Ông làm gì cũng… lắm

Lão nông kể chuyện làm giàu
Ông làm gì cũng… lắm

Có thể tóm tắt một cách ngắn gọn lý lịch của ông như thế này: “Ở trường tôi là giáo viên, về nhà tôi là ông nông dân chính hiệu”. Là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lai (Ngọc Lặc) lại sở hữu gần 5ha đất rừng với doanh thu mỗi năm đến cả trăm triệu đồng. Không chỉ vậy, ông còn nổi tiếng khắp vùng là một người mê… vác tù và hàng tổng! Ông là Đinh Xuân Lắm, ở thôn 3, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, song mọi người vẫn hay gọi ông là: Ông làm gì cũng… lắm!

Từ đường Hồ Chí Minh rẽ vào Sông Âm, còn ngót nghét 7km nữa mới đến được nhà ông. Nó nằm hút mãi phía trong một con đường nhỏ trải đất đỏ, hai bên đường rất nhiều bạch đàn, keo lai.

Trước khi gặp, tôi hình dung ông là một người thầy nghiêm nghị, áo quần đóng bộ chỉnh tề nhưng khi được tiếp xúc, chuyện trò cùng ông, mọi cảm giác xa lạ tan biến.

Lão nông kể chuyện làm giàu

Áo thu đông xanh mỏng, quần sơ mi nâu sờn, lưng giắt chiếc dao to dùng để phát cây. Từ đôi dép ông đi, cái áo ông mặc, đôi tay to bàn, xù xì đến lời ăn tiếng nói của ông tất cả đều minh chứng một điều: Ông là một lão nông đích thực, lão nông-trí thức.

Cái ao này được ông cải tạo từ con suối chảy qua vườn để thả cá và trồng sen.

Cái ao này được ông cải tạo từ con suối chảy qua vườn để thả cá và trồng sen.

Vừa đi ăn cưới ở xa về ông đã tranh thủ dắt con dao to lên thăm rừng, phát ít luồng thả xuống ao cho đàn cá ăn. Giọng ông sang sảng từ phía bên kia bờ ao: “Các chú thông cảm, tôi dở tí việc nhé”.

Cô con gái đầu sắp cưới nên ông lại có thêm biết bao việc phải lo. Ngồi trò chuyện với ông trong tiếng ồn ào của tốp thợ đang sửa lại cái bếp trước nhà, trông ông già hơn nhiều so với cái tuổi 50 của mình.

Ông bồi hồi nhớ lại: “Ngày mình vào phát hoang vùng gò Cây Cối này có bà hàng xóm bảo: “Sao mày dại thế. Ở với bố mẹ có nhà cửa đàng hoàng, có ao, gần 1ha đất rồi còn gì?”. Nhưng chú tính nhà mình 5 anh em, cả ông bà, vợ chồng và các cháu tới 13 người chung một mái nhà sàn, tiếng là khá giả mà cứ đói ăn, đói mặc liên miên”.

Năm 1986, ông giải ngũ rồi về quê dạy học ở Trường cấp 3 Ngọc Lặc. Đồng lương ba cọc ba đồng, cái nghèo đói ám ảnh khiến ông trằn trọc, vắt óc suy nghĩ: phải làm gì đây? Một chiều cuối năm 1987, trên đường đi dạy về nhìn lên phía gò Cây Cối đằng xa cây cối um tùm, rậm rạp, ý tưởng phát hoang, trồng cây, nuôi trâu lóe lên trong đầu ông: “Vùng gò này có địa thế khá đẹp, 9 ngọn đồi thấp quay vào nhau hình bát úp với 3 dòng suối chụm lại”.

Đã quyết việc gì là làm ngay. Về nhà, ông chỉ thông báo mấy câu cụt lủn với vợ: “Tôi lên trên gò phát hoang, mình ở nhà chăm sóc các con giùm tôi”. Hai bộ quần áo, chiếc xe đạp cà tàng, một con dao phát rừng, đèn pin với mấy cuốn sách, một mình ông băng băng theo lối mòn lên khu gò đất rộng mênh mông này.

Đất này như lời ông và bà con quanh đây vẫn thường kể: “Ngày trước nó là nơi chôn cất thi hài những em bé người Mường dưới 14 tuổi nên khi tôi đến trồng sắn, mía ai cũng sợ không dám vào trộm nên không phải làm tường rào gì cả”. Hồi ấy nai, hoẵng, chim chóc và cả rắn rết cũng còn nhiều. Có đêm ông đang thiu thiu ngủ trên cái lán cao làm giữa gò chợt thấy tiếng động trên mái lợp bằng lá cọ, tỉnh dậy soi đèn mới phát hiện con rắn hổ phì rõ to đang bò trên đó.

Lịch làm việc của ông khi đó là: sáng dậy sớm đào ao, phát quang cây bụi rồi đi dạy, trưa về tranh thủ chợp mắt, chiều đi dạy, tối về nằm trên lán vắt tay tính chuyện trồng cây gì, nuôi con gì cho có hiệu quả cao. Thi thoảng ông mới tạt qua nhà xem tình hình gia đình ra sao.

Có vợ về giúp đỡ, khu đất gò Cây Cối cứ ngày một hiện rõ hình hài một nông trại tươi tốt dưới sự bền bỉ của sức người. Ba con suối ngày trước được ông cải tạo thành ao nuôi cá, trồng sen. Nhạy bén trước nhu cầu của thị trường, ông mạnh dạn hết trồng chè, bạch đàn lại đến mía, vải, luồng, keo rồi trồng xen sắn, trám, bùi kết hợp nuôi bò. Mỗi vụ thu hoạch, số nhân công ông thuê chặt mía, đào sắn cao điểm lên đến cả trăm người. Ông tính: “Trồng mía cũng được nhưng giá cả bấp bênh, công lại cao, rút cục chỉ có luồng là cây đầu tư thấp cho giá trị kinh tế cao mà lại bền vững, bảo vệ được môi trường, tăng độ tươi xốp cho đất. Luồng thường phải 3 năm mới thu hoạch một lần. Cách đây 2 năm tôi bán được 13.000 cây với giá 5.000 đồng/cây, trừ chi phí cũng bỏ túi hơn 50 triệu đồng”.

Hiện tại, trong khu đất ông có khoảng 2.200 cây keo 4 năm tuổi, 100 gốc vải thiều, bạch đàn, vài vạn cây luồng, 4 con bò nuôi lấy thịt, trị giá cả tỷ đồng, mỗi năm cho lãi trung bình 50-70 triệu đồng.

Nói về cái sự giàu, sự liều của ông, bác Lê Văn Tân (hàng xóm của ông) cho hay: “Không ai được như thầy Lắm, dám nghĩ, dám làm cho nên thành quả hôm nay thầy đạt được là điều tất yếu”.

Ông giáo được lòng mọi người

Những cây keo này chỉ sau vài năm nữa hứa hẹn sẽ đem về bạc triệu cho gia đình ông Lắm.

Những cây keo này chỉ sau vài năm nữa hứa hẹn sẽ đem về bạc triệu cho gia đình ông Lắm.

Giỏi làm kinh tế, ở cương vị giáo viên, thầy Lắm cũng được các đồng nghiệp và học sinh trân trọng bởi sự nhiệt tình, quan tâm đến đời sống, tâm tư của họ. Dịp tết thầy mở tiệc nhỏ cho tất cả gia đình thầy cô trong trường để mọi người có dịp ngồi lại với nhau cùng lắng nghe, chia sẻ tình cảm.

Không những vậy, khi thấy lũ trẻ trong làng nghịch ngợm, đi bẻ trộm mía, bắt trộm gà, để trâu bò ăn lúa dưới đồng của làng, để hạn chế việc này thầy tập hợp các em lại lập đội văn nghệ Mục đồng, chính mình làm đội trưởng dạy các em ca hát và học múa sư tử.

Hàng năm thầy lại tổ chức hội diễn và trao giải cho các em. Điều kiện để được vào đội văn nghệ của làng cũng thật đặc biệt. Đó là: 1. Không bẻ mía cho trâu, bò ăn; 2. Trâu, bò được ăn no bằng cỏ; 3. Các em ai đến lớp cũng thuộc bài; 4. Không đánh nhau; 5. Không trộm vặt.

Thầy cười: “Trẻ em nếu biết hướng vào những hoạt động như thế thì tự các em sẽ biết nhìn nhau mà hình thành nên tính trung thực và đoàn kết”. “Cũng vì thấy việc nên làm mà không làm được thì trong người khó chịu, bức bối lắm” nên suốt mấy năm liền, thầy bỏ công sức, tiền bạc thuê người, thuê máy ủi bãi đất gần nhà làm sân chơi, nơi đánh bóng chuyền cho thanh niên, trẻ em trong làng.

Chuyện ông giáo Lắm sẵn sàng nhường đất cho làng làm đường giao thông khiến không ít người bất ngờ. Thầy thì chỉ nghĩ đơn giản: “Đường mình làm thì mình lại đi chứ mất gì mà thiệt”.

Cũng từ mô hình làm kinh tế thành công của ông mà nhiều người đã đến đây, học tập làm theo. Ông dẫn họ thăm vườn, chỉ tay về phía xa nói: “Với đất núi đồi này, trồng luồng là tốt nhất, ít công, giá cả ổn định mà lại giữ được đất, chống bạc màu và xói mòn đất rất tốt”.

Hồi gia đình ông Lắm mới chuyển về đây, điện còn là một thứ gì đó “xa xỉ” với bà con trong cái xóm heo hút vùng núi đồi này. “Có điện tức là có ánh sáng. Với bà con người Mường ở đây cái đó quan trọng cũng như việc cần phải có nước uống hàng ngày vậy”.

Ông đem cái sự trăn trở ấy nói với vị cán bộ ở địa phương, vị cán bộ kêu “biết thế nhưng ngân sách địa phương có hạn, khó khăn lắm”. “Bốc đồng” lên, ông nói một hơi chắc như đinh đóng cột: “Nếu địa phương đứng ra kéo điện về cho chúng tôi, các ông cứ vào nhà tôi lấy bạch đàn làm cột điện. Giá bạch đàn bên ngoài họ bán 20 ngàn đồng/cây, tôi cam kết chỉ bán 10 ngàn đồng/cây”. Không ngờ, buổi sáng ông nói vậy, buổi trưa về đến nhà thấy vạt rừng chỗ trồng bạch đàn phía xa chỉ còn trơ gốc. “Nói chơi ai dè họ làm thật”. Ông đưa tay lau mồ hôi vã ra trên mặt: “Thôi thì vì làng xóm, vì mọi người, mình thiệt một chút cũng không sao”.

Có một cơ ngơi đàng hoàng với ngôi nhà 2 tầng, ti vi, tủ lạnh, xe máy đầy đủ, song hạnh phúc lớn nhất đối với lão nông-trí thức ấy là được giúp đỡ mọi người, làm được điều gì đó cho xã hội, dù có vất vả đến mấy.

Hai con ông: cô chị cả Đinh Thị Nhàn, 25 tuổi, cũng theo nghiệp cha, đang là giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên Ngọc Lặc; cậu út Đinh Xuân Toàn hiện đang theo học khoa điện tại Đại học Tây Bắc (năm thứ 4) và người vợ Bùi Thị Hồng chính là chỗ dựa tinh thần, nguồn sức mạnh động viên ông tiếp tục cống hiến cho xã hội.

“Còn sức khỏe tôi vẫn sẽ phải làm chú ạ”, giọng ông chắc nịch trước khi chia tay chúng tôi.

Phong Doanh - Duy Thành

Tin cùng chuyên mục