Ông Bí thư huyện và những chuyện lạ ở Mù Cang Chải - Bài 2: Giữ được bản sắc chính là phát triển

Tròn 10 năm trước, bị mê hoặc bởi triết lý phát triển của Vương quốc Bhutan, chúng tôi đã quyết tâm đến vùng đất nằm bên triền Hymalaya để tìm hiểu vì sao xứ sở này được coi là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Thước đo phát triển của Bhutan dựa trên 4 trụ cột: Phát triển kinh tế - xã hội bền vững; Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; Bảo vệ môi trường; Một chính quyền hoạt động hiệu quả và trong sạch. Đây cũng là cách Mù Cang Chải đang hướng tới và đã tạo được ấn tượng.
Rừng và ruộng bậc thang là nguồn cội cho Mù Cang Chải trở thành một thiên đường du lịch ở Tây Bắc. Ảnh: VŨ CHIẾN
Rừng và ruộng bậc thang là nguồn cội cho Mù Cang Chải trở thành một thiên đường du lịch ở Tây Bắc. Ảnh: VŨ CHIẾN

Nỗ lực không ngừng nghỉ

Năm 2022, chúng tôi kết nối để các bạn trẻ của tập đoàn PPG (một tập đoàn lớn của thế giới trong lĩnh vực sơn) triển khai chương trình Sắc màu cộng đồng, tu sửa, sơn mới các công trình dân sinh tại Mù Cang Chải. Các thành viên của PPG Việt Nam đã sơn sửa 30 phòng học, tặng các phương tiện học tập cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Chế Cu Nha (Trường Chế Cu Nha) với kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Trong buổi lễ bàn giao công trình, những học sinh của Trường Chế Cu Nha đã cảm ơn nhà tài trợ quốc tế bằng một chương trình dân vũ truyền thống khiến mọi người ngạc nhiên đến sửng sốt, bởi các em đã trình diễn vô cùng chuyên nghiệp. Nhưng sau nhiều lần đi đi về về với Mù Cang Chải, tôi hiểu, để có được những câu chuyện đẹp như thế là nhờ vào những nỗ lực không ngừng nghỉ của lãnh đạo huyện vùng cao xa xôi nhất tỉnh Yên Bái này.

Ngày lên nhận nhiệm vụ, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên đi thực tế các trường học trong toàn huyện và đề nghị thầy cô ưu tiên dành tiết học ngoại khóa dạy các em biết múa, hát giai điệu dân ca dân tộc mình.

Đồng chí Nông Việt Yên tâm sự: “Mù Cang Chải có đến 92% người dân tộc Mông. Gia tài văn hóa của người Mông với các điệu múa khèn, múa gậy, múa khăn… phải được gìn giữ. Bài học về sự mai một các giá trị văn hóa bản địa đã xuất hiện ở nhiều địa phương vùng cao khi du lịch phát triển chóng mặt. Chúng tôi không muốn điều này xảy ra ở vùng đất đặc biệt này ”.

Thực tế, chúng tôi đã chứng kiến ngay vùng cao Tây Bắc, nhiều địa bàn du lịch đầy tiềm năng nhưng do phát triển thiếu kiểm soát đã làm cho thiên nhiên hùng vĩ trở nên chật chội với những tầng cao chen chúc trong phố hẹp. Tiếng khèn Mông thiếu không gian để bay lên, thanh âm bát ngát lọt thỏm trong bê tông và đèn màu. Bởi thế, khi đến Mù Cang Chải với bạt ngàn lúa, bạt ngàn cây, bạt ngàn rừng, chúng tôi đã ước mong Mù Cang Chải giữ được thiên nhiên trong lành của rừng, đồng ruộng và những điệu múa tiếng khèn sẽ bay lên khoáng đạt giữa đại ngàn.

Có lên đây mới thấy hy vọng về một ngày không xa Mù Cang Chải sẽ trở thành thiên đường du lịch mới của Tây Bắc. Thời tiết, khí hậu, cảnh quan, văn hóa của miền đất này rất tuyệt vời, nhưng lâu nay Mù Cang Chải khó phát triển bởi giao thông không thuận lợi.

Giờ đây, với dự án kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, sẽ có một tuyến kết nối từ IC-15 vào đây. Nhưng muốn gìn giữ được các giá trị văn hóa thì trước hết phải chăm lo cho sự học. Và với vùng cao, chăm lo sự học khó gấp bội miền xuôi.

“Dân vận” trong giáo dục

Hôm ở Trường Chế Cu Nha, chúng tôi chứng kiến bữa ăn cùng lúc của gần 1.000 học sinh; đều đặn 3 bữa/ngày. Chế Cu Nha chỉ là một xã, còn cả Mù Cang Chải, cả Tây Bắc, cả hệ thống trường lớp miền núi…, hình dung thôi đã thấy vô vàn gian nan. Đưa được một học sinh đến trường đã khó, làm sao động viên, tạo nguồn cảm hứng cho các em thích đến trường, chăm học còn khó hơn. Nhưng ở Mù Cang Chải, Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên luôn có những cách động viên rất hiệu quả.

Tháng 9-2020, lần đầu tiên du khách có thể nhìn được toàn cảnh thung lũng ruộng bậc thang đẹp mê hồn ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha từ trực thăng. Dịp đó, cùng với những hình ảnh tuyệt đẹp về mùa vàng trên ruộng bậc thang, mọi người còn truyền đi một hình ảnh đẹp hơn, đó là cô bé người Mông Lý Thị Ninh đoạt giải nhất học sinh giỏi của huyện, được Bí thư Huyện ủy tặng phần thưởng là một chuyến bay ngắm mùa vàng trên ruộng bậc thang.

Bao nhiêu năm gắn bó với vùng cao Tây Bắc, chúng tôi hiểu rằng, muốn khuyến khích niềm đam mê học cho các em bé vùng cao, thì không chỉ làm công tác khuyến học theo cách cũ.

Trong hàng ngàn em bé ở Mù Cang Chải nhìn bạn Lý Thị Ninh leo lên trực thăng bay ngắm quê hương tươi đẹp của mình, không ít em nhen lên động lực học giỏi để được như bạn. Đó chỉ là một chi tiết nhỏ trong nhiều việc làm “dân vận” của Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên.

Mấy năm qua, chúng tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều trường học mới mọc lên trên mảnh đất rẻo cao Mù Cang Chải. Ngoài sự hỗ trợ to lớn của Đảng và Nhà nước với những công trình lớn, có không ít ngôi trường ở các bản làng heo hút được các chương trình thiện nguyện dựng lên xuất phát từ mối thiện cảm với những gì người đứng đầu Đảng bộ của huyện Mù Cang Chải đã làm cho vùng đất này. Biết lo cho tương lai một vùng đất từ việc gìn giữ văn hóa dân tộc cho những đứa trẻ, kích thích lòng hiếu học của các em bằng những bữa ăn ấm áp yêu thương, bằng những phần thưởng trong giấc mơ thơ bé..., đã nhen lên những hy vọng tươi mới từ Mù Cang Chải.

Từ bậc thang của rừng, của ruộng…

Nhiều năm trước, mỗi lần qua cung đường từ Khau Phạ đi lên, chúng tôi thường xuyên chứng kiến những trận cháy rừng. Nhưng mấy năm gần đây đã khác, con số che phủ rừng của Mù Cang Chải đạt 67% (tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam hiện chỉ đạt 42%), là con số đầy ý nghĩa. Những cánh rừng thông thu vào tầm mắt hôm nay cũng là khu rừng thông lớn nhất Tây Bắc. Nhờ tuyên truyền vận động và có chính sách hỗ trợ tích cực cho nhân dân, ở địa bàn các xã như Púng Luông, Nậm Khắt… gần 10 năm nay không để xảy ra vụ cháy rừng nào. So với tỉnh Yên Bái, Mù Cang Chải đã đi trước khoảng 10 năm trong việc nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bởi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái trong việc hiện thực hóa chỉ số hạnh phúc, có nêu vấn đề phát triển độ che phủ của rừng từ 63% lên 65% và phấn đấu năm 2030 đạt 67%. Vậy nhưng, 67% đã là tỷ lệ che phủ rừng của Mù Cang Chải hiện nay.

Theo Quốc lộ 32 từ TP Yên Bái vào Nghĩa Lộ, qua Văn Chấn, đặt chân tới cửa ngõ phía Đông của Mù Cang Chải, khi vừa lên đèo Khau Phạ, du khách đã sững sờ với thung lũng ruộng bậc thang mênh mông dưới trời xanh mây nắng. Vẻ đẹp hùng vĩ của những mái đồi ruộng bậc thang này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt với gần 900ha ruộng nằm trên địa bàn các xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Kim Nọi, Mồ Dề và Lao Chải. Nếu vẻ đẹp của ngọn núi, dòng sông, hang động, mặt hồ… là vẻ đẹp tự nhiên thuần phác, thì ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải là tạo tác của bao nhiêu đời người.

Vẻ đẹp thấm đẫm mồ hôi và tài nghệ mở ruộng trên chính mảnh đất sinh sống của gia đình dòng tộc. Những cán bộ lãnh đạo ở đây cũng đang tận tụy xây cho Mù Cang Chải những bậc thang để một ngày không xa, miền đất này thật sự là một thiên đường du lịch, với triết lý phát triển hướng tới hạnh phúc của chính mỗi người dân!

Ba tiêu chí định lượng chỉ số hạnh phúc của Yên Bái: Sự hài lòng về cuộc sống; tuổi thọ trung bình hiện nay trên địa bàn tỉnh; sự hài lòng về môi trường. Công thức tính gồm: Tỷ lệ hài lòng về cuộc sống x(nhân) Tỷ lệ đánh giá về tuổi thọ trung bình :(chia) Tỷ lệ hài lòng về môi trường sống. Chỉ số hạnh phúc ở Yên Bái là những căn cứ khoa học và định lượng được chứ không phải là một khái niệm mơ hồ. Miền đất này đang có những chuẩn bị đáng kinh ngạc cho triết lý phát triển mới của mình. Chúng tôi tin rằng, những gì đang diễn ra ở Mù Cang Chải là minh chứng sinh động cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội dựa trên những thực tiễn và lý luận mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng chỉ rõ. Từ câu chuyện của một địa phương, một mô hình, một triết lý, một khi thành công và được thừa nhận, được nhân rộng thì đó là sức thuyết phục lớn nhất ở cả hai khía cạnh: lý luận và thực tiễn.

Tin cùng chuyên mục