Nước mắt bên đèo Tôna

Cuộc tái sinh...
Nước mắt bên đèo Tôna

Sáng 16-3-1975, trong cuộc tháo chạy của hơn 15.000 tàn binh ngụy khỏi chiến trường Tây Nguyên trên đèo Tôna thuộc đường 7 (khi ấy là thị xã Hậu Bổn, tỉnh Phú Bổn, nay là TX Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) có những đứa trẻ đã bị lạc cha mẹ giữa những cánh rừng rậm hai bên đèo Tôna. Nhiều trẻ em bị bỏ rơi trên đường 7 (nay là quốc lộ 25) từ cuộc tháo chạy ấy đã được nhiều tấm lòng của đồng bào J’rai hai bên đường cưu mang, nuôi lớn để bây giờ họ trở thành những người con của vùng núi rừng. Suốt 35 năm qua, nhiều người trong số họ vẫn thắc thỏm trông đợi sự sum họp với người thân để xóa đi những giọt nước mắt của cuộc chia ly đau khổ ngày xưa…

Mẹ con chị Ksor H’Yeh và cha nuôi Ma Phem. Ảnh: Đ.PHƯƠNG
Mẹ con chị Ksor H’Yeh và cha nuôi Ma Phem. Ảnh: Đ.PHƯƠNG

Cuộc tái sinh...

Chị Ksor Phi Ly năm nay 38 tuổi, là một trong những đứa trẻ bị rơi lại bên đường 7, năm 1975. Chị được người cha nuôi tên Ksor Thách “nhặt” về khi chị mới 3 tuổi. Bây giờ Ksor Phi Ly đã có chồng và 2 con, kinh tế gia đình tương đối khá ở thôn Quỳnh 1, xã Ia Rsiơm, huyện Krông Pa.

Nỗi kinh hoàng của một đứa trẻ bị lạc cha mẹ trong dòng người di tản dưới mưa bom, bão đạn không thể nào phai trong trí nhớ của bé Hằng, dù khi ấy em chỉ mới 3 tuổi. Chuyện của một bé Hằng, 3 tuổi người Kinh năm xưa nay là cô y sĩ - Ksor Phi Ly người dân tộc J’rai là một trong những câu chuyện đẹp về tình đồng bào của người Việt Nam.

Ông Ksor Thách, năm nay 60 tuổi, ở buôn Ban xã Ia Rsai, huyện Krông Pa (Gia Lai) rít một hơi dài cái tẩu thuốc rê, nhìn xa xăm về phía bãi sông Ba, ở sau buôn Phùm trầm tư kể:

Sáng 17-3, khi tiếng súng đã im bặt, tôi ra bờ sông Ba sau buôn Phùm lấy nước. Khi xuống gần bờ sông, tôi thấy một người lính nằm chết, đầy mình máu khô, bên mép nước gần đó có một đứa trẻ con người đã tím tái, quần áo rách tả tơi nằm sấp không nhúc nhích dưới đất, đầu hướng về phía người chết. Thú thật lúc đó, dọc đường 7 và các cánh rừng ven đường quanh đèo Tôna, xác người chết nhiều vô số kể, nên tôi chẳng hoảng hốt gì lắm. Tôi định bỏ đi, thì thấy cái xác nhỏ xíu tím ngắt kia hình như đang động đậy. Linh cảm mách bảo “cái xác nhỏ” đó còn sống. Tôi đến bên cái xác ấy và lật mình con bé lên xem, tôi phát hiện nó còn thoi thóp thở. Tôi vội lấy nước nhỏ vào miệng và xoa nhẹ người nó. Một lúc thì con bé tỉnh lại rồi run rẩy thều thào khóc nhưng chỉ được một vài tiếng lại chết lịm đi.

Tôi ẵm nó về nhà, đổ nước cháo cho uống, chừng 3 ngày sau thì con bé dần tỉnh lại. Lúc đó tôi là bộ đội chưa có vợ lại sắp phải đi theo đơn vị, không biết phải gửi bé cho ai. Nghĩ mãi, tôi đành ẵm bé về cậy chị gái mình là Ksor H’Rứp ở cùng buôn, có chồng chết, đang ở vậy nuôi 2 con gái nhỏ nuôi giúp. Và từ đó, Hằng mang họ của người đồng bào J’rai đã cưu mang mình và bé được mẹ nuôi Ksor H’Rứp đặt tên là Ksor Phi Ly.

Ksor Phi Ly nói tiếng J’rai và đi học trong Trường Dân tộc nội trú huyện Krông Pa. Năm 1988, cha Phán ở nhà thờ Phú Bổn xưa đến buôn của Phi Ly ở để giảng đạo. Khi gặp cô, thấy cô nói, cười với bạn cha Phán đứng ngây người ra nhìn. Ông nghĩ thầm: “Con bé này sao giống ông hàng xóm nhà mình thế?”. Thế là cha Phán dò hỏi và tìm gặp gia đình của Ksor Phi Ly. Cha Phán biết rằng Ksor Phi Ly là người Kinh, tên Hằng được ông Ksor Thách nhặt được trên đường 7, cạnh xác một người lính Quân đoàn 2 ngụy.

Nước mắt của rừng

Cha Phán về Thủ Đức, tìm đến nhà ông hàng xóm của cha tên Nguyễn Văn Biết, xưa cũng lính của Quân đoàn 2 ngụy và cũng thất lạc một đứa con gái, trạc tuổi Phi Ly để kể chuyện. Khi nghe đến tên con bé là Hằng và nằm cạnh một người lính thì ông Biết đã run bắn cả người. Trái tim ông đập thật nhanh và linh tính báo cho ông biết - Phi Ly chính là bé Hằng của ông ngày xưa. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Bộ đã khóc sụt sùi khi nghe chuyện của cha Phán.

Ông Biết nhớ lại những ngày kinh hoàng năm ấy: Sáng 16-3-1975, ông đã cố đưa vợ, con nhỏ chạy trối chết để thoát khỏi đoạn đèo Tôna trong đạn bom. Trong đám người hỗn loạn ấy, vợ ông bị chiếc xe jeep cán ngang chân nên không thể đi được. Ông Biết cõng vợ, bế đứa em của Hằng mới 1 tuổi và gửi Hằng, 3 tuổi, cho một người lính quen cùng chạy trên đường dẫn đi giúp. Trong sự hỗn loạn, tự giẫm đạp lên nhau của những người lính ngụy khi ấy, cha con ông đã lạc mất nhau từ đó.

Ông bà Biết vội vã đi Gia Lai cùng cha Phán. Ksor Phi Ly được gọi từ trường về để gặp cha mẹ. Vừa thấy Phi Ly, bà Bộ đã ôm chầm lấy cô và khóc nức nở. Chị Ksor Phi Ly kể với tôi: “Khi ấy mình không biết nên khóc hay cười vì mình không tin được sự thật đoàn tụ này. Nhưng mình thấy cha mẹ mình xúc động lắm”.

Hai ngày ở lại bên “con Hằng” rồi ông bà Biết trở về TPHCM. Một tháng sau, ông bà Biết và hai anh chị của Phi Ly từ TPHCM ra Gia Lai tìm lại “bé Hằng”. Họ xin phép mẹ nuôi của Phi Ly cho cô vào TPHCM chơi cho biết nhà cửa và họ đưa cô đi thử ADN. Ở trong thành phố mấy ngày, không chịu nổi nỗi nhớ rừng núi, Phi Ly bỏ nhà trốn ra bến xe để về lại Krông Pa.

Một tháng sau. Cha mẹ ruột của Ksor Phi Ly và anh em cô ra Krông Pa để xin với bà Ksor H’Rứp cho cô được đoàn tụ với gia đình. Ksor Phi Ly kể: “Cái nỗi ám ảnh chết đi sống lại và sự đói khát, sợ hãi ngày xưa không thể quên đi trong trí nhớ mình, dù nó không thật rõ ràng bởi khi ấy còn bé nhưng mình rất nhớ, rất thương những ngày ở trong nhà mẹ H’Rứp, học tiếng J’rai, ăn món ăn J’rai, sống với núi rừng… Mẹ H’Rứp không phải mẹ ruột nhưng có công rất lớn nuôi mình sống trở lại”, và đó là lý do Phi Ly ở lại với rừng.

Bây giờ, chị Ksor Phi Ly là y sĩ phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng của Trạm y tế xã Ia Rsiơm, huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai. Mẹ nuôi Ksor H’Rứp đã chết rồi nhưng chị vẫn từ chối lời đề nghị về TPHCM sinh sống của cha mẹ ruột. Bởi chị “không thể xa cái nương, cái rừng, con suối và những đồng bào đã cưu mang mình khi xưa”. Mỗi năm, cuộc đoàn tụ giữa những người thân yêu của chị Ksor Phi Ly vẫn diễn ra đều đặn, khi ở giữa rừng Tây Nguyên, lúc ở giữa khu phố thị đông người.

Nỗi niềm trắc ẩn dưới chân đèo

Chị Ksor Phi Ly.
Chị Ksor Phi Ly.

Không may mắn như Ksor Phi Ly, mà nhiều đứa trẻ thất lạc gia đình trong cơn tao loạn trên đường 7 năm xưa, đến nay vẫn chưa tìm được nguồn gốc mình.

Theo hướng dẫn của ông Chu Sĩ Vương –Bí thư Đảng ủy xã Ia Rsiơm (Krông Pa), chúng tôi tìm đến nhà ông Ma Phem 98 tuổi, ở buôn Phu Ma Miơng xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa. Trước đây ông Ma Phem là y tá làm ở Tổng Y viện Cộng hòa (nay là Viện 175) kể: Ngày 15-3-1975, tôi rời Sài Gòn về quê. Tối 16-3 và cả ngày hôm sau, tôi thấy lính ngụy chạy tán loạn qua đoạn đường 7 này.

Sáng 19-3, tôi ra bờ sông Ba đoạn sau buôn Khăn để nghe ngóng tình hình thì thấy lùm cây gần khu nhà mồ rung rinh nhè nhẹ. Nghi là con thú tôi giương súng lên định bắn thì chùn tay vì nhìn kỹ thấy “con thú” ấy có hình dáng một đứa trẻ. Khoác súng lại gần thấy một bé gái đang nằm bất động. Nhìn quanh chẳng thấy ai nên tôi nghĩ nó lạc cha mẹ và chắc đã chết rồi. Vừa quay lưng bước đi thì đứa nhỏ khóc, tôi quay lại ẵm lên thì thấy nó thoi thóp thở. Là một y tá, tôi nghĩ mình phải cứu người, nên đem về nhà nuôi, đặt tên là Ksor H’Yeh. Bây giờ H’Yeh đã bắt chồng bên buôn Khăn và có nhà để ở riêng rồi. “Thế chị còn nhớ lúc nhỏ chị tên gì, bố mẹ ruột và nhà của chị ở đâu nữa không?”, tôi cố gợi nhớ.

“Mình chỉ nhớ tên là Hạnh, còn ba mẹ tên gì mình không nhớ được. Còn nhỏ quá mà… Nhưng mà nhà mình ở gần một hồ nước to, nhìn không thấy bờ đâu. Nhà có nuôi nhiều bò nữa…”, chị Ksor H’ Yeh vò đầu đứa con trai nhỏ, rấm rứt nói. “Lúc tôi nhặt được con H’Yeh này, nó mặc bộ váy hoa màu xanh chấm đỏ, có vá mấy miếng sau lưng. Nó nằm bất tỉnh dưới đất mà tay vẫn ôm con búp bê nhỏ bị cụt một chân bên trái…”, rít một hơi thuốc ông nói thêm: “Chiếc váy và con búp bê tôi cất kỹ trong rương gỗ cùng với mấy giấy tờ tùy thân của mình để hy vọng ngày nào đó cha mẹ ruột tìm đến còn có thứ để nhận được nhau. Nhưng trong trận bão lũ số 11 năm ngoái, nước cuốn trôi mất cái hòm và các vật dụng khác trong nhà rồi. Nhưng nó có cái bớt đen bằng ngón tay cái ở sau bắp đùi trái, khi nhặt được nó về tôi tắm rửa kì cọ miết mà nó không trắng ra đâu...”.

“Mình nuôi con đã 35 năm rồi, còn bắt chồng, dựng nhà và chia bò, ruộng cho nó nữa. H’Yeh nó như chân tay mình rồi, ai bắt nó đi xa mình cũng đau lòng lắm nhưng nghĩ lại người ta cũng như cái cây có cội rễ, dòng nước có suối nguồn. Ai cũng phải có cha mẹ, tổ tiên… xem trên ti vi thấy có nhiều nhà tìm được người thân sau chiến tranh, tôi cũng mong cho con mình tìm lại được cha mẹ ruột. Nhưng ngóng mãi mà chưa thấy ai đến tìm…”, Ma Phem nói giọng buồn buồn.

Theo ông Lưu Văn Phượng, Trưởng phòng VH-TT thị xã Ayun Pa, ở các buôn làng hai bên đèo Tôna giáp ranh thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa của tỉnh Gia Lai hiện có hàng chục đứa trẻ như Ksor Hoa ở buôn Ban xã Ia Rsai, Ma Sách ở buôn Choanh xã Uar... cũng bị lạc gia đình trong cuộc chạy loạn ngày nào bên đường 7 vẫn đang chờ một cuộc đoàn tụ đến với mình như Ksor Phi Ly vậy.

TRẦN ĐỨC PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục