Ô nhiễm không khí tại Hà Nội cao nhất, TPHCM lo ngại nhất triều cường ​

Hà Nội là thành phố có mức độ ô nhiễm bụi và biến động qua các năm cao hơn so với các đô thị khác. Giá trị trung bình năm của thông số bụi mịn PM2.5 và PM10 tại tất cả các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục tại Hà Nội giai đoạn năm 2018 - 2020 đều vượt quá giới hạn cho phép.
Chất lượng không khí ở Hà Nội gần đây luôn trong tình trạng rất ô nhiễm
Chất lượng không khí ở Hà Nội gần đây luôn trong tình trạng rất ô nhiễm

Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường năm 2020 vừa được gửi đến Quốc hội, giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù chất lượng môi trường không khí mỗi năm có khác nhau, song tình trạng ô nhiễm bụi tại các thành phố, đô thị lớn, các khu vực công nghiệp, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm bụi mịn (PM2.5 và PM10) tại Hà Nội và TPHCM luôn là một trong những vấn đề nóng, đặt ra nhiều thách thức. Mức độ ô nhiễm bụi mịn đều tăng từ năm 2017 đến năm 2019 và giảm năm 2020 - năm có nhiều tháng giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm không khí có sự khác biệt rất lớn giữa các đô thị. Hà Nội là thành phố có mức độ ô nhiễm bụi và biến động qua các năm cao hơn so với các đô thị khác. Giá trị trung bình năm của thông số bụi PM2.5 và PM10 tại tất cả các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục tại Hà Nội giai đoạn năm 2018 - 2020 đều vượt quá giới hạn cho phép so với QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,1 đến 2,2 lần - mức cao nhất ghi nhận năm 2019.

Trong khi đó, tại TPHCM, giá trị trung bình năm của thông số PM2.5 khá ổn định, mức độ biến động không đáng kể. Nhìn chung, các đô thị ở miền Bắc có giá trị trung bình năm của thông số bụi PM10 và PM2.5 cao hơn các đô thị khu vực miền Trung và miền Nam.

Liên quan đến môi trường nước, ô nhiễm trên các lưu vực sông (LVS) chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng, phần lớn các điểm quan trắc ghi nhận chưa có dấu hiệu ô nhiễm kim loại và hóa chất bảo vệ thực vật.

Các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước tập trung trên các LVS ở khu vực phía Bắc (LVS Nhuệ - Đáy, LVS Cầu) và phía Nam (LVS Đồng Nai), các LVS khu vực miền Trung, giai đoạn 2016 - 2020 chưa ghi nhận các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước mặt.

Ở khu vực hạ lưu sông Sài Gòn, khi vào nội ô TPHCM, đoạn cầu Ông Buông (kênh Tân Hóa - Lò Gốm), cầu Chữ Y (kênh Tàu Hũ - Bến Nghé), cầu An Lộc (kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật) được xác định là ô nhiễm bởi các hợp chất hữu cơ và dinh dưỡng, giá trị các thông số đã vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt cho phép.

Nguyên nhân chủ yếu là do tiếp nhận nước thải sinh hoạt của các đô thị, khu dân cư tập trung, của các cơ sở, loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường tiếp nhận.

Tình trạng xâm nhập mặn vẫn tiếp tục diễn ra tại các khu vực cửa sông, đặc biệt từ năm 2018-2020, xâm nhập mặn tại các khu vực hạ lưu LVS Vu Gia - Thu Bồn hay trên sông Vàm Cỏ và các sông trên địa bàn tỉnh Nam bộ có xu hướng gia tăng, gây tác động xấu tới chất lượng nước và ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân tại các khu vực bị xâm ngập mặn. Tình trạng triều cường gây úng ngập các khu vực đô thị ở Nam Bộ tiếp tục diễn ra, nhất là tại TPHCM.

Về chất lượng môi trường đất Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2020 có dấu hiệu suy giảm do ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt đô thị, chất thải làng nghề hay việc gia tăng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Tình trạng thoái hóa đất, sạt lở đất ở khu vực miền núi có xu hướng gia tăng cả về số lượng, mức độ và quy mô, ảnh hưởng đến tính mạng và hoạt động sản xuất của người dân.

Tin cùng chuyên mục