh mắt rực lửa của bà, mái tóc của bà, mà hậu duệ kể rằng nó trắng phau như mái tóc của người bạch tạng, rung rung trong gió và lời bà âm vang trầm hùng trước hàng quân: “Rạp nen an se, Bo K`rong… Chau go! Cau lec mu, lec mac, lec mong, dhau yo, chouyo… - Trâu đã giết! Hỡi thần linh! Đến uống đi! Đến uống nào, hãy đến đây tất cả… Hỡi các thần! Hãy giết hết bọn thực dân Pháp xâm lược! Để cho người Thượng, người Chăm, người Kinh cùng nhau chung sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc!…”.
Đã biết từ rất lâu, huyện Di Linh lấy tên bà để đặt tên cho một con đường trong thị trấn nhưng đến bây giờ tôi mới thực sự được bước chân trên con đường mang tên người phụ nữ Kơ Ho với cuộc đời đẹp như huyền thoại ấy. Con đường không dài và cũng không rộng lắm nhưng tên gọi của nó được đặt đúng chỗ nên càng mang nhiều ý nghĩa. Đường Mọ Kọ bắt đầu từ quốc lộ 20 đoạn ngang qua thị trấn Di Linh, gần với buôn Dong Dor nơi Ka Nhỗi cất tiếng khóc chào đời, cũng là nơi bà hội quân ăn thề chống Pháp kéo dài hơn một cây số trải nhựa băng qua buôn Ka Ming của người Kơ Ho Srê, rồi dừng lại dưới chân đồi Đăng Kér, nơi an nghỉ cuối cùng của nữ tướng rừng xanh vang bóng một thời.
* * *
Người già ở Dong Dor kể rằng: Tên mà cha mẹ và những người đồng tộc ở buôn đặt cho bà trong lễ thổi tai là Ka Nhỗi, một cái tên dịu dàng dành cho các cô gái Kơ Ho. Bà lớn lên, sống yên lành cùng với sáu anh chị em của mình là K’Gìm, K’Brìm, K’Gẹp, Ka Troil, Ka Dim, Ka Dép. Ka Nhỗi đẹp dịu dàng như con nai rừng thường về uống nước và nô giỡn cùng trăng bên suối Đạ Brăng, hồn nhiên như con chim R’tang vẫn véo von cất tiếng hót trên ngọn Dăngkér. Nếu cuộc sống mãi mãi yên lành thì Ka Nhỗi sẽ hàng ngày lên rừng hái măng, chiều chiều xuống suối kín nước. Đến tuổi cập kê cô gái ấy sẽ bắt chồng, sinh con trai khỏe, con gái khéo tay và sống một cuộc đời bình yên giữa buôn làng cùng với những người thân. Nhưng rồi ngày vui không lâu, giặc Pháp - cái lũ sài lang từ miền đất xa lạ nào đó đã mang theo súng đạn đến đây.
Chúng làm khổ người dân Việt Nam, bắt người Thượng Tây Nguyên đi xâu, nộp thuế. Buôn làng sống trong cảnh tang thương, đau khổ cùng cực. Trong những đêm dài, ở mỗi nhà sàn người già co ro vì lạnh, trẻ con khóc thét vì đói và câu chuyện không dứt là lời kể tội kẻ thù xâm lược. Từ một cô gái Kơ Ho dịu dàng, bà trở thành nữ tướng của một phong trào chống Pháp – phong trào Mọ Kọ (một tên gọi khác của thủ lĩnh Ka Nhỗi). Bắt đầu từ buôn Dong Dor của cao nguyên Djirinh, tỉnh Đồng Nai Thượng (thuộc xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, Lâm Đồng ngày nay), phong trào lan rộng, hàng ngàn người dân Kơ Ho, Châu Mạ, Chăm và tất cả những người dân tộc thiểu số cùng khổ khắp vùng Đồng Nai Thượng đã tụ về dưới trướng của bà. Người con gái Kơ Ho vừa bước qua hai mươi mùa rẫy đã trở thành nữ tướng. Bà là huyền thoại, là niềm tự hào của vùng đất Nam Tây Nguyên đau thương và bất khuất, là nỗi kinh hoàng, khiếp sợ của kẻ thù…
Tư liệu về thủ lĩnh Ka Nhỗi và phong trào Mọ Kọ trên các trang sử địa phương không nhiều. Trong cuốn “Địa chí Lâm Đồng” do tỉnh biên soạn và xuất bản, tôi đã đọc được những dòng ngắn ngủi:
“Cùng với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, từ năm 1937, một phong trào chống Pháp rất sôi động của đồng bào các dân tộc thiểu số bắt đầu từ miền Tây Bắc tỉnh Phú Yên đã lan rộng ra các vùng xung quanh và các tỉnh Tây Nguyên. Là một thành viên của phong trào, hai thủ lĩnh Ka Nhỗi và K’Voai đã thành lập những hội kín, vận động nhân dân quyên góp xu đồng để đúc mũi tên làm vũ khí, không đi xâu cho Pháp.
Phong trào bắt đầu từ Đong Dor (Djirinh), sau đó phát triển đến hầu hết các huyện trong tỉnh, thu hút gần 10.000 người tham gia. Giữa lúc phong trào đang phát triển mạnh thì thực dân Pháp phát hiện, bắt giam và tra khảo nhiều người, trong đó có hai thủ lĩnh nói trên. Ngày 13-12-1938, chúng lập tòa án tại huyện Djirinh, kết tội 14 người “âm mưu làm loạn chống lại chính quyền Pháp” và kết án họ từ 14 đến 20 năm tù, trong đó Ka Nhỗi chịu mức án 20 năm khổ sai. Bà bị giam ở Huế…”.
Đã nhiều lần tôi thử tưởng tượng và suy luận nhưng không sao trả lời được câu hỏi: Tại sao, một cô gái Kơ Ho mới bước qua hai mươi mùa rẫy, không hề biết chữ, không một ngày làm quen với việc binh đao lại có thể vận động và tổ chức một phong trào chống Pháp quy mô lớn như thế? Có cứ liệu nào để chứng minh cho giả thiết của tôi là phong trào Mọ Kọ trong thời kỳ đó có sự chỉ đạo ngầm của các chiến sĩ cộng sản người Kinh? Tôi tự hỏi nhưng không thể tự trả lời. Một nhà báo đi góp nhặt chuyện của thời dĩ vãng không thể thay thế nổi công việc của những người viết sử. Với cách tự an ủi như vậy, tôi chỉ dám ghi lại đôi điều về nữ thủ lĩnh và phong trào chống Pháp do bà lãnh đạo qua hồi ức của ít ỏi nhân chứng, của hậu duệ bà và những trang tư liệu mà các đồng nghiệp của tôi đã góp nhặt trước đó. Và vì vậy, câu chuyện về phong trào Mọ Kọ, về nữ tướng Kơ Ho lại tiếp tục bỏ ngỏ…
* * *
Thật ngậm ngùi và cũng không may cho tôi, về Dong Dor lần này đã không còn được gặp người mà tôi cần gặp. Ông K’Sen, mà trong hồ sơ của mật thám Pháp ghi là K‘Suon, đã vĩnh viễn ra đi. Ông là người đồng chí hướng, người cậu ruột của bà và cũng là nghĩa quân thân cận của chủ tướng Ka Nhỗi. K’Sen về đất Yàng cách đây hai năm, mang theo luôn nhiều tư liệu quý của phong trào Mọ Kọ và cuộc đời của nữ chủ tướng mà những người quan tâm chưa kịp ghi hết.

Sinh thời, trong một lần tiếp xúc, ông K’ Sen đã kể thêm về cuộc nổi dậy, đặc biệt là ông nhớ như in buổi lễ ăn thề. Ông nói rằng, sau lời khấn Yàng của thủ lĩnh Ka Nhỗi, nước thánh Da Yơn được phân phát cho từng nghĩa quân. Có nghĩa là sức mạnh của thần linh được truyền vào đôi tay – đôi tay thêm rắn chắc, truyền vào đôi chân – đôi chân thêm khỏe. Họ cùng tuyên thệ không đội trời chung với kẻ thù xâm lược. Họ quyên góp tiền xu để rèn mũi tên đồng, quyên góp lương thực để nuôi quân chuẩn bị cho cuộc kháng Pháp lâu dài. Thế rồi, bọn thực dân và tay sai đã đánh hơi được, sau báo cáo hỏa tốc của Công sứ Pháp tại tỉnh Đồng Nai Thượng gửi Khâm sứ Trung Kỳ với nội dung: “Cuộc bạo loạn của người Thượng tại Đồng Nai Thượng”, kẻ thù đã tổ chức một cuộc bao vây quy mô lớn trong bảy ngày bảy đêm tại căn cứ Dong Dor.
Thủ lĩnh Mọ Kọ và toàn bộ ban tham mưu của bà bị giặc Pháp bắt. Tòa án thực dân đã kết án nữ tướng Kơ Ho và “đồng bọn” tội “làm loạn, chống lại nhà nước bảo hộ”. Trước súng gươm của quân xâm lược, Mọ Kọ và những nghĩa quân của bà vẫn thể hiện tinh thần bất khuất, hiên ngang, vẫn lớn tiếng tố cáo tội ác của lũ sài lang cướp nước. Ông K’Sen ra đi cũng mang theo những bí mật về câu chuyện tình lãng mạn và độc đáo “kể suốt ngày dài đêm thâu không dứt” của nữ chủ tướng chân đất mà ông hằng kính mến với chàng trai đồng tộc K’Jéo. Đó là mối tình duy nhất, mối tình đẹp như huyền thoại đã theo bà đến suốt cuộc đời, kể cả những năm tháng sống trong cảnh tù đày kìm kẹp của kẻ thù, kể cả khi bà đã về với đất sâu Đăng Kér bên dòng Dạ Brăng từ năm 1973…
Lịch sử phải được đánh giá một cách khách quan và chính xác. Phong trào Mọ Kọ với quy mô, tính chất và ý nghĩa thực sự của nó phải được ghi nhận đầy đủ. Là người làm báo, như tôi đã nhận, chỉ là người góp nhặt chuyện ngày xưa, không đủ sức làm thay công việc của người viết sử.
Một chiều mưa tháng Tám, cúi đầu ngưỡng vọng trước ngôi mộ đơn sơ không một dòng mộ chí của bà, tôi chợt ước mong sẽ có một ngày, ở ngay trên đỉnh đồi nơi ngày xưa bà hội quân ăn thề, du khách đi qua ngước lên sẽ bắt gặp hình ảnh oai phong lẫm liệt của một bức tượng đài. Tượng đài ấy mang tên Mọ Kọ…
UÔNG THÁI BIỂU