Ông già 75 tuổi và công trình “đánh đổ” cả Einstein lẫn Newton(?)

Ông già 75 tuổi và công trình “đánh đổ” cả Einstein lẫn Newton(?)

* Vì sao bỗng nhiên một người bình thường không có học hàm học vị khoa học và hoàn toàn “tay ngang” như ông lại chợt nảy ra ý tưởng nghiên cứu vận tốc ánh sáng có phải là hằng số vật lý như Einstein khẳng định?

* Động lực nào khiến một kiến trúc sư cả đời chỉ quen với bản vẽ xây dựng lại có ý định táo bạo, nếu không muốn nói là “phạm thượng”: thử nghiên cứu tính đúng đắn của các lý thuyết vật lý để chỉ ra sự ngộ nhận của Newton và Einstein trong thuyết vạn vật hấp dẫn và thuyết tương đối?

* Liệu đây có phải là một công trình khoa học vật lý lý thuyết mang tầm vóc thời đại, thay đổi nhận thức con người về thế giới tự nhiên đầy bí ẩn hay chỉ là sự huyễn tưởng “điên rồ” của ông lão 75 tuổi đầy ảo vọng?

  • Các nhà khoa học lớn của VN rất... sợ gặp tôi!?
Ông già 75 tuổi và công trình “đánh đổ” cả Einstein lẫn Newton(?) ảnh 1
Ông Bùi Minh Trí (trái) và PGS-TS Bùi Ngọc Oánh.

Nếu không được giới thiệu trước, thật khó có thể hình dung người đàn ông bé nhỏ đang ngồi trước mặt chúng tôi lại là tác giả của công trình khoa học có tên “Thuyết hấp dẫn mới: Trường quyền vật thể” mà chỉ đọc qua mục lục đã thấy “choáng” bởi những tiêu đề rất ư là “hoành tráng”, dữ dội và gai góc, đại loại như “cấu trúc vật lý cơ bản”, “hạt cơ bản nguyên tử”, “phương trình xác định trạng thái chất điểm chuyển động trong trường quyển”, “nhận xét đánh giá tính đúng đắn của lý thuyết vật lý”, “nhận xét đánh giá về lý thuyết vạn vật hấp dẫn của Newton và thuyết tương đối của Einstein”…

Vừa nghe chúng tôi nhắc đến tên công trình nghiên cứu của mình, ông đã bảo: Các nhà khoa học lớn của Việt Nam… sợ gặp tôi lắm! Thậm chí tôi vừa đưa bài báo “Bàn về định luật của Newton và Einstein” các ông ấy đã vội gạt ngay. Các ông ấy bảo: “Ông đừng bàn nữa! Cái đó đã hiển nhiên rồi, bàn làm gì?”. Người ta cứ “xói” tôi: Tại sao ông lại nhằm vào Newton và Einstein? Lạ một điều là chẳng có ai “xói” tôi rằng: “Ông Trí ơi, ông sai rồi. Ông sai ở chỗ này này…!”. Tôi rất muốn các nhà khoa học của Việt Nam chỉ ra tôi đã sai và tôi sai ở đâu. Thế nhưng, hầu như khi đọc nghiên cứu của tôi thì người ta lại chỉ có một cái chuẩn là Newton và Einstein!? Thế mà tôi lại đang phản biện hai ông ấy.

Lạy trời, “hai ông ấy” mà ông đang chống lại chính là Newton và Einstein lừng lẫy! Còn ông là ai cơ chứ? Ông chỉ là một người Việt 100% và trông rất… nhà quê. Bản thân ông cũng chẳng giấu “gốc nhà quê” của mình: “Tôi quê ở vùng Tiền Hải, Thái Bình.

Về kiến thức, tôi không phải là nhà vật lý hoặc triết gia nên chỉ hiểu biết hạn hẹp như những người bình thường không được đào tạo cơ bản về vật lý...”. Và cũng lại không kịp để chúng tôi có một lời nhận xét, ông nói ngay: “Nhưng cũng chính vì vậy, tôi lại có lợi thế về tư duy vì không phải tư duy theo đường mòn sách vở, không chịu sức ép về quan điểm hoặc uy tín của các nhà khoa học lớn kể cả Newton và Einstein”.

  • Ông đã tư duy cái gì?

“Thuyết vạn vật hấp dẫn của Newton xây dựng trên hai cơ sở: không gian tuyệt đối, thời gian tuyệt đối; khối lượng hấp dẫn khối lượng, vạn vật có khối lượng hấp dẫn lẫn nhau, khối lượng là đại lượng vật lý bất biến; lực hấp dẫn truyền đi tức thời và vô hạn. Nhưng thực nghiệm và vật lý hiện đại đã hầu như bác bỏ tính đúng đắn của cơ sở vạn vật hấp dẫn: Không gian không phải là môi trường trống rỗng. Môi trường không gian là môi trường hấp dẫn, môi trường không gian bao quanh các vi hạt hoạt động rất sôi động. Trong tự nhiên không có vận tốc vô hạn, vận tốc ánh sáng là vận tốc giới hạn”.

Cứ theo như ông, điều đó có nghĩa là: cơ sở quan điểm của thuyết vạn vật hấp dẫn không phù hợp với cấu trúc vật lý cơ bản của tự nhiên. Chỉ cần phát hiện lực hấp dẫn truyền đi với vận tốc hữu hạn là thuyết vạn vật hấp dẫn… sụp đổ (!?).

Thuyết hấp dẫn mới của ông còn… “đánh đổ” thuyết tương đối của Einstein (!?). Theo ông, cơ sở của thuyết tương đối đặc biệt là 2 tiên đề: tiên đề về tính tương đối và tiên đề về vận tốc ánh sáng. Tuy nhiên, hai tiên đề trên chưa phải là nguyên lý của tự nhiên nên Einstein đã có hai ngộ nhận rất nghiêm trọng: Một là ngộ nhận vận tốc làm thay đổi khối lượng của vật thể chuyển động. Hai là ngộ nhận môi trường không gian là chân không dẫn tới ngộ nhận vận tốc ánh sáng trong môi trường không gian là hằng số vật lý!?

Sau khi trình bày như… lên đồng về những mâu thuẫn, nghịch lý trong các lý thuyết vật lý, chỉ ra hàng loạt sai lầm (!?) của Einstein và Newton, ông khẳng định chắc như… lim: Với thuyết trường quyển vật thể của ông - Bùi Minh Trí - mọi mâu thuẫn nghịch lý của thuyết vạn vật hấp dẫn của Newton và thuyết tương đối của Einstein được… giải quyết suôn sẻ!?

  • Công trình chào mừng ĐH Đảng X

“Thế bạn bè, vợ con ông nghĩ sao về công trình này”? - Mới đầu, chẳng những không tin mà không có người nào muốn nghe tôi cả. Ai cũng bảo tôi có tâm thần không. Công trình của tôi đã được một số người biết đến, rồi được Cục bản quyền tác giả Bộ VHTT cấp bản quyền nhờ thông qua… Bộ Chính trị đấy!

Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, ông hồ hởi kể: Đây là công trình chào mừng ĐH Đảng X của tôi. Sợ gửi các nhà khoa học, họ cho vào… sọt rác vì nghĩ mình khùng, tôi gửi thẳng lên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và ông Phan Diễn, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư báo cáo về công trình khoa học của mình. Tôi nhớ đó là ngày 17-8-2005. Tôi cũng gửi công trình của mình cho Chủ tịch Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam là GS-VS Đặng Vũ Minh; Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ; GS Hoàng Tụy. Cả GS-VS Nguyễn Văn Hiệu cũng biết.

Kể ra hàng loạt các nhà khoa học tên tuổi đã biết đến công trình của mình, ông kết luận: Khi các nhà khoa học nhận ra sự ngộ nhận trong các lý thuyết vật lý, nhân loại sẽ chứng kiến một giai đoạn bùng nổ các phát minh lớn, đưa nhận thức của con người về tự nhiên lên một tầm cao mới.

Rồi ông trầm giọng thiết tha: Tôi mong các nhà khoa học nói chung, các nhà vật lý nói riêng quan tâm tới lời cảnh báo trên, xem xét đánh giá thuyết hấp dẫn mới và ứng dụng của nó vào thực tế!

Ông đã mừng đến lặng người khi đọc thư trả lời của GS-TSKH Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện Vật lý Điện tử: Theo đề nghị của Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội đồng đánh giá công trình “Thuyết hấp dẫn mới, Trường quyển vật thể” đã được thành lập theo Quyết định số 220/QĐ-VVLĐT ngày 15-9-2005 do Viện trưởng Viện Vật lý Điện tử ký… Hội đồng trân trọng đánh giá cao và rất cám ơn lòng say mê nghiên cứu vật lý của tác giả”.

Nhưng rồi ngay sau đó ông cũng lặng đi vì… thất vọng bởi theo lời của Giáo sư Nguyễn Ái Việt “Công trình sẽ có giá trị khoa học rất cao, là bước đột phá mới trong tư duy của loài người, nếu tính đúng đắn của nó được công nhận và kiểm chứng. Tính đúng đắn của một học thuyết khoa học (theo thông lệ quốc tế và lịch sử khoa học) phải do số đông cộng đồng khoa học quốc tế thừa nhận một cách dân chủ và tự nguyện, và phải có quá trình kiểm nghiệm thực tiễn chứ không phải do cơ quan khoa học nào hoặc hội đồng khoa học nào ra quyết định và công nhận được.

Tác giả phải tự công bố lấy công trình của mình như các nhà nghiên cứu khác đã và đang làm. Tác giả có thể gửi công trình đến các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín cao… để cộng đồng khoa học quốc tế cùng nghiên cứu, thảo luận và đánh giá”.

Làm sao ông có thể tự công bố công trình khi trong tay chẳng có một đồng với tên tuổi chỉ chằn chẵn 3 chữ “Bùi Minh Trí” không học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ, cả đời chưa hề có nghiên cứu khoa học gì? Qua giới thiệu, ông tìm đến PGS-TS Bùi Ngọc Oánh, Viện trưởng Viện Khoa học phát triển nhân lực và tài năng Việt Nam. Gặp ông, PGS-TS Bùi Ngọc Oánh rất xúc động: “Tôi nghe ông trình bày rất nghiêm túc công trình của mình.

Với tư cách nhà khoa học, tôi rất ủng hộ cái mới. Viện Khoa học phát triển nhân lực và tài năng Việt Nam sẽ hỗ trợ ông Trí việc công bố, dịch công trình sang tiếng Anh, kể cả hành lang pháp lý… để ông có thể công bố công trình của mình. Tất nhiên, việc kiểm định trong thực tiễn không đơn giản. Nếu công trình đúng thì rất tuyệt vời. Nhưng nếu không đúng cũng rất đáng ghi nhận về ý thức, tinh thần mạnh dạn khám phá, nghiên cứu khoa học của ông Trí. Chúng tôi ủng hộ sự mạnh dạn tư duy phản bác lại cái mà mọi người coi như đương nhiên đúng của ông Trí”.

Theo PGS-TS Viện trưởng Bùi Ngọc Oánh, Viện Khoa học phát triển nhân lực và tài năng Việt Nam đang chuẩn bị đưa lên mạng công trình của ông Trí trong tháng 11-2006 để mọi người cùng tham khảo. Sau đó, viện cũng sẽ tổ chức hội thảo trong tháng 12 này.

  • Vĩ thanh

Cả một buổi sáng ngồi nghe ông trình bày về lý thuyết của mình say sưa như lên đồng, người ngoại đạo như tôi cũng như bị thôi miên bởi ánh mắt cứ rừng rực lửa và cái giọng rù rì rất khó diễn tả của ông. Và suốt cả câu chuyện với ông lão 75 tuổi này, tôi cứ ám ảnh: Động lực nào khiến 3 năm trời, đầu óc ông già không lúc nào dứt những ý nghĩ về gia tốc, về vận tốc thời gian, về khối lượng và phương trình photon chuyển động trong trường quyển vĩ mô…?

Nếu không phải là khát vọng sáng tạo, muốn chiếm đỉnh cao tri thức của nhân loại thì có lẽ ông là người huyễn tưởng? Tôi sực nhớ chuyện Acsimet tìm ra định luật về sức đẩy của nước lúc đang tắm. Khi Acsimet quá sung sướng nhảy ra khỏi bồn tắm chạy thẳng về phòng làm việc quên cả mặc áo quần miệng kêu lớn “Ơrêca! Ơrêca!” (Tìm thấy rồi! Tìm thấy rồi!), những người đương thời có lẽ cũng đã nghĩ là ông… tâm thần?

HỒNG QUÂN

Tin cùng chuyên mục