“Ông chủ xe” và trại heo rừng trên đảo

“Ông chủ xe” và trại heo rừng trên đảo

1. Lên đến bờ Hòn Đốc, thay vì “hành quân” bộ, leo dốc 4km, đoàn công tác của Vùng 5 Hải quân cùng các nhà báo được ngồi trên thùng xe tải tới Trạm radar 625. Người lái xe là đại úy, trạm trưởng Vũ Hồng Thám. “Con xe này là của trạm trưởng đó” - một sĩ quan của Tiểu đoàn radar 551 giới thiệu. Nghe mà thấy tò mò. Lúc xe lên dốc cao gần trạm, cũng người sĩ quan đó bất chợt chỉ tay và nói: “Đây rồi, trại heo rừng của trạm trưởng”. Chúng tôi càng tò mò hơn. Đứng trên trạm, bốn bề là biển ì oạp sóng, tưởng như vỗ ngay dưới chân. Đất bạn Campuchia hiện thật rõ, gần ngay trước mắt. Vùng biển ngày xưa từng mang hỗn danh “quần đảo hải tặc” nay thật yên bình.

Trong ráng chiều bàng bạc, ngắm những con tàu có vẻ hối hả mà bình thản lướt sóng, chúng tôi ai cũng lâng lâng cảm xúc. Bữa tối được “chủ nhà” dọn ra thật thịnh soạn với các món chủ đạo là… heo “gốc” rừng, vốn ở rừng Đông Nam bộ được mang ra đảo nhân đàn nuôi như heo nhà từ mấy năm trước. Ôi chao, ngon. Ăn mỗi miếng thịt có lớp da dày, vị ngọt thơm và giòn làm sao. Lại nhấp từng ly nhỏ rượu đế cay nồng, cảm giác thật hưng phấn. Cái mệt nhọc và lơ mơ say sóng từ cả chuyến hành trình vất vả hầu như tan biến…

Đại úy hải quân Vũ Hồng Thám (thứ 2, bên phải) giao lưu văn nghệ với đoàn nhà báo đến thăm trạm radar Hòn Đốc. Ảnh: THÁI BẰNG

Đại úy hải quân Vũ Hồng Thám (thứ 2, bên phải) giao lưu văn nghệ với đoàn nhà báo đến thăm trạm radar Hòn Đốc. Ảnh: THÁI BẰNG

2. Mở đầu câu chuyện, đại úy Thám cải chính ngay: “Hai cái xe tải, một lớn một bé là của tôi thật. Còn về trại heo, anh em cứ nói của trạm trưởng chứ thực ra là “cổ phần”, 2/3 của tôi và 3 người nữa, 1/3 thuộc về phúc lợi đơn vị. Đây là nguồn cải thiện đáng kể bếp ăn tập thể, cũng là nguồn thu khá của các thành viên góp vốn, anh à”. Số là, vào đầu năm 2009, qua một chiến sĩ được người quen ở Bình Phước mách chỉ về giống heo rừng này, đại úy Thám quan tâm tìm hiểu, thấy “có lý” liền bàn với anh em “sáp vô”. Vướng ngay cái khó ban đầu là vốn, quỹ của đơn vị chẳng có bao nên không thể cáng đáng hết. Vậy là anh cùng 3 sĩ quan khác hùn vào phần nhiều. 50 triệu đồng là giá của 1 chú heo đực và 3 thím heo nái đang có bầu. Chúng được chuyển từ tỉnh Bình Phước tới Hà Tiên rồi xuống tàu ra Hòn Đốc “định cư”.

Việc đã quyết và diễn ra vậy rồi nhưng anh em vừa chăn nuôi vừa thấp thỏm lắm. May nhờ, giống heo “gốc” rừng này không phụ công người lính đảo xa. Một tháng sau 3 thím heo nái lần lượt cho ra đời 8, 10 rồi 11 chú heo con. Sau 1 năm nuôi, một số ít được lọc giữ lại làm giống, đa phần được bán đi, còn heo nái sinh 2 lứa/năm. Cứ vậy, đàn heo sinh sôi nảy nở. Tổng đàn hiện có 72 con, trong đó có 8 heo nái. Nhìn trại heo rộng cả ngàn mét vuông, phân khu vực cho từng loại, từng lứa đâu ra đấy không kém gì một trang trại chuyên nghiệp, cánh nhà báo trầm trồ thán phục.

Đại úy Thám kể rành rẽ về những lợi thế của việc nuôi giống heo này. Đầu tiên là không mất quá nhiều công sức. Chỉ cần vài người, mỗi ngày bỏ ra khoảng 1 giờ là có thể chăm sóc cả đàn heo, từ ăn uống tới vệ sinh trại. Thức ăn là cây chuối, rau muống biển - rất dễ trồng và dễ lấy. Cả đàn heo, mỗi tháng chỉ cần ăn dặm thêm chừng 100kg cám, giá khoảng 500.000 đồng. Khi heo được 1 tuổi, nặng chừng 18 - 25kg/con, là lúc xuất chuồng, bán được 130.000 đồng/kg. Không tính số được sung vào bếp ăn đơn vị, bình quân mỗi năm tiền thu về từ bán heo được khoảng 60 - 70 triệu đồng. Quả là một nguồn thu đáng kể, làm ấm đẹp hơn cuộc sống của CB-CS và gia đình người lính nơi đảo nhỏ xa xôi.

3. Được thành lập năm 2003, Trạm radar 625 là “em út” của Tiểu đoàn 551. Vũ Hồng Thám có mặt từ ngay ngày đầu. Chàng sĩ quan quê Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên có dáng vẻ to cao, nhanh nhẹn khoác tay một vòng khu vực đơn vị, nói: “Doanh trại mới được xây dựng năm 2010, chứ những năm trước chỗ ăn ở của anh em đơn sơ lắm. Chúng tôi luôn tìm cách khắc phục, cải thiện để đời sống bộ đội và cảnh quan trạm ngày một tốt hơn”. Nhìn rừng bạch đàn cao vút đu đưa trong gió chiều và những bụi sả rậm rì xanh mát mắt như bao bọc lấy khuôn viên doanh trại, chúng tôi cảm nhận người lính đã phải đổ bao mồ hôi, công sức. Đúng là, dù xa xôi cách trở, khó khăn, thiếu thốn, nhưng người lính đảo đã luôn vững vàng, chủ động cuộc sống của mình một cách tự tin và sáng tạo.

Gần lúc trạm được xây dựng, chính đơn vị thi công đã “mở ra cơ hội” cho đại úy Thám… làm chủ xe vận tải. Thay vì phải mang xe ra đảo để chở đất đá, vật liệu, “chủ thầu” gợi ý trạm “thầu phụ” phần này. Lại bàn tính. Nhưng rốt cuộc không có ai làm cổ đông. “Thấy chắc ăn vì “đầu ra” đây rồi, về lâu dài lại chủ động được phương tiện cho mình, cho đơn vị, tôi điện thoại về quê nhờ cha mẹ xoay vốn giúp, rồi nhờ tư vấn, tìm kiếm mua xe, thuê người lái, “chốt” hợp đồng với nhà thầu. Khi khởi công là mọi việc đã đâu vào đó, trôi chảy ngay” - đại úy Thám vui vẻ kể. Thật ra, cái xe đầu tiên anh sở hữu này là loại xe tải “liên hợp quốc”, được cải tiến, chắp vá từ nhiều loại, ngay bản thân chủ xe cũng không biết gọi tên là gì. Thôi thì tạm gọi xe tải công trình. Vậy mà kềnh càng, khỏe khoắn, cày cả năm suốt thời gian doanh trại được thi công không “xi-nhê” gì. Kết thúc hợp đồng, “chủ xe” không những hoàn vốn 70 triệu đồng, còn tích lũy đôi chục triệu. Lãi ròng là đến giờ xe vẫn chạy tốt, thật đắc dụng những khi vận chuyển đồ tiếp tế từ cầu tàu lên trạm… Năm 2012, thấy nhu cầu vận tải hàng hóa và vật liệu của cư dân trên đảo ngày càng nhiều, Vũ Hồng Thám lại mạnh dạn đầu tư 80 triệu đồng mua thêm chiếc xe tải nhẹ hiệu Hyundai. Anh mời Phan Thái Hữu, một chiến sĩ đã ra quân từ 2005, định cư trên đảo làm tài xế. “Mỗi tháng, mỗi anh em cũng thu về được 3 - 4 triệu đồng - kể như là kinh doanh tạm ổn” - đại úy Thám cười, cho biết.

Ở quê nhà, cùng với niềm thương nhớ, chắc vợ con chàng sĩ quan hải quân này vui và yên tâm lắm. Người lính thật giỏi, ngoài việc luyện tập, sẵn sàng chiến đấu, họ cũng đang lao động vì chính cuộc sống tươi đẹp của bản thân và gia đình thương yêu.

THƯ NAM

Tin cùng chuyên mục