Dù nền kinh tế còn khó khăn, người tiêu dùng vẫn đang chắt chiu chi tiêu, nhưng sức tiêu thụ ô tô ở Việt Nam vẫn không giảm. Đặc biệt, xe nhập khẩu chiếm hơn 65% số lượng bán ra.
Vẫn chuộng nhập nguyên chiếc
Theo Ban An toàn giao thông TPHCM, 9 tháng đầu năm 2014 có 23.653 ô tô đăng ký mới. Trong số này, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc vẫn chiếm đa số. Hiệp hội Ô tô (Vama) thông tin, có hơn 65% ô tô bán ra thị trường 9 tháng đầu năm 2014 là xe nhập nguyên chiếc (CBU), còn lại là ô tô lắp ráp trong nước (CKD).
Chị Thu Lệ, nhân viên cửa hàng xe Hyundai An Dương Vương cho biết, tâm lý người tiêu dùng vẫn ưa chuộng dòng xe ngoại nhập nguyên chiếc, dù chất lượng một số loại xe nhập khẩu cũng chỉ ngang bằng xe trong nước, nhưng giá cao hơn nhiều.
Thử so sánh ô tô Hyundai Acent nhập khẩu nguyên chiếc từ Hàn Quốc, công suất máy chỉ có 1.4, nội thất xe ở mức cơ bản, giá bán lên đến 620 triệu đồng/chiếc (chưa tính thuế trước bạ). Trong khi đó, ô tô Hyundai Avante lắp ráp trong nước, công suất 1.6, nội thất đầy đủ, lòng xe rộng hơn nhưng giá mềm hơn, chỉ 580 triệu đồng (chưa thuế trước bạ). Dù vậy, dòng xe Hyundai Acent vẫn bán chạy hơn.
Mặc dù người dân vẫn thắt chặt chi tiêu, nhưng lượng ô tô bán ra tại các TP lớn vẫn liên tục tăng. Ảnh: CAO THĂNG
PGS-TS Phạm Xuân Mai, Khoa Kỹ thuật giao thông vận tải, Đại học Bách khoa TPHCM nhận định, chất lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc và xe nhập linh kiện lắp ráp trong nước nói chung không có gì khác biệt. Các hãng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như Toyota Việt Nam, Trường Hải đều sản xuất lắp ráp xe du lịch trong nước theo công nghệ của chính hãng gốc ở nước ngoài, để đưa ra tiêu thụ ở Việt Nam và xuất khẩu ra nước ngoài. Các hãng sản xuất đều phải tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu của hãng chính và được kiểm soát nghiêm ngặt, thông qua các bản hợp đồng chuyển giao công nghệ, các cam kết về chất lượng của chính hãng…
Trong thực tế, công tác sản xuất, lắp ráp các linh kiện CKD thành xe nguyên chiếc cũng phải trải qua các công đoạn kiểm tra chất lượng trên từng nguyên công, từng dây chuyền và kiểm định khi xuất xưởng. Tất cả những chỉ tiêu chất lượng này đều phải đạt yêu cầu theo chính hãng. Do vậy, chất lượng xe lắp ráp sản xuất trong nước không có gì khác so với xe nhập khẩu.
Tác động từ giảm thuế
Đến năm 2018, khi hiệp định tự do thương mại các nước ASEAN (AFTA) có hiệu lực, thuế nhập khẩu ô tô ngoại nhập sẽ giảm còn 0%. Lúc đó, áp lực cạnh tranh lên ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ rất lớn, vì giá bán xe cùng loại phải ngang nhau, trong khi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa phát triển, lại chịu nhiều loại thuế, phí hơn so với các nước ASEAN.
Việt Nam hiện có trên 90 triệu dân nhưng số lượng ô tô (xe du lịch) trên đầu người dân còn thấp, khoảng 80 - 100 người/xe. Trong thực tế, tiêu chuẩn về số lượng ô tô/người dân trung bình phải dưới 40 thì đất nước mới bắt đầu trở thành một nước công nghiệp được. Sản lượng ô tô ở Việt Nam trong thời gian qua có tăng nhưng không nhiều, chỉ khoảng trên dưới 100.000 xe/năm. Trong khi đó, Thái Lan là 2 triệu xe/năm (dân số là 67 triệu người).
Sự so sánh trên cho thấy, nhu cầu về ô tô ở Việt Nam còn nhiều và việc số lượng ô tô tiêu thụ trong nước vẫn tăng liên tục trong thời gian qua là bình thường, thậm chí còn thấp. Năm 2020, dự báo thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam sẽ ngang các nước trong khu vực, do vậy, nhu cầu mua sắm ô tô sẽ còn tăng cao hơn nữa, khoảng 200.000 xe/năm.
Rõ ràng, để phát triển công nghiệp ô tô trong nước thì sức mua hay dung lượng thị trường phải tăng. Muốn vậy, giá xe sản xuất ở Việt Nam phải ngang bằng các nước trong khu vực. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô, tạo ra các cơ chế chính sách để công nghiệp hỗ trợ phát triển. Khi ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ giúp giá thành ô tô giảm và dung lượng thị trường tăng.
Song song đó, phải phát triển nhanh cơ sở hạ tầng giao thông, tạo sức hút cho người tiêu dùng đi lại bằng ô tô. Kết hợp, giảm bớt các loại thuế phí ngang bằng với mức thuế phí như các nước ASEAN để tăng sức mua.
|
MINH XUÂN