“Ốc đảo” gồng mình vượt khó

Hai nhánh của sông Trà Khúc như gọng kìm kẹp chặt lấy thôn Ân Phú, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) trước khi nhập vào cửa Đại rồi đổ ra biển lớn. Ở giữa lòng sông, mỗi khi nước sông Trà dâng cao, chảy xiết, Ân Phú bị cô lập thành “ốc đảo” ngay tức khắc, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Cơn lũ lịch sử giữa tháng 11-2013, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999, người dân nơi đây quay cuồng vì nước dâng nhanh đến chóng mặt. Hơn một tháng lũ qua, quay về Ân Phú, người dân ở đây lại đang quay cuồng vì thiếu thốn đủ thứ…
“Ốc đảo” gồng mình vượt khó

Hai nhánh của sông Trà Khúc như gọng kìm kẹp chặt lấy thôn Ân Phú, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) trước khi nhập vào cửa Đại rồi đổ ra biển lớn. Ở giữa lòng sông, mỗi khi nước sông Trà dâng cao, chảy xiết, Ân Phú bị cô lập thành “ốc đảo” ngay tức khắc, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Cơn lũ lịch sử giữa tháng 11-2013, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999, người dân nơi đây quay cuồng vì nước dâng nhanh đến chóng mặt. Hơn một tháng lũ qua, quay về Ân Phú, người dân ở đây lại đang quay cuồng vì thiếu thốn đủ thứ…

Những bậc cao niên ở đây cũng không biết làng được lập từ khi nào, chỉ biết mỗi mùa lũ đi qua, doi đất giữa lòng sông ấy lại được đắp bồi cao hơn bởi cát và phù sa màu mỡ. Cái tên Ân Phú như một phần nói lên sự trù phú mà thiên nhiên đã ban tặng… Ấy vậy nhưng, cũng chính thiên nhiên là mối hiểm nguy khi chia cắt và biến nơi này thành “ốc đảo” của những cơn thịnh nộ!

Bao đời nay, cuộc sống của người dân Ân Phú vẫn chòng chành như con đò đưa họ qua sông Trà Khúc để về nhà sau những ngày bôn ba mưu sinh. Ảnh: HÀ MINH

Bao đời nay, cuộc sống của người dân Ân Phú vẫn chòng chành như con đò đưa họ qua sông Trà Khúc để về nhà sau những ngày bôn ba mưu sinh. Ảnh: HÀ MINH

Xóm “lụy đò”!

Ngày cuối năm trôi qua nhanh như tiếng thoi đưa bên khung cửi, trong cái lạnh buốt da thịt, chúng tôi lại về “ốc đảo” Ân Phú. Từ TP Quảng Ngãi mất 15 phút chạy xe máy, qua một lần đò và chỉ cách chừng 5 - 7km nhưng nhìn hai khung cảnh như bức tranh sáng - tối. Đứng bên bờ sông nhìn con nước cuối mùa lũ vẫn đục ngầu, lững lờ trôi.

Đang chờ đò để về làng, bà Nguyễn Thị Phố (56 tuổi) thả đôi quang gánh, mắt nhìn về hướng con đò đang rẽ nước lại gần, thẫn thờ: “Đã bao đời rồi vẫn “lụy” đò như thế. Thanh niên bỏ xứ đi hết, chứ thế này sao ở cho nổi. Lỡ nửa đêm nửa hôm, đau nặng biết kêu ai”. Cả đời gắn bó với “ốc đảo”, bà Phố từng trải bao cực nhọc! Bà bảo, trận lũ lịch sử vừa qua đã biến người dân ở đây vốn đã khổ càng thêm khốn khó.

“Trước khi nước lũ tràn về, để qua Ân Phú, người dân tự góp tiền mướn xe chở đất đắp đường tạm. Lũ qua, đường bị cuốn phăng, để lại mặt sông loang loáng nước. Lòng sông sau lũ nham nhở, như bị “mở” rộng thêm, sức đâu, tiền đâu làm đường mới. Rồi lại phải đi đò từ tháng này sang tháng khác thôi” - bà Phố tặc lưỡi nhìn ra mặt sông mênh mông sóng nước.

Đứng cạnh bên, ông Trần Hòa nói thêm vào: “Mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11 (âm lịch), người dân nơi đây gánh bao cơ cực. Nước ngập, tràn vào nhà cửa, cuốn trôi hoa màu, vật nuôi. Học sinh đến lớp từ tờ mờ sáng băng bùn, lội nước, dập dềnh đò ngang. Có hôm đến được trường đã trễ giờ học, quần áo lúc đi màu trắng, lúc về lem nhem bùn đất. Còn mùa nắng, cây cối khô queo quắt, ruộng đất bỏ hoang. Dân làng ở đây chịu thương, chịu khó, đầu tắt mặt tối ngoài đồng nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo”!

Không hẹn, ông Hòa và bà Phố cùng thở dài thượt, não nùng. Con đò chậm rãi cũng vừa cập tới, bà Phố lật đật quảy đôi gánh bước lên. Con đò chòng chành rời bến khi bên trên, gần chục người không áo phao hay bất kỳ dụng cụ bảo hộ nào!

Gượng dậy sau hoang tàn

Bước chân vào Ân Phú, những tàn tích của trận lũ vẫn còn in rõ trên khắp ngõ ngách, xóm làng. Bùn đất vẫn chưa dọn hết, khô lại tạo thành những sóng đất, gờ cao khiến phương tiện đi lại khó khăn, những lớp cát dày cả mét phủ kín mặt đường, mặt ruộng; những thửa đất trồng cây lương thực ngắn ngày khô cằn, chỗ tạo thành vũng sâu, đám xiêu vẹo ngoài đồng như vừa bị… rải bom.

Đang cặm cụi trồng lại những bụi rau lang, bà Bùi Thị Phượng (59 tuổi) buồn thiu nói: “Trước lũ, trồng được ít luống rau lang kiếm đọt bán lấy vài đồng mua gạo, nhưng chưa được bao lâu thì nước ập về. Rau ngâm nước lũ, chết hết. Đợi đến giờ, con trai đi làm ở xa về cho tiền mua giống mới về trồng lại, mong kịp bán những ngày cận tết”. Trời chuyển dần sang trưa, rồi đứng bóng, bà Phượng ngừng tay cào cuốc, tất tả về nhà.

Trong căn nhà cấp bốn ọp ẹp chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi cũ kỹ. Bà Phượng “tự hào” đó là tài sản quý nhất của hai vợ chồng già. Tôi lân la lại định bật lên xem, bà Phượng nói như mếu: “Hỏng rồi! Đợt lũ vừa rồi, nhà ngập gần tới nóc, hai vợ chồng già dù có cố “cứu” nhưng cũng phải chấp nhận “bỏ rơi” vì phải lo cho tính mạng của mình trước. Nước lũ ngâm giờ có bật ti vi lên cũng tối thui”.

Thiệt hại từ đợt lũ vừa qua cũng khiến gia đình bà Phượng trôi sạch gà, vịt mà cả hai vợ chồng tích góp bấy lâu. Lương thực, nông sản trong nhà ngâm nước cũng hư hỏng. “Cả năm quần quật ngoài đồng, giăng nắng mưa mới thu hoạch được ít ngô (bắp) đổi lấy lúa, gạo tích trữ, phòng khi thất bát khỏi phải trông chờ trợ cấp của nhà nước. Vậy nhưng, lũ qua, tay trắng. Từ sau lũ, số bữa ăn có thịt cá đếm trên đầu ngón tay, mì gói thay thức ăn lại thường xuyên hơn”!

Cách nhà bà Phượng không xa là nhà của ông Phạm Bồng (56 tuổi). Lúc chúng tôi đến, gặp bữa trưa. Cạnh nồi cơm nghi ngút khói là mâm thức ăn chỉ vỏn vẹn nồi canh rau cải nấu với mì gói và chén mắm nêm đã vơi tới đáy.

Bà Nguyễn Thị Phố (vợ ông Bồng) nói: “Ăn thế này là được rồi cháu, chứ làm nông, tiền đâu mà đòi… cao lương mỹ vị” - nói rồi bà cười lạc quan. Bà Phố kể, gia sản lớn nhất trong nhà là 2 ghè (lu) ngô của mùa trước để lại nhưng cũng bị cơn lũ nhấn chìm. Không tiền, không thu nhập, mùa vụ mới, hai vợ chồng chỉ biết ra đồng, trồng rau ngắn ngày, hy vọng rau lên nhanh để bán có tiền mua sắm tết”.

Hàng trăm gia đình ở “ốc đảo” Ân Phú vốn đã nghèo, sau lũ có nhà gần như trắng tay. Cái còn lại ở đây có lẽ là những nỗ lực gượng dậy gầy dựng trên những hoang tàn…!

Ông Bùi Tỏi, Trưởng thôn Ân Phú, đưa chúng tôi ra bến đò để về lại thành phố, vừa đi ông vừa nhẩm tính: có hơn 300 hộ dân với 1.500 nhân khẩu lâm vào cảnh thiếu thốn sau trận lũ lịch sử vì ruộng mất, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Tôi an ủi ông Tỏi: “Tỉnh Quảng Ngãi đã có chủ trương quy hoạch Ân Phú thành khu du lịch sinh thái hiện đại. Sắp tới sẽ cho nạo hút cát, chỉnh trị lòng sông Trà, các hộ dân sẽ được di dời đến nơi ở mới…”.

Ông Tỏi trầm ngâm giây lát, hoài nghi: “Chưa biết rồi cái khu du lịch sinh thái trong kế hoạch đó sẽ lung linh thế nào, việc chỉnh trị sẽ ra sao và bao giờ thực hiện. Còn hiện tại, dân Ân Phú vẫn chòng chành qua đò và vẫn là “ốc đảo” mỗi lần nước sông Trà dâng cao”!

HÀ MINH - TỬ THANH

Tin cùng chuyên mục