Thời @ ít con nên cha mẹ nào cũng dành tình thương, sự quan tâm đặc biệt cho tài sản quý hiếm của mình. Do được nuông chiều, bảo bọc từ A đến Z, nhiều trẻ thiếu tự tin, trở nên thụ động, không thích học, không có ước mơ gì. Tương lai của các em không chỉ mờ mịt mà đang bị “nhấn chìm” bởi cái bóng của cha mẹ.
Thụ động - không có ước mơ
Khi học lớp 6 và 7 ở một trường THCS có tên tuổi ở quận trung tâm TPHCM, T. học khá tốt, theo kịp trình độ bạn bè trong lớp. Thế nhưng, lên đến lớp 8 và 9 thì sức học của em đuối dần, đứng gần cuối lớp. Dù được học trong lớp bồi dưỡng đặc biệt dành cho học sinh yếu và được toàn thầy cô giỏi chăm sóc, bổ sung kiến thức nhưng T. cũng không khá hơn. Điều đáng nói là T. thụ động không thích học, không có ước mơ cho tương lai của mình.
Nên tạo điều kiện cho trẻ chủ động học tập và vui chơi, trải nghiệm cùng bạn bè. Ảnh: Mai hải
Tìm hiểu nguyên nhân, cô giáo chủ nhiệm mới vỡ lẽ T. là con nhà khá giả, hàng ngày được cha mẹ chở bằng xe hơi đi học. Khi tiếp xúc với cha mẹ T., giáo viên càng hiểu thêm nguyên do vì sao T. không thích học, không có động lực phấn đấu. Là con trai duy nhất, từ nhỏ, T. được chăm bẵm, cưng chiều và cảm thấy không thiếu thốn thứ gì. Ngay cả chuyện học hành, từ nhỏ em đã được cha mẹ mời gia sư về nhà dạy kèm, giúp giải quyết hết bài tập khó. Chính vì thế, T. không cảm thấy việc học hay phấn đấu để đạt được thành tích nào đó có ý nghĩa đối với mình. Biết con mình không thể theo kịp bạn bè ở trường công lập, cha mẹ T. chuyển em vào học ở một trường quốc tế.
Một bà mẹ có con gái lớn đã tốt nghiệp đại học than thở rằng con bà ra trường, đi làm rồi mà như cô gái chưa trưởng thành vì không biết lo cho bản thân, cha mẹ vẫn phải phục vụ từ A đến Z. Đó là chưa kể khi đi làm cô luôn tỏ vẻ con nhà giàu, đỏng đảnh, coi mình là “vũ trụ”, không biết cách hợp tác, chia sẻ và hay cãi nhau với đồng nghiệp. Vì thế, cô phải chuyển chỗ làm nhiều lần. Hỏi ra mới biết, từ bé cô gái này luôn được gia đình cưng chiều, không làm gì ngoài lo học hành từ sáng đến tối. Mọi người trong nhà luôn gọi cô là công chúa và nhất nhất làm theo lệnh của cô… Không những thế, cô còn sống ích kỷ, chỉ biết đến bản thân, ít khi quan tâm đến cha mẹ, người thân trong nhà. Trút bầu tâm sự với một chuyên gia tư vấn vào giữa đêm khuya, mẹ cô gái này đã khóc đầy tủi thân. Bà ân hận bởi đã nuông chiều con gái quá nên phải lãnh hậu quả.
Một bác sĩ giỏi ở TPHCM cũng đau đầu vì con trai không thích học và nghiện game nặng phải đưa đi cai nghiện vào mùa hè năm lớp 10. Từ học đuối đến chán học và học hết lớp 11, cậu đòi nghỉ học ở một trường công khiến cha mẹ phải chuyển cậu sang một trường dân lập. Thế nhưng, vào môi trường học mới, cậu tiếp tục chán học, ham chơi, thường xuyên vi phạm nội quy học tập, tìm mọi cách chơi game. Khi được hỏi về ước mơ tương lai, cậu nói thẳng là mình chẳng thích gì và chẳng có mục tiêu cụ thể nào để phấn đấu. Điều này khiến cha mẹ cậu đều là trí thức phải đau lòng, day dứt vì đã nuông chiều, bảo bọc con quá đà. Giá như từ nhỏ họ biết dạy con đứng lên khi té ngã, phải đối mặt với thử thách, trải nghiệm và vượt qua khó khăn thì cậu bé đã biết nuôi dưỡng ước mơ, trân trọng những gì mình được thụ hưởng từ cuộc sống. Khi họ thức tỉnh và hiểu rằng mình là nguyên nhân nhấn chìm ước mơ, hoài bão của con cái thì đã muộn.
Cha mẹ phải lãnh hậu quả
Một hiệu trưởng trường THCS ở TPHCM bộc bạch rằng, dạy học trò thời nay khó lắm vì các em được phụ huynh cưng chiều, không có ý chí phấn đấu, thiếu ý thức tự học. Các bậc phụ huynh cứ nhìn một chiều rồi đổ vấy cho nhà trường không giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nhưng cứ nhìn xem có mấy em ở nhà biết tự làm những việc liên quan cá nhân, biết giúp cha mẹ làm việc nhà. Điều đáng nói là nhiều phụ huynh chỉ cần con mình có kết quả học tập cao trong lớp chứ không đòi hỏi con mình phải biết lo cho bản thân, học các kỹ năng sinh tồn khác.
Chính sự đãi ngộ đặc biệt, cam chịu làm “nô lệ” cho con cái từ việc nhỏ đến việc lớn của nhiều bậc phụ huynh đã khiến trẻ “bội thực” tình thương, ỉ lại và không có sức đề kháng khi ra ngoài xã hội. Đúng là môi trường sống hiện đại có nhiều thứ không an toàn, dễ bị tiêm nhiễm nhưng không cho con cái cọ xát, đối mặt thì chúng chẳng bao giờ có kỹ năng sống, đối phó linh hoạt. Điều quan trọng là dạy con cách thích nghi, ứng phó trong những tình huống thiếu an toàn.
Đối với trẻ lớn, phụ huynh tập cho trẻ biết tự phục vụ bản thân, chẳng hạn tự đi đến trường. Ảnh: Mai hải
Theo chuyên gia xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM, việc nuông chiều, cung phụng con cái không có điểm dừng, hoặc thái quá đang biến một bộ phận giới trẻ... không thể trưởng thành, sống phụ thuộc cha mẹ dù đã có tấm bằng cử nhân, kỹ sư. Tuy nhiên, chỉ đến khi thấy con cái mình lười biếng, sống ích kỷ, không biết quan tâm ai thì họ mới giật mình, than vãn, kể cả trách móc chúng không biết hiếu thảo. Khi chỉ biết nhận nhiều hơn cho,lớn lên giới trẻ cũng trở nên vô cảm, ít biết sẻ chia, thông cảm với người khác. Những đứa trẻ được nuông chiều, cung phụng thường gặp trục trặc, mâu thuẫn tại trường và khi đi làm cũng va chạm với đồng nghiệp nhiều hơn, đặc biệt dễ đổ vỡ trong hôn nhân vì không biết cách chung sống hòa hợp.
Chính vì thế, dạy con trong môi trường sống hiện đại sao cho đúng và phù hợp không hề dễ. Cha mẹ cần có nguyên tắc dạy con, tôn trọng cá tính của con nhưng không chiều chuộng, không xuê xoa cho những hành vi xấu, thói quen không tốt. Muốn con cái hiểu rõ giá trị cuộc sống, nuôi dưỡng ước mơ hoài bão thì cha mẹ phải sống gương mẫu, dạy con điều hay lẽ phải, biết phân biệt đúng-sai. Hơn nữa thương con đúng cách là khuyến khích trẻ làm được mọi việc trong khả năng, tự phục vụ bản thân, lớn lên biết giúp đỡ người khác. Chỉ khi được nhúng vào môi trường trải nghiệm, cọ xát với thực tế, môi trường sống đòi hỏi sự linh hoạt, năng động thì trẻ mới được rèn luyện kỹ năng sống. Hơn nữa khi biết tự lo cho bản thân, thanh thiếu niên mới hiểu rõ giá trị lao động, quan tâm đến cha mẹ, sống có ích cho xã hội.
Theo các chuyên gia giáo dục ở các nước hiện đại, học sinh có thể học dở nhưng phải có ước mơ, hoài bão để làm động lực phấn đấu, vươn lên. Vì thế, muốn con mình có ước mơ và sống hữu ích cho gia đình, xã hội thì mỗi ông bố, bà mẹ hãy trở thành những người thầy tốt luôn gần gũi, dìu dắt, dạy con bài học làm người, biết ứng xử đúng, tự đi trên đôi chân của mình. Đừng bao giờ để cái bóng của cha mẹ che phủ ước mơ, tương lai của con cái.
Hà Khánh