
Mới 8 giờ sáng mà anh Trần Ngọc Ninh không có ở nhà. Tôi bước ra thềm xi măng, nhìn ra vùng biển thuộc Cam Thành Bắc trong vịnh Cam Ranh.
Cả vùng vịnh, cọc gỗ lô nhô nổi trên mặt nước giống như vết tích của trận chiến dùng cọc nhọn đâm lủng thuyền địch năm nào ở Bạch Đằng Giang. Nắng lóa xóa dội trên mặt biển một ánh sáng nhẹ, dễ chịu.
Vợ anh Ninh nói với tôi: “Ổng ra biển từ mờ sáng. Chắc trưa mới về”. Còn con gái anh thì nói: “Chắc giờ này ba con đang lặn”.
Tôi đã đến vùng biển Xuân Tự, đã theo thuyền ra tận một vùng biển nuôi tôm hùm lồng bằng lưới rộng bao quanh. Nhưng khi đứng trước vùng biển Cam Thành Bắc, tôi lại bắt gặp một cách nuôi tôm hùm khác. Nuôi trong những chiếc lồng bằng sắt, những chiếc lồng đó có thể di chuyển trong vùng nước biển, đến một nơi thích hợp. Không thể đợi anh Ninh về, tôi đã thuê một chiếc tàu, bắt đầu ra biển, tìm ông chủ tôm hùm trong vịnh Cam Ranh.

Chàng trai chở tôi ra biển khá trẻ. Anh nói về anh Ninh: “Ông Ninh được cả làng tôm kính nể không phải vì ông giàu, có nhiều lồng tôm, mà chính vì nhờ ông mà nhiều người giàu lên nhờ tôm”. Tôi vẫn thường nghe bí quyết của những người làm giàu, còn bây giờ thì tôi lại gặp một ông chủ nuôi tôm hùm đi làm giàu cho người khác, điều đó thật lạ.
Anh Ninh vừa mới lặn xong. Khi tôi lên chiếc bè lênh đênh giữa biển của anh thì anh đang chuẩn bị nấu nước pha trà.
Anh nói: “Sẵn khách tới, nấu mời khách luôn”. Tôi lắc đầu: “Thôi anh ạ, lát nữa vào bờ rồi hẳn uống”. Tôi muốn tranh thủ thời gian khi mặt trời chưa lên cao, nắng còn mênh mông mà trò chuyện với anh.
Anh Trần Ngọc Ninh sinh năm 1953, người gốc Phú Yên. Cuộc phiêu bạt tìm miền đất sống của cha anh đã đưa anh đến Cam Ranh. Anh nói: “Tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ trở thành một người nuôi tôm, thế mà đời đẩy đưa...”.
Với tuổi 53, anh Ninh còn rất khỏe so với nhiều người. Anh lặn xuống bè, vớt lên cho tôi xem những con tôm anh nuôi lớn mau như “thổi”.
Những con tôm ấy chỉ nuôi mới 12 tháng mà đã đạt trọng lượng 1 ký, kịp đem bán, so với những nơi khác thì phải nuôi thêm 3 đến 6 tháng nữa. Anh để nguyên chiếc áo còn ướt sau khi lặn xuống biển, lên bờ, ngồi bên cây cột nhà nổi trên biển của anh mà trò chuyện cùng tôi.
Học hết lớp 12 tại Trung học Cam Ranh, sau ngày miền Nam giải phóng, anh Ninh đi học ở Trường Đào tạo Cán bộ y tế Khánh Hòa.
Năm 1977 với sức trẻ, anh đã tình nguyện về công tác ở huyện miền núi Khánh Sơn khi đó vừa mới thành lập. Năm 1978, anh liên tục bị sốt rét do khí hậu Khánh Sơn lúc bấy giờ còn rất độc, được chuyển về bệnh viện Cam Ranh.
Tưởng rằng anh sẽ gắn bó với nghề y suốt đời, nào ngờ năm 1979 anh xin nghỉ việc về làm Chủ tịch Hợp tác xã 1 Cam Thành Bắc. Năm 1997, hệ thống HTX nông nghiệp tại đây bị tan rã, anh bắt đầu đến Mỹ Thanh, Cam Thành Đông - nuôi dê và tôm sú. Vào thời đó, con tôm sú và con dê dễ làm cho người nuôi mau chóng giàu.
Thế nhưng, chỉ nuôi 5 đợt tôm, đến giữa năm 1988 thì vốn liếng của anh Ninh mất sạch theo đàn tôm chết. Hy vọng vào đàn dê mượt lông đang có giá thì đường quốc lộ mở, bầy dê đi ăn bị va quệt chết lần mòn, bán trở tay không kịp. Anh Trần Ngọc Ninh trắng tay.
Vào thời điểm đó, phong trào nuôi tôm hùm lồng nở rộ ở huyện Vạn Ninh với cách nuôi là giăng lưới cố định, còn ở Cam Ranh thì cách này vẫn là chuyện lạ.
Ở Cam Thành Bắc đã có một số hộ nuôi theo kiểu làm các lồng sắt với kích cỡ 3,5 x 3,5m, cho con tôm vào đó rồi kéo ra biển, dùng bè nổi thẻ mà nuôi.
Anh Ninh đã dạo quanh vòng biển Cam Thành Bắc, đưa lưỡi nếm thử “vị” của nguồn nước và quyết định trở thành người nuôi tôm hùm.
Căn nhà ở Mỹ Thạnh và cả hai chiếc xe gắn máy cũ được anh bán hết, về Cam Thành Bắc mua một miếng đất nhỏ hút sâu trong ba con hẻm nhỏ, sát biển, cất một căn nhà tạm. Anh Ninh bắt đầu gầy cơ nghiệp bằng 60 con tôm hùm giống và một chiếc lồng. Anh cười: “Sau khi mua đất, cất nhà thì tài sản của tôi chỉ còn đủ để mua 60 con tôm và làm chiếc lồng, thế thôi”.

Từ 60 con tôm hùm giống đầu tiên đó, anh Ninh đã nhân lên thành 150 con vào năm sau. Để có thức ăn cho tôm và để nuôi gia đình, ban đêm anh đi biển.
Con tôm của anh lớn nhanh bằng chính thức ăn của anh đánh bắt. Cho đến nay, cơ ngơi của anh là 15 lồng tôm hùm.
Chỉ một mình anh với bè tôm cho nên anh không phát triển thêm, những bè tôm của anh là mô hình khá độc đáo mà người nuôi tôm ở Cam Thành Bắc tìm đến học hỏi.
Các lồng nuôi được “treo” trên chiếc bè bằng các phao là thùng nhựa rỗng bằng composit, được neo chặt chẽ.
Sau đó anh sắm hai chiếc ghe “kéo” để phụ giúp cho các bè tôm di chuyển khi cần. Hiện nay, anh đã bán hai chiếc ghe cẩu khi nghề cẩu bè tôm đã phát triển. Anh cũng sáng kiến ra cách nuôi vẹm chưa ai làm, để bảo vệ nguồn nước nuôi tôm hùm.
Đó là anh dùng các bánh xe ô tô cũ, ép vẹm giống vào thả xuống biển. Kết quả là anh trúng luôn... con vẹm. Giờ đây, khi ngồi nói chuyện với anh trên ngôi nhà giữa biển, tôi nghe rõ tiếng con cá quẫy. Thì ra anh cũng tận dụng cả mặt nước dưới sàn nhà không thể đặt bè nuôi tôm hùm để nuôi cá hồng. Cho đến nay, anh Ninh là người duy nhất nuôi cá hồng bằng chính thức ăn thừa của con tôm hùm.
Từ cách nuôi tôm hùm của anh Ninh, hiện nay tại Cam Thành Bắc đã có tới 485 hộ nuôi tôm hùm. Nhiều người mới bắt đầu ra nghề, tới anh học hỏi về kỹ thuật, dĩ nhiên đó là những bài học không phải trả tiền. Được tín nhiệm vì áp dụng cách nuôi tôm hùm rất khoa học, anh được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân Cam Thành Bắc và là Tổ trưởng tổ nuôi tôm hùm. Với tư cách tổ trưởng, anh đã thiết kế một hệ thống bảo vệ các lồng tôm bằng cách chia ra 212 nhóm dựng các nhà trên biển, mỗi nhà là một điểm gác cho mỗi khu vực nuôi tôm từ 15-30 hộ. Khi có kẻ lạ lảng vảng, ngay tức khắc bị phát hiện.
Người ngư dân khởi nghiệp bằng 60 con tôm hùm giống ấy - giờ đây quen thuộc cả tiếng con tôm nhảy, biết dòng nước có “sạch” không để di dời bè. Anh ra biển một mình từ rạng sáng, lo việc mình và lo cả việc của người khác. Anh đã từng đi cả đêm để tìm cho ra một chiếc lồng của tổ viên bị kẻ gian lấy cắp, kéo đi. Anh nói: “Tôi hài lòng với những gì mình tạo dựng và hài lòng cả trong việc được giúp đỡ mọi người”.
Tôi theo chiếc tàu chông chênh của anh trở lại bờ, khi nắng đã lên cao!
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG