Ô nhiễm trầm trọng ở xã Cẩm Hà

Hơn 1.600 hộ dân ở xã Cẩm Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đang phải sống chung với ô nhiễm trầm trọng từ bãi rác tồn đọng, nghĩa trang trong khu dân cư, cộng thêm hơn 220ha đất chuyên trồng quất sử dụng phân, thuốc hóa học.
Bãi rác Cẩm Hà hiện đã quá tải
Bãi rác Cẩm Hà hiện đã quá tải

Ô nhiễm đất, nước và không khí

Bãi rác Cẩm Hà nằm sát nghĩa địa Bàu Thượng, khiến nguồn nước và không khí càng ô nhiễm trầm trọng. Do bãi rác đã quá tải nên nhà máy đốt rác lộ thiên, khói bốc triền miên cả ngày lẫn đêm. Những hôm trời mưa, nước mưa hòa nước thải từ bãi rác rò rỉ chảy tràn ra khu vực nghĩa địa, ra đường, mùi hôi thối nồng nặc. Đã nhiều lần người dân nơi đây kiến nghị chính quyền quy hoạch bãi rác xa khu dân cư và nghĩa địa, nhưng ngày ngày, hàng chục xe chở rác vẫn ra vào bãi rác. Núi rác vốn đã cao, nay càng cao ngất ngưởng.

Ông Võ Văn Trung, giám đốc nhà máy xử lý rác thải, cho biết: “Mỗi ngày nhà máy thu gom về khoảng 100 tấn rác thải, nhưng công suất nhà máy chỉ xử lý được 55 tấn. Số rác dư sẽ được chuyển vào trong Quảng Nam xử lý, nhưng cũng không kịp, khiến lượng rác tồn đọng trong khuôn viên nhà máy luôn ở mức hơn 300 tấn. Để hạn chế ô nhiễm, số rác tồn đọng này được nhà máy xử lý vi sinh, khử mùi, định kỳ giám sát môi trường”.   

Toàn xã Cẩm Hà có hơn 1/3 diện tích đất tự nhiên được người dân sử dụng trồng quất. Ông Nguyễn Trúc (đã trồng quất gần 20 năm) chia sẻ: “Trồng loại cây này tốn phân thuốc rất nhiều, mỗi mùa chi phí phân thuốc gần 100 triệu đồng. Khó khăn nhất là cây giống, nhiều cây có rễ củ vón cục (rễ đậu), nứt ra là thối nhưng không có thuốc xử lý để hủy cái rễ đó. Xã có hướng dẫn nhưng cũng sơ sài. Cuối cùng nông dân chúng tôi phải tới các đại lý mua thuốc tự xử lý. Giai đoạn chồi mới nứt lên thì phải bơm để sâu rầy khỏi bu vô ăn lá hoặc bông. Đến khi có bông có trái, nhất là khi lá mới ra bằng hạt tiêu, thì phải lo bơm thuốc giữ không cho sâu rầy bu vô, để cho trái phát triển. Rồi sau đó tùy sự phát triển sẽ bơm lượng thuốc thích hợp để nuôi quả, giữ quả. Gia đình tôi dùng thuốc không hôi. Nhưng chắc chắn nhiều ít cũng có độc, còn độc thế nào sao biết được. Hồi xưa đến giờ ở đây chỉ sống nhờ cây quất và cây bông, nếu không làm quất thì ở đây không biết làm chi sống”. 

Ông Nguyễn Văn Bê đã có hơn 10 năm trồng quất trong vùng, cho biết: “Để trồng được loại cây này, tôi đã dùng rất nhiều thuốc, chủ yếu thuốc rầy, nấm, nhất là thuốc tăng trưởng. Ước tính mỗi năm tốn gần 20 triệu đồng tiền mua phân, thuốc. Biết là sử dụng thuốc nhiều có thể bị nhiễm độc, gia đình cũng sợ, nhưng không thể không làm, vì đây là nghề nuôi sống gia đình. Bây giờ dù sao cũng đỡ lo vì người ta bán thuốc sinh học nên độc tố có phần nhẹ hơn. Loại quất cần thuốc rất nhiều, lúc rễ lên không nổi, phải bơm thuốc vô nuôi lá và từ lá nuôi xuống thân rễ. Thông thường một tháng bơm 2 lần. Trung bình nếu vườn lớn bán 700 triệu đến 800 triệu đồng, thì tiền thuốc, phân bón khoảng hơn 100 triệu đồng (15%)”.

Bà Trần Thị Thùy Trang, cư dân tại đây, than: “Khu vực này ô nhiễm không chỉ do bãi rác, nghĩa địa hay phân thuốc trồng quất, mà còn bị ảnh hưởng bởi nhà máy cá ở Điện Dương. Đất ở đâu có giá chứ đất ở đây không ai muốn ở vì quá ô nhiễm”. 

Chưa nghiên cứu tác hại của thuốc hóa học

Ông Mai Kim Phương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 613ha diện tích đất tự nhiên. Trong đó có 220ha trồng quất với trên 500 hộ (trong tổng số 1.600 hộ của địa phương), mỗi năm sản xuất ra thị trường 65.000 chậu quất và trồng mới khoảng 18.500 cây quất đất. Tuy nhiên, do thời tiết thất thường, dẫn đến trái không được to, nhiều sâu bệnh, nên người dân đã sử dụng thuốc trừ sâu quanh năm, gây ô nhiễm khu dân cư. Cho đến thời điểm này, không có cơ quan nào thống kê tác hại của việc sử dụng thuốc trừ sâu đến sức khỏe người dân ở đây như thế nào, nhưng thấy ảnh hưởng môi trường rất lớn. Địa phương chỉ vận động người dân hạn chế bơm thuốc, chỉ bơm khi ít có người ở nhà, hoặc giãn liều lượng ra. Trên thực tế, khó thống kê mỗi năm người dân xã Cẩm Hà sử dụng hết bao nhiêu thuốc hóa học để chăm sóc quất. Bất cứ khi nào thấy cây bị hư hại hoặc cần kích thích thì người dân bơm thuốc, chứ không theo liều lượng nào, tùy từng vườn và kinh nghiệm mỗi nhà. Riêng việc quy hoạch khu trồng quất, dù có dự kiến, định hướng, nhưng không có tiền để triển khai các khu tập trung”.

Ông Lê Đình Tường, Phó trưởng phòng Kinh tế TP Hội An, cho biết: “Việc sử dụng thuốc hóa học trong trồng quất ở Cẩm Hà chắc chắn là có gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và môi trường xung quanh, nhất là với một số vườn nằm trong khu dân cư. Tuy nhiên, để có đánh giá toàn diện việc tác động này thì cần phải nghiên cứu cụ thể. Về chuyên môn, hiện nay chúng tôi khuyến cáo người dân sử dụng loại thuốc nằm trong danh mục cho phép của ngành bảo vệ thực vật, đồng thời khuyến khích việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Tuy nhiên, do muốn bảo đảm phòng trừ sâu bệnh nhanh nên bà con vẫn sử dụng thuốc hóa học”.

Tin cùng chuyên mục