Ông bí thư chăm nhặt rác

Nhóm có 4 người đàn ông cỡ U.60, họ có thói quen vừa đi bộ tập thể dục vừa nhặt vỏ chai nước khoáng, chai nước ngọt trên đường đi qua, để gìn giữ vệ sinh chung.
Ông Đỗ Tấn Tài
Ông Đỗ Tấn Tài

Cả 4 người sống cùng một ấp Trung Bình (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM). Trong nhóm có 2 người đang làm việc trong ấp, đó là ông bí thư chi bộ ấp và anh trưởng công an ấp. 2 người còn lại làm nghề tự do.

Hàng ngày, cứ khoảng 3 giờ 30 sáng là họ cùng tập trung tại đầu đường chợ cũ ấp Trung Hòa (xã Trung Lập Hạ), rồi cùng nhau sải những bước chân đều đặn tập thể dục đi bộ qua ấp Vân Hàn (xã Trung Lập Thượng), đi và về 2 vòng quãng đường trên 6km, trên con đường Võ Văn Điều. Tôi là người ấp khác (ấp Vân Hàn) cũng thường xuyên đi bộ tập thể dục trên đường đó, nhưng đi chiều ngược lại với nhóm ấy. Có lúc tôi tháp tùng đi cùng với nhóm cho vui, và từ mấy chuyến đi trải nghiệm chung với nhóm này tôi thấy có nhiều điều thú vị, nhiều câu chuyện được các anh chia sẻ với nhau trên đường đi. Điều đáng nói, tôi thật ấn tượng khi thấy ông bí thư chi bộ Đỗ Tấn Tài trên đường đi bộ luôn dõi mắt quan sát kỹ 2 bên vỉa hè và trên mặt đường dưới ánh sáng lù mù của đèn giao thông nông thôn; hễ thấy vỏ chai nước nào người ta dùng xong vứt ra đường thì ông nhanh tay nhặt cho vào túi ni lông mang theo bên người.

Tôi ngạc nhiên nên hỏi dò: “Anh vừa đi bộ tập thể dục vừa nhặt ve chai, có vẻ cực nhưng lâu lâu bán ve chai một lần chắc cũng bộn tiền phải không?”.

Ông Tài đáp: “Có ngày tui nhặt gần chục vỏ chai nước mà trong lòng không được vui, còn khi không nhặt được vỏ chai nào thì trong lòng lại thấy vui, phấn khích. Bởi lẽ, xã mình là xã được công nhận nông thôn mới, ấp mình đang thực hiện cuộc vận động nếp sống văn minh, mọi người dân cam kết không xả rác bừa bãi nơi công cộng nên mình cũng phải đi đầu làm gương chứ”.

Tôi hỏi thêm: “Nhưng anh nhặt rác, vỏ chai nước vào giờ này, trời còn khuya khoắt, đâu có ai biết, đâu có ai thấy mà anh nói để làm gương”. Ông Tài bảo: “Mình tự giác lo giữ vệ sinh chung, thì tự mình biết được hiệu quả của nó rồi, đâu phải làm để được mọi người khen”.

Việc ông bí thư ấp chăm đi nhặt rác giữ vệ sinh chung đã có sức lan tỏa, 3 người khác trong nhóm đi bộ cùng ông cũng hưởng ứng tự giác nhặt rác khi đi bộ tập thể dục trên đường cho vào túi ni lông, chứ không như lúc trước thấy vỏ chai trên đường là dùng chân đá lăn lóc cho đỡ buồn. Có lần, tôi nghe ông bí thư ấp bàn tính công việc của địa phương với những người cùng đi bộ tập thể dục, như tham khảo ý kiến xem nên xét cho ai, hộ nào sắp tới được cất nhà tình thương, xét sao cho công bằng không khéo bà con thắc mắc, so bì, lần sau sẽ khó ăn khó nói với bà con lắm. Hay anh bàn việc chăm sóc cho các đối tượng chính sách, chăm lo giúp người nghèo, nhắc tổ trưởng để ý trong xóm có mấy đứa nhỏ ưa tụ tập chơi bời lêu lổng, coi chừng sa vào hút chích ma túy...

Buổi sáng, khi mọi người đi trên đoạn đường này sẽ thấy đường sá sạch sẽ. Việc chăm lo thực hiện trách nhiệm với cộng đồng thể hiện từ những việc nhỏ mà rất ý nghĩa như vậy.

Tin cùng chuyên mục