
Mới vài tháng trước, họ còn là những chủ tàu ăn nên làm ra, những ngư dân sản xuất giỏi. Trong phút chốc, họ bị chủ nợ xiết tàu và trở thành người... làm thuê. Có người đành ngậm ngùi mang tàu đi bán phế liệu! Ngư phủ đầy nước mắt...
- Đà Nẵng: Mang tàu đi bán... phế liệu

Những con tàu của ngư dân phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng đang nằm chờ “xả bản”
Làm nghề biển, dù giữa phong ba bão táp, chủ tàu sống chết cùng tàu! Thế nhưng, hiện nay, do vật giá leo thang, nhất là dầu tăng giá quá cao, ngư dân không thể ra khơi nên đành rao bán tàu, thậm chí “xả bản” tàu bán phế liệu - điều cấm kỵ số một trong nghề biển.
“Mấy ngày qua, hàng chục người kêu tui mua tàu cũ về để “xả bản” bán phế liệu nhưng sức của tui cũng chỉ mua được 5 chiếc, còn lại là từ chối hết. Mua mỗi chiếc giá từ 15 đến 40 triệu đồng tùy theo tàu lớn nhỏ. Tui mang đi “xả bản”, cái nào tận dụng được thì tận dụng, cái nào không tận dụng được thì mang bán phế liệu, gỗ thì bán cho lò bánh mì làm củi...”, anh Nguyễn Văn Lý - chủ đà đóng sửa tàu biển ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho biết.
Anh Trần Lý (47 tuổi, trú quận Sơn Trà), chủ tàu Đna 6748-TS (tàu 33CV), gương mặt đen và đầy nếp nhăn thất thểu sau một chuyến đi biển dài ngày thua lỗ: “Khổ quá chú ơi, đi biển 15 ngày, chi phí hết 10 triệu đồng nhưng về chưa đủ chi phí. Tội bạn tàu, đi cả nửa tháng mà chỉ được 300.000đ thì sống răng nổi. Chắc bỏ nghề thôi...”. Anh Trần Lý cho biết thêm, cái gì cũng tăng giá, nhất là dầu thì tăng vùn vụt, thế nhưng câu được con mú, con lạc (cá mú, cá lạc) về thì chỉ bán được với giá bèo: từ giá 46.000 đến 50.000đ/kg trước đây, nay thương lái ép xuống chỉ còn 32.000đ/kg.
Tương tự, anh Đặng Văn Mày (46 tuổi, trú tổ 16, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) từng là một “nông dân sản xuất giỏi” của thành phố, có thâm niên 27 năm nghề đi biển. Anh có đôi tàu giã cào cao tốc 250CV, giải quyết công ăn việc làm cho 14 bạn tàu với thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng... Thế nhưng, hiện nay, đôi tàu “bạc tỷ” của anh đành phải nằm bờ vì dầu tăng giá. Có những chủ tàu ở An Hải Tây “làm liều” xuất bến nhưng khi đi một chuyến nửa tháng về thì rơi vào cảnh “nợ chồng nợ”. Thế là “xả bản” tàu bán phế liệu, vớt vát vài đồng trả nợ ngân hàng.
- Quảng Nam: Chủ tàu trở thành... con nợ
Cùng cảnh ngộ với ngư dân Đà Nẵng, những ngư dân ở Quảng Nam cũng rơi vào cảnh “bi đát” tương tự.
Tại bến Phước Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, hàng trăm tàu thuyền nằm bờ vì vật giá leo thang. Anh Phan Kim Nhựt (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) đứng nhìn con tàu rưng rưng: “Chắc phải cho con nghỉ học thôi, tui cố hết sức rồi! Dầu tăng giá, cái chi cũng tăng hết, ra khơi chỉ có nước ôm nợ!”. Cách đây chưa đầy 3 tháng, anh Nhựt là ngư dân sản xuất kinh doanh giỏi được đi báo cáo điển hình.
Thế nhưng... “Khi tui đứng trên bục báo cáo, dầu diezel còn 204.000đ/can 20 lít nhưng khi bước xuống bục thì dầu đã lên 284.000đ/can”, ông Nhựt lắc đầu chua xót. Ông Nguyễn Xuân Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Tam Tiến, cho biết: Hiện nay có đến 126 con tàu của Tam Tiến nằm bờ và đã có 8 gia đình cho con nghỉ học vì kinh tế quá khó khăn.
Bi đát hơn, có những chủ tàu ngủ từ đêm đến sáng đã trở thành “tay trắng” do giá dầu và giá vàng “đứt phanh”. Từ sửa chữa, nâng cấp tàu cho đến đầu tư cho chuyến đi biển, ứng tiền cho bạn tàu (người lao động trên tàu - PV)…, ngư dân đều phải vay tiền. Không vay được tiền ngân hàng thì vay “nóng” các đầu nậu. Vay tiền không có thì vay vàng. Vàng tăng chóng mặt từ 900.000đ/chỉ lên 1,9 triệu đồng chỉ, chỉ tính riêng bù lỗ giá vàng, ngư dân đã phá sản. Trong khi đó, càng ra biển càng lỗ, ngư dân phải nằm bờ. Một ngày tàu nằm bờ là chồng thêm một lớp nợ. Thế là hàng chục chủ tàu bị chủ nợ... xiết tàu.
- Xót xa tàu... phơi xác
Các đà sửa chữa tàu chật kín tàu phơi xác chờ bán trong khi người mua tàu thì quá ít. Chính vì thế, tại các bến tàu ở Đà Nẵng và Quảng Nam hiện nay có hàng trăm tàu đang phơi xác. Nhiều ngư dân lo lắng, nếu để phơi tàu quá lâu thì tàu trị giá hàng trăm triệu đồng trở thành... sắt vụn.
Anh Võ Văn Trí (trú Long Thạnh, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), chủ tàu Qna 0990 xót xa khi phơi xác tàu mấy tháng nay. Sợ tàu chìm, anh Trí thuê người kéo tàu lên đà Phước Lộc nhưng không chịu nổi tiền bãi đà (tiền người giữ tàu) nên ra giá bán tàu. Con tàu đóng 200 triệu đồng nhưng khi ra giá 130 triệu chẳng ai hỏi đến.
Tại đà tàu của anh Nguyễn Văn Lý, hiện nay có hàng chục tàu chờ bán nhưng chẳng ai mua. Chỉ tay về con tàu BKS Đna 6381 TS đang phơi xác trên đà, anh cho biết: “Nó trị giá hơn 400 triệu đồng, bây giờ ra giá 40 triệu nhưng để hơn 1 tháng rồi mà chẳng ai hỏi mua. Nếu để vài tháng nữa thì coi như bỏ”. Chỉ trong vài ngày qua, anh Lý đã “xả bản” 4 con tàu của ngư dân Quảng Nam và Đà Nẵng bán do thua lỗ.
Nguyên Khôi
Theo ông Ngô Sỹ Kiến Trúc, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Tây, toàn phường có hơn 220 tàu có công suất từ 33 đến 200 CV nhưng đến nay chỉ có khoảng 20% tàu ra khơi, số còn lại là “đắp chiếu” chờ bán phế liệu. Đáng thương hơn, có những trường hợp, nhà có 2 tàu cá nhưng vẫn thuộc diện “xóa đói giảm nghèo” của phường. Ví dụ như anh Nguyễn Văn Xê (40 tuổi, trú ổ 37) có 2 tàu nhưng phải nằm bờ mấy tháng nay. Vợ anh phải đi “nuôi đẻ thuê” để nuôi gia đình và 3 con đang đi học. Hay trường hợp anh Thái Văn Mừng (tổ 38), trước đây anh vay 100 triệu của ngân hàng để đóng tàu. Đến nay cả gốc lẫn lãi lên đến 285 triệu đồng. Vừa rồi, nhà anh trong diện giải tỏa và được đền bù 150 triệu đồng, ngân hàng qua xiết nợ, thế là hết. Nếu như không có một chính sách hỗ trợ, vài năm nữa, nghề biển ở đây coi như bị... thất truyền. |